Nhận định tổng quan về thành phần phản chiến và lực lượng thứ ba (p4c)

Nguyễn Văn Lục

Giữa Chân Tín và Nguyễn Ngọc Lan, họ chẳng những coi nhau như đồng chí mà còn như ruột thịt máu mủ.

Trường hợp của Lm Chân Tín và Nguyễn Ngọc Lan

Vợ chồng Huỳnh Thanh Vân & Nguyễn Ngọc Lan, Lm Chân Tín. Nguồn: BBC Tiếng Việt

Lm Chân Tín và Nguyễn Ngọc Lan, trước 1975 được xếp vào thành phần thứ ba, và sau 1975, trở thành những người có công với cách mạng, được ưu đãi. Nhưng chẳng bao lâu sau khi hết được ân sủng, họ trở thành những kẻ “phản tỉnh” rồi “phản kháng” công khai với chế độ bằng những bài viết của họ.

Tuy nhiên, nội dung những bài viết trước 1975 và sau 1975 ấy như thế nào thì tôi nghĩ nhiều người đã không phân tích và không đọc kỹ. Hoặc có những người vốn có cảm tình với họ cố tình không đọc kỹ, dấu diếm cũng có, nhất là những bài viết của họ ớ giai đọan trước 1975 – những bài viết mang tính châm chọc, tính phá hoại đối với miền Nam và đề cao tính chính nghĩa của miền Bắc – đi đến chỗ họ còn cộng tác, nhận chỉ thị công khai, thỏa hiệp với miền Bắc mà ngay chính bản thân Chân Tín và Nguyễn Ngọc Lan xem ra cố tình cũng muốn quên, xóa bỏ những bài viết này.

Đối với tôi, không phải các ông ấy viết cái gì mà viết như thế nào. Đó mới là điều quan trọng. Điều thứ hai, các ông có cộng tác với MTGPMN là quyền các ông. Nhưng sau này, trong các tập nhật ký của Nguyễn Ngọc Lan (khoảng gần ngàn trang) cũng như Chân Tín cho rằng trước 1975, họ đã không cộng tác với cộng sản mà chỉ tranh đấu cho nhân quyền, vì nhân dân thì tôi hoàn toàn không đồng ý.

Xin thẳng thừng không úp mở với những kẻ theo cộng sản. Họ đã dối trá không trung thực và hy sinh như bà Sophie Quinn-Judge nhận xét ở đầu bài viết này.

Đây là những điều Chân Tín trả lời cán bộ công an thành xuống làm việc với ông do chính Chân Tín viết lại:

“Tôi trước sau như một. Tôi không đổi. Trước cũng như bây giờ, tôi chỉ nghĩ đến đất nước, đến nhân dân. Luôn luôn vì nhân dân mà tôi phấn đấu bất chấp nguy hiểm. Nếu tôi muốn hưởng thụ thì quá dễ.”

Chân Tín nói tiếp,

“trước kia tôi chống chế độ cũ cũng vì nhân dân. Nay nếu vì nhân dân mà tôi phải đi tù tôi cũng sẵn sàng. Tôi chắc rằng tham vọng phục vụ nhân dân là mẫu số chung của những ai yêu nước.”

(Chân Tín. “Nói cho con người (1975-2000)”, trang 169-170)

Chữ nhân dân mà Chân Tín dùng ở đây là chữ phản cảm nhất. Trước 1975, Chân Tín muốn ám chỉ nhân dân là ai? Chắc không có tôi trong đó. Chắc cũng không phải những người lính cộng hòa cũng chẳng phải những tù hình sự.

Nhân dân là những người phía bên kia mà Chân Tín là người hết lòng bảo vệ họ.

Thật ra tranh đấu trước 1975 đối với họ là tượng trưng cho niềm hãnh diện là trí thức tiến bộ, là yêu nước và nếu chẳng may phải đi tù thì sẽ trở thành mẫu hình lý tưởng cho cá nhân họ. Mà đã có người nào trong số họ đã phải đi tù đâu?

Nhưng chính vì cái lưỡng tính trong thái độ chính trị của họ trước và sau 1975 đã tạo ra nhiều thuận lợi cho họ đối với chế độ cộng sản và cả đối với chức sắc tôn giáo trong nước cũng như dư luận ngoài nước.

Họ thu hút được cảm tình của nhiều người, nhiều phía.

Trước 1975, nhất là Nguyễn Ngọc Lan đã có những quan hệ chặt chẽ về mặt tổ chức tốt đẹp đối với cộng sản nằm vùng và với những nhân vật thuộcthành phần thứ ba.

Lãnh đạo Mặt trận trước 1975 đã có những khuyến cáo là cần bảo vệ an ninh cho Nguyễn Ngọc Lan để chính quyền Thiệu không thể ám hại ông. Trong bài viết “Tiễn Biệt anh Nguyễn Ngọc Lan”, Trần Bạch Đằng có tiết lộ như sau:

“Tôi nhớ, ở chiến khu, Bí thư T.Ư Cục – anh Phạm Hùng có lần bảo tôi chú ý bảo vệ Nguyễn Ngọc Lan, nghe đâu ông đi lại bằng một chiếc xe gắn máy cũ kỹ, rất dễ bị ám hại. Tôi truyền đạt ý trên cho anh Tạ Bá Tòng, người trực tiếp liên hệ với Nguyễn Ngọc Lan.”

(Trần Bạch Đằng, “Tiễn biệt anh, anh Nguyễn Ngọc Lan”, Tuổi Trẻ Online đăng lại bài của Thanh niên, 28/02/2007.)

Như thế thì đã đủ để cho thấy Nguyễn Ngọc Lan là người của phía bên kia. Thật ra đấy chỉ là một sự lo xa của Phạm Hùng một cách không cần thiết. VNCH không có thói quen thủ tiêu đối lập. Chỉ sau này, chính Nguyễn Ngọc Lan và Chân Tín suýt mất mạng vì một tai nạn xe cộ có chủ tâm và âm mưu sau 1975.

Trước 1975, Lm Chân Tín cũng đã có quan hệ thân tín đối với sinh viên tranh đấu như Huỳnh Tấn Mẫm, Nguyễn Thị Yến, Nguyễn văn Thắng, Võ Thị Bạch Yến và chồng, bác sĩ Chi trong tổ chức sinh viên tranh đấu của cộng sản. Lm Chân Tín giữ vai trò Phó chủ tịch Ủy Ban vận động chế độ lao tù miền Nam!

Ai là người đã chủ xướng lập nên tổ chức này? Tôi muốn hỏi ai là Chủ tịch cái Ủy Ban này? Lm Chân Tín đã vận động cải thiện tranh đấu, nuôi ăn, che chở cho nhưng cán bộ cộng sản sinh viên nằm vùng. Nhưng ông đã giúp đỡ gì cho những trại tù cũng như tù nhân không phải là cộng sản?

Vì vậy, khi Chân Tín bị đi an trí, “đi đầy”, ở Cần Giờ, Duyên Hải thì chỉ là một hình thức đi nghỉ mát.

Trong thư Chân Tín viết cho Nguyễn Ngọc Lan, chị Vân (vợ Nguyễn Ngọc Lan) và bé Lan Chi (con gái Nguyễn Ngọc Lan) ngày 16-5-1990 có đoạn:

“Anh Điệp (linh mục quản nhiệm nhà xứ Cần Giờ) cho biết lúc tôi trên đường về Duyên Hải, thì anh Trương Hoàng, phó bí thư huyện ủy đã mời anh Điệp ra trao đổi. Anh nói: ‘Cha Chân Tín là ân nhân của anh, đã nuôi anh trong tù và bà mẹ anh vừa mới hỏi anh về sức mạnh của Chân Tín’

Về nghỉ được chút ít thì hai vợ chồng Võ Thị Bạch Tuyết đến thăm mừng rỡ. Thấy tôi đến tay không, Tuyết đi mua cho hai quần đùi thứ “xịn” khăn mặt và bàn chải đánh răng. Tuyết cùng tôi nhắc lại thời tôi nuôi cô ấy lúc ở tù. Tôi cũng nói là vì nhân dân mà tôi đấu tranh chống chế độ cũ và cũng vì nhân dân mà tôi phản đối nhà nước và Đảng sám hối. Trục xuất Chân Tín thì chưa có dấu sám hối. Anh Trương Hoàng nói Chân Tín về đây như đi nghỉ hè không có khó khăn gì chỉ không ra khỏi Cần-Thạch vì đây là lệnh của thành phố. Vậy anh em có dịp xuống chơi.”

(Nguyễn Ngọc Lan, nhật ký (1990-1991), nxb Tin Paris 1993, trang 1)

Chân Tín mỗi tuần vào ngày thứ hai có cháu gái xuống thăm nuôi mang theo thư từ quà cáp người ta gửi cả từ ngoại quốc gửi về. Sáng sáng đi tắm biển với cha xứ Cần Giờ. Quà cáp có thứ như rượu quý để cả trăm năm gửi về cho Nguyễn Ngọc Lan.

Và hầu như cả tập ký này dành cho những trao đổi thư từ giũa Chân Tín và Nguyễn Ngọc Lan trong thời gian bị giam ở Cần Giờ. Nguyễn Ngọc Lan còn gợi ý và gián tiếp coi việc đi an trí của Chân Tín cũng giống như trường hợp Sakharov bị đi đầy đi Gorky. Tôi cho là một so sánh quá đáng.

Việc Cộng sản Việt Nam cho Chân Tín đi an trí chẳng những chẳng có ích lợi gì cho chế độ mà chỉ làm tăng thêm uy tín cho cặp Chân Tín-Nguyễn Ngọc Lan.

Bạn bè khắp thế giới, bạn tranh đấu, các chức sác giáo hội như Hồng Y Phan Đình Tụng, các bề trên Dòng, các bề trên các dòng nữ như Biển Đức, các bạn bè thân thiết bên Pháp như Đỗ Mạnh Tri, Nguyễn Hữu Tấn Đức, Lm Hồ Đỉnh, các cựu sinh dòng Chúa Cứu Thế như Hồ Công Hưng, Vũ Sinh Hiên đều chia sẻ những ngày tháng bị “cầm chân” của Chân Tín-Nguyễn Ngọc Lan.

Giữa Chân Tín và Nguyễn Ngọc Lan, họ chẳng những coi nhau như đồng chí mà còn như ruột thịt máu mủ. Con gái Nguyễn Ngọc Lan coi Chân Tín như ông nội. Tôi chưa từng thấy có mối liên hệ nào thắm thiết và ân cần như thế bao giờ. Họ chia xẻ, họ trân trọng nhau, chuyện của người này cũng là của người kia, họ gắn liền nhau như một cặp khó tách rời.

Nhật ký của một người mà như thể hai người. Họ ghét ai thì cùng ghét như ghét Lm Nguyễn Huy Lịch, Lm Phan Khắc Từ, Huỳnh Công Minh, giám mục Nguyễn văn Hiền, Gm Đà Lạt, Lm Trần Tam Tỉnh, Lm Nguyễn Thái Hợp, sau này là giám mục địa phận Vinh, Lm Nguyễn Nghị, ông Nguyễn Đình Đầu. Xung khắc với TGM Nguyễn Văn Bình về chuyện dùng người, về tính ba phải, về tính nhát nhúa sợ sệt của TGM.

Sự công kích phần lớn do ngòi bút sắc cạnh của Nguyễn Ngọc Lan, nhưng đằng sau có sự thỏa thuận ngầm của Chân Tín. Và nhất là ghét cay ghét đắng Lý Chánh Trung. Trong Nhật ký, họ đã dành ít nhất ba bốn lần để hài tội Lý Chánh Trung từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn.

Thật hiếm có tình bạn nào như thế. Nhưng cái kẽ hở một cách vô thức của họ là họ công kênh nhau nhiều quá. Chẳng hạn một câu:

“Cha với con từ 75 đến giờ tuyệt nhiên không hề có huân chương, huy chương, không có cả một tờ “bằng khen” nào như thứ bằng khen Nguyễn Huy Lịch vẫn treo trên tường phòng ông ấy, hẳn là thuộc loại người chưa kê khai. Chúng ta chọn ngay lúc này mà kê khai chắc cũng là hành động tích cực: tạo điều kiện cho ngườ ta “giải quyết” hay “gỡ”.

(Nguyễn Ngọc Lan, Nhật ký 1990-1991, ibid., trang 67)

Chẳng lẽ lại bắt tôi nhắc nhở, còn có bằng khen nào quý giá hơn cho bằng tin tưởng cho phép tờ Đối Diện của Chân Tín và Nguyễn Ngọc Lan được tiếp tục trở thành Đứng Dậy trong chế độ mới và chỉ bị đóng cửa vào năm 1978, chẳng khác gì tờ Tin Sáng của đám Hồ Ngọc Nhuận, Ngô Công Đức, Lý Quý Chung.

Báo Đối Diện, Số 51, 11/1973. Nguồn: OntheNet

Những bài viết được đăng trên tờ Đối Diện (1970) như: Bài học của Cách Mạng của Lenin (12-1970). Diễn tiến và ý nghĩa của cuộc Cách Mạng tháng 8 (8-1972). Miền Bắc có gì lạ (2-1974) thì chỗ nào là tranh đấu cho Nhân quyền, tranh đấu cho Hòa Giải dân tộc, tranh đấu cho nhân dân?

Và nhân dân là ai mới được chứ?

Còn có vinh dự nào hơn cho Chân Tín trở thành Ủy viên Ủy ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam và Phó chủ tịch Mặt Trận thành phố.

(Chân Tín có tên trong danh sách ra tranh cử Quốc Hội. Nhưng cuối cùng Đảng và nhà nước đã dành vinh dự này cho Huỳnh Công Minh và Chân Tín vì thế đã “thất cử”.)

Dĩ nhiên Chân Tín cũng thừa hiểu rằng những chức vụ trên chỉ là những chức hữu danh vô thực như một thứ trang trí cho chế độ. Nhưng ông vẫn hoan hỉ nhận. Và chẳng bao lâu sau, Chân Tín lại được cho nghỉ. Ông nói: “Tôi được giải phóng rồi.”

Giả dụ, nếu ông và Nguyễn Ngọc Lan vẫn còn làm tờ Đứng Dậy hoăc vẫn còn được tiếp tục giữa các chức vụ hờ đó, liệu ông có thể trở thành người đối lập với chế độ không? Sau này, nhiều tờ báo như Nữ Vương công lý, khi viết về Chân Tín, cứ cố tình quên những chức vụ ấy của ông để chạy tội cho ông.

Cũng thêm một vinh dự không kém là trong dịp lễ Quốc Khánh 2-9. Cả hai ông cùng với phái đoàn nhân sĩ, trí thức Sài gòn gồm có Hòa thượng Thích Trí Thủ, Lm Chân Tin, Lm Nguyễn Huy Lịch, Gs Nguyễn Ngọc Lan, hòa thượng Thích Hiển Pháp, hòa thượng Thích Minh Nguyệt, ni sư trưởng Huỳnh Liên, nữ nghệ sĩ Kim Cương, nhà văn Vũ Hạnh, giáo sư Lý Chánh Trung, bà Ngô Bá Thành, luật sư Trần Ngọc Liễng, anh Nguyễn Văn Hạnh được mời mời ở khách sạn Thắng Lợi, cạnh Hồ Tây. (Hồ Ngọc Nhuận, Đời, bản thảo, trang 46-47)

Nguyễn Ngọc Lan, Chân Tín, Nguyễn Huy Lịch còn được cái vinh dự ngồi bên cạnh Lê Duẩn, Lê Thanh Nghị, Hoàng Văn Hoan, Xuân Thủy. Họ cùng nhau nói cười vui vẻ. cùng nhau nang cốc mừng thắng lợi!

Cùng nhận được vinh dự như Lý Chánh Trung, Nguyễn Huy Lịch, hà cớ gì Nguyễn Ngọc Lan cứ cay cú hai ông này?

Lúc Nguyễn Huy Lịch lâm chung cũng là lúc bà má vợ Nguyễn Ngọc Lan qua đời, chẳng biết Nguyễn Ngọc Lan có một lời giã biệt với Nguyễn Huy Lịch hay chăng?

Riêng ngày TGM Nguyễn Văn Bình tạ thế, Nguyễn Ngọc Lan đã chỉ đứng xa xa như một lời giã biệt. Giả dụ, lúc sinh thời, TGM Bình có bốn cố vấn, trong đó một người là Nguyễn Huy Lịch. Giả dụ, chức vụ vinh dự đó được dành cho Nguyễn Ngọc Lan thì ông có đố kỵ với vị chủ chiên như thế chăng? Hỏi để mà hỏi thôi.

© 2017 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: DCVOnline biên tập và minh hoạ.