Trung Quốc hay Canada? Cuộc khủng hoảng căn cước của một người Montreal
Day’s Lee | DCVOnline
Tôi nhớ cuộc khủng hoảng căn cước đầu tiên của tôi như ngày hôm qua.
Đi thăm quê hương của cha mẹ đã làm tác giả Day’s Lee gắn bó hơn với quê hương của mình.
Lúc ấy tôi khoảng 11 tuổi và đang xem một trận Habs(*) đang chơi. Đội Canadiens ghi bàn. Tôi cổ vũ. Cha mẹ tôi hỏi ai thắng.
“Mình thắng!” Tôi nói.
Cha mẹ tôi cười. “Đó đâu phải là mình. Chúng ta là người Trung Quốc.”
Tôi đã choáng váng và bối rối. Tại sao tôi có thể không phải là người Canada? Tôi sinh ra ở Montreal và nói tiếng Anh không có giọng Trung Quốc. Là người Trung Quốc có nghĩa là tôi không thể cổ vũ cho Habs hay sao? Tôi gạt đi nhận định của cha mẹ tôi và cho rằng họ hiểu lầm văn hóa Canada giống như họ đã hiểu lầm tiếng Anh.
“Là người Trung Quốc có nghĩa là tôi không thể cổ vũ cho Habs hay sao?”
Nhiều năm sau, khi Trung Quốc mở cửa đón khách du lịch, cha tôi, em gái và tôi quyết định đi du lịch ba tuần. Thấy Trung Quốc và những kỳ diệu của nó là lần đầu tiên cho tất cả chúng tôi kể cả cha tôi, vì ông đã di khỏi Trung Quốc từ hồi còn là một cậu bé.
Tôi vô cùng phấn khởi được đến thăm đất nước với những phong tục bí ẩn mà tôi đáng lý phải tuân theo. Đất nước mà bố mẹ tôi gọi là “quê hương” mà tôi nghĩ là sẽ có các câu trả lời tại sao tôi không phải là người Canada.
Chúng tôi đến Hồng Kông với những người gốc Hoa khác từ các thành phố Quebec, Montreal và Toronto. Hành trình là một chuyến du lịch bẩy thành phố gồm Bắc Kinh và Thượng Hải.
Khi vừa đặt chân lên đất liền, chúng tôi được đối xử như những người đồng hương trở về với Quê Mẹ. Giống như bất kỳ nhóm du lịch khác, danh sách phải đi xem của chúng tôi là Vạn Lý Trường Thành, Quảng trường Thiên An Môn, và xem xác ướp Mao Trạch Đông.
Là Hoa kiều về thăm nhà, chúng tôi cũng đã được đưa đi xem một hầm trú bom, dưới một khu phố, có thể chứa hàng ngàn người trong một cuộc không kích. Khi chúng tôi đi khắp đất nước tìm hiểu về lịch sử và văn hóa của nó, một cái gì đó trong tôi nở rộ với niềm tự hào và cho rằng đây là những gì để tự hào là người Trung Quốc … cho đến giờ ăn.
Tôi không quen với thức ăn. Điểm tâm là cháo trắng với dầu cháo quẩy. Mỗi bữa ăn tối tất nhiên đều có 10 món, nhưng tôi không nhận biết tôi đã ăn những gì và thấy nó nhạt nhẽo.
Một ngày, tôi tình cờ nghe được hai người phụ nữ da trắng trong khách sạn bàn về thịt ba chỉ muối xông khói và xúc xích. Dường như các nhóm du lịch người Mỹ không được phục vụ bữa điểm tâm truyền thống của Trung Quốc. Ước gì tôi có thể loại bỏ lớp áo của người đồng hương đủ lâu để được ăn thịt ba chỉ muối xông khói.
Thời gian ở Trung Quốc đã làm tôi cảm thấy mình là người Canada nhiều hơn, và nó không phải chỉ vì tôi thèm ăn thịt ba chỉ muối xông khói. Tôi là một người Trung Quốc trong y phục phương Tây giữa một dân tộc mặc bộ quần áo màu xanh của Mao. Nhưng niềm tự hào của dân tộc chắc chắn sâu sắc hơn so với những gì chúng ta mặc và những gì chúng ta ăn.
Chuyến du lịch đã cho tôi một cảm giác mới khám phá về bản thân mình. Tôi là người Canada gốc Trung Quốc, tự hào về di sản mà cha mẹ tôi đã truyền dẫn trong tôi và về đất nước nơi tôi sinh ra.
Tôi thường lật cuộn từ điển Berlitz để tìm những cụm từ Trung Quốc để giao tiếp với người dân địa phương. Một người hỏi tôi từ đâu đến.
Tôi trả lời, bằng tiếng Anh, “Canada.”
Ông ta cười và lắc đầu.
“Không biết nói tiếng Trung Quốc hả? Cô không phải là người Trung Quốc rồi.”
Lee Day là tác giả của cuốn tiểu thuyết cho thiếu niên đã được giải thưởng, Guitar Hero.
© 2016 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn:Chinese or Canadian? One Montrealer’s identity crisis
Author Day’s Lee says visiting her parent’s homeland deepened the bond to her own. By Day’s Lee, for CBC News Posted: Mar 14
(*) Habs là viết tắt của “Les Habitants” vì lúc đầu dân nói tiếng Pháp ủng hộ cho đội hockey của Montreal tưởng rằng chữ “H” trên dấu hiệu của đội hockey Montreal là “Les Habitants”. Thực ra nó là cách viết tắt của Hockey. Tên chính thức của đội hockey ở Montreal là, “Club de Hockey Canadien”.
Bà này giống như Lý Quang Diệu. Khi có người nói ông ta là người Trung Hoa, ông ta nói ông ta là người Singapore, chủng tộc Hoa.
Khi ông Lý Quang Diệu qua đời, có tác giả Trung Quốc gọi ông ta là Hán gian vì ông ta chọn tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức của Singapore mà không chọn tiếng Trung Hoa. Bản thân ông Lý Quang Diệu nói tiếng Anh thông thạo và đã phải học nói tiếng Quan Thoại . Gia đình ông ta gốc ở vùng không nói tiếng Quan Thoại nên ông ta phải học thêm.
Ông Lý Quang Diệu đã tạo ra Singapore không mang đặc tính của các chính quyền Trung Hoa từ ngàn năm đó là không có tham nhũng và tuân thủ luật pháp. Nhưng người Tây Phương thì cho rằng cách cai trị của ông ta cũng không theo Tây Phương vì không tôn trọng quyền tự do cá nhân.