Donald Trump muốn ‘Mỹ trước nhất’ nhưng được ‘Mỹ đứng một mình’
Scott Gilmore | DCVOnline
Trump hủy bỏ chuyến đi Anh là một rẽ ngoặt, đánh dấu sự suy giảm đáng buồn của ‘Mối quan hệ Đặc biệt’ và quyền lực của Mỹ
Liên minh giữa hai quốc gia nào quan trọng nhất trong 200 năm qua? Người ta có thể nói là liên minh giữa Liên bang Xô viết và Đức quốc xã. Nhưng so với tất cả các vụ tàn sát xẩy ra sau đó, giai đoạn của liên minh này có thể chỉ là vài tháng.
Liên minh Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh đã giúp định hình Chiến tranh Lạnh. Nhưng liên minh đó rất chập chờn, khi có khi không, và chưa bao giờ rõ ràng là họ đã thực sự ở cùng một phía.
Người Canada ngồi bàn cuối lớp đang háo hức giơ tay muốn nói về “biên giới không cần bảo vệ dài nhất thế giới và mối quan hệ thương mại lớn nhất”, nhưng cả hai điều này đều không đúng sự thật và liên minh giữa Ottawa với Washington chẳng có ảnh hưởng gì nhiều bên ngoài Bắc Mỹ.
Tôi cho rằng, ít nhất trong thế kỷ vừa qua thì liên minh Anh-Mỹ đã là mối quan hệ quan trọng nhất trên thế giới. Mỹ phát xuất từ Anh và ngay cả hai cuộc chiến tranh trực tiếp không bao giờ làm Washington muốn cắt giảm những mối quan hệ văn hóa và chiến lược chặt chẽ này. Mối quan hệ trực tiếp giữa Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Anh đã quyết định kết quả của cả hai lần Chiến tranh Thế giới.
Ảnh hưởng mạnh của Mỹ đã đẩy nhanh tiến trình phi thực dân hoá của Anh, vẽ lại lại toàn bộ bản đồ thế giới. Phố Trắng (ở Luân Đôn) và Toà Bạch Ốc là nền tảng xây dựng NATO. Khuynh hướng Đại Tây Dương ở London luôn cho phép Anh Quốc giữ một chân bên ngoài EU. Và cùng nhau, gần như bắt tay nhau, hai quốc gia này đã là đồng minh trong Chiến tranh Lạnh.
Liên minh của hai nước thậm chí còn được gọi tắt là “Mối quan hệ Đặc biệt”, được viết hoa như một điều vô song. Và mối quan hệ này thường được thể hiện trong mối quan hệ cá nhân gần như có vẻ tự nhiên gần gũi giữa Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Anh.
Khi nghĩ về liên minh xuyên Đại Tây Dương này, hình ảnh mà có lẽ là nhiều người vẫn nhớ là Margaret Thatcher và Ronald Reagan, cười cùng với nhau. Nhưng bây giờ, ngay cả sau cuộc gặp lịch sự giữa Thủ tướng Theresa May và Tổng thống Trump năm ngoái, khi bà dường như dìu ông bước xuống bậc thềm bằng cách nắm lấy bàn tay của Tổng thống, ý nghĩ cho rằng Phố Downing và Văn phòng hình bầu dục là những đồng minh tự nhiên có vẻ như đã lỗi thời.
Nhiệm kỳ của Tổng thống Trump là một cơn bão tuyết phân tâm bất tận. Luôn luôn có những trận lôi đình, lỡ nhịp, sai lầm và scandal. Gió thổi khắp mọi hướng và tin trang nhất thay đổi từng giờ. CNN bây giờ có một dữ liệu luôn cập nhật “Trump Live Updates” như thể ọ đang đưa tin về một thảm hoạ thiên nhiên đang xẩy ra (mà tôi cho rằng tại thời điểm này chúng ta có thể công nhận nó thật là như vậy).
Duyệt lại hôm qua. Một ngày bắt đầu với một tin nhắn do Tổng thống tweet đi lên án một trong những bộ luật quan trọng của chính phủ mà quốc hội sắp biểu quyết thông qua, đã khiến đảng của ông trở thành hỗn loạn. Một nhóm các cựu sĩ quan phụ trách khai hoả vũ khí hạt nhân đã viết một bức thư ngỏ gửi Quốc hội, gọi Tổng thống “hiện tại là một mối nguy hiểm rõ ràng cho đất nước.” Trump đã trả lời không mạch lạc trong một cuộc phỏng vấn với tờ Wall Street Journal – khi được hỏi về mối thù với cựu Cố vấn Chiên lược Stephen Bannon, ông lảm nhảm lạc đề trong vài phút về kỷ lục thể thao của mình hồi ở đại học và những chuyện không liên hệ khác. Một cuộc thăm dò cho thấy Oprah Winfrey đã có được con số hàng chục ủng hộ trong một cuộc thăm dò, ngay cả khi bà chưa công nhận là sẽ ra tranh cử. Trong một cuộc họp với giới lập pháp, Tổng thống đã nhạo báng ý tưởng cho rằng Mỹ nên chấp nhận người nhập cư từ châu Phi, mà ông gọi là một “hố phân”. Và ngày hôm đó kết thúc bằng bản tin cho hay Trump đã hủy bỏ chuyến đi London đã bị trì hoãn lâu nay.
Cũng dễ hiểu, bản tin cuối cùng trong ngày bị thổi bay mất trong cơn gió bão dồn dập. Thật là không may, bởi vì nó có thể là sự kiện quan trọng nhất trong tuần, và nó đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quá trình chuyển đổi lịch sử của vai trò của Mỹ trên thế giới.
Tổng thống Mỹ viện lý do là vì ông không hài lòng với quyết định của Tổng thống Barack Obama di chuyển Toà Đại sứ Hoa Kỳ đến một vị trí ít trung tâm hơn. Tuy nhiên, các nguồn tin ở cả Washington và London đều tuyên bố rằng Trump có quyết định này vì ông muốn tránh sự đón tiếp không thân thiện của cả chính giới và công chúng ở nước Anh.
Chắc chắn đây là sự thật. Trump đã công khai thù hận đối với Thị trưởng London. Giới hoạt động ở Anh từ lâu đã hứa hẹn những cuộc biểu tình khổng lồ khi Trump sang Anh Quốc. Còn có tin đồn rằng phố Downing đã hạ cấp chuyến viếng thăm để tránh việc phải đưa Trump đên gặp Nữ Hoàng. Thủ tướng May có lẽ đã không nhiệt tình và cảm thấy nhẹ nhõm khi biết tin Trump hủy bỏ chuyến đi; Trump không chỉ là một Tổng thống rất không được ưa thích, nhưng ông cũng còn chẳng có ích lợi đặc biệt gì cho nước Anh.
Mối liên hệ giữa London và Washington hiếm khi yếu đến thế này. Họ không còn chia sẻ quan điểm chung về an ninh châu Âu, NATO, các cuộc tấn công trên mạng, Trung Đông, Iran, Bắc Triều Tiên, biến đổi khí hậu, Liên Hiệp Quốc hoặc chủ nghĩa đa phương nói chung. Danh sách này còn có thể tiếp tục.
Và những điểm căng thẳng này không chỉ giới hạn ở Anh. Đối với tất cả các đồng minh truyền thống của Washington, từ Nhật Bản đến Đức, càng ngày càng khó tìm ra những điểm chung với Hoa Kỳ. Đã có nhiều người trong giới quan sát ngoại giao lưu ý rằng chiến lược “Hoa Kỳ trước nhất” của Trump đã chứng tỏ rằng nó có nghĩa đơn giản là “Mỹ đứng một mình”.
Hoa Kỳ đang co cụm vào chính mình. Mỹ được xem là nước ngày càng không đáng tin cậy. Trong nhiều trường hợp, Washington đang tích cực chống lại ưu tiên của những quốc gia từng là đồng minh. Và hai sự kiện trong vụ Tổng thống Mỹ đã phải hủy bỏ chuyến đi Anh vì ông không được hoan nghênh, và quyết định này hầu như không tạo thành tin tức, là những bằng chứng cho thấy những ngày của “Mối quan hệ Đặc biệt” có thể đã kết thúc cùng với “Thế kỷ của Mỹ”.
© 2018 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net
Nguồn: Donald Trump wanted ‘America First.’ He got ‘America alone.’.Scott Gilmore, Maclean’s, January 12, 2018.