Trưởng Nguyễn Tấn Hồng

Công hay diễu

Tr. Nguyễn Tấn HồngTrưởng Nguyễn Tấn Hồng (1922-2018) pháp danh Chân Hội là cựu Đại tá Y sĩ Trưởng Không Quân (1961-1965), cựu Tổng Trưởng Bộ Thanh Niên 1965, cựu Tổng trưởng Bộ Cựu Chiến binh (1967-1968), cựu cố vấn Hội Hướng đạo Việt Nam (1973-1975), một thành viên điều hành của Liên đoàn (HĐ) Việt Nam tại Montréal Québec, Canada (1983-2003), Trại trưởng Trại Họp bạn Thẳng Tiến II (1988, Everton, ON, Canada), cựu Chủ tịch Hội Y sỹ Việt Nam tại Montréal, một giáo thụ cuả trung tâm thiền tập Làng Cây Phong (Québec, Canada).

Trưởng vừa qua đời lúc 8 giờ 30 ngày 12/1/2018 tại Montréal Quebec, Canada.

Buổi trình luận án tại Đại học Y Khoa Hà Nội (1952) của Bs tân khoa Nguyễn Tấn Hồng, với Giáo sư Phạm Biểu Tâm trong Hội đồng Giám khảo. [nguồn: hình tư liệu gia đình Gs Phạm Biểu Tâm]

Khi Trưởng Nguyễn Tấn Hồng là thầy thuốc đã thành danh với một sự nghiệp chuyên ngành lẫn chính trị lớn như vậy thì người viết là một thiếu sinh mới gia nhập Phong trào Hướng đạo, nên chỉ biết và được làm việc chung với Trưởng, một thành viên của Liên đoàn Việt Nam ở Montreal, Quebec Canada, trong hai mươi năm 1983-2003.

Như một số trưởng lớn tuổi đã sinh hoạt Hướng đạo ở Việt Nam trước năm 1975, Trưởng Hồng đã tham gia hoạt động với Liên đoàn Việt Nam vì

“Tôi vẫn nhớ những bài học đã nhận được nơi các bậc đàn anh, những bài học này cũng như gương sáng của quý vị đó đã giúp tôi rất nhiều để vào đời đỡ bị lạc lõng. (Chính vì lòng biết ơn của kẻ được hưởng mà tôi thấy có bổn phận gián tiếp góp phần nhỏ vào công cuộc giáo dục các em.)”

Phần nhỏ mà Trưởng Hồng góp vào công cuộc giáo dục thiếu niên gốc Việt ở Montréal là những công việc trong vai trò một thành viên trong Hội đồng Bảo trợ và nhất là công việc thật của Thủ quỹ Liên đoàn. Với thanh danh và quá khứ như thế mà Trưởng Hồng đã rất vui vẻ nhận và làm tròn trách nhiệm với một Liên đoàn Hướng đạo bé nhỏ ở xã hội mới. Tuy vậy, Trưởng vẫn chưa bằng lòng với chính mình,

“Tôi lo công việc thủ quỹ tạm trôi chẩy, nhưng còn rất khiếm khuyết về phương diện bảo trợ: không lôi kéo khuyến khích được phụ huynh tham gia, không tìm được chỗ cho các em sinh hoạt, không gây được quỹ dồi dào cho Liên đoàn. Tôi rất áy náy và hổ thẹn.”

Trong suốt thời gian sinh hoạt với Liên đoàn Việt Nam có lẽ Trưởng Hồng là người duy nhất trong số những trưởng đã đi trại với đoàn sinh ở tuổi cổ lai hy. Trong một đêm mùa Đông giá buốt tại trại trường Tamaracouta, Trưởng Hồng đã chia sẻ với tráng sinh về một đề tài thú vị, “tình yêu đôi lứa và đời sống vợ chồng”. Người viết, đến nay vẫn nhớ như in những gì được nghe Trưởng chia sẻ tối hôm ấy. Một đàn anh “lớn” nhất Liên đoàn đã kể lại những sai lầm mình vấp phải trong đời sống. Quan trọng nhất là Trưởng Hồng đã dạy cho tráng sinh và Trưởng của Liên đoàn bài học “phải biết xin lỗi khi mình phạm lỗi” và dùng chính kinh nghiệm đời của Trưởng làm thí dụ. Mắt người viết đang nhoà khi ghi lại những kỷ niệm thương mến có được với Trưởng những ngày ở trại năm nào.

Trong lá thư ngày 23 tháng 3, năm 1999 gởi Trưởng Liên đoàn Việt Nam, Trưởng Hồng viết,

“Tôi hằng ao ước rằng, thêm vào nền giáo dục của cha mẹ với nhà trường, những điều Hướng Đạo dạy các em sẽ giúp cho các em có nhiều đức tính tốt. Mai sau các em có thể quên hết những khả năng kỹ thuật và chuyên môn nhưng mong rằng nền giáo dục các em được tiếp nhận đã uốn nắn các em thành những người sống vui vẻ, có ích và hài hoà với bản thân, gia đình và xã hội.”

Không phải lúc nào anh chị em trong Liên đoàn cũng đồng ý hay hoà thuận với nhau nhưng Trưởng Hồng luôn giữ vai trò hoà giải, cùng tìm cách giải quyết những vấn đề của Liên đoàn. Trong những khi Liên đoàn gặp khó khăn, trưởng đặt những câu hỏi chung, gợi ý và nhắc nhở cho những Trưởng đang sinh hoạt,

“Chúng ta có còn thiết tha với sự còn mất của LĐ? Chúng ta dự phóng hướng đi của LĐ ra sao? Chúng ta có thể đóng góp được gì? Chúng ta đã có những sai lầm gì trong quá khứ? Nếu có thì sửa đổi ra sao? Làm gì để các em thêm hăng hái, phụ huynh thêm tin tưởng?”

Ít hay nhiều, người viết tin chắc rằng Trưởng của Liên đoàn Việt Nam đã tiếp nhận được những lời khuyên nhủ và đóng góp của Trưởng Hồng và đến nay tại Montreal vẫn có sinh hoạt Hướng đạo của trẻ em gốc Việt. Không những thế, ngoài Liên đoàn Việt Nam đang sinh hoạt – LĐ Hướng đạo Canada gốc Việt đầu tiên hoạt động tại đất nước này từ năm 1980 – Trưởng từ LĐ Việt Nam đã thành lập thêm Liên đoàn Lạc Việt. Từ năm 2000, đối với Liên đoàn Việt Nam, khu sinh hoạt tinh thần ở Trại trường Tamaracouta (Chapel) đã có thêm tên mới, “Minh Nghĩa đường Nguyễn Tấn Hồng”(*).

Chia sẻ với Trưởng đã và đang sinh hoạt, Trưởng Hồng viết,

“Tôi tự xét tuổi đời thì cao, nhưng kinh nghiệm và hiểu biết về Hướng đạo chẳng có bao nhiêu; hơn 60 năm trước đây, tôi chỉ là một hướng đạo sinh có tuyên hứa, nhưng chưa bao giờ làm tới đội phó, nói chi tới đoàn trưởng, đạo trưởng. Chuyên môn thì có lẽ còn nhớ được nút dẹt là cùng, nói chi tới chuyên hiệu với bằng rừng.”

Tr. Nguyễn Tấn Hồng (1922-2018)

Người viết tin rằng là Hướng đạo sinh sống đúng với tinh thần của Lời hứa và Luật Hướng đạo như Trưởng Hồng, một tấm gương xán lạn cho chúng ta, là mục đích chính của Phong trào: góp phần giáo dục trẻ thành những công dân tốt, có trách nhiệm và ích lợi với bản thân, với gia đình và với cộng đồng xã hội. Nó hẳn có giá trị và đáng quý hơn mọi chức vụ, công việc hay phần thưởng của Phong trào, kể cả huy hiệu Rừng với hai, ba, bốn gỗ vậy.

Tối hôm nay, người viết sẽ đến chào lần cuối, tiễn Trưởng lìa Rừng về cõi vĩnh viễn bình yên, và luôn ghi nhớ lời của Trưởng như nút dẹt đã học được từ hơn 50 năm trước.

Một ngày mùa Đông ở Montréal, 17 tháng 1, 2018.

© 2018 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Trích đoạn: Thư của Trưởng Hồng viết ngày 23 tháng 3, năm 1999, gởi tất cả những Trưởng đã và đang sinh hoạt với Liên đoàn Việt Nam. Ảnh 2: Nguồn: Scouts Abound. (*) LĐ Việt Nam, Tạp chí Duy Tân, 20 năm sinh hoạt (1980-200o), trang 60.