Người thua cuộc cũng cần giữ tư cách (1)
Nguyễn Văn Lục
Người thắng đã đành. Người thua cũng có nhiều cách thua. Nhưng thua cho ra thua. Thua mà vẫn không mất tư cách, vẫn có lòng tự trọng về chính mình.
Cũng cần có tư cách của kẻ thua cuộc! Ông là ai?
Cần có cái tư cách của kẻ thua trước khi đầu hàng. Tư cách còn cần hơn nữa khi bị bên thắng cuộc giam cầm, tù đầy, hành hạ, xỉ nhục, bị bỏ đói. Nói chung thì kẻ thất trận không dễ gì vượt qua những thử thách nói trên vì bản thân con người vốn ham sống, sợ chết. Nhất là lại bị tuyên truyền nếu học tập tốt thì sớm được về với gia đình. Vì tin như thế, có thể nhiều người đã sập bẫy của cộng sản.
Vì thế sau này có trường hợp ông Bùi Đình Thi – dù có đủ nhân chứng, chúng tôi cũng cảm thấy đau xót cho ông và gia đình ông và cảm thấy không phục linh mục Nguyễn Hữu Lễ – người đứng ra trực tiếp tố cáo ông đến nỗi ông phải bị trục xuất ra khỏi nước Mỹ(2).
[Theo Huy Phương thì nguyên đơn tố cáo Bùi Đình Thi với Sở Di trú Hoa Kỳ là ông Nguyễn Đình Thắng (BPSOS), linh mục Nguyễn Hữu Lễ chỉ là một trong những nhân chứng của vụ án. Xem tham khảo (1) ở cuối bài.]
DCVOnline
Các trường hợp khác như Thế Uyên, Duyên Anh – vì cái tình con người – chúng tôi vẫn lên tiếng bênh vực họ.
Ngay cả những trường hợp đáng nói hơn như TT. Thích Trí Quang – tôi biết rõ ông không phải theo cộng sản mà theo Mỹ thì đúng hơn, Trường hợp Phạm Duy, Nguyễn Cao Kỳ, tôi đã viết về họ, nhưng thường không đề cập đến những chọn lựa về Việt Nam của họ và chưa bao giờ có lời biếm nhã hay chụp mũ cộng sản cho họ.
Tuy nhiên về mặt nguyên tắc, đạo đức đòi hỏi con người vượt qua làn ranh xấu- tốt ấy.
Phần không nhỏ, người ta đã dẫm đạp lên lằn ranh tốt-xấu ấy. Tuy nhiên, còn có điều quan trọng hơn cả chuyện xấu tốt là biết nhận lỗi, biết xấu hổ, biết xám hối, biết ăn năn chữ được dùng tùy theo ý thức đạo đức hay tôn giáo hoặc hoàn cảnh riêng của mỗi người. Rất nhiều người, có thể là đa số tuyệt đối, đã không làm được điều xem ra dễ dàng này! Thật đáng tiếc. Tiếc cho họ đã lầm lỗi, nhưng tiếc hơn nữa họ đã không biết nhận trách nhiệm.
Vì thế, tư cách lúc có tự do, lúc được ra nước ngoài, lúc có tự do ăn nói, tự do viết hồi ký, nghị luận là lúc dễ nhất cho con người sa vào cái tầm thường của bản tính người.
Ông là ai lúc ấy mới lộ diện nguyên hình.
Nếu nói về cái lô-gíc thì kẻ đã hèn thì đi đâu cũng vẫn hèn. Trước hèn thì sau cũng hèn. Đã trốn chạy bỏ rơi đồng đội, bỏ rơi tất cả để lo cho bản thân mình, cái lô-gíc cho phép nghĩ rằng khi bị tù đầy, họ vẫn tiếp tục hèn và khi sống tự do người đó cũng vẫn vậy! Làm sao có thể đổi khác được.
Trong cái lô-gic ấy, để xóa đi cái mặc cảm về tội “tổ tông” ấy, thay vì im lặng với tư cách người thua cuộc – nhận thức được vì sao thua, “tôi làm tôi mất nước”– thường người ta làm ngược lại. Họ làm đủ cách để biện minh cho sự hiện hữu tốt đẹp mà ai cũng cần có.
Kẻ không có tư cách sẽ tìm cách đổ trách nhiệm cho người khác, ngay cả quy chụp người khác. Cộng đồng người Việt khắp nơi đang rơi vào tình trạng bát nháo tranh chấp, bôi nhọ nhau, chụp đủ thứ mũ cho nhau đến đáng xấu hổ. Đó là thứ lục bình cùng rác rưởi, xác súc vật chết, ngay cả xác người bị lật ván thiên trồi lên mặt nước, rác củi mục, đủ thứ rác nổi lên cùng trôi trên dòng nước lũ.
Nhưng cộng đồng người Việt là ai? Tôi muốn nói đến một số người già từ 70 tuổi trở lên, họ “độc quyền chính trị”, độc quyền ăn nói. Ngay sau 1975 thì còn hiểu được. Nay cộng đồng người già ấy cùng lắm chiếm 2% số người Việt hải ngoại. đã ngày một ngày hai mất dần, còn lại là thế hệ thứ hai và thứ ba mới lớn lên. Giả dụ một cộng đồng có 50.000 người,với 2%, số người già chỉ còn là 1000 người. Họ không đủ tư cách chính trị- khả năng hiểu biết- khả năng lãnh đạo- uy tín cá nhân để còn tiếp tục vai trò của cộng đồng.
[Theo Canadian Census Profile, 2016 Census, Tổng số người Canada gốc Việt ở Quebec là 43,080. Bảng 1 theo sau cho thấy số và tỉ số người lớn tuổi ở Montreal và Quebec.]
DCVOnline
Rút lui, nhường lại, khuyến khích, ủng hộ giới trẻ là thái độ “quân tử” nhất, biết phùng thời.
Không, họ lại đóng vai trò là thứ Pharisêu thời đại!
Vào đền thờ, chỗ công cộng, người Pharisêu nghênh ngang vỗ ngực ta đây; ta đây giữ lề luật Chúa nên chiếm chỗ ngồi cao trọng nhất cũng là lúc lộng ngôn nhất. Kẻ có tư cách ngược lại nhận thức rõ mình còn yếu kém thì ẩn thân nơi cuối đền thờ xin tha thứ.
Chỉ có Chúa biết trong hai loại người trên ai là kẻ vô tội, ai là người được Chúa thăm Chúa biết: Ông là ai?
Nói chung thì như phần đông đa số dân chúng miền Nam đã có thái độ ứng xử khá thích hợp trong từng hoàn cảnh rất đáng trân trọng sau 1975.
Ngay cả những người có cơ hội may mắn rời khỏi miền Nam trước 1975 cũng không có gi để nói. Ai ai cũng muốn đi thoát khỏi cộng sản, ai đi được thì mừng cho họ. Ai không đi dược thì chịu cảnh “sống chung” với cộng sản.
Tôi đã bị kẹt lại miền Nam trong 4 năm vì không đi được. Trong 4 năm ấy mới thấy ai là người có tư cách của kẻ thua cuộc? Nhiều khi không phải là thành phần ông nọ bà kia, cũng không hẳn là giới có ăn học, và càng không phải giới có tiền bạc. Càng cao trọng, càng tích lũy nhiều thì càng dễ mất phẩm cách con người. Thành phần đã một thời ăn trên ngồi trốc lúc này đôi khi chỉ là những đàn chó câm, khúm núm và hèn hạ.
Chính những con người ít học, chính những người trước đây không có chân đứng trong xã hội – các người buôn thúng bán mẹt, những người đi bán chợ trời, các bà mẹ, bà chị, bà vợ mà chồng là nạn nhân của chế độ mới – lại tỏ ra có bản lãnh trước cường quyền một cách đáng kinh ngạc.
Vì thế, tôi đã từng ca tụng hai bà chị tôi; sau 1975, họ lăn xả vào cuộc sống, bằng mọi giá nuôi một đàn con, gom góp tiền bạc để cho các cháu vượt biên. Họ can đảm và bất chấp tất cả, một cách tuyệt vời. Bỗng chốc tôi thấy họ trở thành những người anh hùng! Một thứ anh hùng xếp hàng chỉ sau các vị tướng lãnh đã tuẫn tiết.
Nếu phải nói chung, thái độ sợ hãi cộng sản đến kinh hoàng, chạy dẫm đạp lên nhau để tìm đường thoát thân trước 1975 là điều ngược lại, không xảy ra sau 1975.
Lạ lùng đến không hiểu được! Khi cộng sản vào. Phố xá buồn hiu, vắng tanh. Cùng lắm nghe tiếng xích sắt của xe tăng T.54 nghiến trên đường nhựa, dân chúng thầm lặng đứng nhìn họ, nỗi sợ hầu như tan biến đi đâu mất trong thái độ chờ xem.
Nhà tôi gần đường Công lý; tôi ra đường nhìn họ, sợ thì không, nhưng bắt đầu coi thường những kẻ chiến thắng đi chân đất. Những chú bộ đội 15 tuổi thùng thình trong bộ đồ lính quá khổ, rụt rè. Những chị bộ đội – hầu hết đều lùn, mập, quê mùa – khác hẳn với các cô gái xinh đẹp chân dài bây giờ.
Xem ra họ rụt rè, mặc cảm với dân miền Nam.
Viên đại tá cộng sản chiếm căn nhà sát cạnh nhà tôi, trong 4 năm ra vào ít khi chạm mặt; khi bất đắc dĩ chạm mặt, ông cũng không hề chào hỏi, dù một cái gật đầu. Ông có cái mặc cảm của kẻ thắng cuộc trong cái ý nghĩ của Dương Thu Hương sau này viết lại trong cuốn Thiên Đường Mù.
Trong suốt 4 năm đó, điều đáng trân trọng của người miền Nam là tôi chưa hề nghe thấy những lời tố cáo những người có chức có quyền, hoặc có biểu tình công khai, hoặc đập phá những nhà giàu có. Nó khác hẳn cá tính dân miền Bắc, lấy điểm, soi mói, tố cáo, chụp mũ như vụ “cải cách ruộng đất” mà nạn nhân cả trăm ngàn người!
Đây là điều cần phải nói lên, cần trân trọng cái tư cách kẻ thua cuộc. Họ có muốn làm môt vụ “cải cách ruộng đất” lần thứ hai ở miền Nam, họ cũng không làm được. Họ đã thất bại ngay từ dịp Tết Mậu Thân năm 1968 rồi.
Rất tiếc là uwdng xử của một thành phần những người đã đi tù cải tạo sau này ra hải ngoại. Người ta trông chờ ở họ nhiều. Đáng lẽ họ là tấm gương sáng, những con người tiêu biểu của cộng đồng. Họ đã dũng cảm trong chiến tranh, họ đã kiên cường chịu đựng trong trại cải tạo. Rất nhiều người trong số họ đi tù không nghĩ tới ngày về! Học tập 5 năm, 10 năm, 17 năm, khi ra tù họ vẫn là họ – vẫn là người quốc gia tự do – không một ai bỏ hàng ngũ chạy theo phía bên kia, mặc dầu bị hất ra khỏi xã hội.
Đó là tư cách người tù, tư cách của kẻ thua cuộc.
Tôi đã viết “Đi tìm thời gian đã mất” lên án tư cách “bất nhân” của những kẻ thắng trận. Một bài khác ghi lại diễn tiến cuộc thua trận từng giai đoạn: “40 năm nhìn lại những ngày mất Saigon”.
Bài thứ ba này, tôi muốn ghi nhận một số hội chứng sau cuộc chiến mà tôi gọi là mặt trận ký ức (memory battlefield) còn rơi rớt lại nơi một thiểu số nhỏ những người trên dưới 70 như một cảnh thức họ về một não trạng có nhiều phần lão hóa và suy đồi.
Thẳng thắn và trung thực và nếu vạn bất đắc dĩ phải nêu tên một thiểu số người thì chỉ vì tính chứng liệu lịch sử như trường hợp các người lãnh đạo cao nhất của miền Nam trước 1975. Và nếu ai dó tự nhận vơ vào mình thì đó là tự họ mặc cảm mà thôi.
Chúng ta nên có tầm nhìn rộng để thấy đất nước chúng ta bây giờ có gần 100 triệu người, đứng hàng thứ 15 trên thế giới về dân số. Nhiều biến động xã hội, chính trị, nhất là kinh tế đặt để đất nước vào một môi trường địa-chính trị ngang tầm.
Vai trò lịch sử, chính trị, kinh tế của Việt Nam hiện nay là tâm điểm nếu có một cuộc tranh chấp nào xảy ra. Cả thế giới nhìn vào Việt Nam – ngay cả với những kẻ thù nay trở thành đồng minh trong thế liên minh đủ loại và những kẻ từng là kẻ “môi hở răng lạnh” nay là kẻ thù tiềm năng, ngọt nhạt bên ngoài mà bên trong thủ dao sẵn.
Nhưng cái đất nước ấy cũng để lộ ra những kẽ hở phát triển kinh tế lũy tiến theo chiều nghịch đảo với sự suy thoái trầm trọng về đạo đức xã hội, vô pháp luật đẻ ra vô số những bất công xã hội.
Lối ra về kinh tế có thể có tiềm năng. Nhưng lối ra về một xã hội để con người có thể sống xứng đáng làm người thì vô vọng. 10 năm nữa, xếp hạng mức sống, Việt Nam có thể có hạng. Nhưng mặt con người thì xếp hạng nhất nhì tính từ dưới lên.
Cuộc tranh đấu cho một xã hôi tốt đẹp hơn của chúng ta nằm ở chỗ ấy – chỗ hiện nay và bây giờ – hơn là câu chuyện 40 năm về trước.
Trong khi hơn 40 năm qua, có nhiều người trong chúng ta vẫn dậm chân tại chỗ, vẫn một quan điểm, vẫn một lối nhìn đã lỗi thời, vẫn dành 90% thời giờ để chống nhau thì liệu làm được gì? Quá khứ đã được tô hồng mà thực chất đã hoen rỉ, đã mục rữa, đã tàn tạ mà chỉ trong 10 năm nữa không còn ai nhắc tới nữa. Gần 200 hội đoàn đủ loại ở California, mười năm nữa sẽ rơi vào quên lãng.
Bài học của tư cách của kẻ thua trận để lại thì nhiều.
Đại tá Charles Jean Clément Piroth (1906-1954) trong hầm trú ẩn cở Điện Biên Phủ với một chiến hữu. Nguồn: OntheNet
Năm 1955, Pháp thua trận Điện Biên Phủ. Quân độ Pháp gồm 14014 người trong trận Điện Biên Phủ. Trong đó 2293 tử trận. Số bị bắt làm tù binh là 11.721 người. Khi được thả về chỉ còn vỏn vẹn 3200 người sống sót. Nhưng đặc biệt có đại tá pháo binh Charles Jean Clément Piroth (1906-1954) tin tưởng rằng dàn đại pháo của ông sẽ giữ được Điện Biên Phủ. Ông đã thất bại. Ngày 15-3, ông đã rút chốt lựu đạn ôm vào lồng ngực tự sát trong hầm chỉ huy của mình. (Nguồn: Ordre de Bataille Dien Biên Phu. Wikipedia)
Có lẽ chúng ta cần trả lại lịch sử cái gì nó vốn có. Bằng cách có một sự hồi tỉnh mà không ngại xúc phạm đến bất cứ danh dự của bất cứ ai – nếu thực sự họ có danh dự. Nếu điều đó không làm được thì mây mù quá khứ vẫn trùm lấp lên tất cả sự thật và quá khứ của chúng ta càng ngày càng được lau chùi đánh bóng đến độ nó biến thành cái lỹ lẽ đời sống của (La raison d’être) chúng ta. Cái đó, tôi tạm gọi là Hội chứng của kẻ thua cuộc! Nhất là tại hải ngoại
Kẻ thua cuộc ngày càng trở nên hiên ngang đến lố bịch, sống và hành xử như một kẻ thắng cuộc. Nhiều cái lố bịch mà họ không nhận ra sự lố bịch! Tiếc thay điều ấy đang sự thực là như thế.
Đó là mặt trận ký ức (Memory battlefield) tiếp theo một cuộc chiến đã tàn như đã nhắc tới ở trên.
Họ cố gắng giữ lại những kỷ niệm đẹp và oai hùng của cả một thời và cảm thấy bị xúc phạm nếu ai đó nói sự thật về họ. Thật cũng dễ hiểu, bằng bất cứ giá nào, họ không muốn kẻ thắng trận hay ai khác chà đạp lên nỗi thua cuộc của họ, trên cái danh dự của một người lính trận, phương chi những người cùng hoàn cảnh như họ. Họ thù ghét còn hơn thù ghét cộng sản.
Cái quá khứ ấy với nhiều tủi nhục bị tù đầy, bị mất nhà mất cửa, đôi khi mất cả vợ lẫn con làm sao họ quên được.
Tôi chia xẻ được cái tình cảm ấy ở mặt con người, mà nhiều phần tôi cũng là họ.
Nhưng thật khó chia xẻ với họ về thái độ hành xử cố chấp cũng như thái độ chính trị một chiều, “nói lấy được” tại hải ngoại hiện nay. Họ đánh mất cái tư cách của kẻ thua cuộc! Thưa họ là ai? Chỉ xin đưa ra một số ít người lãnh đạo tiêu biểu, ít lắm về mặt quân sự là từ cấp đại tá Lữ Đoàn/Sư Đoàn trưởng trở lên! Các cấp dưới xin tạm để trong ngoặc.
Trong số hàng ngàn những thành phần đã từng lãnh đạo miền Nam trong đó có Tổng thống, Phó tổng thống, các thủ tưởng, các tổng bộ trưởng, các nghị sĩ, các dân biểu, các tướng lãnh đủ loại. Thử hỏi đã có một ai ra gánh vác việc cộng đồng? Và đã làm được việc gì sau 1975 ở Hải ngoại? Gỉa dụ có được một người như Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain – con nhà gia thế nhưng lại là một sĩ quan xông pha trận mạc chứ không phải xin hoãn dịch hay ngồi ở văn phòng, rồi bị bắt làm tù binh và là một người giữ vững tư cách của chính mình ở mọi hoàn cảnh – thì cũng đủ là một niềm hãnh diện và an ủi.
Ở đây, chúng ta cũng chẳng cần mất thời giờ và dài dòng nhắc thêm về tư cách người binh sĩ Nhật khi đầu hàng người Mỹ như thế nào phải không? Chắc không cần.
Gần chúng ta hơn, bên xứ Campuchia, có hoàng thân Sirik Matak. Thủ tướng thứ 23 của nước Cộng hòa Khmer. Sau khi Phnom Penh thất thủ thì viên Đại sứ Mỹ tại Campuchia, ông John Gunther Dean, đã mời Sirik Matak và những viên chức cao cấp trong chính phủ Cộng hòa Khmer đi tị nạn chính trị tại Hoa Kỳ. Dù là một trong bẩy người mà Khmer Đỏ đặt trong danh sách “Bẩy tên phản bội” phải xử tử nhưng Sirik Matak, Long Boret và Lon Non cùng một số thành viên trong nội các Lon Nol đều nhất quyết từ chối. Trong thư gởi Đại sứ Dean, Hoàng thân Matak viết,
“Các ông đã từ chối không bảo vệ cho chúng tôi và chúng tôi không thể làm gì được vè chọn lựa này. Các ông bỏ rơi chúng tôi và mong ước của tôi là các ông và đất nước của các ông sẽ tìm thấy hạnh phúc dưới bầu trời.
Nhưng hãy nhớ rõ một điều rằng, nếu tôi sẽ chết tại chỗ và tại đất nước mà tôi yêu, điều đáng tiếc là tất cả chúng ta đều sinh ra và đều phải chết một lần. Tôi chỉ phạm sai lầm khi tin vào người Mỹ các ông.”
Sau khi buộc Tòa Đái sứ Pháp giao Sirik Matak và những nhân viên của ông đang ẩn náu tại tòa Đại sứ Pháp Khmer Đỏ có thể xử tử ông và đồng nghiệp tại hồ bơi hội quán thể thao (Le Cercle Sportif ỏe Phnom Penh) vào ngày 21 tháng 4 năm 1975. (Nguồn: Sisowath Sirik Matak, Wikipédia)
Cho đến nay, theo tôi biết thì vẫn chưa có một bia tưởng niệm đầy đủ hay ngày tưởng niệm về các người anh hùng đủ loại, đủ cấp bậc ấy!
Tại tòa đại sứ Mỹ ở Saigon có treo một tấm bảng đồng tưởng niệm năm binh sĩ đã tử trận trong dịp Tết Mậu Thân. Một ký giả Mỹ đã cất tấm bảng đồng ấy và chắc ông đã mang về Mỹ. Hãy chỉ cho tôi thấy, có một tấm bảng đồng nào như thế tại các Cộng Đồng người Việt? Vậy mà mỗi lần nghiêm chỉnh chào Quốc kỳ xong, vẫn có một phút tưởng niệm!
Tôi là người bị kẹt ở lại nên đã có cơ hội nhìn, nhận xét cả bên thua cuộc lẫn thắng cuộc. Nó dậy cho tôi nhiều bài học: Bài học cay đăng với người Mỹ vì họ đã bỏ rơi miền Nam. Bài học chia xẻ và thương cảm với những người còn ở lại. Bài học thù ghét cộng sản được nhân lên nhiều lần.
Đối với những kẻ thua trận còn kẹt lại trong gọng kìm lịch sử oan nghiệt. Họ đích thực là những người anh em của tôi vì các anh rể tôi cũng cùng chung số phận. Họ là nạn nhân của cả hai, ba phía. Trong số ấy có nhiều vị tướng lãnh đã cất lên tiếng nói cuối cùng của họ.
Họ chẳng khác gì những Charles Piroth hay Sirik Matak.
Xin một lần nữa vinh danh họ. Họ là Trung Tá Long. Trung Sĩ Quân Cảnh Trần Minh. Chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ, Chuẩn tướng Trần Văn Hai, Thiếu tướng Phạm Văn Phú, Thiếu tướng Lê Văn Hưng, Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam, v.v., và những người chiến sĩ vô danh.
Đó là những cái chết anh dũng, nhưng đã thay đổi được gì và có lý nào đại diện cho những kẻ đã bỏ chạy?
Cùng với Lê Bá Chữ, Nguyên Sa, Trần Bich Lan, vì quen biết nhiều vị tướng lãnh, trong một cuốn sách nhan đề “Lịch sử ngàn người viết” (nxb Đời, năm 1995) đã nêu ra thắc mắc, tại sao nhiều đơn vị ở Quân Đoàn I và II đang ở vị thế chờ địch và sẵn sàng chiến đấu thì đã được lệnh rút lui ngay một cách rất phi lý, không một lời giải thích.
Nếu là lịch sử ngàn lời thì đây là lúc nó cần lên tiếng. Lịch sử ngàn lời là lịch sử của tiếng nói trung thực của người trong cuộc — của những nạn nhân chết oan — của những người chết trong ngục tù cộng sản, không phải là oang oang tiếng chó sủa, mèo kêu. Nói chung không phải là những bọn Pharisêu thời đại.
Tiếng nói của những người đã tự trẫm mình là tiếng nói ý nghĩa và cao cả nhất bằng hàng vạn tiếng nói khác.
Bởi vì cái chết cuối cùng của họ vẫn là kẻ có lý. Bởi vì tự sát là một sự hy sinh không còn sự hy sinh nào khác ngang hàng và là một sự hy sinh cuối cùng.
Vì thế, cái chết của họ không thể vô ích. Mà chỉ có những cái còn lại — những kẻ còn sống, những kẻ chạy trước — mà đôi khi cái sống của họ là vô ích, là sống thừa.
Nếu chúng ta vinh danh những người lính Việt Nam Cộng hòa anh hùng thì ai có đủ cái tư cách vinh danh họ? Vinh danh họ cũng là một hình thức phủ nhận những kẻ lãnh đạo đã hèn nhát trốn chạy.
Trọng tâm bài viết này đặt tư cách của những kẻ thua cuộc, những kẻ trốn chạy. Vấn đề chính yếu là thái độ, hành xử của người thua cuộc.
Thật ra khó có câu trả lời dứt khoát và cũng không dễ có sự đồng thuận với nhau về câu hỏi này. Nhưng không phải là không có những người có đủ tư cách để tra lời câu hỏi đó.
Ký giả Peter O’Loughlin Trưởng phòng Tin ở Sydnet của AP đã cho biết trong tình trạng disorderly retreat dẫm đạp lên nhau mà chạy. Hàng ngàn người đã chửi TT Thiệu, tóm tắt trong câu, “Thiệu abandoned us” như một người đàn bà đã nói.
Và có thể nhiều người dân tỵ nạn trên liên tỉnh lộ 7B hướng về phía Tuy Hòa cũng có chung tâm trạng với người đàn bà này. 2000 xe cơ giới đủ loại, kẹt cứng vì đất bùn. Các binh lính quá hoảng hốt, tức tối dùng thiết vận xa cán bừa lên người để tiển về phía trước.
Chu Tử, trong lúc tức giận ông đã chửi thề theo ghi lại của Nguyễn Liệu khi đến thăm ông,
“Đ.M. nó, bảo hết làm tổng thống, nó làm lính chiến đấu tới hơi thở cuối cùng, bây giờ thực sự lâm nguy, nó sẽ chạy trốn, mà nó bỏ trốn thì tinh thần quân đội xuống như thế nào anh biết chứ. Mấy anh quen với tôi cũng chuẩn bị ra đi. Tôi có hỏi ông Lắm, Thiệu giao chức tổng thống có dám nhận không, ông ta trả lời, ‘nó ăn đã, bảo tôi dọn, tôi dại gì.’ Đ.M. trước đây thằn nào cũng thích làm Tổng thống, nay đéo có thắng chó nào nhận, Thiệu sẽ giao lại ông già Hương rồi ra đi cho an toàn, nghe nói mụ Thiệu thúc ngày thúc đêm ra đi. Đời là thế đấy, đéo chịu được.”
Nguyễn Liệu, Đời tôi, Hồi ký, Tiếng Que Hương trang 453-454
Tôi cũng đã đọc phần Hồi ký của ông Nguyễn Liệu mà xác chết hai bên đường phần lớn đều là xác lính Biệt Động Quân. Các xe thiết vận xa chạy trốn ra Chu Lai sợ bị phục kích nên cứ thấy bóng người đi bên đường là xả súng vì sợ Việt Cộng phục kích! Thảm thương quá. Quân ta giết quân ta.
Thảm cảnh ấy không phải chỉ xảy ra một lần mà nhiều lần, ở nhiều nơi, ở nhiều hoàn cảnh khác nhau. Thật là quá bi phẫn và thương tâm khi ký giả Ken Kashiwahara, ABC News kể lại câu chuyện, “The Bus Ran Over the Baby”.
“Then, as the bus was pulling away — and I remember this very, very clearly and I remember it as long as I live — a Vietnamese man came running up alongside the bus. He was carrying a baby. And he held out the baby and he was pleading, ‘Please take my baby! Please, take my baby!’ And the bus kept moving. And the man fell. And the baby fell, too, obviously. And the man dropped the baby. And the rear wheels of the bus ran over the baby! (…) But the driver just kept on going. I’ll never forget that. Never…”
Larry Engelmann. Tears before the Rain: An Oral History of the Fall of South Vietnam, trang 164
Và tôi liên tưởng đến cảnh dày xéo nhau, dẫm đạp lên nhau, xe cộ cán lên người bất kể để dành chỗ tiến lên phía trước trên con đường số 7B, rồi tại Đà Nẵng, rồi tại bãi biển Mỹ Chánh! Tôi không biết Mỹ Chánh ở đâu, nhưng chỉ biết có xác người nằm chết đủ kiểu.
Quan nhân Việt Nam Cộng hòa thăm hỏi đồng bào tị nạn từ Đà Nẵng và Huế, March 29, 1975. Ảnh: Trần Khiêm
Một Dunkerque Việt Nam
4000 lính Thủy Quân lục chiến nằm kẹt ở đây? Một Dunkerque Việt Nam. Không biết có bao nhiêu người trong số họ leo lên được chiến hạm 404 cùng với cấp chỉ huy đã ở sẵn trên đấy. Leo lên rồi, đạp, ném xuống biển tất cả những người khác không cung binh chủng. Số còn lại, rã đám, tan hàng. Chỗ này một tiểu đội, chỗ kia chỉ còn vài người chạy tán loạn lạc hướng. Vứt súng, vứt đạn, cởi bỏ quân phục chỉ còn mình trần. Hết đường, có đám tụ lại cứ 5, 6 người rồi tự sát.
Đấy là cảnh kinh hoàng với bản năng sinh tồn, đầy thú tính.
Tôi tự hỏi ai gây nên thảm cảnh này? Tại Mỹ. TT. Thiệu khi từ chức đã nói, ‘Người Mỹ phản bội chúng ta.’ Tôi đồng ý. Nhưng những nạn nhân vô tội chết trên đường di tản, tất cả cũng tại Mỹ chăng?
Tôi cố gắng đi tìm một hình ảnh thật đẹp, thật cảm động, thật đầy ắp tình người giữa người Việt với người Việt, chẳng hạn giữa một viên sĩ quan lon lá đầy mình đang cõng một người già trên đường di tản, hay đang bế một đứa bé lạc mẹ!
Tôi chỉ thấy một bức hình rất cảm động của nhiếp ảnh viên Eric Von Marbod đã ghi lại hình ảnh một cậu con trai, chừng 15 tuổi đang cõng mẹ trên đường di tản khỏi Ban Mê Thuột!
Rất tiếc, cho đến lúc này tôi vẫn chưa tìm thấy một bức hình nào của sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng hòa cõng một cụ già, bồng bế một em bé thoát khỏi vùng lửa đạn.
Một người lính Việt Nam Cộng hòa an ủi đồng đội bị thương nặng. Gần Sài Gòn. Ngày 5 tháng 8 năm 1963. Nguồn: AP/Horst Faas.
Đọc đến đây, hy vọng có bạn đọc cảm thấy biết xấu hổ về mình. Đôi khi phải biết xấu hổ mới được!
Những tấm lòng cao thượng của người Mỹ
Trong khi đó, tôi nhìn những trẻ nhỏ được những người Mỹ dắt díu chúng lên máy bay vận tải C.130. Các em là ai? Đó là những thiên thần. Hãy nhìn những người lính Mỹ, đội mũ sắt, bế các trẻ em trên chiến hạm U.S.S Blue Ridge, ngày 29-4, 1975.
Tôi có thể thù ghét H. Kissinger, Nixon. Nhưng làm sao tôi không yêu những người lính Mỹ đó? Cái đó phải chăng cũng nằm trong cái tư cách một người di tản?
“He’s general and He’s staying”
Xin trích dẫn một nhân chứng khác- do phóng viên Larry Engelmann ghi lại. Huệ Thu “He’s general and He’s staying.” Theo lời kể lại của cô, cô vốn là một giáo viên dạy Anh văn và Pháp văn tại nhà. Cô có một người bạn Mỹ tên là Jim Bradley, vào ngày 25-4 anh này đến nhà khuyên cô là phải đi ngay càng nhanh càng tốt, vì chúng ta thua rồi. Cô không tin và không đi. Đời sống vật chất của cô đầy đủ, cha mẹ mất nên cô thừa hưởng một khách sạn và một nhà hàng. Cô lại không làm chính trị nên ở lại chờ xem.
Cô nhớ lại đã nghe tướng Kỳ tuyên bố,
“‘I will stay here until my last blood until I’m dying.’ I told my friend. He’s a general, and he’s staying here. Why do we have to run?”
Nguyen Cao Ky
Trong diễn văn từ chức vào tối 21 tháng 4 năm 1975, sau đó ông mạnh mẽ cáo giác Hoa Kỳ bỏ rơi đồng minh Việt Nam, Tổ thống Nguyễn Văn Thiệu nói,
“Mất một Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu, quân đội còn Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, đồng bào còn một chiến sĩ Nguyễn Văn Thiệu. Tôi nguyện sẽ chiến đấu bên cạnh anh em chiến sĩ.”
TT Nguyễn Văn Thiệu, 21/04/1975
Ở một đoạn khác cô kể,
“I still don’t like the way Ky or Cao Văn Vien or Thiêu ran like that. They should stay and fight, that would be better. There was no fight at the end at all. I was there. I didn’t see any fight at all. I don’t know how they lost.”
(Lary Engelmann. Tears before the Rain. An oral history of the fall of Saigon. 1990, trang 266-267.)
Tướng Trưởng và các cấp chỉ huy của Quân đoàn I
Phần những người trực tiếp trong cuộc như tướng Trưởng viết: Tai sao tôi bỏ quân Đoàn I? (Một tài liệu khác của tướng Ngô Quang Trưởng, The Easter offensive of 1972, U.S. Army Center of Military History, 1980.) Ông trần tình,
“Sáng 18 tháng 3 năm 1975, tôi ra Huế gặp tướng Lâm Quang Thi (tư lệnh phó Quân Ðoàn 1) đang chỉ huy tại Huế. Tôi ra lệnh: Giữ Huế cho thật vững. Chiều hôm đó về đến Ðà Nẵng, tôi nhận được một lệnh do đại tướng Cao Văn Viên, thừa lệnh Tổng thống yêu cầu tôi “bỏ Huế.” Thật làm cho tôi chết lặng người.”
Ngô Quang Trưởng, Tai sao tôi bỏ quân Đoàn I, Lịch sử ngàn người viết
“Ngày 29 tháng 3, cộng quân tràn vào Ðà Nẵng với những trận giao tranh nhỏ. Tôi được chiến hạm HQ 404 đưa về Sài Gòn. Trên tàu cũng có một lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến. Khi tàu chạy ngoài khơi, Tổng thống Thiệu liên lạc yêu cầu tôi ra tái chiếm lại Ðà Nẵng. Tôi trả lời ngay là bây giờ tôi lấy ai để theo chân tôi tái chiếm Ðà Nẵng?”
Ngô Quang Trưởng, Ibid.
Theo đại tá Nguyễn Thành Trí, Tư lệnh phó Sư đoàn Thủy quân lục chiến, đóng ở Non nước kể về cuộc triệt thoái Đà Nẵng cho đại tá Phạm Bá Hoa sau này. Ông nói:
“Khoảng 5 giờ chiều ngày 28 tháng ba, năm 1975, quân đội cộng sản tấn công vào sư đoàn 3 Bộ binh. (…) Và chỉ chống trả trong thời gian ngắn, sư đoàn 3 rút lui. (…) Thiếu tướng Bùi Thế Lân, Tư lệnh sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến đã rời khỏi Sư Đoàn và lên chiến hạm của Hải quân Việt Nam từ lúc chiều.”
Phạm Bá Hoa. Đôi dòng ghi nhớ, nxb Ngay Nay, 2007 trang 287
Tư cách nó nằm ở chỗ này. Cộng sản vừa tấn công đã rút lên chiến hạm 404 để thoát thân để lại tất cả 4000 Thủy Quân Lục Chiến cùng với các sĩ quan Tiểu Đoàn Trưởng. Cuối cùng mạnh ai nấy chạy, mạnh ai nấy thoát thân.
Để bào chữa cho việc thoát thân lên tàu này. Ông tướng Lân nói để bảo toàn lực luợng?
Cùng lúc ấy thì chuẩn tướng Khánh, đại tá Phước, đại tá Duệ lên trực thăng đi. Nhưng không biết trực thăng trục trặc chi đó đành quay về. Cả ba đành quyết định lội nước lên chiến hạm 404.
Phần tướng Trưởng, cũng ngày 29 tháng ba, ông cũng quyết định lên tàu. Lên tàu thì đã có sẵn Đại Tá Nguyễn Xuân Hường, Tư lệnh Lữ Đoàn I Kỵ Binh.
Nói chung toàn bộ các cấp chỉ huy từ các Tư lệnh Quân Đoàn I, các binh chủng Bộ Binh, Nhảy Dù, Thủy Quân Lục chiến đến các quân chủng Hải Quân, Không quân và các vị tỉnh trưởng đều trốn chạy khi quân cộng sản bắt đầu đánh chiếm Đà Nẵng.
Sự tiết lộ của Đại Tá Trí, tư lệnh Phó sư đoàn Thủy quân lược chiến, ngày nay nghĩ lại, chúng ta nghĩ sao về sự trốn chạy của các vị Tư lệnh, Lữ Đoàn Trưởng, Tỉnh trưởng chạy khi cộng quân bắt đầu đánh chiếm Đà Nẵng?
Để kết luận về cuộc tháo chạy, đại tá Phạm Bá Hoa cũng là người tháo chạy ở giờ thứ 25 đi đến kết luận,
“Ôi! Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, một quân lực vì lý tưởng tự do mà chiến đấu, nhưng lại bất hạnh bởi những vị lãnh đạo quyền lực đã không thi hành trách nhiệm khi tổ quốc thật sự lâm nguy!”
Đại tá Phạm Bá Hoa, Ibid trang 310
Thưa đại tá, Họ là ai?
Tướng Lê Quang Lưỡng nghĩ gì về ông Nguyễn Văn Thiệu
Tướng tư lệnh nhảy dù Lê Quang Lưỡng trong một bài viết: “Thiệu xé rách sư đoàn Dù làm gì?”
“Sự việc không hoàn toàn đơn giản như thế. Lệnh rút lui sư đòan Dù về Saigon chỉ là một lệnh bề mặt mà chiều sâu là phân tán sư đoàn Dù. Ông Thiệu áp dụng kế hoạch “bẻ bó đũa” làm tan tành đoàn quân bách chiến, một binh chủng oai hùng, xô đẩy những thiên thần vào hỏa ngục.. Mười hai tiểu đoàn trưởng trên mười tám linh hồn của Đoàn quân Mũ Đỏ hoặc gục ngã ở chiến trường sắp đặt, hoặc lọt vào tay địch.”
Lê Quang Lưỡng. Thiệu “xé rách sư đoàn Dù làm gì? Đi Tới, số 32, 2010
Ý của vị Sư Đoàn Trưởng Dù là ông Thiệu sợ đảo chính nên phân tán xé lẻ các đơn vị Dù đi nhiều nơi. Trong khi đó, những người lính Dù chỉ lấy việc bảo vệ quê hương làm quan trọng và không màng gì tới thanh danh và chính trị. Và không muốn ngả về bên nào, không chọn lựa điều không liên quan đến chiến trường. Tướng Lê Quang Lưỡng viết tiếp cảm tưởng của ông về sắc điệu của ông Thiệu,
“Cựu TT. Thiệu gọi tôi về trình diện 21 tháng 3. Dù vậy, tôi không bao giờ quên được khuôn mặt, mắt liếc xéo, nụ cười khoái trá, giọng nói chứa đựng thỏa mản, toàn bộ khuôn mặt toát ra sự khoan khoái kỳ lạ. Cựu tổng thống Thiệu nhìn tôi với tia mắt kỳ lạ đó với nụ cười ở cuối môi, ông nói, ‘Theo anh. Liệu trung tướng Trưởng có giữ nổi Quân đoàn I khi tôi rút sư đoàn Dù về đây không?’”
Lê Quang Lưỡng. Ibid.
Biết là rút Sư Đoàn Dù thì tướng Trưởng sẽ không giữ được Đà Nẵng, Ông Thiệu vẫn có thể cười thỏa mãn về quyết định của mình?
Tuy nhiên lời tố cáo gián tiếp nặng nề ông Thiệu không hẳn là sự phân tán lẻ mà còn là một ý đồ sâu xa hơn và tác giả không tiện nói thẳng ra. Ông viết,
“Cựu Tổng thống Thiệu có nghe phong phanh về những toan tinh đó không? Trong mọi trường hợp, lúc đó tôi nghĩ ông phân tán anh em chúng tôi là vì nghi ngờ. Bây giờ tôi vẫn còn muốn nghĩ như thế. Trừ phi ông muốn bẻ tan “bó đũa” vì lý do khác –lý do khủng khiếp — Tôi không muốn nghĩ tới lý do đó. Tôi muốn nghĩ đến một sự nghi ngờ. Như một sự xua đuổi ý nghĩ ghê gớm kia.”
Lê Quang Lưỡng, Ibid.
Những ý nghĩ “khủng khiếp” của tướng Lê Quang Lưỡng đã úp mở không nói ra. Nhưng phúc trình của CIA giúp hiểu rõ thêm về ý dồ rút quân này.
Nhận định của CIA về cuộc rút quân và thâm ý của TT. Thiệu về việc rút quân
Theo nhận định phúc trình của C.I.A sau này do Thomas L. Ahern, Jr. biên soạn nhận xét về việc rút lui Ban Mê Thuột và Quân đoàn I, Quân Đoàn II như sau:
“The accelerating ARViệt Nam collapse did not result from a North Vietnamese general offensive, but rather invite it, as Polgar was later at pains to point out. With both MR.I and MR-2 in ennemy hands, the COS wanted Headquarters to understand that it was Thieu’s precipitous decisions and poor executions by hís commanders… poor leadership, poor morale, indiscipline and selfisness..that let the nation down and introduced a process of deterioration that led to results far in excess of what North Vietnamese military pressure would have been capable of during this time frame.”
CIA and the Generals. Covert Support to Military Government in South Viet Nam. Thomas L. Alhern, Jr, trang 161
DCVOnline: COS hay COSVN là Trung ương Cục miền Nam là một bộ phận của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam tại chiến trường miền Nam Việt Nam, có nhiệm vụ
“…căn cứ vào nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc và các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương và Bộ Chính trị về cách mạng miền Nam mà đề ra chủ trương, chính sách, phương châm, kế hoạch công tác và chỉ đạo cụ thể ở miền Nam.”
Lịch sử Văn phòng Trung ương Cục miền Nam 1961 – 1975
Nhận định của phúc trình của CIA về tình hình lúc bấy giờ khá trung thực và phản ánh thực trạng các vị sĩ quan trong quân đội Việt Nam Cộng hòa. Không có lãnh đạo, tinh thần kém, vô kỷ luật, ích kỷ đã đưa cả hàng triệu người lính miền Nam vào một sự sụp đổ vào tay cộng sản một cách không ngờ được.
Nói chung, tình hình lúc ấy dù đã mất Đà Nẵng, dân chúng vẫn tin tưởng vào người Mỹ, vào quân đội.
Và hơn thế nữa, nói cho rốt ráo, theo như lời tường thuật của Frank Snepp- trưởng cơ quan tình báo của CIA phân tích chiến lược – như sau khi Thiệu từ chức.
“Thieu, in fact, was already several chess moves ahead of them. Overnight, he had decided not to give his tormentors the pleasure of picking over his corpse. He would stepped down at once and let them tear each other to piece. ‘Yes my timing was just right,’ he told a friend on Taiwan severals months later. ‘I waited until the patient was in his deathbed. No one could save him. Then I left. I want no one to be able to surpass what I had done for my country.’”
Frank Snepp. Decent interval, 1977, trang 394
Những nhận xét của Frank Snepp có thể trùng hợp với ý nghĩ của tướng Sư Đoàn Trưởng, Sư Đoàn Nhảy đù trong buổi gặp gỡ đối mặt với TT. Thiệu ngày 12-3 tại Dinh Độc Lập chăng?
Nếu nguồn tin cung cấp trên của Frank Snepp là sự thật thì quả đó là điều bất hạnh nhất cho Việt Nam Cộng hòa. Chỉ vì muốn trả mối hận Mỹ hoặc những ai khác đang tim cách lật đổ ông đến nỗi vì mối hận riêng đưa đến những quyết định tai hại dây chuyền cho sự sụp đổ miền Nam một cách mau chóng như vậy.
Tôi cũng hy vọng là những nguồn tin của Frank Snepp là không có căn cứ đích thực. Nói theo bây giờ là Fake News.
Hoàng Đức Nhã và tâm tư TT. Thiệu
Tuy nhiên sau này, Hoàng Đức Nhã sau khi đi Singapore về, lại một lần nữa, khuyên ông Thiệu bỏ ý tưởng trả thù đi. Có vẻ ông Thiệu cảm dộng và nghe theo lời Nhã. Lời khuyên của Hoàng Đức Nhã một lần nữa củng cố thêm cái lập luận là việc rút Quân Đoàn I và Quân Đoàn II trong đó có thể có ý tưởng làm phá hoại những kẻ thù của ông.
“And as so often before, Nha tried to cast himself as a spokesman for reality. ‘No, my president,’ “he told Thieu, ;there is no longer any time for honors or revenge. You must leave now.’”
Frank Snepp, Ibid, trang 434
TT. Thiệu là một người quá đa nghi, tính toán cẩn thận, nhiều thủ đoạn, nhiều đòn chính trị phải gọi là “bá đạo” cùn những mối thâm thù với Ông Kỳ và đám tướng lãnh trẻ, và ông Minh. Phải chăng cái kết thúc này là một sự phá hoại trong việc triệt thoai miền Trung?
Nguyễn Tiến Hưng và việc quyết định rút quân khỏi Ban Mê Thuột của TT .Thiệu
Thật ra, theo ông Cao Văn Viên, có đến ba sách luợc rút quân. Một của tướng Đồng Văn Khuyên, hai của tướng Murray và ba của tướng Úc. Theo ông Nguyễn Tiến Hưng cho rằng quyết định rút khỏi Quân Đoàn I, quân đoàn II là do khuyến cáo của một vài tướng lãnh Mỹ và Úc. Ông cho biết trong một tài liệu bá cáo của tướng Murray có đoạn sau:
- Nếu mức dộ quân viện là 1,4 tỷ thì có thể giữ được tất cả những khu đông dân cư của cả bốn vùng chiến thuật;
- Nếu là 1,1 tỷ thì Quân khu I phải bỏ;
- Nếu là 900 triệu thì khó giữ được Quân Khu I và II, hoặc khó đương đầu với cuộc tấn công của Bắc Việt.
- Nếu là 750 triệu thì chỉ có thể phòng thủ vài khu vực chọn lọc và khó điều đình được với Bắc Việt;
- Nếu quân viện dưới 600 triệu thì chính phủ Việt Nam Cộng hòa chỉ còn giữ được Sài Gòn và vùng Châu Thổ sông Cửu Long.
Và tướng Murray kết luận:
“Ta có thể ví sự mất tiền xấp xỉ như mất đất vậy. Còn chính TT Thiệu thường nói câu này trong các buổi họp: ‘Từng chiến lược cho từng mức viện trợ.’ Ông Thiệu hay dùng chữ: Tái phối trí.
Nguyễn Tiến Hưng. Khi Đồng minh tháo chạy. 2005, trang 231-235
Tôi không rành quân sự. Nhưng kế hoạch nào thì cũng phải điều nghiên kỹ càng về mọi mặt. Thất bại trong việc rút quân này, ngoài tướng Phú còn những ai?
Đọc đọan trích dẫn trên thấy dễ sợ quá. Quân đội Việt Nam Cộng hòa chẳng lẽ đánh giặc như lính đánh thuê? Họ đã học được lối đánh giặc(luxury of the US way). Chủ yếu dựa vào bom, phi cơ chuyển vận, và trọng pháo. Không có những thứ đó, họ như cụt mất tay chân.
Thua là phải.
Trong dịp này, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Kim Dong-jo của Đại Hàn cho rằng. Bài học cộng sản ở Việt Nam cho thấy các quốc gia phải mạnh và phải tự cứu lấy mình.
(Còn tiếp)
© 2019 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: DCVOnline biên tập, minh họa và phụ chú
- Tòa án Mỹ đã xử xong vụ Bùi Đình Thi, BBC Vietnamese.com, Thang 5, 2004; Bùi Đình Thi giữa đường trở lại quê hương, Huy Phưong, Việt Nam Nhật báo, Số 6393, 09/10/2011