Đánh giá Tầm quan Trọng của Ý thức hệ Cộng sản Trong đảng Cộng sản Việt Nam: Những Góc nhìn Ngày nay

Sơn Nguyễn | DCVOnline

Với nền kinh tế đang lên của Việt Nam, nhiều chuyên gia đã nhận xét rằng đất nước này hiện nay gần giống một nước tư bản mặc dù vẫn bị chế độ độc đảng của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) cai trị. Từ những đường phố nhộn nhịp đầy xe máy và không khí ô nhiễm khói bụi cho đến sự bất bình đẳng ngày càng gia tăng giữa nhiều tầng lớp xã hội khác nhau, Việt Nam đương đại trông không có gì giống một xã hội không tưởng của cộng sản.

Trong những năm gần đây, một số học giả cho rằng ý thức hệ Cộng sản đang trở nên ít thích hợp hơn trong việc hoạch định chính sách của Việt Nam, đặc biệt là trong quan hệ quốc tế. Nhưng có phải ý thức hệ cộng sản đang bị lu mờ ở Việt Nam hay không?

Chuyên gia xã hội học Jonathan London trả lời câu hỏi này. Luận văn của ông, “Đảng Cộng sản Việt Nam: Củng cố chủ nghĩa Lenin thị trường” xuất hiện trong cuốn Cẩm nang Routledge về Việt Nam Đương đại mới xuất bản, cho thấy sự duy trì vai trò của ý thức hệ [cộng sản] trong việc hình thành trật tự chính trị và xã hội ở Việt Nam. Thay vì cố gắng dự đoán liệu chế độ độc đảng của ĐCSVN có bị diệt vong hay không, London xem xét cách ĐCSVN đã định hình trật tự chính trị xã hội của đất nước trong quá khứ, hiện tại và tương lai như thế nào.

Trái ngược với ý kiến cho rằng chủ nghĩa Lenin không tương thích với chủ nghĩa tư bản, London lập luận rằng thực tế không phải như vậy, như đã thấy trong những ví dụ về Việt Nam và Trung Hoa đương đại. Những tổ chức chính trị theo chủ nghĩa Lenin vẫn hiện hữu tại hai quốc gia, nơi đảng tiên phong (tức là Đảng Cộng sản Việt Nam) độc quyền nắm quyền lực cai trị; chế độ độc đảng toàn trị được duy trì ở tất cả  mọi mặt của xã hội.

Chẳng hạn, Điều 4 Hiến pháp CHXHCN Việt Nam khẳng định đảng Cộng sản Việt Nam là “đội tiên phong của giai cấp công nhân” và “lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội.” Đáng chú ý, quân đội Nhân dân Việt Nam chính thức chịu trách nhiệm với đảng Cộng sản (chứ không có trách nhiệm cói quốc gia), một điểm đã bị chỉ trích, đặc biệt khi quốc gia này nằm trong số những quốc gia có số quân nhân và nhân viên an ninh lớn nhất thế giới. Ngoài ra, sự có mặt của những tướng lính lãnh đạo quân đội và công an trong Bộ Chính trị đã tăng lên trong những năm gần đây.

Tổ chức chính trị này tạo ra cái mà chúng ta gọi là “đảng-nhà nước”, trong đó ranh giới giữa đảng và nhà nước bị xóa mờ bằng sự toàn trị của đảng, trái ngược với những hệ thống chính trị dân chủ với nhiều đảng phái tranh giành quyền kiểm soát nhà nước. Một câu nói phổ biến của ĐCSVN là “đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân kiểm tra”. Tuy nhiên, có vẻ như đảng vẫn là lực lượng chính trị duy nhất thực sự có quyền lực.

Đảng cũng có ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của công dân đất nước. Việc rèn luyện tư tưởng rất được chú trọng trong trường học. Những nghi thức chính trị được áp đặt sâu rộng trong giới học sinh từ khi còn là học sinh mẫu giáo, với việc liên tục rao giảng bằng hình ảnh và lời nói về khẩu hiệu của Hồ Chí Minh “Học, Học nữa, Học mãi”. Ngay cả khi những chiếc loa mang tính biểu tượng dùng để tuyên truyền biến mất ở những khu vực thành thị, những cá nhân vẫn không thể thoát khỏi sự kìm kẹp của đảng.

Do đó, “Chủ nghĩa Lenin-Thị trường” không những chỉ là một loại ý thức hệ ở Việt Nam mà còn là một mô tả về chính hệ thống. Ý thức hệ cộng sản thể hiện dưới hình thức tuyên truyền và nhiều quyết sách của ĐCSVN. Thay vì vai trò của ý thức hệ suy yếu trong nền chính trị đương đại, nó vẫn là nguyên tắc chỉ đạo của ĐCSVN.

Đáng lưu ý, đảng CSVN cố gắng trung thành với những lời hứa xã hội chủ nghĩa bằng cách cố gắng cung cấp phúc lợi cho công dân dưới hình thức chăm sóc sức khoẻ và giáo dục.

Thật thú vị, London đưa ra nhận xét rằng ĐCSVN cổ suý một “chế độ công dân phân tầng”, có nghĩa là mức sống của từng người dân rất khác nhau; nó tùy thuộc vào mối quan hệ của họ với đảng hoặc vị trí địa lý của họ trong nước. Mặc dù chế độ này đã cho phép dân có cơ hội được giáo dục và chăm sóc sức khỏe căn bản, nhưng nó cũng là một hệ thống mà theo cách nói của London, “tiền nào của ấy”.

Trong lĩnh vực y tế, công chức được khuyến khích tìm cách có thêm thu nhập khác. Do đó, phẩm chất của hệ thống y tế rất đáng nghi ngờ và những khoản thanh toán chui (hối lộ) là chuyện thường xảy ra. Ngoài ra, trong khi tuyển sinh vào đại học đã tăng đáng kể trong những năm qua, phẩm chất giáo dục cũng có vấn đề.

Đối phó với nhiệm vụ khó khăn là hoạch định chính sách đồng thời bảo vệ bộ máy nhà nước độc đảng, ĐCSVN đã, đang và sẽ tiếp tục bị giằng xé giữa việc đầu tư vào những lời hứa xã hội chủ nghĩa của họ — y tế và giáo dục — và đầu tư vào sự trỗi dậy của quân đội và công an hùng mạnh về chính trị để kiềm chế những người đối kháng. Như London đã chỉ ra một cách không sai, thật là mỉa mai khi những lời hứa xã hội chủ nghĩa của ĐCSVN đã trở thành bất bình đẳng xã hội và hạn chế quyền tự do căn bản của con người một cách nghiêm trọng.

© 2023 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Assessing the Significance of Communist Ideology within the Vietnamese Communist Party: Present-day Perspectives | Son Nguyen | https://www.thevietnamese.org/ | June 28, 2023.

Tham khảo:

  • London, Jonathan. “The Communist Party of Vietnam: Consolidating Market-Leninism.” Routledge Handbook of Contemporary Vietnam, 1st ed., London, United Kingdom of Great Britain and Northern Ireland, Routledge, 2022, doi:10.4324/9781315762302.
  • Vu, Khang. “What Role Does Ideology Play in Vietnam’s Foreign Policy?” The Diplomat, 10 May 2023, thediplomat.com/2023/05/what-role-does-ideology-play-in-vietnams-foreign-policy.