Thế hệ mới ở Trung Quốc
Alec Ash | Trà Mi
Vào ngày kỷ niệm một trăm năm của Phong trào Thanh niên khai sinh Đảng Cộng sản Trung Quốc, giới sinh viên tranh đấu đang dùng chủ nghĩa Mác để nổi dậy chống lại đảng (cộng sản Trung Quốc).
Vào ngày 15 tháng 9 năm 1915, thức giả Chen Duxiu (Trần Độc Tú) đã viết một luận văn ca tụng thanh niên Trung Quốc:
“Tuổi trẻ giống như đầu xuân, như mặt trời buổi sáng, như cỏ mọc, như lưỡi kiếm sắc vừa mài trên đá; tuổi trẻ là khoảnh khắc quý giá nhất của đời người.”
Đối với Trần tiên sinh, những người trẻ Trung Quốc là những tế bào tươi mới, mạnh mẽ trong cơ thể con người, bắt đầu xua đuổi “những tế bào thối rữa, hư hỏng” của thế hệ già nua. Ông muốn giới trẻ nổi dậy chống lại một nền văn hóa xơ cứng – nề nếp Nho giáo, trật tự phong kiến và chính trị tham nhũng – nghững thứ mà ông coi là những tường thành ngăn cản Trung Quốc đi vào thời hiện đại kể từ khi triều đại nhà Thanh bị lật đổ trong cuộc cách mạng Tân Hợi năm 1911.
Vào lúc đó, nước Cộng hòa Trung Quốc non trẻ đang ở trong tình trạng hỗn loạn, đầy rẫy những lãnh chúa và do một viên tướng, Yuan Shikai, điều hành. Viên Thế Khải cũng tự xưng là hoàng đế. Để Trung Quốc tiến bộ, Trần Độc Tú nghĩ, nó phải xóa bỏ các di tích của các cấu trúc trong quá khứ và xây dựng một cái gì đó hoàn toàn mới. Nếu “thanh kiếm của thanh thiếu niên đủ sắc để chém sắt và cắt dây treo cổ, và họ không đi theo người lãnh đạo khác hoặc do dự trong suy nghĩ,” thì có lẽ “xã hội sẽ có ngày được thanh bình”.
Tiểu luận đó là bài mở đầu của tạp chí Tân Tuổi trẻ (tên là Tuổi trẻ năm phát hành đầu tiên), đóng vai trò là viên đá nền tảng của Phong trào Văn hóa Mới tiến bộ. Cả những người theo chủ nghĩa dân tộc và những người theo chủ nghĩa duy tâm, trí thức của phong trào này đã nắm lấy hai thần tượng song sinh — ông Khoa học và ông Dân chủ — thay vì ông Khổng Tử. Họ nói rằng có nhiều điều phải học từ phương Tây, và thật dã man trong lời phê phán các giá trị cũ. Một người viết cho tờ Tuổi trẻ mới, Lỗ Tấn, trong một truyện ngắn đã ví văn hóa truyền thống Trung Quốc là chủ ngĩa ăn thịt người.
Tinh thần này đã tiếp thêm sinh lực cho các sinh viên biểu tình vào ngày 4 tháng 5 năm 1919, một ngày đã trở thanh huyền thoại ở Trung Quốc mặc dù ít được biết đến ở nước ngoài. Chiều hôm đó, hơn ba ngàn thanh niên, đa số là sinh viên của Đại học Bắc Kinh nổi tiếng, đã diễn hành đến Quảng trường Thiên An Môn. Họ đã phản đối phản ứng yếu ớt của chính phủ Trung Quốc đối với Hiệp ước Versailles vào cuối Thế chiến thứ nhất, đã nhượng bộ một phần thuộc địa của Trung Quốc cho Nhật Bản. Họ hô khẩu hiệu, “Không ký Hiệp ước Versailles!” và đòi có một chính phủ ít tham những đồng thời tẩy chay hàng hóa của Nhật Bản mà họ thiêu hủy ngay trên đường phố. Họ cũng đốt thành tro căn nhà của một viên chức Trung Quốc bị buộc tội đã hợp tác với người Nhật, đánh anh ta trầm trọng đến nỗi da của anh ta, như một bác sĩ nói, trông giống như vẩy cá.
Vào thời điểm xẩy ra những cuộc biểu tình, Trần Độc Tú đang là kkhoa trưởng Văn khoa Nghệ thuật tại Đại học Bắc Kinh, lúc đó là một tòa nhà gạch đỏ tọa lạc ở góc đông bắc của Tử Cấm Thành. Giống như những trí thức khác trong Phong trào Văn hóa Mới, ông Trần Độc Tú ủng hộ các cuộc biểu tình, nhưng không ủng hộ bạo lực của họ. Cùng với người thủ thư đại học, Li Dazhao (Lý Đại Chiêu), ông đã đọc chủ nghĩa Mác để tìm ý tưởng về cách đưa giai cấp công nhân vào cuộc cách mạng Trung Quốc. Vào tháng 7 năm 1921, Trần Độc Tú và Lý Đại Chiêu đồng sáng lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, đó là một luồng không khí trong lành rất cần thiết cho chính trường tù đọng của Trung Quốc lúc bấy giờ.
Một đảng viên đầu tiên là phụ tá của Lý Đại Chiêu trong thư viện: đó là một sinh viên hai mươi lăm tuổi có một nốt ruồi ở môi dưới và một người thích làm thơ, và đã viết cho tạp chí Tuổi trẻ Mới về tầm quan trọng của thể dục thể chất và chống lại sự áp bức phụ nữ của Nho giáo. Tên ông ta là Mao Trạch Đông.
Nếu Phong trào Văn hóa mới là tiền thân lý thuyết của Phong trào Ngày Bốn Tháng Năm, thì Đảng Cộng sản Trung Quốc là hậu thân của nó. Tinh thần Ngày Bốn Tháng Năm là khởi nguồn của Đảng Cộng sản Trung Hoa, và khi Cộng sản lên nắm quyền vào năm 1949, ngày Bốn tháng Năm trở thành một ngày lễ quốc gia, Ngày Giới trẻ, vẫn còn được kỷ niệm cho đến ngày nay. Mao ca ngợi các sinh viên Ngày Bốn Tháng Năm là tiên phong của cuộc cách mạng Cộng sản, và một lần nữa, năm 1959, ông tôn vinh tinh thần của họ trong buổi ra mắt chính sách Đại nhảy vọt gây ra nạn đói tàn khốc.
Năm 1966, khi Mao cảm thấy cuộc cách mạng Trung Quốc cần được châm ngòi lại, ông đã lại đáy lên tinh thần tuổi trẻ để làm nhiên liệu. Trong cuộc Cách mạng Văn hóa kéo dài hàng chục năm, sinh viên học sinh ở Bắc Kinh và sau đó trên toàn quốc được khuyến khích làm điều mà thanh thiếu niên làm giỏi nhất: nổi loạn. Mao hô hào họ tiêu diệt bốn cái cũ: Phong tục cũ, văn hóa cũ, thói quen cũ, tư tưởng cũ. Hồng vệ binh phá tan các đền thờ, lục soát các bảo tàng và nhà cửa, đốt sách và thậm chí thực hiện một số khẩu hiệu của kỷ nguyên Văn hóa mới, như sự cởi mở với hệ tư tưởng phương Tây. Họ đeo băng tay màu đỏ, và mang theo Sách hồng trích dẫn lời Mao Trạch Đông. Một câu tiêu biểu,
“Bạn trẻ tuổi đang trong thời kỳ nở rộ của cuộc sống, giống như mặt trời lúc tám hoặc chín giờ sáng. . . Thế giới thuộc về bạn. Tương lai Trung Quốc thuộc về bạn.”
Mao Trạch Đông
Sau cái chết của Mao, năm 1976, Đặng Tiểu Bình, người lãnh đạo mới củaTrung Quốc đã mở ra một kỷ nguyên dễ thở hơn, đánh dấu bằng sự tự do hóa kinh tế. Đến năm 1979, họ Đặng đã mở lại các trường đại học và cho phép chỉ trích hạn chế những thất bại dưới triều đại Mao Trạch Đông. Một dải tường gạch dài, ở phía Tây của phức thể của ban lãnh đạo Trung Nam Hải ở Trung tâm Bắc Kinh, được mệnh danh là Bức tường Dân chủ. Những bích chương dán trên mặt tường màu be đòi có nhiều quyền tự do và quyền con người hơn, và đề cập đến một số khái niệm về các quyền tự do chính trị xuất hiện từ ngày 4 tháng 5. Một bich chương do một cựu Hồng Vệ binh Wei Jingsheng (Ngụy Kinh Sanh) yêu cầu hiện đại hóa dân chủ lần thứ năm (không kể hiện đại hóa kinh tế của họ Đặng), tuyên bố, chúng tôi không muốn đóng vai trò là công cụ của những kẻ độc tài. Năm đó, Ngụy Kinh Sanh bị kết án mười lăm năm tù vì hoạt động bất đồng chính kiến. Dường như, không có gì mới dưới ánh mặt trời đỏ.
Tuy nhiên, thời gian sẽ một lần nữa thay đổi tất cả. Những năm 1980 ở Trung Quốc là một mười năm mở cửa với thế giới, được một số người trong cuộc ví như là ra khỏi bóng tối chỉ để bị lóa mắt vì ánh sáng. Chỉ có một phần của thế hệ trưởng thành trong những năm này đã có kinh nghiệm chính trị. Hầu hết đều hớn hở khi xem phim nước ngoài, hoặc những thí nghiệm mới như để tóc dài và nhạc jazz. Một người tốt nghiệp PKU thời đó đã nói với tôi rằng,
“Đối với một sinh viên trung bình, điều khiến chúng ta quan tâm đến không phải là chính trị mà là chính cuộc sống.”
Nhưng cùng với việc tiếp xúc với văn hóa và tư tưởng mới, người ta cũng có cảm giác rằng một nền chính trị mới cũng có thể xuất hiện. Năm 1986, những sinh viên biểu tình một lần nữa đưa tinh thần ngày Bốn tháng Năm và kêu gọi cải cách chính trị nhanh hơn.
Chính trong bối cảnh đó, vào đêm 17 tháng Tư năm 1989, lịch sử đã lập lại: khoảng ba ngàn sinh viên Đại học Bắc Kinh một lần nữa diễn hành đến Quảng trường Thiên An Môn, lần này là để thương tiếc Hu Yaobang (Hồ Diệu Bang), một cán bộ cộng sản có khuynh hướng đổi mới đã bị thanh trừng sau những cuộc biểu tình năm 1986. Trước đó, đám biểu tình đòi hỏi tự do hóa chính trị, chính phủ minh bạch, một nền báo chí tự do, quyền tự do cá nhân nhiều hơn không nhất thiết phải có một chính phủ mới, nhưng mà là một chính phủ tốt hơn. Số người tham gia biểu tình tăng lên. Công nhân tham gia. Cuộc tuyệt thực bắt đầu. Tượng Nữ thần Dân chủ (theo mô hình tượng Nữ thần Tự do) bằng giấy ép cao 10 mét đã được công bố, tay cầm ngọn đuốc dơ cao đối diện với bức chân dung của Mao treo trên Tử Cấm Thành. Người biểu tình đã xuống đường ở các điểm của các thành phố khác trên khắp Trung Quốc, và chính phủ đã xem tình trạng bất ổn là một cuộc khủng hoảng hiện sinh.
Vào ngày 4 tháng 5 năm 1989, sinh viên đã kỷ niệm bẩy mươi năm phong trào tranh đấu đã truyền cảm hứng và họ thậm chí còn công bố một “Bản tuyên ngôn Ngày Bốn Tháng Năm mới”, trong đó họ tuyên bố rằng “chúng tôi xứng đáng với những người tiên phong của bảy mươi năm trước.” Nhưng lần này, họ chống lại chính cái Đảng Cộng sản đã được sinh ra từ phong trào của những người đã đi trước họ. Cuộc biểu tình của giới trẻ ở Trung Quốc đã đi đúng một vòng tròn, nối lại đầu mối của di sản chống lại cơ sở. Một tháng sau, vào ngày 4 tháng 6, cuộc biểu tình đã tràn xuống đường phố, với hàng trăm, thậm chí hàng ngàn sinh viên và những người biểu tình khác đã bị giết khi chính quyền gởi quân đội đến.
1989, Bắc Kinh, Trung Quốc, xác người biểu tình bị quân đội Trung Quốc bắn chết chất đống ở góc bệnh viện Thủ đô sau khi Giải phóng quân Nhân dân chiếm Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 4 tháng 6 năm 1989. Thảm sát Thiên An Môn. Nguồn: Getty Images.
Những gì còn lại của di sản Tinh thần Ngày Bốn Tháng Năm? Đảng, chắc chắn, vẫn tuyên bố giành nó cho riêng mình: một huyền thoại của thế hệ trẻ xã hội chủ nghĩa để hợp pháp hóa sự sống còn của chính họ. Vì vậy, họ rất không muốn để cho những cảm xúc trẻ trung đó tuột khỏi tầm tay của họ. Trước thềm kỷ niệm năm nay, Tân Hoa Xã đưa tin, Chủ tịch kiêm Tổng Bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh các nỗ lực tăng cường nghiên cứu về Phong trào Ngày Bốn Tháng Năm và tinh thần của nó, để không ngừng nghỉ thúc đẩy những người trẻ tuổi đóng góp vào công trình trẻ trung hóa dân tộc. Mô tả phong trào nguyên thủy năm 1919 là “một chiến dịch cách mạng và yêu nước vĩ đại kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc và phong kiến”, bản tin của THX nói rằng Tập đã chỉ đạo
“Cần làm nổi bật những nghiên cứu về phong trào thanh niên Trung Quốc kể từ Phong trào Ngày Bốn Tháng Năm. kêu gọi những giới trẻ giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng.”
Tân Hoa Xã
Thông điệp rất rõ ràng: Ngày Bốn tháng Năm là của Đảng không phải của thanh niên.
Giới trẻ đã nghĩ gì? Mười năm trước, tôi là sinh viên Đại học Bắc Kinh, học tiếng Quan Thoại sau khi đỗ cử nhân tại Anh. Vào ngày kỷ niệm thứ chín mươi của cuộc nổi dậy ngày 4 tháng 5, tôi đã ngồi ăn trưa cạnh “khu tam giác”, một bãi cỏ và bê tông nơi các sinh viên PKU đầu tiên đã tập trung vào tháng 4 năm 1989 trước khi diễn hành đến quảng trường. (Khuôn viên Đại học có từ 1952 đã dời đến khu đại học hiện nay, ở góc tây bắc). Tôi đến vừa đúng lúc và thấy hai người đang treo biểu ngữ viết, “Đại học bắc Kinh kỷ niệm 90 năm Phong trào Ngày Bốn Tháng Năm.” Ngoài hai người treo biểu ngữ và vài nhân viên bảo vệ kỷ niệm họ và một vài nhân viên bảo vệ trong khuôn viên trường, dường như không ai quan tâm, và họ cũng không có những ngày kỷ niệm tiếp theo.
Tôi đã hỏi một sinh viên PKU, không muốn được nêu tên, khi tôi nói tác phẩm này nên đề cập đến ngày 4 tháng 6, liệu tinh thần của Ngày Bốn Tháng Năm có còn sống hay không. Cô ấy nói:
“Hiện nay, vì phát triển kinh tế, tự do ngôn luận bị kiềm chế và thất bại năm 1989, sinh viên đại học ít chú ý đến chính trị, và nghĩ cho mình nhiều hơn, và chú ý hơn đến sự nghiệp của họ. Tôi nghĩ Ngày Bốn Tháng Năm nên được tổ chức công khai hơn, nhưng người ta đối xử với sự thờ ơ.”
Người bạn trai nắm tay cô ấy, đồng ý nhưng thận trọng nói thêm:
“Quyền lợi của xã hội ngày nay hài hòa với quyền lợi cá nhân. Nếu [sinh viên] tranh đấu cho chính mình, có lẽ cũng sẽ có lợi cho xã hội.”
Hôm nay, nhân kỷ niệm một trăm cuộc biểu tình lần Ngày Bốn Tháng Năm, sự xói mòn di sản của phong trào và với đám người trẻ tuổi thậm chí còn thờ ơ về chính trị nhiều hơn. Đại học Bắc Kinh, như các khuôn viên đại học khác trên khắp Trung Quốc, đã được nhắm làm mục tiêu cho các nỗ lực giáo dục của Đảng nhấn mạnh đến Mười hai Giá trị Xã hội Cốt lõi (gồm cả dân chủ và tự do) nhưng lại ngăn cản tự do ngôn luận. Sự thật về những gì xẩy ra vào sáng ngày 4 tháng 6 năm 1989 vẫn bị che khuất, và trong khi tất cả các sinh viên mà tôi đã nói chuyện đều biết về vụ thảm sát, vẫn còn có những hiểu lầm, chẳng hạn như cuộc biểu tình đó đã do người nước ngoài xúi dục. Một cuộc tụ tập đông người như vậy ngày nay không chỉ là không thể tưởng tượng được, mà là không thể xẩy ra đối với bộ máy an ninh nhà nước bây giờ. Đối với các sinh viên trong thời đại Tập Cận Bình, họ sẽ mất nhiều nếu lên tiếng phản kháng và sẽ được nhiều hơn nếu chấp nhận và im lặng. Tinh thần Ngày Bốn Tháng Năm, dường như, đã bị dập tắt.
Tuy nhiên, nhìn gần hơn, ánh than hồng vẫn còn nhen nhúm trong đống tro tàn của cuộc biểu tình của giới trẻ ở Trung Quốc. Đặc biệt, có ba đám cháy vẫn âm ỉ.
Thứ nhất là chủ nghĩa dân tộc. Giống như các phong trào năm 1919 là chống chủ nghĩa đế quốc và theo chủ nghĩa dân tộc, ngày nay giới trẻ Trung Quốc cũng được thêm sức mạnh với lòng nhiệt thành yêu nước. Đôi khi điều này thăng hoa [hay biến thể] trở thành sự ủng hộ nhà nước — như thấy trong các bộ phim vui nhộn được ưa chuộng như Chiến binh Sói 2 và Chiến dịch Hồng Hải, nhưng thường thì những dòng nước lũ này không có những con sóng ngầm. Hơn nữa, tiếp tục thắp ngọn đuốc của những sinh viên tiên phong của đại học Tinh Hoa, những người đã đốt hàng hóa của Nhật Bản, gây bạo loạn trên đường phố chống lại Nhật Bản, gồm cả những vụ tẩy chay các chuỗi cửa hàng Nhật Bản như Uniqlo và các xe ô tô kiểu Nhật Bản đã trở thành một phương cách để phản đối. Là một trong số ít lý do khiến các cuộc tụ họp đông người được dung túng, các cuộc biểu tình thể hiện dân tộc chủ nghĩa được dùng như thay cho việc thể hiện sự tức giận chung hơn đối với các vấn đề trong nước như tham nhũng và bất bình đẳng gia tăng.
Vấn đề thứ hai là ở bên lề. Trong khi phần lớn thanh niên Trung Quốc, trong khuôn viên của Đại học Bắc Kinh và các nơi khác, đang bị chính phủ khóa và chốt, thì ở bên lề của xã hội Trung Quốc lớn hơn người dân có nhiều tự do hơn để phản đối. Phong trào Dù ở Hồng Kông, vào mùa thu năm 2014 và Phong trào Hoa Hướng dương ở Đài Loan vào mùa xuân trước đó, đã cho thấy một loạt các quan điểm bất đồng, ngay cả khi nó không hoàn toàn thành công, với chín người lãnh đạo biểu tình ở Hồng Kông gần đây đã bị kết án tù. Một người phản đối trong Phong trào Dù ở Hồng Kông, và người sáng lập xã hội Lịch sử mới Hồng Kông, bút danh là Wu Ming (Vũ Minh), nói với tôi tháng trước:
“Ngày Bốn Tháng Năm là một con dao hai lưỡi, và ĐCSTQ cố gắng che giấu lưỡi có thể cắt họ. Chúng tôi đang cố gắng trình bày mặt đó.”
Vũ Minh
Khi tôi hỏi về những hy vọng lâu dài, anh ấy thậm chí còn rõ ràng hơn: sử dụng những bài học của ngày Bốn Tháng Năm để đánh bại ĐCSTQ.
Thật lạ, thứ ba, là chủ nghĩa Mác. Cuối năm ngoái, các thành viên của hội Marxist sinh viên tại Đại học Bắc Kinh đã nằm trong tầm ngắm của chính quyền với một loạt các vụ bắt giữ và quấy rối. Hành vi phạm tội của họ là đã tham gia các cuộc biểu tình với công nhân ở thành phố Thâm Quyến; công nhân tại một nhà máy sản xuất kỹ thuật Jasic ở đây đã cố gắng thành lập một công đoàn độc lập (là điều bất hợp pháp ở Trung Quốc). Sau đó, mười ba sinh viên đã bị giam giữ, và sáu người nữa đã biến mất vào đầu tuần này, trước Ngày Bốn Tháng Năm. Bị đàn áp vì lên tiếng nếu đích danh đàng cộng sản cầm quyền Trung Quốc về các chính sách xã hội bất bình đẳng của họ, đây là những người kế thừa thực sự của Tinh thần Ngày Bốn Tháng Năm hôm nay. Chuyện mỉa mai nhất, những người gìn giữ di sản của phong trào thanh niên từ một thế kỷ đã khởi đầu cho Đảng Cộng sản Trung Quốc, sau khi thế hệ người biểu tình trước đó đã bị giết theo lệnh của chính Đảng Cộng sản vào năm 1989, lại là những sinh viên Marxist.
Mỗi trong cả ba đám cháy này đều có khả năng bùng phát. Thật quyến rũ, nhưng sai lầm, nếu nhầm lẫn việc thiếu cơ sở cho người bất đồng chính kiến ở Trung Quốc đồng nghĩa với không có bất đồng chính kiến. Và thanh gươm của các cuộc biểu tình trong quá khứ thực sự là thanh gươm hai lưỡi đối với Đảng cầm quyền và họ giữ nó ở trên cao như một công cụ hợp pháp hóa lịch sử cho sự cai trị của họ. Ngay cả khi khẩu hiệu Tập Cận Bình ưa chuộng, “sự trẻ trung hóa tuyệt vời của Trung Quốc”, ông dùng ký hiệu của thanh niên để Trung Quốc hiện lại trong một hình ảnh mới, như Trần Độc Tú đã làm một thế kỷ trước, sự thục quan điểm thanh niên Trung Quốc vẫn mang hạt giống của di sản thực sự của Ngày Bốn tháng Năm.
Là tiên phong nguyên thủy của Tinh thần Ngày Bốn tháng Năm, Trần Độc Tú đã sống đủ lâu để thấy giấc mơ trẻ trung hóa quốc gia của chính mình trở thành hiện thực. Ông mất năm 1942, và năm 1929 đã từ chức đảng viên của Đảng Cộng sản mà ông đã thành lập, vì nó ngả theo hướng Stalinist. Tuy nhiên, ngay từ đầu năm 1915, ông dường như không hoàn toàn tin rằng tinh thần cách mạng trẻ trung mà ông đã đề cao sẽ trở thành hiện thực. Mặc dù có giai điệu sôi nổi, bài tiểu luận “Tiếng gọi Thanh niên” của Trần Độc Tú vẫn rất bi quan. (Thật vậy, một bản dịch tựa đề của nó, Jinggao Qingnian nghĩa là “Cảnh cáo Thanh niên”.)
Ngay cả khi những người trẻ tuổi tiên phong mới này có vẻ như những tế bào tươi sống trong sự chuyển đổi thể chất của Trung Quốc, gần cuối bài luận, họ Trần viết,
“nếu bạn gõ vào đầu họ để xem họ nghĩ gì và tin vào điều gì, thì không có ai không cùng một loại như những tế bào thối rữa, hư hỏng.”
Trần Độc Tú thậm chí dường như từ bỏ cả giá trị của lời kêu gọi thanh niên vùng lên của chính mình:
“Để tìm thấy một vài tế bào tươi mới, mạnh mẽ, để giảm bớt sự tắc nghẽn của sự tuyệt vọng của tôi, nó ở xa đến mức không thể đạt được.”
Họ Trần sẽ nghĩ gì về giới trẻ Trung Quốc của ngày hôm nay? Liệu ông ta có thiến họ vì sự thờ ơ rõ ràng của họ, vì mê săn đuổi những tiện nghi vật chất đã làm họ mù quáng về lịch sử bất đồng của họ? Có lẽ. Ông ấy có nên yêu cầu thanh niên mài kiếm, và hy sinh những quyền tự do cá nhân để đổi lấy ít triển vọng thay đổi có ý nghĩa? Có thể. Liệu ông ta có kết nối sợi chỉ từ sự đập phá thần tượng của chính mình với sự im lặng khó chịu của họ không? Có lẽ là không.
Trần Độc Tú hỏi độc giả của mình,
“Xã hội của đất nước tôi, nó sẽ thịnh vượng chứ? Hay là nó sẽ bị tiêu diệt?”
Ông ấy có khuynh hướng nghĩ rằng ‘nó sẽ bị tiêu diệt’, nhưng không phải là ông ấy không có hy vọng. Để “chữa trị căn bệnh này”, họ Trần cho rằng xã hội chỉ cần “một hoặc hai thanh niên đủ nhạy cảm để nhận ra tiềm năng của họ, và đủ can đảm để tranh đấu.” Hiện nay, căn bệnh này có thể khác — thật vậy, một căn bệnh từ chính cái Đảng mà Trần Độc Tú đồng sáng lập trong niềm hy vọng tìm ra cách chữa khỏi — nhưng đơn thuốc có thể giống nhau: thế hệ trẻ mới.
Alec Ash là một nhà báo và biên tập viên làm việc tại Trung Quốc. Tác giả của “Wish Lanterns: Young Lives in New China” (Picador, 2016), Ash hiện đang là Tổng biên tập của Tạp chí Los Angeles Review of Books China Channel.
© 2019 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: New Youth in China | Alec Ash ▪ Dissent Magazine | May 3, 2019.