COVID-19: Những lời chân tình
Mindytran Nguyen | Hon Viet
Một lần nữa tôi hy vọng mọi người đều bình an và tiếp tục suy xét một cách bình thường. Đừng nghe những buổi họp báo của Tổng thống nữa, hãy phối kiểm chính xác dữ kiện của những tin tức nhận được, khi đó mới có thể giữ được đầu óc bình tĩnh và tâm hồn thanh thản.
Xin gửi mọi người,
Đã 4 tháng từ khi Tổng thống chính thức loan báo rằng đất nước đang phải đối phó với cơn đại dịch COVID-19. Đã 4 tháng từ khi chiếc khẩu trang trở thành một phần của bộ đồng phục lẫn trang phục thường của tôi. Tôi đã làm việc nhiều giờ hơn thời biểu ấn định hàng tuần, tối thiểu 48 tiếng và có một vài tuần tổng cộng kéo dài tới 72 tiếng. Chẳng ai buộc tôi phải nhận làm thêm giờ cả. Mà tôi tự tình nguyện, khi biết khu Chăm sóc đặc biệt ICU cần được thêm trợ giúp. Tôi nhớ con trai tôi, Vincent Tran, từng nói “Mẹ à, trong quân đội chúng con phải phục vụ bất cứ khi nào và nơi đâu cần tới chúng con. Không hề có chuyện làm ca từ 8 tới 12 tiếng như chỗ của Mẹ đâu.” Lúc đó tôi không biết Vincent làm gì trong quân đội. Bây giờ qua chuyện này, tôi kính trọng và biết ơn sự phục vụ của cháu.
Khi đại dịch bắt đầu tới Mỹ, tôi có niềm tin là thể nào chúng ta cũng kiểm soát được thứ siêu vi này vì (đất nước) chúng ta thuộc hàng thế giới tiên tiến mà. Chúng ta có kỹ thuật, có các công trình nghiên cứu, giới khoa học gia và nền giáo dục tốt nhất để đưa chúng ta vượt qua giống siêu vi chết người này. Ấy thế mà, sau 4 tháng chiến đấu chống chọi đại dịch này, giờ đây nước Mỹ dẫn đầu về số ca nhiễm bệnh và mức tổn thất nhân mạng cao nhất.
Thế giới đã quan sát và học hỏi từ những lỗi lầm của nước Mỹ. Sau 3 tháng họ đã có thể mở cửa đất nước trở lại rồi. Việt Nam chỉ có dưới 500 ca và không có người chết. Một số người có thể cho rằng những con số đó không xác thực[1]. Nhưng chẳng có bạn bè nào của tôi bị bệnh và thân nhân họ hàng tôi trên cả nước chẳng có ai biến mất. Họ đã trở lại với cuộc sống đơn giản của mình, thoải mái du lịch và đi làm việc từ thiện. Trường học và doanh nghiệp đã mở cửa an toàn. Nhưng đáng buồn là lúc này thì tôi chưa về thăm được. 😫😫😫
Mới hôm Thứ Sáu vừa qua, toàn thân tôi nhu tê cứng và chẳng còn chút sức lực nào. Sau ca làm việc liên tục thứ tư của mình, tôi vừa khóc vừa lái xe như cuồng điên về nhà. Tôi phải gọi cho người y tá trưởng yêu cầu được làm việc với những bệnh nhân không phải vì Covid-19 trong ca thứ năm của mình. Người bệnh nhân 47 tuổi của tôi đã phải trối trăn từ giã vợ con qua Facetime trước khi chúng tôi đặt ống thở vào phổi cho anh. Không có gì để bảo đảm phải bao lâu nữa họ mới có thể liên lạc lại được với nhau hoặc đây có thể là lời từ biệt nhau cuối cùng. Tôi không thể nào rũ bỏ hình ảnh đó ra đại dịch sống sót sau khi phải vào ICU.
Lúc nào tôi cũng cầu mong điều tốt lành nhất nhưng vẫn chuẩn bị sẵn sàng đón nhận điều tệ hại nhất. Các nhân viên y tế đã làm việc tận lực không mệt mỏi để chăm sóc và điều trị bệnh nhân tốt nhất . Trong kế hoạch điều trị chúng tôi tận dụng bất cứ loại thuốc men nào sẵn có như Remdesivir, convalescence plasma, steroids, và IV Abx. Chúng tôi chữa trị mà không hỏi xem bệnh nhân có bảo hiểm y tế hay không. Chúng tôi dốc hết nỗ lực để cứu mạng trước còn tất cả mọi thứ khác sẽ tính sau.
Qua Phật giáo, tôi học được rằng chẳng có gì là trường tồn. Tất cả chúng ta đều đang cùng nhau chịu đựng và tin rằng rồi nó sẽ qua. Tôi đã nghe từ công chúng bàn tán về đủ thứ âm mưu đến nỗi cảm xúc của tôi khô kiệt. Mới đây có mấy người bạn hỏi tôi rằng các bệnh viện có báo cáo chính xác về các trường hợp bị nhiễm bệnh không. Họ nghe nói là càng báo cáo có nhiều bệnh nhân Covid-19 thì bệnh viện càng nhận được tài trợ nhiều hơn. Bạn trai của con gái tôi thì nói, tỷ lệ bệnh nhân tử vong[2] là 0.05% thì đâu có gì là cao phải không?
Tôi không biết chuyện chính trị. Tôi chỉ biết mỗi điều là mình đã làm việc dài giờ, hết tuần này sang tuần khác suốt từ ngày 14 tháng Ba tới nay. Tôi tình nguyện trở thành một y tá để phục vụ cộng đồng, chăm sóc người bệnh, vậy thôi. Tôi đã phải làm việc từ 48 đến 60 tiếng một tuần, hãy tin tôi rằng đó là số liệu chính xác. Trong 4 tháng qua tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp tử vong, phải đối phó với không biết bao nhiêu lần báo động cấp cứu code blue vì trường hợp nguy kịch tới tính mạng.
Những chuyện này thật là quá sức chịu đựng. Tôi ước ao sao cho mọi người trong xứ sở này có thể học để biết đồng cảm và kính trọng nỗ lực tận tâm chăm sóc bệnh nhân của chúng tôi. Một số lập luận giả thiết quả tình là sự nhục mạ thậm tệ giới chăm sóc y tế chúng tôi.
Chuyện đeo khẩu trang để bảo vệ cộng đồng đã trở thành một đề tài chính trị và vượt qua ý nghĩa của dân quyền. Những kẻ chống đối việc đeo khẩu trang có vẻ như đều có cuộc sống tốt đẹp, là những người có giáo dục, có thân nhân bạn bè làm việc trong ngành chăm sóc y tế. Vậy tại sao họ lại quyết liệt chống đối chuyện đeo khẩu trang? Nếu như họ có thể lùi một bước và ngưng ích kỷ 1 vài ngày, biết đâu họ có thể giúp cho cộng đồng chúng ta hãm bớt đà gia tăng con số trường hợp bị nhiễm bệnh.
Tôi hy vọng công chúng hiểu được rằng chuyện đeo chiếc khẩu trang sẽ thực sự đem lại nhiều điều tốt lành hơn là gây ra gây ra tai hại. Hãy ngừng ngay chuyện tuần hành mà không đeo khẩu trang, không giữ khoảng cách an toàn với nhau để rồi cứ ngồi đó thắc mắc tại sao các doanh nghiệp không thể mở cửa được. Hãy suy nghĩ bằng trí khôn bình thường và hãy học kinh nghiệm của những quốc gia khác.
Một lần nữa tôi hy vọng mọi người đều bình an và tiếp tục suy xét một cách bình thường. Đừng nghe những buổi họp báo của Tổng thống nữa, hãy phối kiểm chính xác dữ kiện của những tin tức nhận được, khi đó mới có thể giữ được đầu óc bình tĩnh và tâm hồn thanh thản.
Xin cầu chúc tất cả mọi người luôn an bình!
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Mindytran Nguyen, “To my community”, Facebook, July 27, 2020.
Bản Việt ngữ, Hon Viet, “Những lời chân tình”, Facebook, July, 27, 2020
DCVOnline minh họa và phụ chú.
[1] Tong Truong, “Não trạng”, Facebook, July 27, 2020.
[2] Tỷ lệ bệnh nhân thiệt mạng vì COVID-19 ở Mỹ (crude CFR) được ước tính là 5,4% vào ngày 20 tháng 4 năm 2020, với tỉ lệ CFR điều chỉnh là 6,1% (trong khoảng 5,4%–6,9%). Nguồn: “Temporal estimates of case-fatality rate for COVID-19 outbreaks in Canada and the United States”, Elaheh Abdollahi, David Champredon, Joanne M. Langley, Alison P. Galvani and Seyed M. Moghadas, CMAJ June 22, 2020 192 (25) E666-E670; DOI: https://doi.org/10.1503/cmaj.200711