Cuối cuộc diễn binh

The Economist | Trà Mi dịch

xiMục đích thực của cuộc phô trương quân sự hiếm thấy này là để chứng minh ai là ông trùm Trung Quốc.

Tập Cận Bình trên màn hình trong cuộc diễn binh ở Quảng trường Thiên An Môn, 3/9/2015. Nguồn AP
Tập Cận Bình trên màn hình trong cuộc diễn binh ở Quảng trường Thiên An Môn, 3/9/2015. Nguồn AP

Sau những tuần thị trường chứng khoán trồi sụt lộn xộn, đứng duyệt binh, xem đoàn quân diễn hành đồng bộ chính xác, theo đúng mệnh lệnh của mình là một thay đổi tốt cho Tập Cận Bình, Chủ tịch nước CHND Trung Hoa. Diễn binh rầm rộ có thể đã không còn hợp thời ở những nơi khác, nhưng các quốc gia châu Á vẫn thích phô trương cơ bắp. Sau những cuộc phô bày vũ khí và và sức mạnh ở Ấn Độ, Pakistan, Nga và Đài Loan trong năm nay, Trung Quốc đã tổ chức cuộc diễn binh phô trương vào bậc nhất dưới bầu trời trong xanh ở Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 3 tháng 9.

Sự kiện này đánh dấu “Ngày Chiến thắng”, một ngày lễ TQ mới phát minh vào năm 2014 để đánh dấu ngày kết thúc “Chiến tranh Nhân dân Kháng chiến chống Xâm lược Nhật Bản”. Đó là giai đoạn những năm trước và trong chiến tranh Thế giới Thứ hai ở Trung Quốc. Đây là cuộc diễn binh quy mô đầu tiên của Trung Quốc kể từ năm 2009, là cuộc diễn binh đầu tiên để ăn mừng không gì khác hơn là sự cai trị của Đảng Cộng sản và lần đầu tiên có sự tham gia của quân đội nước ngoài. Tuy nhiên, ông Tập (hình trên) không cần phải tổ chức diễn binh năm nay. Những cuộc diễn binh như thế đã luôn luôn được tổ chức mỗi mười năm để kỷ niệm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào ngày 1 tháng 10 năm 1949. Cuộc diễn binh này đã không theo thứ tự, nó xảy ra trước bốn năm. Tại sao?

Chính phủ TQ đã mô tả cuộc diễn binh như là một buổi lễ kỷ niệm quốc tế, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 70 năm chiến thắng của Đồng Minh. Nhưng một bài báo của tờ Nhân dân Online, cơ quan ngôn luận của đảng, hồi đầu năm nay đã cho biết rõ ràng nó có nghĩa là gì. Mục đích của cuộc diễn binh, bài báo nói, là để “răn đe Nhật Bản”“phô trương sức mạnh quân sự của Trung Quốc”. Cường điệu này đã nhanh chóng xuống giọng là để “tuyên bố với thế giới rằng Trung Quốc hết lòng bảo vệ trật tự quốc tế sau chiến tranh thế giới hai, chứ không phải thách đố nó”. Trung Quốc lập luận rằng mối đe dọa chính đối với hiện trạng quốc tế là mong ước của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe muốn viết lại hiến pháp hoà bình của Nhật. Vì vậy, cách nói lịch sự của Trung Quốc, trên thực tế, chẳng khác gì khác với lời tuyên bố ngang ngạnh.

Trong ba mươi người lãnh đạo quốc gia hay chính phủ cùng với họ Tập đứng trên khán đài duyệt binh có cả Vladimir Putin (khó có thể được coi là một người bảo vệ trật tự quốc tế đáng chú ý, nhưng không sao). Các quốc gia đó là những phần trên bản đồ thế giới, những nơi mà Trung Quốc có ảnh hưởng mạnh: Trung Á (có mặt lãnh đạo bốn trong năm “stans” ), một phần ở Đông Nam Á (Việt Nam, Campuchia, Lào); các nước châu Phi (Nam Phi, Ai Cập, Sudan); cũng như Đông Âu. Chỉ có một quốc khách đáng ngạc nhiên là Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, xuất hiện ngay sau cuộc nắn gân với Triều Tiên. Bà Park Geun-hye chống lại áp lực của Mỹ, nhận lời mời tham dự, có lẽ với hy vọng sẽ thuyết phục được Trung Quốc dùng ảnh hưởng đàn anh để kiểm soát người láng giềng phương Bắc.

Nhưng không có bất kỳ tổng thống hay thủ tướng nào khác của các quốc gia dân chủ đã chiến đấu cùng bên với Trung Quốc trong Thế chiến Thứ hai: đó là, Mỹ và các đồng minh phương Tây. Viễn ảnh đứng xem lính Trung Quốc diễn hành bước ngỗng xung quanh quảng trường, nơi mà cách đây 26 năm, quân đội TQ đã giết chết hàng trăm nếu không phải hàng ngàn người biểu tình ủng hộ dân chủ là điều khó có thể chấp nhận được đối với người phương Tây. Đầu năm nay Trung Quốc đã thả bóng về dự định tổ chức một cuộc liên hoan dân sự kèm theo, để người châu Âu và người Mỹ có thể đã tham dự. Nhưng không có chuyện gì xảy ra.

Hẳn nhiên họ Tập không ngạc nhiên và thất vọng vì sự vắng mặt của lãnh đạo phương Tây. Đứng với Putin cho phép Tập Cận Bình phô trương một sự thách thức với phương Tây, điều mà đảng cộng sản coi là điểm yếu của Trung Quốc. Ngay sau khi lên nắm quyền, họ Tập và các ban lãnh đạo đảng đã đến thăm một bảo tàng bên cạnh Quảng trường Thiên An Môn để xem một cuộc triển lãm mang tên “Con đường đến Phục hưng”. Nó ngụ ý cho thấy dân chúng Trung Quốc thấy dù bị “hạ xuống thành một xã hội nửa thuộc địa, nửa phong kiến kể từ khi chiến tranh nha phiến năm 1840, TQ đã trỗi dậy đề kháng chống lại sự sỉ nhục và đau khổ” như thế nào. Vào “Ngày Chiến thắng” năm ngoái, giới lãnh đạo TQ cũng đã làm điều tương tự, lần này, họ đến thăm một bảo tàng ở Bắc Kinh kỷ niệm chiến tranh. Cuộc triển lãm ở đó nhằm mục đích cho thấy cuộc kháng chiến chống lại Nhật Bản và là chiến thắng đầu tiên của TQ sau “thế kỷ của sự sỉ nhục”.

Tại các cuộc diễn binh, họ Tập đã nêu ra ý nghĩa hiện đại của những chuyến viếng thăm này. Trong khi Mỹ và Liên Xô đã trở thành siêu cường vì những gì họ đã làm trong chiến tranh, Tập Cận Bình lập luận, thì vai trò trong chiến tranh của Trung Quốc là để “tái lập vị trí nước lớn của Trung Quốc”.

Một cuộc phô trương vũ khí khổng lồ là để củng cố luận cứ của Tập Cận Bình. Mười hai ngàn binh lính diễn hành qua khán đài cùng lúc với trực thăng tấn công bay ầm ầm trên không vẽ thành hình số “70”. Trung Quốc lần đâu tiên cho thế giới thấy loại xe tăng mới, máy bay chiến đấu, máy bay ném bom, và một số hệ thống hoả tiễn mới. Những vũ khí đó gồm hoả tiễn đạn đạo tầm trung DF-16, hai loại năng lượng hạch tâm có khả năng liên lục địa (DF-5B và DF-31A) và cái gọi là hoả tiễn diệt “tàu sân bay”, DF-21D có thể một cú tiêu huỷ một tàu sân bay (xem biểu đồ). Tất cả là mối quan tâm của Mỹ.

Hoả tiễn của Trung Quốc. Nguồn:
Sức mạnh hoả tiễn của Trung Quốc. Nguồn: Economist.com

Trung Quốc cũng phô bày không ít về chủ nghĩa xét lại lịch sử, nhằm đánh bóng thành tích trong chiến tranh của đảng cộng sản. Sử gia Trung Quốc thường phàn nàn rằng sự hy sinh của những người lính và dân của họ trong Chiến tranh Thế giới Thứ hai đã bị bỏ quên một cách đáng hổ thẹn. Khiếu nại của họ là điều hợp lý: 14 triệu người Trung Hoa đã thiệt mạng dưới bàn tay của quân đội Nhật Bản hoặc vì nạn đói. Nhưng có một vấn đề. Dù các lực lượng cộng sản đã tham gia vào chiến tranh du kích, gánh nặng và hy sinh ở chiến trường được xác định, như Rana mitter của Đại học Oxford đã chỉ ra, là của Quốc Dân Đảng-Tưởng Giới Thạch (Quốc Dân Đảng hiện là đảng lãnh đạo tại Đài Loan). Trung Quốc đã che đậy vai trò của Quốc Dân Đảng.

Cuộc diễn hành cũng nhằm để phô trương cá nhân họ Tập. Đối với Chủ tịch TQ thì đó là một cơ hội, gần ba năm sau khi lên nắm quyền lãnh đạo Trung Quốc và trong bối cảnh một chiến dịch quyết liệt chống tham nhũng trong đảng và quân đội, để cho tất cả thấy rằng ông thực sự là lãnh tụ (và không có gì phải lo lắng về nền kinh tế TQ: giữ không khí sạch cho cuộc diễn binh chỉ cần tạm thòi đóng của một loạt các xí nghiệp nặng miền Bắc Trung Quốc, xem bài viết). Các chức sắc nước ngoài chỉ giữ vai phụ cho Tập Cận Bình.

Họ Tập có liên kết chặt chẽ với quân đội, một lực lượng khoảng 2,3 triệu quân, hơn bất kỳ người tiền nhiệm nào trong lịch sử gần đây. Khởi đầu sự nghiệp, họ Tập là một thư ký riêng cho Bộ trưởng Quốc phòng. Không như những người tiền nhiệm, ngay sau khi nhậm chức Tập Cận Bình đã trực tiếp cai quản công cụ chính của đảng để kiểm soát quân đội, đó là Quân uỷ Trung ương (Central Military Commission, CMC).

Ông đã phô trương cơ bắp với chỉ huy các cấp của ông một cách mà các nhà lãnh đạo đảng trước đó ít khi dám làm — kết án nhiều viên tướng tội tham nhũng, trong đó có hai sĩ quan cấp cao nhất trong chính phủ tiền nhiệm: Từ Tài Hậu (Xu Caihou, nay đã chết) và Quách Bá Hùng (Guo Boxiong). Ông Tập hiện nay đã đưa người thân tín vào giữ các vị trí cao cấp. Một ví dụ thú vị gần đây, trong công văn thăng chức người đứng đầu lực lượng Công an Vũ trang Nhân dân (PAP), một lực lượng bán quân sự, lên hàng tướng có chữ ký của ông Tập ở hàng đầu tiên. Thông thường, tên của thủ tướng đi trước trong các văn thư thăng chức của PAP.

Người ta không đánh giá được các sĩ quan cao cấp nghĩ gì về họ Tập. Hẳn nhiều người trong số họ phải kêu ca về sự xói mòn đặc quyền của họ vì những chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình. Ông Tập muốn bảo đảm để có được hậu thuẫn thực tế của họ hơn là chỉ với những cuộc diễn binh ủng hộ tinh thần, là một trong những lý do tại sao ông không giảm mà tăng mức chi tiêu quân sự, như ông và các người tiền nhiệm đã đam mê trong nhiều năm (mặc dù, như đã công bố tại cuộc diễn binh là ông sẽ tiếp tục cắt – lực lượng quân đội, lần này là 300.000 quân). Nhưng thông điệp Tập Cận Bình muốn chuyển đi trong cuộc diễn binh phô trương, rõ ràng và trong như bầu trời Bắc Kinh hôm ấy: Đó là Trung Quốc đang hồi sinh và Quân đội Vũ trang Nhân dân cũng vậy, và ông, Tập Cận Bình, là vị tổng tư lệnh không thể tranh cãi.

© 2015 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: Parade’s end. The real purpose of a rare military display was to show who is in charge. The Economist. Sep 5th 2015 | BEIJING | From the print edition.

1 Comment on “Cuối cuộc diễn binh

  1. Diễn binh chỉ để đề cao Tập Cận Bình mà thôi hay sao?

    Lễ kỷ niệm chiến thắng chỉ mới được đặt ra năm 2014 mà thôi. Mục tiêu của lễ kỷ niệm là đả kích Nhật. Guồng máy tuyên truyền của Trung Quốc đang dựng lên kẻ thù là Nhật để dân chúng căm thù. Đó là kỹ thuật tuyên truyền của các chế độ độc tài, phát xít, dựng lên một kẻ thù với sự đe dọa tưởng tượng để người dân sợ mà cùng nhau “đoàn kết” dưới sự lãnh đạo của chính quyền. Cùng ghét một thứ thì kết hợp với nhau lại. Đức Quốc Xã có người Do Thái là kẻ thù, Liên Xô có Mỹ là kẻ thù, Trung Cộng thời Mao có Mỹ là kẻ thù, ngày nay Tập Cận Bình chuyển sang dựng lên Nhật là kẻ thù. Đó là mánh lới tuyên truyền gây lòng căm thù nơi người dân để chuẩn bị cho hành vi gây chiến tranh bành trướng trên biển của Trung Quốc.