Thiên tả và thân cộng

Trần Trung Việt

dcv_trantrungvietCần phải xóa bỏ một tín điều đã trở nên một nhầm lẫn quá lâu: “thiên tả là thân cộng”. Ngày nay, đã “thiên tả” thì không thể “thân cộng”, và ngược lại.” – Trần Trung Việt

Nhân đọc “Ở vùng nguội lạnh…” của Nguyễn Hữu Liêm

Cánh tả truyền thống

Khởi đầu từ Cách mạng Pháp 1789, “cánh tả”, bao gồm giới tư sản, trí thức, lao động thuộc đẳng cấp thứ Ba, thường ngồi bên trái ghế chủ tịch trong Estates-General (như quốc hội), luôn đại diện tinh thần cách mạng đòi công lý và tự do; đối ngược với “cánh hữu”, ngồi bên phải của ghế chủ tịch, của giới tu sĩ, quý tộc bảo thủ muốn duy trì trật tự chính trị xã hội bất công hiện hành. Suốt hai trăm năm qua, ý nghĩa tiên khởi “tả-hữu” của Cách mạng Pháp đã thay đổi và được dùng trong những bối cảnh hoàn toàn khác nhau để mô tả những băng tần chính trị khác nhau. “Cánh tả” trong truyền thống chính trị phương Tây bao gồm các khuynh hướng xã hội, dân chủ xã hội, và – cũng như chủ nghĩa phát-xít là hình thức cực đoan của “cánh hữu” – chủ nghĩa cộng sản là hình thức cực đoan của nó.(1)

“Cánh tả” cổ xúy quyền tự do cá nhân, công lý xã hội, dân chủ, và chủ trương một sự thay đổi nhanh chóng trật tự chính trị xã hội đương thời – thay vì lối thay đổi tiệm tiến của cánh hữu – để đạt đến một trật tự khác. Tinh thần của “cánh tả” là tinh thần cách mạng của những giá trị mới.

Một số trí thức “tả” phương Tây ủng hộ chủ nghĩa cộng sản. Nhưng một số lớn khác đã lên tiếng chống lại chế độ cộng sản man rợ ở Liên Xô ngay từ những ngày đầu. Không thể đồng hóa “tả” với cộng sản; cũng như không thể đồng hóa “hữu” với phát-xít và chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Việc giới trí thức “tả” phương Tây ủng hộ miền Bắc trong cuộc chiến tranh Việt Nam phải được hiểu là phản ứng chống lại cái mà họ cho là “chiến tranh đế quốc” trong truyền thống “tả” hơn là sự ủng hộ xây dựng chế độ cộng sản ở Việt Nam. Bằng chứng là giới “tả” này đã không ngần ngại tố cáo những chính sách dã man của Đảng Cộng sản Việt Nam từ sau khi chiến tranh chấm dứt và những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng hôm nay. Điều này hoàn toàn khác với những người được coi là “thiên tả” Việt Nam, những người trước sau như một vẫn trung thành với sự lựa chọn ban đầu của họ.

Thiên tả hay thân cộng?

Trong bối cảnh không bình thường của sinh hoạt chính trị Việt Nam trong mấy thập niên qua, không tồn tại một băng tần chính trị quốc gia “tả-hữu” có thể nhận dạng được. Thay vào đó là những nhãn hiệu xoay quanh cái trục “cộng sản”. Cộng sản là cực tả. Thân cộng là thiên tả. Chống cộng cực đọan là cực hữu. Chống cộng không cực đoan là thiên hữu (hay trung hữu). Vân vân và vân vân.

Trên thực tế, Việt Nam chưa bao giờ có một lực lượng chính trị cánh tả thực sự. Cái mà Việt Nam đã có là một hình thức “tả” cực đoan – cộng sản – và những người ủng hộ nó.

Trong bối cảnh không bình thường của sinh hoạt chính trị Việt Nam trong mấy thập niên qua, không tồn tại một băng tần chính trị quốc gia “tả-hữu” có thể nhận dạng được.
Đảng Cộng sản Việt Nam ngày nay đã trở thành một lực lượng chính trị bảo thủ và phản động (reactionary), với tất cả những thuộc tính của một đảng chính trị độc tài cánh hữu. Họ sợ thay đổi. Họ đề cao tinh thần dân tộc như một biện minh cho cố gắng bám víu và duy trì cái cơ chế chính trị đã thối rữa vì quyền lợi của họ. Họ hô hào “phát triển trước, dân chủ sau” và cổ xúy một sự thay đổi tiệm tiến trong sự kiểm soát của họ. Về bản chất, Đảng Cộng sản Việt Nam không khác các đảng quốc gia độc tài cánh hữu Đài Loan hay Hàn Quốc của những thập niên trước cách mạng dân chủ ở các nước này.

Hai đặc điểm mô phỏng một người thiên tả Việt: 1) chống chiến tranh, và 2) ủng hộ chế độ cộng sản ở miền Bắc trong cuộc chiến.

Chống chiến tranh là truyền thống và lý tưởng của cánh tả. Nó có nguồn gốc trong bối cảnh của những cuộc chiến tranh thực dân ở thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Nhưng trong bối cảnh của chiến tranh Việt Nam, một câu hỏi cần phải đặt ra là: những người được gọi là “thiên tả” này có thật sự chống chiến tranh vì lý tưởng chống chiến tranh của cánh tả hay không? Hay họ chống chiến tranh là chỉ để ủng hộ chế độ cộng sản miền Bắc lúc đó?(2)

Ba mươi năm là một khỏang thời gian đủ dài cho một câu trả lời thỏa đáng. Từ sau 1975, khi không còn chiến tranh để chống, những người “thiên tả” Việt chỉ còn một chuyện để làm: tiếp tục ủng hộ chế độ cộng sản ở Việt Nam! Họ cũng nói đến dân chủ và tự do, nói đến kinh tế thị trường và toàn cầu hóa, nói đến công lý và nhân quyền, đến lịch sử và tương lai dân tộc. Nhưng họ không chủ trương một sự thay đổi dứt khoát. Họ tin vào thay đổi tiệm tiến. Họ rao giảng về những lo sợ cho khả năng đổ vỡ nào đó vì những thay đổi mà họ cho là quá lớn. Trên thực tế, họ vẫn là đồng minh của ý chí muốn duy trì càng lâu càng tốt cái cơ chế chính trị đã rệu rã. Nói ngắn gọn: họ đã trở thành bảo thủ và phản động như cái đảng cộng sản mà họ ủng hộ. Trong thâm tâm, họ vẫn hy vọng một ngày đẹp trời nào đó cái chế độ chính trị, mà họ đã ủng hộ từ thuở thanh xuân, kia trở nên hiền hòa hơn, bao dung hơn, biết điều hơn để bắt đầu một cuộc chuyển hóa chính trị. Họ tin một cách thành thật là Đảng Cộng sản Việt Nam có khả năng này?

Hệ thống các loại hình chính trị, Nguồn: apgovernmentchs.wikispaces.com
Hệ thống các loại hình chính trị, Nguồn: apgovernmentchs.wikispaces.com

“Thiên tả” chỉ còn là một nhãn hiệu trống rỗng. Những người mệnh danh là “thiên tả” này đã đi theo cộng sản trong cuộc chuyển hoán thái cực chính trị mà họ không hề biết. Đã đến lúc phải lột bỏ cái nhãn hiệu “thiên tả” mà họ chưa bao giờ xứng đáng có. Họ thuần túy chỉ là những người “thân cộng”. Khi cộng sản ở bên tả thì họ thiên tả, nay cộng sản đã chuyển sang hữu thì họ cũng đi theo sang cánh hữu.

Chính trị cánh tả Việt Nam đang là một khoảng trống.

Thế hệ thiên tả mới: những người tự do

Giá trị chân thực của cánh tả đặt trên nền tảng của tinh thần cách mạng, đấu tranh cho quyền con người, cho công lý, và dân chủ. Một người “thiên tả” phải là một người biết căm phẫn trước sự chà đạp công lý. Một người “thiên tả” phải là một người biết lên án những vi phạm quyền con người. Một người “thiên tả” phải là một người có đủ can đảm để làm nhân chứng cho tự do.

Một người “thiên tả” không thể là một người, dưới bất cứ một hình thức nào, cổ xúy hay tiếp tay cho sự tồn tại của một chế độ, theo ngôn ngữ rất chính xác và hùng hồn của Nguyễn Hữu Liêm,

“giáo điều ngu xuẩn, mang bản chất bạo hành bất nhân, với một tập thể nhân sự vừa quê mùa, tục tĩu, vừa bất tài, thô kệch nhưng không thiếu điều kiêu hãnh cực đoan, tham lam, vơ vét.”

Một người “thiên tả”, trước hết và sau cùng, phải là một người tự do. Chỉ có những người tự do mới có khả năng thiết lập lại một lực lượng cánh tả đính thực đang thiếu vắng trong sinh hoạt chính trị Việt Nam.

Pennsylvania, 8/4/2006

© 2006-2015 DCVOnline


Phụ chú:

(1) Về chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa phát-xít và băng tần chính trị tả-hữu truyền thống

Có ý kiến cho rằng chủ nghĩa phát-xít của Hitler và Mussolini là một loại cánh tả quốc gia (John Ray), do đó nên xếp vào phía trái của băng tần chính trị thay vì cực hữu.

Lại có ý kiến khác lại cho rằng chủ nghĩa toàn trị cộng sản (định nghĩa của Karl Popper), cùng với các loại hình cực đoan khác như Stalinism hay chủ nghĩa phát-xít, nên được xếp loại một cách độc lập với băng tần chính trị tả-hữu truyền thống.

Bài viết này giới hạn trong phạm vi của băng tần chính trị tả-hữu truyền thống.

(2) Ý kiến của một người bạn khi đọc bản thảo:

“Trong phong trào tả phái phản chiến, họ có máu tả và dân tộc, yêu nước – điều mà bài viết này không đề cập đến – nhiều hơn là máu thân cộng.”

Phúc đáp của tôi:

– Về dân tộc và yêu nước: Tả phái không độc quyền về tinh thần dân tộc và yêu nước. Những người cánh hữu cũng có tinh thần dân tộc và yêu nước. Thực tế, cánh hữu thường tự hào về tinh thần dân tộc và yêu nước như một thuộc tính của họ. Tinh thần dân tộc và yêu nước chỉ nên được coi là những mẫu số chung cho sự đồng cảm giữa những người con của một dân tộc để tiến tới một sinh hoạt chính trị đa nguyên. Tinh thần dân tộc và yêu nước không thể dùng để biên minh cho bất cứ sự lựa chọn chính trị nào, đúng hoặc sai.

– Về máu tả: Không có bằng chứng gì cho thấy những người “thiên tả” này có máu tả cả. Nếu có thì cái máu ấy biến đi đâu sau 1975? Nếu đã từng có thì cái máu ấy biến đi đâu trong suốt 30 năm qua? Tại sao cái máu thân cộng không biến đi mà chỉ có cái máu tả biến đi thôi?

1 Comment on “Thiên tả và thân cộng

  1. Cu1ed9ng Su1ea3n kiu1ec3u Liu00ean Xu00f4, Trung Quu1ed1c vu00e0 Viu1ec7t Nam chu1ed1ng tu01b0 bu1ea3n nhu01b0ng khu00f4ng phu1ea3i lu00e0 thiu00ean tu1ea3 mu00e0 lu00e0 cu1ef1c hu1eefu. Chu1ebf u0111u1ed9 CS tou00e0n tru1ecb cai tru1ecb kiu1ec3u cu00e1c chu1ebf u0111u1ed9 u0110u1ee9c Quu1ed1c Xu00e3, Phu00e1t Xu00edt u00dd, tiu00eau diu1ec7t quyu1ec1n tu1ef1 do cu00e1 nhu00e2n. Phu01b0u01a1ng phu00e1p cai tru1ecb giu1ed1ng nhau, chu1ec9 khu00e1c cu00e1i chu1ee7 thuyu1ebft. Chu1ebf u0111u1ed9 Phu00e1t Xu00edt u00dd cu0169ng chu1ed1ng tu01b0 bu1ea3n, chu1ed1ng quyu1ec1n tu1ef1 do cu00e1 nhu00e2n, u0111u1ec1 cao quyu1ec1n lu1ef1c nhu00e0 nu01b0u1edbc nhu01b0 chu1ebf u0111u1ed9 CS. Thiu00ean tu1ea3 tu1ea1i cu00e1c nu01b0u1edbc Tu00e2y Phu01b0u01a1ng u0111i bu00eanh vu1ef1c cu00e1c nu01b0u1edbc CS lu00e0 u0111i bu00eanh vu1ef1c cu00e1c chu1ebf u0111u1ed9 cu1ef1c hu1eefu vu1ec1 mu1eb7t cai tru1ecb.