Đối thoại với nhà văn Bảo Ninh
Trần Hoài Thư
Anh quả là một nhà văn tài hoa chữ nghĩa. Có điều, một nhà văn có tài, không phải là tài ở những chuyện bịa đặt, phóng tác có chủ ý, để lường gạt những người ngây thơ nhẹ dạ, hay không có kinh nghiệm. Ông ta phải biết thành thật, cho chính ông, và độc giả của ông và cả kẻ từng thù địch với ông nữa.
Từ lâu, người ta đã chờ đợi những tác phẩm viết về chiến tranh Việt Nam bằng ngòi bút trung thực, vượt khỏi định kiến, guồng máy, lập trường, từ những nhà văn miền Bắc. Tại sao là miền Bắc? Bởi vì, những người viết của miền Nam ít ra, đã thả dàn biểu lộ hầu hết những gì mà họ đã tham dự hay nhân chứng, mà không bị ràng buộc bởi bất cứ một ai, bất cứ một thế lực nào. Chính vì sự mong mỏi ấy, những tác phẩm của Dương Thu Hương, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, v.v. đã được đón nhận từ trong nước, đến ngoại quốc, và cả người Mỹ lưu tâm về Việt Nam và đã được xem là hiện tượng. Trong số những tác phẩm này, tôi được đọc hai truyện dài: Ly thân của Trần Mạnh Hảo, và Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh. Tôi xin được góp ý về Nỗi buồn chiến tranh (NBCT) vì truyện này đã nhắc thường trực về những người lính thám báo VNCH, mà tôi là một thành viên. Hơn nữa NBCT hiện nay là một đề tài thảo luận sôi nổi trên internet, qua những Newsgroups và Usernet. Ngoài ra, truyện đã được dịch sang tiếng Anh (Bao Ninh, The Sorrow of War. Vietnamese original Hanoi, 1991; English translation London: Martin Secker & Warburg, 1993; New York: Pantheon), phổ biến trong các Đại học Mỹ, tác động nhiều trong tâm trí của những người tuổi trẻ hải ngoại không đủ khả năng đọc Việt ngữ. Nguyên bản bằng tiếng Việt đã được in ở Mỹ do Nam Việt xuất bản, Phạm Việt Cường viết tựa, với kết luận như sau:
Thưa nhà văn Bảo Ninh,
Trước hết tôi phải cám ơn anh vì nhờ đọc Nỗi Buồn Chiến Tranh tôi mới hiểu rõ hơn về tâm tư của một thế hệ và giai đoạn mà tôi cũng như anh là những người trong cuộc. Anh viết về sự đổ vỡ và phá sản bi thảm của tuổi trẻ miền Bắc trong cuộc chiến đấu mà chế độ từng nói là cuộc chiến đấu thần thánh chống Mỹ cứu nước. Anh đã kể về những đồi ma chập chùng ở miền cao nguyên nồng nặc tử khí. Lính Mỹ. Lính miền Nam. Lính miền Bắc. Anh viết về những chiếc T54 nghiến trên những người lính Sư đoàn 18. Anh viết về những lưỡi dao găm thọc vào tim máu phụt thành tia vòi. Anh viết về nỗi tuyệt vọng của những người lính trinh sát qua Kiên, hay của những bè bạn của anh ta, đào ngũ, dao động, hoang mang cùng cực. Anh lại kể về trận đánh ở Ban Mê Thuột vào một trung tâm cảnh sát, cùng những người nữ cảnh sát viên thuộc hàng ngũ miền Nam, và nhất là sự có mặt hầu như ám ảnh suốt truyện về những toán thám báo. Anh đã tả lại một toán thám báo vào mật khu, bắt theo 3 cô gái, hãm hiếp và sau đó giết họ rồi vất xuống sông. Anh nêu đích danh tay chỉ huy là một Trung úy.
Nói tóm lại anh đã lột tả trần trụi nỗi kinh hoàng của chiến tranh, không che đậy, giấu giếm. Ngoài ra anh cũng vén cái màn dối trá từ lâu đã bao trùm cả xã hội và tuổi trẻ miền Bắc. Đó là điều hiếm có cho nền văn học trong chế độ xã hội chủ nghĩa.
Thưa nhà văn Bảo Ninh,
Tôi đã rưng rưng nước mắt trên những trang giấy về nỗi chán chường cùng cực của một thế hệ bị đẩy vào lò nướng, nhưng tôi không thể không phẫn nộ khi anh dùng nỗi buồn chiến tranh ấy để cố ý xuyên tạc bôi nhọ một hàng ngũ thất thế.
Xin đọc lại đoạn tả một Trung úy thám báo bị phe các anh bắt làm tù binh:
“Tên nom to con nhất trong bọn, mắt trái bị báng súng dộng lòi ra, máu hòa nước mưa nhuộm đỏ nửa mặt, đưa con mắt lành nhìn Kiên cười khẩy, và khàn khàn nói, nhe hàm răng trắng ởn. – Ba nhỏ đó trình quí anh, tụi này làm thịt cúng hà bá rồi… Mấy nhỏ la khóc quá trời…”
NBCT, trang 51, 52
Rõ ràng anh có một trí óc sáng tạo có một không hai. Anh tốt nghiệp khóa 3 trường viết văn Nguyễn Du mà. Nhưng anh đã không hiểu gì về vai trò của thám báo. Nhiệm vụ của thám báo là dò thám, lấy tin. Trinh sát, viễn thám, thám báo, biệt kích, những danh xưng, dù có khác nhau, nhưng nhiệm vụ là phải tuyệt mật. Chúng tôi chỉ dùng tai và mắt để nghe ngóng và rình mò và báo cáo về Bộ Chỉ huy. Toán trưởng thường thường mang cấp bậc Thiếu úy hay Chuẩn úy. Riêng cấp bậc Trung úy chỉ dành cho Trung Đội Trưởng mà cấp số thường trên hai mươi người. Như vậy, không tên lính thám báo nào lại ngu độn đến nỗi xâm nhập vào một mật khu, lại bắt mang theo ba cô chị nuôi, để cho các anh theo dõi bắt lại. Riêng anh cho người chỉ huy là Trung úy, thì rõ ràng anh có một chủ ý thấy rõ. Cứ tưởng tượng đến một nhóm bảy người dưới sự chỉ huy của một tên Trung úy vào mật khu để bắt ba con mồi, thúc súng đằng sau, hét hò, bận bịu để mang ra khỏi rừng, giữa lúc quân chính qui các anh thì dầy đặc, rõ ràng là một câu chuyện hoang tưởng và xuyên tạc có chủ ý. Trung úy ở hàng ngũ chúng tôi cũng học nhiều trường, từ trường học, đến trường lính. Tối thiểu họ cũng có tú tài. Họ có học thức. Với cấp bậc Trung úy, ít ra họ cũng có kinh nghiệm chiến trường. Họ không ngu độn như vậy đâu. Ngay lời nói của viên Trung úy tù binh kia cũng đủ cho biết cái dối trá, phóng đại. “Ba nhỏ đó tụi này làm thịt cúng hà bá rồi. Mấy nhỏ la khóc quá trời.” Nội câu trả lời kia cũng đủ cho thấy cái chủ ý, cái căm thù hằn học, mà chỉ có những cai tù trong trại học tập mới dành cho những con người thất thế. Hễ là thầy giáo thì phải hãm hiếp nữ sinh. Hễ là sĩ quan tác chiến là phải mổ mật mổ tim nhân dân cách mạng. Thì ra đầu óc anh vẫn còn bị nhồi sọ bởi cái luận điệu tuyên truyền của chế độ. Hay cũng vì nhờ những đoạn này mà nhà nước đã cho NBCT được xuất bản và được cho phổ biến rộng rãi?
Cái tàn bạo trong cuộc chiến là lẽ dĩ nhiên. Tôi không khẳng định ai ai trong hàng ngũ miền Nam cũng đều là anh hùng quân tử. Tuy nhiên sự tàn bạo ấy anh đã vẽ nên không phải lúc, phải chỗ, không phải vai trò, khiến bất cứ người nào đã từng tham dự vào cuộc chiến cũng phải phì cười.
Xin anh hãy công bằng khi viết. Hơn nữa chính anh đã kể về người tù binh thám báo mời lính trinh sát các anh hút thuốc Ruby. Nịnh hay là một bản tính đôn hậu, chân thật, thân ái của những người trẻ tuổi miền Nam chúng tôi?
Thưa nhà văn Bảo Ninh,
Trong bất cứ một tập thể nào cũng có kẻ xấu người tốt. Tuy nhiên, tôi xin nói với anh một điều, chúng tôi có học, học từ tình yêu thương của Chúa và Phật, chứ không phải học từ Ban Tuyên huấn, từ ông Tố Hữu hay Chế Lan Viên, chỉ biết ngợi ca sắt máu, căm thù người cùng màu da như anh và tôi. Họ còn đấu tố cả cha mẹ họ huống hồ đối với những người khác hàng ngũ. Anh đã không can đảm để nói lên sự thật như Trần Mạnh Hảo đã nói trong Ly Thân. Tại sao, sau chiến tranh, một nhà thơ trẻ tài ba – một thương binh cũng nguyên gốc trinh sát là Trần Khuất Nguyên, lại tìm được một người bạn tri kỷ cuối đời là một người thương binh thuộc hàng ngũ chúng tôi? Tại sao anh ta không có một người bạn nào khác trong một tập thể thắng trận là các anh?
Thứ hai, khi đề cập đến nỗi chán nản cực độ, anh đã cho nhân vật Kiên đi như đi vào chỗ không người, khi đụng trận với thám báo (lại thám báo):
“Kiên chẳng buồn khom người xuống, thong thả đi tới, vẻ khinh miệt đầy uể oải.Tên địch hấp tấp bắn. Hắn cuống. Đạn nổ đinh tai. Song cả ba chục viên đạn quạt căng rát kỳ thay không một viên gãi vào Kiên. Anh không bắn trả, chỉ còn cách con mồi vài bước nữa, vẫn không bắn. Tuồng như anh muốn ban cho tên địch cơ hội sống còn: kịp thay băng, nhắm kỹ mà bắn gục anh. Nhưng chính sự chán chường táo tợn của Kiên đã làm xiêu lạc hồn phách hắn. Run bần bật, hắn đánh rơi khẩu tiểu liên. – Đồ cứt đái! Kiên chửi gằn và khinh bỉ siết cò.”
NBCT, trang 31, 32
Đúng là nhà văn Bảo Ninh lại mâu thuẫn với chính anh. Trong phần trên, anh đã vẽ nên toán thám báo tung hoành trong mật khu, đằng đằng sát khí, sau khi bị bắt, vẫn lạnh lùng, thách thức, gan dạ, tàn bạo thì bây giờ anh lại cho những người lính thám báo kia quá tội nghiệp, thỏ đế, con gà nuốt dây thun. Anh dựng nhân vật rất hay nhưng quá giả tạo như kiểu cao bồi cải lương. Có tên lính nào ngu đần khi hắn vào thám báo. Có tên lính nào cách kẻ địch vài buớc (nhắc lại: vài bước) quạt M16 mà sợ đến độ té đái trong quần. Và có tên lính nào vừa đi vừa đếm 30 viên đạn như Kiên. Thưa anh Bảo Ninh, hắn đã tha mạng Kiên đấy. Hắn đã tội nghiệp giùm cho một người tuổi trẻ miền Bắc đấy. Hắn đã tha như tôi và bè bạn tôi đã tha đồng đội các anh. Chúng tôi đã mời họ những điếu thuốc. Chúng tôi đã băng vết thương họ, kêu trực thăng mang họ về bệnh xá. Anh nhớ lại xem, những tù binh phe các anh, sau khi các anh vào, người nào người nấy mập và trắng, tiêu chuẩn đầu người bốn, năm đô la mỗi ngày, và luôn luôn được hội Hồng Thập Tự Quốc tế chiếu cố…
Vâng, những người lính mà anh rẻ rúng khinh miệt ấy, trong ấy có tôi, họ không hèn đâu. Chính trong NBCT, anh cũng đã thú nhận, năm Mậu Thân, hàng ngũ của anh đã tơi tả, tả tơi, có đơn vị thiệt hại đến 70, 80 phần trăm. Mắt tôi thấy các anh chạy như một lũ chuột thoát thân, mà chẳng cần xin pháo dập theo, hay đuổi tiếp. Ngay cả những người nữ cảnh sát viên (lại phóng đại nữa, trời ạ. Ban Mê Thuột tôi đã từng ở mấy năm, đi tìm nát nước, nào thấy một người nữ cảnh sát viên nào đâu. Nhưng cũng xem là thật đi.) mà anh viết, họ là đàn bà phụ nữ, nhưng họ vẫn chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Chiến đấu bằng súng lục (như anh kể trong truyện) trước quân đội chính qui của các anh. Đàn bà yếu đuối mà còn dũng cảm như beo hùm, huống hồ là đám thám báo chúng tôi. Họ tha Kiên chết đấy. Và anh phải thay mặt Kiên để cảm ơn họ mới phải. Đó là lý do tại sao nhà thơ Trần Khuất Nguyên trong Ly thân đã tìm đến người thương binh của hàng ngũ chúng tôi mà kết bạn trong những ngày đen tối nhất của đời ảnh, mà không tìm đến các anh.
Đã hai mươi năm sau chiến tranh, những tên đồ tể buôn bán xương máu tuổi trẻ Việt Nam đã ló dạng trước ánh sáng của lịch sử. Dù kẻ bại dù kẻ thắng, chúng ta cũng vẫn là nạn nhân từ những mỹ từ, nhân danh, mà những chuyên viên xúi giờ đây đang uống sâm nhung để chờ ngày thoi thóp. Lẽ ra chúng ta không nên khơi dậy những thảm kịch của quá khứ, nhất là gây thêm cái khoảng cách giữa những người thuộc hai phe, dù Bắc, dù Nam.
Tôi cũng viết lai rai, và có trăm ngàn chuyện để viết về mấy năm làm Trung đội trưởng thám kích. Nhưng mỗi lần đặt bút lên là lòng tôi lại quặn đau. Tôi không dám kể hết về những gì mà chiến tranh đã gây nên. Tôi không thể không quằn quại khi khui lại, mở lại những sợi gân đã buộc chặt vết thương. Tôi sợ mang nỗi buồn cho con cháu tôi. Bởi vậy tôi phục anh vì anh dám mở toác loác cái vết thương. Tôi đã đau từng dòng anh viết. Tôi yêu văn nồng nàn chất liêu trai của anh. Anh quả là một nhà văn tài hoa chữ nghĩa. Có điều, một nhà văn có tài, không phải là tài ở những chuyện bịa đặt, phóng tác có chủ ý, để lường gạt những người ngây thơ nhẹ dạ, hay không có kinh nghiệm. Ông ta phải biết thành thật, cho chính ông, và độc giả của ông và cả kẻ từng thù địch với ông nữa.
Xin đừng dùng nỗi buồn mà thóa mạ một cách cố ý những kẻ bị thất thế.
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Trần Hoài Thư, “Đại Đội Cũ Và Trang Sách Cũ”, Thư Ấn Quán phát hành năm 2002. DCVOnline trình bầy và minh họa.