Pierre Poilievre là thứ tào lao? Cẩn thận, đó là những gì người ta đã nói về Stephen Harper
Chantal Hébert | DCVOnline
Nếu không phải là người ủng hộ Đảng Bảo thủ và đang cổ vũ cho Pierre Poilievre vì tin rằng đảng Bảo Thủ sẽ nổ tung dưới sự lãnh đạo của ông ấy, có lẽ quý vị nên suy nghĩ lại.
MONTREAL — Nếu không phải là người ủng hộ Đảng Bảo thủ và vẫn cổ vũ cho dân biểu Ontario Pierre Poilievre trong cuộc đua giành ghế lãnh đạo vì quý vị tin rằng đảng Bảo Thủ sẽ nổ tung hoặc ít nhất là không bao giờ có thể lập chính phủ dưới sự lãnh đạo của ông ấy, có lẽ quý vị có muốn trò chuyện với người giữ thành trước đây của Paul Martin.
Trong suốt nhiệm kỳ ngắn ngủi (12/2003-02/2006) của Martin với tư cách là lãnh đạo đảng Tự do và thủ tướng Canada, quan điểm cho rằng Stephen Harper trong vai trò lãnh đạo của Đảng Bảo thủ Canada (CPC) là liều thuốc cho những thất bại liên tục của đảng Bảo thủ đã phổ biến rộng rãi trong hàng ngũ Đảng Tự do.
Rốt cuộc, Harper được đưa lên làm lãnh đạo từ phe Canh tân của phong trào bảo thủ — một phe mà trong thời gian hiện hữu đã không có sức thu hút cử tri trung hữu tiến bộ ở phía đông Manitoba.
Nhiều người trong giới quan sát tin rằng ông ấy sẽ không được ưa chuộng ở Ontario.
Thành tích ở Quebec khiến ông ấy không thích hợp để thu hút phiếu bầu ở tỉnh lớn thứ hai của Canada.
Harper đã có một thành tích được ghi chép rõ ràng về việc khoan nhượng hiến pháp cho Quebec. Ông đã từng là người đấu tranh hàng đầu về điều mà cuối cùng đã trở thành luật liên bang quy định các điều kiện mà Canada sẽ đồng ý đàm phán ly khai. Đạo luật đó cực kỳ không được ưa chuộng trong giới chính trị của tỉnh bang Quebec.
Ông đã không được bầu làm lãnh đạo CPC dựa trên một chương trình theo khuynh hướng thủ xã hội, nhưng ông đã cam kết xét lại vấn đề hôn nhân đồng tính với mục đích quay trở lại định nghĩa hôn nhân dị tính duy nhất.
Ở Quebec, nơi ủng hộ hôn nhân đồng tính vượt qua ranh giới của các chính đảng cấp tỉnh, lời hứa đó đã đặt Hrper ra ngoài chính trị dòng chính.
Cuối cùng, phe đối lập dưới sự lãnh đạo của Harper, đã ra mặt chống lại quyết định từ chối tham gia cùng Hoa Kỳ tham chiến ở mặt trận Iraq của Jean Chrétien. Vào thời điểm đó, sự phản đối của các tỉnh đối với việc Canada tham gia vào cuộc chiến đó không đâu cao hơn ở Quebec.
Phần còn lại là lịch sử. Sau 2 năm lãnh đạo, Harper đã đưa đảng Bảo thủ lên nắm chính quyền trong một chục năm. Trong thời kỳ đó, CPC phát triển mạnh ở Ontario. Nó cũng giành được nhiều ghế hơn ở Quebec so với Đảng Tự do đã lấy được ở Saskatchewan và Alberta. Khuynh hướng đó vẫn còn.
Nó giúp Harper biết rằng ông ấy đã đến đúng nơi và đúng lúc.
Đảng Bảo thủ đã quá mệt mỏi vì thất cử đã gạt sự khác biệt của họ sang một bên và tập trung vào giải thưởng lớn nhất là lập chính phủ. Sau mười năm cầm quyền của đảng Tự do, sự mệt mỏi của công chúng với đảng cầm quyền đang tăng.
Đến cuộc bầu cử sắp tới, đảng Tự do sẽ gần đến thời điểm trong chu kỳ chính trị mà sự mệt mỏi của cử tri với những người đương nhiệm có khuynh hướng trở thành một mối đe dọa nghiêm trọng.
Đồng thời, điều quan trọng nhất để đoàn kết các phe phái cãi vã trong phong trào bảo thủ sau ba lần thất bại liên tiếp là khát vọng chiến thắng.
Ngày nay, gần như có rất nhiều vấn đề đan xen, từ quyền phá thai đến biến đổi khí hậu giữa những vấn đề khác gây chia rẽ trong Đảng Bảo thủ cũng như giữa đảng Bảo thủ và đối thủ chính là đảng Tự do.
Nhưng nếu căng thẳng chính sách nội bộ là một trở ngại cho sự thành công trong cuộc bầu cử quốc gia hoặc là một yếu tố dự báo cho sự bùng nổ trong đảng sắp xảy ra thì Chrétien sẽ không bao giờ trở thành thủ tướng.
Khi ông trở thành người lãnh đạo, đảng Tự do liên bang đã chia rẽ sâu sắc về nguyện vọng của Quebec về mặt hiến pháp.
Thật vậy, những khác biệt về chính sách hiển hiện cuộc chiến giành quyền lãnh đạo giữa Chrétien và Paul Martin vào năm 1990 ít nhất cũng có ý nghĩa nếu không muốn nói là hơn những khác biệt gây sự cách biệt giữa những các ứng cử viên hiện tại cho vai trò lãnh đạo CPC. Chưa hết, ba năm sau, đảng Tự do không những còn nguyên vẹn mà còn trở lại nắm quyền.
Nếu Poilievre thắng cử lãnh đạo vào tháng 9, ít người sẽ nghĩ Jean Charest và / hoặc Patrick Brown sẽ tranh cử dưới trướng của ông ấy. Nhưng điều đó sẽ không chỉ vì giữa họ sẽ có quá nhiều ân oán. Charest không muốn trở lại hoạt động chính trị tích cực để phục vụ dưới quyền của một ai khác. Tương tự, Brown đã cẩn thận giữ cánh cổng trở về thành phố của mình hé mở.
Về mặt đó, việc tự gọi mình là “Thị trưởng Brown” có mục đích kép là nhắc nhở những người Bảo thủ rằng ông ta có một thương hiệu thu hút trong khi vẫn giữ hồ sơ thị trưởng của mình công khai trong mắt cử tri.
Nhưng trong khi phương pháp đấu tranh tận diệt của Poilievre trong cuộc chạy đua giành ghế lãnh đạo có thể khiến việc hòa giải với các đối thủ chính của ông trở nên khó khăn, thì điều tương tự không nhất thiết phải xảy ra đối với những người ủng hộ đối thủ chính của Poilievre.
Các dân biểu Quebec ủng hộ Charest, như Alain Rayes và Gérard Deltell đã tham gia chính trường liên bang trong gần một thập kỷ. Họ khó có thể bỏ cuộc hoặc tham gia vào việc thành lập một đảng ly khai nếu họ tin rằng CPC có một cố gắng đúng đắn đề giành chiến thắng trong một cuộc bầu cử trên toàn quốc trong vòng 18 đến 24 tháng.
Nếu một đảng CPC do Poilievre lãnh đạo đắc cử đa số trong cuộc bầu cử tiếp theo, họ sẽ ở trong nội các. Và nếu CPC thất bại, họ có thể hy vọng sẽ loại bỏ được ông ta trong vòng vài tháng sau khi ông ta bị đánh bại.
Tất cả những điểm đó để nói rằng có thể Brown hoặc Charest ở vị trí tốt hơn để giới thiệu với người dân Canada một chương trình vận động bầu cử Bảo thủ thân thiện với cử tri mà không coi đó là điều hiển nhiên rằng Poilievre sẽ không bao giờ là thủ tướng.
Tác giả | Chantal Hébert là một nhà báo tự do viết chuyên mục chính trị cho nhật báo The Star, làm việc tại Ottawa. Liên lạc qua email: [email protected] hoặc theo trên Twitter: @ChantalHbert
© 2022 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Think Pierre Poilievre is a loser? That’s what they said about Stephen Harper | Chantal Hébert | The Star | March 19, 2022.