Nhìn Việt Nam nhớ Doãn Quốc Sỹ

Trịnh Bình An

dqsTôi không biết nhiều về Doãn Quốc Sỹ. Nhưng tôi thường nghĩ về ông qua truyện cổ tích Hồ Thùy Dương.

Truyên cổ tích của Doãn Quốc Sỹ. Nguồn: OntheNet
Truyên cổ tích của Doãn Quốc Sỹ. Nguồn: OntheNet

Đó là năm tôi lên 10. Trong nhà, có thấy vài cuốn tạp chí Sáng Tạo không biết của ba hay các anh chị mua về. Tiếng Việt dễ học quá nên con nít cũng có thể đọc ké sách người lớn. Nhưng dĩ nhiên, đọc mà không hiểu gì hết.

Tôi nhớ mình cũng đọc truyện kịch Ba Chị Em của Thanh Tâm Tuyền. Cũng không hiểu, chỉ cảm thấy một không khí rờn rợn âm u khá… hấp dẫn.

Nhưng truyện Hồ Thùy Dương thì nhớ khá kỹ. Chỉ vì đó là truyện cổ tích, mà đứa con nít nào lại chẳng mê truyện cổ tích.

Tôi đọc truyện, biết ngay con cáo trong truyện là Hồ Chí Minh. Con nít gì mà lanh dữ vậy?

Dạ, có gì quá khó đâu, chữ “hồ” nghĩa là “con cáo”. Đó có lẽ là một trong những chữ Hán Việt mà con nít miền Nam học được sớm nhất.

Tôi nhớ những cuốn tập viết thời đó, trang bìa sau có in những câu truyện bằng tranh. Những bức tranh bé xíu chỉ bằng bao quẹt, mực in xanh đỏ có khi lem nhem, vậy mà đã khắc vào trí não tôi thật rõ. Một trong những truyện tranh ấy là mối tình Tô Đắc Kỷ – Bá Ấp Khảo. Hai người yêu nhau nhưng Đắc Kỷ bị tiến cung cho Trụ Vương. Chính nhờ Tô Đắc Kỷ lén giúp đỡ nên Bá Ấp Khảo và cha là Chu Văn Vương mới trốn thoát được để về sau đem quân chinh phạt vua Trụ.

Nhưng trong truyện Phong Thần thì Đắc Kỷ lại là một con cáo thành tinh có chín cái đuôi, nên còn được gọi là Cửu Vỹ Hồ Ly.

Truyện Đắc Kỷ hồ ly độc ác lóc thịt Bá Ấp Khảo có lẽ hấp dẫn hơn truyện Đắc Kỷ tiểu thư hiền lành cứu thoát người yêu, nên cải lương, hát bội đều khai thác sự tích hồ ly tinh. Và đứa nhỏ mê coi hát tuồng như tôi, vì thế, không thể không biết con cáo chính là con “hồ”.

Vào những năm 1970 thì mấy ai có họ “Hồ” ngoài… Hồ Chí Minh?

Con cáo trong Hồ Thùy Dương chắc phải là nam, bởi vì mấy lần biến dạng thành người nó đều đội lốt ông đạo sĩ. Thế nhưng, dù tu luyện cỡ nào nó cũng không thể làm biến mất cái đuôi cáo lùm xùm, nên nó phải mặc áo rộng lụng thụng để che đi cái đuôi.

Con cáo biết được nơi ẩn dấu một cây đũa thần. Nhưng nó không thể đụng tới nếu không có chín giọt máu người. Và nó nghĩ ra một âm mưu tàn ác. Nó hiện thành đạo sĩ, dụ dỗ ba người đàn ông ra tay sát hại người thân của họ với lời hứa họ sẽ làm chủ được đũa thần, sẽ dùng đũa thần cứu sống người thân trở lại và rồi sẽ đạt được mọi điều mong muốn khác.

Than ôi! Ba con người mê muội ấy sau khi đã nhẫn tâm hạ sát người thân thì hăm hở đưa tay định cầm lấy đũa thần. Nhưng cây đũa đang tỏa sáng hào quang bỗng vụt trở nên xám xịt, lạnh ngắt. Chẳng có quyền năng huyền diệu nào bằng lòng phục vụ cho những kẻ tham lam và ngu si. Cả ba tuyệt vọng và tự sát.

Chỉ có con cáo giảo quyệt, cuối cùng, đạt được tham vọng. Sau khi uống chín giọt máu người, nó vận công khiến cái đuôi cáo thụt hẳn vào trong, tan biến… Nhưng, nó không ngờ rằng cái đuôi tan vào máu lại khiến cho hơi thở trở nên vô cùng tanh hôi. Và mỗi khi nó thở ra thì khí độc tàn phá hết mọi loài cây cỏ, khiến cho chung quanh nó chỉ còn là một vùng đất chết.

Giờ đây, khi thấy không còn cách gì có được đũa thần huyền nhiệm lại còn bị gạt ra khỏi sự sống, con cáo càng trở nên độc ác, nó trút hết thù hận lên loài người. Nó tìm cách bắt loài người phải trở thành nô lệ của nó.

Với tà thuật, con cáo nhìn thấu mọi tâm tư và dục vọng của con người. Ai muốn quyền chức, nó cho họ quyền chức; Ai muốn bạc tiền, nó cho bạc tiền; Ai muốn nữ sắc, nó cho nữ sắc. Vì vậy, chẳng mấy chốc nó tạo ra cả một triều đình với đám quân thần bu quanh, sẵn sàng làm tất cả những điều hồ ly sai bảo.

Chưa thỏa lòng tham, con cáo còn nghĩ ra cách đoạt lấy những đứa trẻ khỏi cha mẹ chúng từ khi vừa mới lọt lòng. Đám nhi đồng này được nuôi dưỡng ở nơi riêng biệt và không biết tới ai ngoài con cáo là vị “cha già” độc nhất.

Mãi về sau, tôi mới nhìn ra sự thật trong những giòng chữ cổ tích. Sự thật làm rùng mình ớn lạnh.

Cho đến ngày nay, thủ đoạn nham hiểm của cáo “Hồ” vẫn còn được đồng bọn áp dụng triệt để: mọi ham muốn tục tằn nhất của con người đều được thỏa mãn miễn họ đừng lên tiếng đòi đa nguyên, đa đảng, tự do, nhân quyền, và chống Tàu.

Nhà thơ Lý Đợi gọi đó là “luộc”.

“Sống ở Việt Nam ăn món luộc là tốt nhất
Chưa tìm thấy thứ gì mà người Việt không thể luộc…
Vậy nên:
Sống ở Việt Nam ăn món luộc là tốt nhất
Từ luộc xe honda, nhà đất, bằng cấp, chức tước…
Từ luộc vệ sinh, an toàn thực phẩm, bảo hiểm…
Từ luộc trí tuệ, thẩm mỹ, văn hoá, nhân tính…
Từ luộc nhân quyền, tự do, tư tưởng, tâm linh…”

Còn đám con nít, thiếu nhi Khăn Quàng Đỏ, thì học được cái gì?

“Có sách mới áo hoa đây là nhờ ơn Đảng ta.” Vậy mà giờ đây các em cứ lơ mơ không rõ Nguyễn Huệ và Quang Trung là hai cha con hay là hai anh em!

Tôi thật phục Doãn Quốc Sĩ, viết một câu chuyện ảo mà lại thành quá thực. Thế nhưng, những mưu mô hung hiểm của cộng sản không chỉ có thế…

Hãy nhìn về Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa.

Nhĩa trang Bình An. Nguồn Tuoi Trẻ /  N.C.T.
Nhĩa trang Bình An. Nguồn Tuoi Trẻ / N.C.T.

Sau khi chiếm được miền Nam, cộng sản đã phá hủy tất cả các nghĩa trang quân đội, riêng Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa vì có quy mô quá to lớn nên cộng sản không làm gì được. Trải qua hàng chục năm, các công trình trong Nghĩa Trang như Cổng Tam Quan, Vành Khăn Tang, Nghĩa Dũng Đài cùng với 16.000 ngôi mộ vẫn còn đó.

Nhưng, với dã tâm thâm độc, cộng sản đã thi hành một thủ đoạn hết sức tinh vi và tàn ác, đó là chúng cho trồng những loại cây to lớn ngay sát cạnh các mộ phần của người lính Cộng Hòa.

Sau hơn 13 năm (từ 2003 đến 2016) cây mọc ngày càng cao. Những cái cây lừng lững ấy thoạt nhìn ngỡ đem lại bóng mát êm đềm cho nghĩa trang, nhưng càng nghĩ thêm càng thấy rùng mình ghê sợ. Thử hỏi đám rễ cái rễ con của chúng đang… ăn vào đâu?

Trong quan niệm phong thủy mồ mả của người Á Đông, ngôi mộ còn được gọi là Âm Trạch, nghĩa là nhà ở dưới âm phủ, là nơi an nghỉ của những người đã khuất. Phong thủy trong mồ mả có liên hệ mật thiết với những người đang sống. Một gia đình có thể bị xào xáo, thậm chí lụn bại khi mồ mả của cha ông bị “động”.

Đứng hàng đầu trong các trường hợp xấu nhất về “động mồ”, “động mả” là “Mộ chôn gần cây cổ thụ, để rễ cây đâm vào hài cốt thì con cháu bị mổ xẻ, bại liệt, đui mù, câm điếc, giảm thọ.”

Và như thế, thân nhân chỉ còn có một cách duy nhất là đút lót để cải táng hài cốt. Dần dà, mọi ngôi mộ đều phải “ra đi”. Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa đã bị đổi tên thành Nghĩa Trang Nhân Dân Bình An, và rồi trong tương lai không xa sẽ trở thành một khu thương mại hay du lịch nào đó.

Câu chuyện Hồ Thùy Dương của Doãn Quốc Sỹ tuy có thực, có rùng rợn cách mấy cũng không thực, không rùng rợn bằng câu chuyện Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa.

Con cáo trong Hồ Thùy Dương tàn nhẫn nhưng ít ra nó chỉ làm hại người sống. Còn những con cáo “thành Hồ” ngày nay, táng tận lương tâm đến mức người chết chúng cũng không tha.

Nhưng tôi vẫn ngưỡng mộ Doãn Quốc Sỹ, vì ông đã nghĩ ra một đoạn kết thật tuyệt vời cho câu chuyện tưởng chừng vô vọng.

“Có một vị vua rất nhân từ đã tìm cách trừ khử con cáo tinh. Ông biết không thể xử dụng người lớn trong chiến đấu vì họ đều bị con cáo dùng tà thuật mê hoặc. Nhà vua bèn nảy ra sáng kiến lập một đội chiến sĩ tí ho. Đó là những em nhỏ mà vũ khí của các em chỉ là sự hồn nhiên, trong sáng và nhiệt tâm. Đúng như vị vua tiên đoán, con cáo vì không mua chuộc được các em nên cuối cùng đã phải thảm bại.”

Ngày nay, tuy những bộ mặt thô bỉ của bọn quan tham vẫn phủ trùm ma quái trên đất nước, nhưng đây đó đã lóe lên những khuôn mặt khả ái, tươi sáng của những khuôn mặt đấu tranh thật trẻ – các em chính là đạo quân thiên thần mà hơn 50 năm trước Doãn Quốc Sỹ đã từng nghĩ tới với tất cả hy vọng.

Xin được mượn lời của nhà văn Hoàng Khởi Phong:

“Tôi đã đọc Doãn Quốc Sỹ và mơ hồ nhận biết: Một tác phẩm lớn mở lối tới tương lai, khác với một cuốn tiểu thuyết hay, phục vụ cho thị hiếu bình thường của người đọc.”

(Hoàng Khởi Phong, “Thay Lời Tựa dành cho tập truyện Cò Đùm của nhà văn Doãn Quốc Sỹ”.)

Xin cảm tạ nhà văn Doãn Quốc Sỹ đã cho ra đời Hồ Thùy Dương để nói lên những nỗi đau mà dân tộc đang phải gánh chịu, nhưng đồng thời mở lối một tương lai mới cho con người và đất nước Việt Nam.


Nguồn: Bài, đã đăng nơi khác, do tác giả gởi. DCVOnline hiệu đính và minh họa.

1 Comment on “Nhìn Việt Nam nhớ Doãn Quốc Sỹ

  1. NÓI VỀ NGHỆ THUẬT VÀ KHOA HỌC

    Văn
    học là bộ môn nghệ thuật hiệu lực và thu hút nhất trong hoạt động nghệ thuật của
    thế giới con ngưởi. Bởi nghệ thuật văn chương chủ yếu nhất là nghệ thuật kể
    chuyện, đặc biệt những chuyện hư cấu để nói lên điều gì đó mà thế giới đời thường
    trong đó nhà văn sống không cho phép nói lên điều ấy. Chính vì thế mà nghệ thuật
    hư cấu càng hấp dẫn người đọc, giúp người đọc cũng phanh phui ra thế giới mà họ
    không tiện nói lên để cùng đắm mình, thỏa mãn được những khao khát mà trong đời
    thường họ biết đó mà không thể nào bộc bạch ra được vì những áp lực, những sự
    ngã trong cuộc đời mà họ phải cam chịu.

    Nên
    mượn văn học để giải mã, để bộc bạch những khía cạnh của cuộc đời, nhất là những
    mảng tối nhất của nó đang có, đó là công việc mà các nhà văn thường làm. Đặc biệt
    hư cấu lên những hình thức chuyện cổ tích, đặc biệt những chuyện ma quái, chuyện
    liêu trai như những thủ pháp nhằm phản ánh những khía cạnh xã hội tồi tệ nào đó
    trong xã hội mà họ đang sống. Tác phẩm Liễu trai chí dị của Trại Bồ Tùng Linh
    là một điển hình chung của các dạng loại như thế, nhất là có những nhà văn lại
    ưa sử dụng chính thủ pháp đó để nói lên các khía cạnh xã hội chính trị hay lịch
    sử của chính thời đại mình.

    Trong
    khi ấy, thi ca, âm nhạc, hội họa, điêu khắc v.v… dù sao so với văn học thì lại
    vô cùng hạn chế, khó bao quát, kém phong phú, thật sự bị hạn hẹp, ít phổ biến,
    hay bị nghèo nàn đi rất nhiều. Đặc điểm của tác phẩm văn học bởi vậy có khi
    cũng mang các tính cách hay giá trị bác học, song thông thường nhất, tính cách
    bình dân, đọc lên bất kỳ ai cũng hiểu, đó là sở trường cũng như tác động và phổ
    cập trong đời sống xã hội thì lại rất nhiều. Tên tuổi của nhà văn và tác động của
    nhà văn vì thế thường hay đi đôi với nhau.


    sao tính cách của nghệ thuật mọi loại nói chung là tính cách của cảm tính, đó
    là điều tự nhiên không tránh khỏi. Bởi nghệ thuật là hướng về cảm xúc, về tình
    cảm thuần túy. Cho dù tâm thức của nhà văn, cảm thức của nhà văn có khi cũng vượt
    xa thời đại, đi trước thời đại rất lâu, nhưng tính chất chung của nghệ thuật vẫn
    là tính cách của cảm quan, không phải tính cách suy lý chính xác và thuần túy
    như trong khoa học đó là điều mọi người đều biết.

    Nhưng
    trong mọi loại khoa học thuần lý hay chính xác, thì chính khoa học về tư duy,
    hay tư tưởng, triết học, lại là điều đặc sắc, nổi bật cần nói nhất. Bởi đối tượng
    của nó là đối tượng bao quát nhất, phạm vi của nó cũng rộng lớn nhất, và cái
    nhìn của nó cũng là cái nhìn rộng khắp và xuyên suốt nhất. Đó là tính hệ thống
    và tính chặt chẽ cao, hay cả tính trừu tượng cao nhất, mà ngoài toán học thì chỉ
    có triết học là loại tư duy có thể đạt tới cùng mức độ đó được. Thế nhưng điều
    đặc sắc của nó cũng là điều nguy hiểm nhất của nó mà mọi người đều nhìn thấy.
    Như ngày xưa ông bà ta nói sai một ly đi một dặm, sai con toàn bán con trâu
    chính là vì thế.

    Chẳng
    hạn nếu có một nhà tư duy nào đó chỉ chơi trò ngụy luận, hay thật sự mọi sự
    chín muồi chưa đến đầu chưa đến đũa, đã vội vã đưa ra lý thuyết nào đó của
    mình, đó có khi chẳng ích lợi gì mà còn là đại họa cho xã hội, cho con người,
    và cả cho lịch sử nhân loại nói chung. Bởi vì nếu những người khác đều có mức
    tư duy thấp hơn người đó, không bao quát được bằng người đó, như vậy rất dễ
    dàng bị khuất phục, bị rơi vào những luận điệu ngụy biện của người đó mà không
    hề hay biết.

    Thế
    là đã bắt đầu sự mù quáng trong cách nhận thức và hành động, bị rơi thuần túy
    vào trong tác động của niềm tin, nhiều khi là sự cuồng tín, nó mang lại bao
    nhiêu sự phí phạm mọi loại cùng sự tàn phá mọi loại do những người này gây ra ở
    nhiều nơi, cũng như mang lại bao nhiêu điều như vậy nhưng theo chiều ngược lại
    của những người bị bắt buộc phải chống lại bằng cách này hay khách khác đối với
    những loại người như thế.

    Điều
    đó vô hình chung đã trở thành một cuộc đối đầu hay các cuộc chiến tranh bằng
    nhiều dạng loại trong thế giới loài người suốt bao nhiêu thập kỷ mà cuối cùng ở
    số nơi vẫn chưa ngã ngũ. Bởi trong xã hội loài người, không phải chỉ có những
    niềm tin mù quáng gây tác hại, mà còn chính là cơ chế tổ chức xã hội cũng gây
    tác hại nhiều không kém. Bởi niềm tin dù sao cũng khó bị gột rửa, nhưng cơ chế
    xã hội lại càng khiến con người khó bề cựa quậy. Chính niềm tin tạo nên sự mù
    quáng, sự mù quáng tạo nên cơ chế ràng buộc lẫn nhau, và khi đã thành cơ chế rồi
    thì khó cá nhân nào thoát ra khỏi được nó, kể cả những cá nhân đã tạo thành nó.

    Điều
    đó chẳng khác gì một vụ kẹt cầu hay kẹt đường. Khi đã rơi vào đó thì khó ai có
    thể tự mình bằng cách nào đó thoát ra được. Bởi vì ai cũng có mục đích thoát ra
    được khỏi chỗ đó, cuối cùng ai cũng chỉ vì mình và kết quả không ai thoát ra khỏi
    được nó cả. Đó là ý nghĩa của cơ chế độc tài trong xã hội. Khi đã có sự độc tài
    toàn diện, đã có sự tổ chức chặt chẽ toàn diện rồi, đã tạo thành cơ chế quán
    tính tự nhiên rồi, tất cả đều trở thành nạn nhân của nó, không ai thoát ra được,
    ngược lại chỉ càng làm nó phức tạp hơn, nặng nề hơn, ngạt thở hơn thế thôi. Bất
    kỳ vụ kẹt cầu, kẹt đường nào nếu không có bóng cảnh sát nào tới can thiệp vào
    cũng đều y như thế.

    Bởi
    vậy, thay vì một học thuyết tư duy khoa học đúng đắn, khách quan, chủ trương một
    xã hội tự do dân chủ trong sáng, hồn nhiên và lý tưởng, thì mọi dạng học thuyết
    tư duy độc đoán, phản khoa học khách quan cũng đều như thế. Nhất là những học
    thuyết nào đó chủ trương bạo lực, bạo động, chủ trương đấu tranh giai cấp, chủ
    trương lôi kéo, thu hút giả tạo mọi người bằng những mục tiêu hư ảo, bằng những
    kết quả không bao giờ có thực, không thể nào thực hiện được vì trái với mọi ý
    nghĩa khách quan thì cũng hoàn toàn y chang như thế. Học thuyết Mác thật ra
    cũng là một loại lý thuyết ngụy biện kiểu đó mà không phải từ trước ra sau mọi
    người đều nhất thiết sáng suốt để nhận thức ra một cách sâu xa được nó.

    Nên
    nói chung lại, nghệ thuật và khoa học hoàn toàn khác xa nhau một trời một vực.
    Nghệ thuật có thể chỉ mang lại cho con người cảm xúc, tình cảm nào đó, chỉ mang
    lại sự cảm nhận mơ hồ nào đó về khách quan, về xã hội. Nhưng khoa học thì hoàn
    toàn khác hẳn. Khoa học mang lại cho con người ta tư duy, nhận thức bằng chính
    bản thân của lý trí, của trí tuệ. Nhưng nếu tình cảm, cảm xúc thì hoàn toàn
    riêng tư, ngược lại tư duy thì phải hoàn toàn độc lập. Bởi nếu tư duy mà không
    độc lập, nó cũng không còn là tư duy nữa mà chỉ còn là một loại cảm xúc bị đánh
    đồng, bị xuyên tạc, và bị bóp méo không hơn gì.

    Do
    đó tính cách của tự do đúng nghĩa là tình cách của tinh thần, ý thức đúng
    nghĩa, tức là sự độc lập, tự chủ tư duy. Vì chính điều này mới là tính nhân văn
    đích thực trong xã hội con người. Bởi thiếu hay không có điều này, xã hội loài
    người bị thoái hóa thành xã hội sinh học, tức xã hội động vật, đàn bầy thuần
    túy mà không gì khác. Bởi vậy người lãnh đạo một đất nước đúng nghĩa, phải đầy
    dân tộc mình lên mức độ của tư duy, không phải chỉ mù quáng chạy theo cảm xúc,
    chạy theo những niềm tin vu vơ, vớ vẫn vào cá nhân, tập thể, hay vào học thuyết
    hoặc những điều không có thật nào đó.

    Chính
    điều đó làm cho nghệ thuật phẩn nộ nếu đó là nghệ thuật đúng nghĩa, ngược lại
    nó sẽ tạo nên một thứ nghệ thuật tay sai mọi loại, cũng chuyên tạo nên những
    tác phẩm nhưng là những loại tác phẩm giả, tác phẩm ngụy tạo để nhằm phỉnh nịnh
    kẻ nắm quyền và lừa dối quần chúng một cách hèn kém vậy thôi. Nói khác đi, nghệ
    thuật bao giờ cũng đi sau khoa học. Bởi vì tư duy khoa học thuộc mức độ cao,
    còn cảm xúc hay tình cảm nghệ thuật chỉ thuộc mức độ bình thường. Nhưng vì đi
    sau, nghệ thuật có thể minh họa, giúp ích cho tư duy khoa học nếu đó là nghệ
    thuật chân chính, nếu không nó cũng chỉ là thứ nghệ thuật tay sai, suốt đời nhằm
    đi ca ngợi những tư duy ngụy tạo, tư duy sai trái một cách uổng phí, vô bổ, mà
    hoặc cố tính một cách thấp kém, hoặc cũng không tự biết.

    THƯỢNG
    NGÀN

    (10/5/16)