“Hồ Sơ Về Lục Châu Học – Tìm hiểu con người ở vùng đất mới” của Nguyễn Văn Trung (I)
Nguyễn Văn Lục
Tác giả Nguyễn Văn Trung, nguyên giáo sư đại học Văn Khoa Huế và Sài Gòn là một người cầm bút quen thuộc và các công trình biên khảo của ộng có một ảnh hưởng không nhỏ đến giới thanh niên ở miền Nam trước 1975.
Nhìn lại sự nghiệp cầm bút của Nguyễn Văn Trung nhân đọc cuốn“Hồ sơ Lục Châu Học – Tìm hiểu con người ở vùng đất mới dựa vào tài liệu văn sử bằng Quốc ngữ ở miền Nam từ 1865 – 1930”
Ảnh hưởng về triết học cũng có, ảnh hưởng về xu hướng chính trị thiên tả cũng có.
Trong bối cảnh ấy, có lần Nguyễn Trọng Văn đã không ngần ngại gọi những người trẻ này là những đứa con hoang của Nguyển Văn Trung.(1) Chữ con hoang hàm ý tiêu cực mà Nguyễn Trọng Văn dành để chỉ thứ triết học hiện sinh – dưới mắt một người theo cộng sản – trở thành lỗi thời và chỉ có tính cách thời thượng.
Đó là cách nhìn, đánh giá chính trị có thể chẳng liên quan gì đến văn học – triết học.
Trong trường hợp tác giả Nguyễn Văn Trung. Ông có những chặng đường cầm bút đánh dấu một thời kỳ – đánh dấu thời tuổi trẻ và thời đã trường thành – đánh dấu giai đoạn sống trong ‘tháp ngà’. Lại có giai đoạn nhập cuộc. Chưa kể sau 1975, Nguyễn Văn Trung phải cầm bút theo đơn ‘đặt hàng’ của chính quyền cộng sản!
Người viết chỉ có hai nhận xét về sự nghiệp cầm bút của Nguyễn Văn Trung.
Nhận xét thứ nhất là có một Nguyễn Văn Trung trước 1975 và một Nguyễn Văn Trung sau 1975. Trước 1975, ông là ngòi bút viết đa dạng từ triết học, văn học đến chính trị và cuối cùng là báo chí. Đồng thời để lại một số tác phẩm được xuất bản trong suốt thời gian đó.
Mỗi thời kỳ đánh dấu một giai đoạn cầm bút. Chẳng hạn giai đoạn làm báo là giai đoạn rời bỏ tháp ngà để dấn thân nhập cuộc. Giai đoạn sau 1975 chỉ làm nghiên cứu văn học là một lối lách chính trị. Đặc biệt, chính quyền cộng sản đã yêu cầu ông viết lại rất nhiều đề tài như Triết học hiện sinh, Hiện tình hồ sơ Hội Đồng Giám Mục – Vấn đề công giáo và dân tộc, v.v.
Phần lớn phần tài liệu này chưa được in thành sách.
Chưa kể khi ra hải ngoại, ông có viết một số vấn đề – như trong các Nhận Định 7 – 8 – 9 – 10 chỉ được in dưới dạng photocopy.
Số tác phẩm để lại cho đời trên thực tế chỉ là những gì viết trước 1975. Khoảng hơn 20 cuốn.
Đó là tất cả di sản tinh thần của một cuộc đời cầm bút miệt mài của một người trí thức miền Nam trong 20 năm.
Rồi cũng như số phận con dân miền Nam. Ông bị đi tù biệt giam!
Điều tiết lộ này có thể làm một số người không khỏi ngạc nhiên. Người ta quen gán cho ông nhãn nhiệu thiên tả đã đành mà còn là người theo cộng sản.
Theo cộng sản hay không thì để người cộng sản trả lời cho rõ.
Sau 1975, trên nguyên tắc, kể như ông và đa số người khác không được cầm bút.. Hầu hết các người cầm bút như các nhà văn miền Nam – ngay cả những người ra được hải ngoại – ngay cả những người nổi tiếng một thời. Hâu như có sự ngưng trệ, nghẽn mạch. Ngưng trệ vì bị cấm đoán không còn có cơ hội cầm bút. Nghẽn mạch vì dù có cơ hội cầm bút, nhưng lại không biết viết cái gì, viết cho ai, viết để làm gì?
Sự nghiệp văn học của họ dần đi vào tình trạng lão hóa khi tuổi tác càng cao.
Nhận xét thứ hai liên quan đến cá tính, con người tác giả.
Văn là Người! Phải chăng điều đó đúng trong trường hợp Nguyễn Văn Trung?
Một nhận xét nó sẽ liên quan đến cả sự nghiệp viết lách của ông mà nếu nắm được thì mọi chuyện thật trở nên dễ dàng.
Ông là loại người không thuộc về đám đông.
Về việc cầm bút, ông được xếp vào loại người cầm bút có vấn đề. Người nào, chế độ nào, tôn giáo nào có tham vọng muốn kéo ông về phía mình thường thất bại. Ông thường nói, tôi là người không chịu xếp hàng ngay cả không xếp hàng với cả những người không xếp hàng. Ông chơi với nhiều người, giao du nhiều loại bạn.
Người không hiểu ông, thường xếp lộn chỗ ngồi cho ông không ít. Vì thế người ta đội cho ông nhiều thứ mũ.
Phần ông đã quyết định ở lại. Đúng hay sai chỉ mình ông biết. Nhưng khi cho con trai đầu của ông vượt biên vào năm 1979 thì điều đó hẳn đã nói lên điều gì.
Sau 1975, công an khám phá ra thấy ông không nằm trong đường giây nào cả. Phải chứng minh được ai móc nối, hoạt động theo chỉ thị của ai. Ông không hoạt động theo sự móc nối thì đặt ra nhiều vấn đề. Thế thì đúng là “người được Mỹ CIA cài lại”. Trước 1975, ông cũng có gặp một số người Mỹ. Có người tố cáo. Thôi đúng là “CIA nó cài lại”. Ông đi tù.
Phản Cách mạng
Trát lệnh bắt ông vì can tội “phản cách mạng”.
Nhân viên chấp pháp là Ngô Văn Dần – tự Quang Minh – 6 tháng trời hỏi cung ông. Ông chấp pháp có nhận xét: “Người của CIA gì mà một câu tiếng Mỹ ăn đong cũng không biết?”
Sau này đáng lẽ hai người coi nhau như kẻ thù, họ trở thành bạn tâm giao.
Có lần ông Dần đến thăm ông Trung không gặp để lại thư:
“Mình đến thăm anh, nhưng anh đi vắng. Tối nay có rỗi, anh ghé chỗ mình chơi, ta hàn huyên chuyện đời. Nhà mình ở 39 – 2 Sương Nguyệt Ánh (Anh đã đến vài lần, còn nhớ không? Ngày 17/5/1979.”
Thế cho nên, cuộc đời cầm bút của ông Trung là phức tạp, nhiều vấn đề. Vấn đề của ông là vấn đề của vấn đề – vấn đề đụng chạm đến mọi phía: Quốc Gia, cộng sản, công giáo, Phật giáo, bảo thủ, chính trị tả phái hay hữu phái.
Nếu nói theo kiểu Sartre, ông có thể có người đọc mà không có công luận. Người đọc đọc ông – thích thú cũng nhiều. Nhưng công luận thì tỏ ra không còn đóng vai trò người đọc nữa mà trở thành những phán quan.
Đó là những loại giáo sĩ trị, ngay cả giáo sĩ Mác–xít trị. Quốc gia chửi đã đành. Cộng sản cũng không tha. Công giáo chửi đã đành, Phật giáo cũng không chừa.
Tôi đưa ra một tỉ dụ. Khi ông viết cuốn Nhận Định I. Xuất bản năm 1958. Ông nhận được không biết bao nhiêu sự ái mộ của độc giả qua việc mua sách. Sách tái bản đến lần thứ tư. Tuy nhiên, trong tập Nhận Định I có một bài công luận – qua giáo sĩ trị – không chấp nhận được. Đó là bài: Từ bi Phật giáo và Bác ái công giáo. Công giáo chính thức qua Đại Chủng Viện Bùi Chu trong tạp chí Ra Khơi do linh mục Trần Văn Hiến Minh, bề trên chủng viện Bùi Chu chủ trì, lên tiếng.
Sự lên tiếng của vị linh mục này vào thời đó được hiểu như một vạ tuyệt thông gián tiếp. Nguyễn Văn Trung từ nay đeo cái bảng rối đạo trên ngực.
Phật giáo trong tạp chí Nhân Loại có bài của Đường Minh với tựa đề “Đạo Phật không có từ bi?” Sau đó tiếp nối là vụ đánh hội đồng của Phạm Công Thiện trong Hố Thẳm của tư tưởng.
Công luận đã thắng lớn.
Lần tái bản sau đó, Nguyễn Văn Trung đánh rút bài đó ra.(2)
Tóm tắt các công trình biên khảo giai đoạn 1954–1975 của giáo sư Nguyễn Văn Trung
Giáo sư Nguyễn Văn Trung đã đóng góp cho triết học và văn học miền Nam với nhiều tác phẩm đủ loại. Xin tóm tắt sau đây:
Về triết học có các cuốn:
1. Triết học tổng quát,
2. Đưa vào triết học,
3. Ca tụng thân xác (1967),
4. Ngôn ngữ và thân xác (1968),
5. Hành trình trí thức của Karl Marx (1966),
6. Danh từ triết học (cùng với Cao Văn Luận, Đào Văn Tập, Trần Văn Tuyên và Linh mục Xuân).
Trong những cuốn trên, trong cái tình hình môn triết còn quá mới mẻ ở miền Nam. Các cuốn trên chỉ có giá trị giới thiệu hoặc dẫn đường vào triết học. Về phía người viết còn nặng tính trường ốc như một thứ sách giáo khoa. Về phía người đọc chỉ là nhựng người học vỡ lòng về triết học.
Đối với một người cầm bút, đây là những bước đầu thử nghiệm của người mới bước vào việc cầm bút. Đó là chặng đường đầu tiên như thử lửa. Tính trường ốc, sách vở còn để lại dấu vết khá rõ ràng như cuốn Triết học tổng quát, Đưa vào triết học. Nhưng không có lý do gì để chê trách tác giả cả. Có thể nói đó là loại sách giáo khoa về triết học .
Cuốn “Hành Trình trí thức của Marx” đã tiến xa thêm một bậc. Việc nghiên cứu đã chứng tỏ một tiềm năng hứa hẹn. Thứ triết học Mác Xít như thể một món ăn lạ miệng!
Nói chung, sách dù là nghiên cứu triết học – dù khô khan – dù không dễ. Nhưng dưới ngòi bút của Nguyễn Văn Trung, nó trở thành dễ đọc.
Đây là ưu điểm lớn của Nguyễn Văn Trung mà người đọc triết của ông cũng nhận thấy dễ dàng như trích dẫn Nguyễn Trọng Văn ở phần sau.
Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giai đoạn khai phá mở đường – nhưng là một giai đoạn khai phá dầy hứng khởi – cho cả người viết lẫn người đọc.
Cuốn “Ca tụng thân xác” – nội cái tên đã bị người ta hiểu lầm – mà thực ra ông chỉ muốn xác định lập trường chống lại chủ thuyết Duy Tâm hay trường phái thần học trung cổ, kinh viện coi thần tinh hay linh hồn cao thượng hơn thân xác.
Con người theo Nguyễn Văn Trung là một con người toàn thể – L’homme–en–totalité – vừa thể xác, vừa tinh thần. Nhưng thay vì suy luận cao siêu thì ông bám vào các biểu tượng như “con ở’, ‘thằng lái xe’ hay sự miệt thị tình dục nơi con người để biện luận. Nhiều sự hiểu lầm vả nhiều rắc rối xảy ra từ đây.
Thời VNCH có một số giới chức công giáo trên tờ Văn Đàn dị ứng – allergique – với cuốn sách vì họ vốn đề cao tinh thần, trí năng, coi nhẹ thân xác. Họ thuộc trường phái kinh viện St.Thoma d’Aquin mà tính giáo điều đối với họ là kim chỉ nam.
Nhưng sau 1975, giáo sư Trần Trọng Đăng Đàn gián tiếp xếp Nguyễn Văn Trung vào loại lấp lửng giữa luân lý và vô luân lý.(3) “Nguyễn Văn Trung trong: Trường hợp Francoise Sagan hay vấn đề luân lý trong tiểu thuyết.”
Thật là tội nghiệp cho Nguyễn Văn Trung thì ít mà cho triết học thì nhiều.
Người nào đã có dịp mon men vào lãnh vực triết học thì phải thấy rằng đây là một quan điểm tiến bộ về con người. Tác giả nói về vong thân của con người, vong thân về thân xác như một dụng cụ, một đồ vật. Như trường hợp người đi ở, người gái điếm, người lính đánh thuê.
Vì thế thật là khổ quá. Đây không phải là sách khiêu dâm đồi trụy! Ở đó, không có vú, không có cửa mình gì ráo trọi. Tác giả có nói đến cuốn “Rapport de Kinsey”. Nhưng dùng ngôn ngữ rất lịch sự, khoa học. Chẳng hạn không dám nói đến ngoại tình rõ ràng, chơi nhau , mà chỉ nói là “luyến ái ngoài hôn nhân”. Có kinh nguyệt thì chỉ dám nói là ‘thấy’. Làm ái tình rõ ràng mà chỉ dám nói ‘ngủ’.
Hay như trong hai câu ca dao tác giả trích dẫn đã gián tiếp nói lên thân phận, thân xác người phụ nữ như sau:
Đương cơn lửa tắt cơm sôi
Lợn kêu, con khóc, chồng đòi tòm tem
Thật tất bật quá! Cơm sôi, lợn kêu, con đòi bú, còn chồng đòi tòm tem. Tòm tem là cái gì? Là cái ấy, cái kia, là giống thằng con! Tác giả hỏi, “thế còn người đàn bà: thỏa mãn mình? Được là bao?”(4)
Nói chung, khi tình thế miền Nam càng trở nên xôi động, càng về sau này, ông chuyển hướng.
Triết học trường ốc dần mất hết vị thế.
Đối với Nguyễn Văn Trung, triết học nếu còn lại cái gì chỉ là thứ triết học dấn thân.
Hay nói theo Đỗ Lai Thúy là thứ triết học “xuống đường” – không phải đứng đường.5.
Trong số những triết gia có ảnh hưởng tới công việc biên khão của Nguyễn Văn Trung thì lúc đầu có những người như G. Marcel, E. Mounier, Gaston Bachelard, Claude Lévy–Strauss. Sau đó đến những người như Alain Robbe Grillet, Nathalie Sarraute, Michel Butor ảnh hưởng trong văn học.
Nhưng có hai người có một ảnh hưởng lớn nhất là A. Camus và nhất là J.P. Sartre. Sartre ảnh hưởng đến Nguyễn Văn Trung cả trong phạm vi triết học, nhất là văn học và chính trị.
Vì thế đã có lần ông viết một bài với nhan đề Sartre trong đời tôi.
Xin dùng một nhận xét của Nguyễn Trọng Văn để kết luận phần này.
“Dù muốn, dù không, ai cũng phải nhìn nhận rằng có những tư tưởng, những danh từ và những cách lập luận mà trước ông không ai dùng đến, nhưng sau ông thì người ta dần dần quen biết và nhắc tới tính cách quyến rũ và ám ảnh của Hiện tượng luận, tính cách thú vị và bất ngờ của vấn đề huyền thoại, cách thức lý luận về vấn đề cách mạng xã hội.”(6)
Về các cuốn Nhận Định: Gồm 10 cuốn tập trung đủ các loại bài viết của tác giả. 6 cuốn xuất bản trước 1975, còn lại bốn cuốn in photocopy ở hải ngoại. Theo tôi, 6 cuốn Nhận Định in trước 1975 là rất có giá trị.
Nó giá trị ở chỗ nào?
Chúng ta nên hiểu rằng, triết học không hẳn đóng khung trong những cuốn sách triết học.
Không phải cứ nêu tên tuổi Platon hay Descates hay Sartre mới là triết học.
Triết học khởi đi từ đời sống và thái độ về đời sống chính là thái độ triết học. Vì thế, triết học bàng bạc trong đời sống.
Vì thế, các bài viết của Nguyễn Văn Trung trích dẫn sau đây trong 6 tập Nhận Định nó bàng bạc tính triết học như:
Cái Nhìn hay đám cưới với cuộc đời – Vài cảm nghĩ về về tình cảm phi lý của kẻ lưu đầy – Cuộc đời như một tra hỏi – Quê hương và lưu đầy. Giới thiệu Camus – Người phản kháng – Tưởng niệm Camus – Văn chương hiện sinh – Những tình bạn dang dở – (ám chỉ J.P. Sartre và A. Camus) – Sartre trong đời tôi – Triết học hiện sinh, giờ thứ 25 của triết học Tây Phương – Dịch và giới thiệu người đàn bà ngoại tình của Camus – Chủ nghĩa hiện sinh. (Trả lời phỏng vấn của Trần Thái Đỉnh – Đọc vũ trụ chữ nghĩa cuả J.P Sartre – Thi ca và triết học.
Các cuốn nhận định từ I đến VI là cơ hội để Nguyễn Văn Trung bày tỏ, lập trường quan điểm của mình, dùng triết học như bước nhảy vào văn chương, chính trị, sử học và đưa ra một thái độ, một quan điểm nhìn.
Chính trong những bài viết này bộc lộ cá tính con người tác giả.
Sự thành công trong sự nghiệp cầm bút theo nghĩa được nhiều người biết đến cũng ở những cuốn sách này.
Người ta biết đến ông nhiều cũng nhờ những tập Nhận Định này. Phê phán ông cũng từ những quan điểm nhìn của ông từ đây. Nó được in đi in lại từ ba lần đến bốn lần.
Đó là những cuốn sách làm nên Nguyễn Văn Trung.
Tôi đọc lại, vẫn thích những bài viết bàng bạc tư tưởng G. Marcel, Mounier như Cái Nhìn, Hối Hận, Thông Cảm, E Lệ, Tự tử, cách viết theo lối diễn tả Hiện Tượng luận.
Mỗi cuốn đặt ra một số vấn đề, lay động và đặt người đọc vào trường hợp của người trong cuộc. Đây cũng là những cuốn mà lối viết của Nguyễn Văn Trung có sức lôi cuốn nhất.
Có thể nói nhà văn, người cầm bút như kẻ đưa đường.
Tôi gọi những loạt bài triết học này là Sartre ngoài Sartre.
Có vẻ như có Sartre mà không phải là Sartre theo một lối tiếp cận rất nhân bản, pha trộn thần học Ki tô giáo, pha trộn kinh nghiệm hiện sinh, pha trộn lối mô tả Hiện tượng luận với một thái độ lạc quan về con người.
Sự lạc quan thường vắng bóng trong quan điểm nhìn của Sartre về con người.
Sartre có cái nhìn tiêu cực theo cái kiểu hỏa ngục là người khác, sự hiện hữu của tha nhân đôi khi chỉ là vật thừa thãi đến chán ngấy.
Chưa bao giờ triết học lại được đọc một cách thích thú như thế.
Cuốn I, II và IV đã được sự hưởng ứng nồng nhiệt của độc giả.
Bốn cuốn sau này, tác giả viết ở hải ngoại đã mất sự sống, sút kém đi nhiều do tuổi tác. Nếu có tình trạng lão hóa thì nó đã đến ở bốn cuốn này.
Về Văn Học: Lược khảo văn học, tập I, II, III. Nhà văn, Người là ai, với ai. Vụ án truyện Kiều, Chủ đích Nam Phong: Trường hợp Phạm Quỳnh, Văn Chương và chính trị, Câu đố Việt Nam, Chữ vần Quốc ngữ thời đầu Pháp thuộc.
Đây là giai đoạn trầm lặng nhất của tác giả. Một giai đoạn trùm chăn mặc thế sự. Nhưng nó cũng thể hiện một sức viết nhiều, viết mạnh ngoài khuôn khổ.
Theo cá nhân tôi, không dễ gì để viết những cuốn sách về lý luận văn học. Hầu hết những cuốn sách viết về lý luận tôi mua sau 1975 – mua để đó mà không có can đảm đọc nổi.
Tôi phải thú thực như thế và thấy không tiện để hài tên các tác giả ấy ra đây.
Tuy nhiên nếu nhìn một số các tác phẩm nàyy, ông Nguyễn Văn Trung đã có một chủ đích rõ ràng là đả phá tất cả những ai dùng báo chí văn chương như một bàn đạp chính trị.
Văn học và chính trị không thể có chung chiếu ngồi. Một chủ đích văn học kèm theo một chủ đích chính trị là bị lên án.
Người bị chỉ đích danh là Phạm Quỳnh liên tiếp trong hai ba tác phẩm. dưới thới Pháp cai trị. Nó đã gây những cuộc tranh luận công khai trên báo chí, có kẻ bênh người chống. Chẳng những viết, ông Nguyễn Văn Trung còn diễn thuyết về những đề tài này tại nhiều nơi.
Trong những cuốn sách căn bản, ông dựa trên cuốn sách “Chủ Nghĩa thực dân Pháp ở Việt Nam – Thực chất và huyền thoại” mà theo ông người Pháp đã dùng chính sách thực dân về văn hóa, chính sách khai hóa để cai trị dân chúng.
Đây là một quan điểm chính trị sô vanh yêu nước nên sau này lập trường của ông có dịu hơn và hình như ông không muốn nhắc đến mấy cuốn này nữa. Riêng trường hợp Trương Vĩnh Ký, ông thay đổi hẳn, đề cao vai trò văn hóa của Trương Vĩnh Ký sau 1975.
Nếu Nguyễn Văn Trung có con hoang thì chính là những cuốn sách này.
Bên cạnh đó là những cuốn sách thuần túy văn học. Tôi vẫn chưa hiểu tại sao ông Trung viết một loạt những sách loại này? Không phải một cuốn mà 5,6 cuồn mà đều là lý luận văn học.
Rất khó viết mà cũng khó đọc vì khô khan. Nhưng một lần nữa, Nguyễn Văn Trung đã vượt qua được những trở ngại này.
Một lần nữa, phải nhìn nhận khả năng xử dụng ngôn ngữ khéo léo của ông đã giúp ông vượt được tất cả. Ông cũng kể là thành công trong lãnh vực này.
Đây là những cuốn sách giúp cho các nhà phê bình văn học có thêm chất liệu, nắm được một số nguyên lý văn học.
Cũng phải nói, trong những cuốn này nó phảng phất Sartre mà như thể không có Sartre trong Situations II của ông. Khởi hứng từ Sartre và không phải Sartre cũng là một lợi điểm hiếm quý của Nguyễn Văn Trung.
Về phạm vi triết học, phải nhìn nhận ông Nguyễn Văn Trung có khả năng bén nhậy bắt được cái chính yếu, cái cốt lõi tư tưởng của triết gia khác. Tôi lấy trường hợp khi ông đọc Gaston Bachalard trong cuốn “Poésie de l’espace” và viết ra một số bài rất hay theo lối mô tả Hiện tượng luận.
Đến lượt tôi bắt chước đọc, và cũng bị nhiễm Gaston Bachelard. Nhưng bảo là tôi cóp chép lại tác giả thì không có. Vì họ viết cả 6–700 trang, dài lê thê, nói dông dài quá kỹ mình góp ý lại còn vài trang. Tôi tự biết là trong một số bài viết của tôi thường dùng lối phân tích cơ cấu luận, pha trộn lối mô tả Hiện Tượng luận.
Theo tôi, ta phải học cái hay của người thôi, vì ta chưa giỏi.
Các lối hỏi tra vấn làm tựa đề mà từ trước tới giờ không mấy ai đặt ra như Viết là gì ?Viết cái gì? Và Tại sao viết? Viết thế nào? Nhà văn, Người là ai? Các nhà văn Việt Nam thường viết văn, nhưng lại chưa từng tự tra hỏi như thế cảm thấy bối rối khi bị đặt trước những câu hỏi.
Đó là những tra vấn đến tận cùng và từ những câu hỏi đó ông đi vào tìm hiểu yếu tính văn học Việt Nam. Những loại sách này sẽ là những nguyên lý căn bản cho văn học trong đó tác giả cũng khai thác triệt để vấn đề ngôn ngữ trong văn học.
Về chính trị, tôn giáo: Chủ nghĩa thực dân Pháp ở Việt Nam. Thực chất và Huyền thoại, Lương tâm công giáo và công bằng xã hội (Nhiều tác giả) Biện chứng giải thoát trong phật giáo, Góp phần phê phán Giáo dục Đại Học, Người công giáo trước thời đại.
Những cuốn sách này do sự đòi hỏi, thúc bách của thời cuộc mà tác giả viết. Tính cách giai đoạn sẽ làm cho gía trị những cuốn sách này giảm đi giá trị tự tại của nó.
Riêng cuốn “Biện Chứng giải thoát trong Phật giáo”, tác giả chịu ảnh hưởng quá nhiều lối suy luận của các triết gia Tây Phương. Nó có vẻ thuận lý trên bình diện lý luận, nhưng nó lại không đúng trên bình diện nhận thức theo Đông Phương. Nhưng dù sao nó cũng đánh dấu những chặng đường cầm bút của tác giả.
Những cuốn sách này không ảnh hưởng tới giới người đọc bao nhiêu và sẽ đi vào quên lãng.
Nếu cần giữ lại điều gì trong những cuốn sách này, tôi xin được chọn giữ lại cuốn “Chủ nghĩa thực dân Pháp ở Việt Nam. Thực chất và huyền thoại.”
Về Những Bút Ký của Nguyễn Văn Trung: Đây là phần mà bạn đọc ít được biết đến nhất vì chỉ được đăng trên các báo như Tin Sáng, Hòa Bình, Dân Chủ Mới. Loạt bài viết này cũng khá nhiều, nhưng rất tiếc lại chưa được tập trung lại để in thành các cuốn Nhận Định như trước đây. Các loạt bài này mới bộc lộ rõ quan điểm, cái nhìn của một người trí thức, những băn khoăn trăn trở của một người trí thức trước thời cuộc. Tôi cho những bài viết này có “giá trị nhân chứng” một thời, mặc dầu nó cũng bộc lộ rõ ràng chỗ đứng của tác giả là người thiên tả. Thiên tả chống chiến tranh, kêu gọi hòa bình một phía, chủ trương một chủ nghĩa xã hội không cộng sản và bất mãn vốn là bản chất của người thiên tả. Tôi đã từng viết Nguyễn Ngọc Lan là một trí thức thiên tả, lấy bất mãn làm lẽ sống ở đời (la raison d’être). Chết rồi, Chúa đành cho ông lên Thiên Đàng. Lên Thiên Đàng tất nhiên là chỉ có sướng. Ít lâu Nguyễn Ngọc Lan lại bực bội hỏi Chúa: Tại sao tôi lại cứ sướng mãi như thế này?
Tỉ dụ, Trong nhiều bài, tôi chọn một bài tiêu biểu Mỹ thua Mỹ ở Mỹ.
Về giai đoạn làm báo
Trừ giai đoạn làm chủ bút tờ Đại học. Giai đoạn làm báo sau này của ông thể hiện chỗ đứng và “vai trò dấn thân của người trí thức”. Đúng sai lại là một chuyện khác.
Tập san Đại Học: khi đại học Huế được thành lập ngày 1/3/1957 thì chẳng bao lâu sau tập san Đại Học Huế được ra đời và người chủ bút đầu tiên là Nguyễn Văn Trung. Tờ Đại Học biểu tượng cho vóc dáng Trí thức Huế mà cộng chung số trang lại khoảng 6000 trang. Với khoảng 80 tác giả cộng tác. Ngay năm đầu, tạp chí Đại Học đã xuất bản được 18 cuốn sách. Những cuốn như “Nhà Văn hóa mới và Sứ mệnh Văn Nghệ” của Nguyễn Nam Châu bây giờ ngồi nhớ lại, tôi vẫn còn thấy thích thú. Hai cuốn Nhận Định I và II của Nguyễn Văn Trung cũng được in lại trong dịp này.
Số 1 của tờ Đại Học xuất bản tháng 2 – 1958 mà khuôn khổ tờ báo làm tôi có cảm tưởng nó giống như tờ Esprit bên Pháp. Đại Học Huế cũng như tờ báo ngoài vấn đề văn hóa, nó còn nhắc nhở cho phía bên kia cầu Hiền Lương biết, Chúng tôi có mặt ở đây.
Sau này khi nhắc tới giai đoạn này, Nguyễn Văn Trung vẫn cho là những năm tháng tốt đẹp nhất trong cuộc đời cầm bút của ông.
Hiện nay, tất cả các số báo đại học đã được số hóa. (DCVOnline.net sẽ lần lượt đưa vào mục Tài liệu.)
(Còn phần Kết)
© 2015-2022 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Bài và chú thích của tác giả. DCVOnline minh hoạ. Đăng lần đầu năm 2015.
(1) Nguyễn Trọng Văn, Những người con hoang của Nguyễn Văn Trung, Bách Khoa, số 264
(2) Các tập Nhận Định gồm các bài đã đăng báo trên các tạp chí như Sáng Tạo, Bách Khoa, Gió Mới, Thông cảm. Tập Nhận định II, tái bản ba lần đến lượt bị Hà Nội chống đối qua các bài của Nguyễn Văn Hoàn và Trần Văn Giàu Năm 1962. Nhận Định 4, 1966 một lần nữa bị Hà Nội với bài của Tam Thanh viết bài: Đọc Nhận Định IV của Nguyễn Văn Trung.
(3) Trần Trọng Đăng Đàn, Văn Hóa, Văn Nghệ Nam Việt Nam 1954 – 1975, trang 590. Nguyễn Văn Trung Nhận Định II, nxb Nam Sơn, 1964, trang 30 – 47.
(4) Nguyễn Văn Trung, Ca tụng thân xác, trang 156, nxb Văn Nghệ. Chính cái nhà xuất bản này khi cho in lại cuốn sách cũng hy vọng cuốn sách câu khách vì đụng chạm đến tính dục.
(5) Đỗ Lai Thúy, Nguyễn Văn Trung và Thái độ Trí thức, trong Văn Hóa Nghệ An.com.vn
(6) Nguyễn Trọng Văn, Ibid.