Khổng và Cộng (I)

Sơn Diệu Mai

confucius2Các nhà nho Việt Nam tôn thờ Khổng Tử vì ông ta đáp ứng được cái tính sĩ diện và thói đạo đức giả tiềm ẩn trong con người họ.

Chúng ta biết rằng con người vốn có xu hướng tin những gì họ muốn tin. Con người chỉ chấp nhận và tôn thờ những gì hợp với goût của họ. Vì sự lựa chọn niềm tin hay thần tượng đều nhằm thoả mãn nhu cầu nội tại, làm nguôi đi cơn khát tinh thần. Thế nên, căn cứ vào sự lựa chọn của một người, ta có thể đoán được độ dày văn hoá, xu hướng chính trị và thẩm mỹ, đặc điểm dân tộc…đại loại các thành tố cốt lõi tạo nên nhân cách. Tại sao giữa rất nhiều triết gia bậc thầy của Trung quốc, các nhà nho Việt Nam lại tôn Khổng Tử lên làm Đức thánh Khổng mà không là Đức thánh Lão, Đức thánh Mặc, Đức Thánh Trang?

Thử đọc lại một lượt tất thảy các triết thuyết ấy, ta đâu thấy thiếu vẻ hấp dẫn? Cứ tạm cho là mọi lý thuyết ấy đều cũ kỹ và đầy ảo tưởng, nhưng xét về tính nhân đạo và lòng cao thượng thì cần phải kể đến Đạo Lão, bởi Lão tử giống chúa Ki-tô chủ trương “Dĩ đức báo oán” trong khi Khổng Tử chủ trương “dĩ trực báo oán” nôm na là Khổng Khâu chủ trương sử dụng một cách nghiêm khắc mọi thứ hình phạt đối với những kẻ dám đụng chạm đến cái trật tự vua-tôi mà ông ta đã tô điểm và tỉa tót cho có mùi thơm tho, mỹ lệ. Về tinh thần dân chủ, Mặc tử hơn hẳn Khổng Tử khi ông yêu cầu vua phải do dân bầu, dưới vua phải chọn những người đủ tài lẫn đức. Trong thiên Thượng Hiền – Trung, Mặc tử đả đảo kịch liệt thói dùng người thân thích, cố cựu, kẻ giầu sang vì “cho họ trị nước tức là sai bọn ngu dốt trị nước, như vậy nước sẽ loạn là điều biết chắc được rồi.”
Đó là không kể đến phái Pháp gia mà lý thuyết của họ đã một thời đẩy đất nước Trung hoa tiến một bước dài về phía trước.

Tại sao? Và tại sao?

“Phải chăng nhà nho Việt Nam ta bị quyến rũ bởi các huyền thoại thêu dệt xung quanh Khổng Tử, bởi ông ta là một nhà giáo đầy tài năng, chinh phục không biết bao nhiêu trái tim học trò. Phải chăng diễn ngôn của ông ta kiệt xuất, lại dùng thứ chữ Hán mà các nhà nho xứ An nam cúi đầu chổng đít bò trên phản học từ lúc lên bốn lên năm còn chúng ta bây giờ mù tịt nên không cảm nhận được vẻ hay ho, mỹ lệ?”

Tôi loay hoay mãi mà không tìm được câu trả lời.

Rồi tôi chợt nhớ ra một người quen cũ, một bà thủ thư về hưu, đương nhiên do nghề nghiệp bà ta cũng trở thành con mọt sách, tôi liền gọi điện cho bà để chia sẻ mối băn khoăn. Bà ấy đáp gọn lỏn:

– Các nhà nho Việt Nam tôn thờ Khổng Tử vì ông ta đáp ứng được cái tính sĩ diện và thói đạo đức giả tiềm ẩn trong con người họ.
Thấy tôi lặng đi không nói được, bà ta liền cười ròn rã bên kia đầu dây:

– Sợ quá phải không? Ai mà dám kết tội ông cha mình như thế bao giờ? Thôi được, tôi sẽ cung cấp cho cậu một mớ bằng chứng.

Hai hôm sau, bà đưa cho tôi một chồng sách và bảo:
– Cậu không phải nhà văn, cũng chẳng là nhà báo. Cậu chỉ là người thích suy nghĩ về các vấn đề xã hội và tập tọng viết lách thôi. Sách cả đống cậu không đủ thời giờ đọc hết đâu. Tôi đã gạch sẵn dưới những câu cần thiết để cậu hiểu vấn đề nhanh chóng.

Tôi mừng quá. Quả tình, tôi chưa được về hưu, ngày làm hai buổi mà nghiền đống sách kia ít nhất cũng mất vài tháng.

Vậy là, tôi lần lượt mở từng quyển, xem những câu đã được chua dấu. Tuy nhiên, chỉ những câu ấy thôi cũng đã quá nhiều, tôi chỉ mạn phép chép lại đây vài dòng làm bằng cớ:

1. Khổng Tử nói:

“Quân tử sỉ kỳ ngôn nhi quá kỳ hành – Người quân tử xấu hổ vì lời nói đã đi quá với việc làm” Luận ngữ XIV
(Lịch sử triết học phương Đông của Nguyễn đăng Thục, tập I)

2. Khổng Tử làm:

“…Một quan tể đất Trung mâu của Tấn, Bật Hật, vốn là gia thần của Phạm trọng Hành, một đại phu của Tấn. Người cầm quyền nước Tấn là Triệu giản Tử, đánh Phạm trọng Hành, Bật Hật chiếm luôn Trung Mâu làm phản, phái người lại mời Khổng Tử giúp mình. Ông định nhận lời. Tử Lộ bất bình, ngăn:

– Trước kia con nghe thầy dậy: Người quân tử không vào đảng với kẻ nào đã gây điều bất thiện. Bật Hật chiếm đất Trung Mâu làm phản mà thầy muốn qua với y thì sao phải lẽ?

Khổng Tử đáp:

– Đúng, ta có nói như vậy. Nhưng ta chẳng từng nói cái gì cứng rắn thì mài cũng không mòn sao? Ta chẳng từng nói rằng cái gì thực trắng thì nhuộm cũng không đen sao? Ta đâu phải trái bầu khô treo mà không ăn được?”

(Khổng Tử – Nguyễn hiến Lê, trang 67)

1. Khổng Tử nói:

“Người không có đức nhân thì lễ mà làm gì? Người không có đức nhân thì nhạc để làm gì?”

Và:

“Cái gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác – kỷ sở bất dục vật thi ư nhân”

(Khổng Tử – Nguyễn hiến Lê, trang 163, 164)

2. Khổng Tử làm:

“…Hội nghị họp ở trên một cái đàn, phía Tề có Án Anh theo hầu, phía Lỗ có Khổng Tử. Đúng như Khổng Tử đoán, Cảnh Công bầy ra trò múa hát, vũ công ăn mặc kỳ cục, đeo gươm, cầm giáo mác, cơ hồ muốn ám hại hoặc uy hiếp Định công. Khổng Tử vội leo lên đàn, khoát tay yêu cầu Cảnh công đuổi bọn đó đi, vì điệu vũ không hợp với một hội nghị hoà hảo. Lát sau một đội con hát tiến lên hát những khúc thô tục. Khổng Tử cũng buộc Cảnh công phải dẹp và chặt chân, chặt tay bọn con hát đó!

(Khổng Tử – Nguyễn hiến Lê, trang 53)

1. Khổng Tử dạy học trò:

“ Đừng lo không ai biết mình, chỉ mong sao mình có tài đức để cho người ta biết đến. Không nên cầu danh mà cũng không được cầu lợi, cầu lộc. Đừng lo không có chức vị, chỉ lo không đủ đức để nhận chức vị. Lo có chức vị cũng tức là lo có lộc… Người quân tử mưu cầu đạt đạo chứ không mưu cầu chuyện ăn…Người quân tử lo không đạt đạo, chứ không lo nghèo…”

(Khổng Tử – Nguyễn Hiến Lê ; trang 211)

2. Khổng Tử làm:

“Hồi này ông đã 56 tuổi, già rồi, tham chính đã được sáu năm (theo Tư Mã Thiên) đã giúp Lỗ được nhiều công. Chúng ta không được biết gì nhiều về gia đình ông cả. Thân mẫu ông đã quy tiên khoảng ba chục năm trước (có sách nói là hồi ông 25 tuổi), vợ ông còn sống với ông không, con trai ông, cậu Lý đã 35, 36 tuổi, ông chắc đã có cháu nội, có thể cả cháu ngoại nữa – con gái ông gả cho học trò của ông là Công Dã Tràng – Như vậy ông có thể nghỉ ngơi, tiếp tục dạy học, vui cảnh già với con cháu, nhất là môn sinh, trong cái tình kính mến của bạn bè, nhân dân.

Vậy mà sao ông lại bỏ quê hương xứ sở, lang thang khắp nước này tới nước khác? Tâm trạng của ông lúc lên đường, não nùng ra sao, Mạnh tử chỉ ghi vắn tắt trong bài Tận Tâm hạ-14:

…Khổng Tử nói khi rời nước Lỗ: Ta chầm chậm mà đi thôi. Khi rời đất nước của cha mẹ thì lòng người ai cũng vậy.
Tôi đoán ông sở dĩ ra đi vì tin Trời giao cho ông sứ mạng phục hồi đạo của Chu công, lập lại trật tự trong thiên hạ…

Sáu năm thi hành đạo của ông ở Lỗ, thấy có kết quả, ông lại càng tin có thể lập được sự nghiệp như Chu công: Lỗ không dùng ông thì trong thiên hạ thế nào chẳng có nước dùng?

(Khổng Tử – Nguyễn Hiến Lê ; trang 57, 58)

Bây giờ, chúng ta lần lượt xét ba ví dụ trên.

Thứ nhất, Khổng Khâu là kẻ có biệt tài quỷ biện. Ông ta có một vốn ngôn từ phong phú, giỏi biến báo, ứng đối, giống như một gã lang băm có đủ chiêu thức tán dương người bệnh, khiến họ tin rằng cùng một thang thuốc có thể chữa lao phổi cũng được mà chữa sốt rét cũng xong.

Thứ hai, chỉ một hành vi buộc Cảnh công chặt chân, chặt tay đám con hát là đủ xoá hết những lời nhân nghĩa mà Khổng Khâu thường cao ngạo răn đời, dụ thế. Phải có ông giáo Khổng Khâu để sau này nước Trung hoa sinh ra một học trò Mao trạch Đông, kẻ trưng bày ở phòng triển lãm mớ quần áo rách nhằm cho công chúng tin rằng y sống thanh đạm nhưng trong thực tế cuộc sống của y không những cực độ xa hoa mà còn trăm phần nhầy nhụa, vị nào chưa biết hãy tìm đọc cuốn “Bí mật cuộc đời của Mao trạch Đông” của bác sĩ Lý chí Tuỵ do Trần ngọc Dung dịch thì rõ.

Tuy nhiên, Mao trạch Đông, ít nhất cũng thành thật hơn Khổng Tử khi công khai tuyên bố rằng ông ta chủ trương: “Nói một đằng, làm một nẻo”.

Thằng tướng cướp tự nhận là tướng cướp khiến người ta dễ chịu hơn khi nó sắm vai Huyền Trang đi lấy kinh.
Khổng Tử, hoặc hèn hơn, hoặc gian manh hơn, chỉ dùng phép quỷ biện để che phủ thói đạo đức giả của mình.
Thứ ba, rõ ràng là tác giả Nguyễn Hiến Lê bối rối trước hành vi ông Thánh Khổng nên đã tìm cách bào chữa: “Tôi đoán ông sở dĩ ra đi vì tin Trời giao cho ông sứ mạng phục hồi đạo của Chu công, lập lại trật tự trong thiên hạ.”
Nghe thanh cao thật. Nhưng nếu để phục hồi nhà Chu thì tại sao Khổng Khâu không bao giờ đặt chân đến nhà Chu? Muốn chữa bệnh cho ai đó thì việc trước tiên là phải bắt mạch cho con bệnh rồi mới ra đơn chứ không thể nào lánh mặt con bệnh mà chỉ ra sức đôn đốc gia nhân hoặc láng giềng ông ta nấu đồ ăn hay sắc thuốc. Một cái lô-gic hạng bét như vậy mà cũng cố tình bẻ quẹo đi cho được. Thế nên, nhân loại có câu: Muốn yêu thì phải mù, hay ít nhất cũng phải thong manh.

Tác giả Nguyễn Hiến Lê lập luận:

“Ông không qua Chu – Mạnh tử sau này cũng vậy – ông chỉ Tòng Chu chứ không Tôn Chu, có lẽ vì ông thấy Chu quá suy, không làm được gì …”

Điều này tố cáo hai sự thật:

1. Hành vi của Khổng Khâu cũng như Mạnh tử là nhằm bảo vệ cái lý thuyết do chính họ đẻ ra, và họ chỉ dùng nhà Chu như một cái cớ mà thôi.

2. Để rao bán lý thuyết của mình, họ cần phải tìm các vị khách hàng giàu có, nhà Chu lúc ấy chỉ là một triều đình dột nát, túng bấn đến mức phải cầu cạnh chư hầu, làm gì còn vàng bạc để trả cho mấy ông Nho gia đi thuyết khách?

Chính tác giả Nguyễn Hiến Lê đã viết thế này:

“….Mạnh tử mỗi khi qua nước nào cũng dắt theo cả mấy chục cỗ xe và mấy trăm người tuỳ tùng, và vua nước ấy phải cung cấp lương thực, rồi khi rời nước đó thì vua còn phải dâng ông chút ít – độ vài chục dật vàng thôi, mỗi dật bằng 20,24 lượng để ông lên đường. Khổng Tử và đoàn tuỳ tùng có lẽ nhiều lắm được mười, hai mươi người mà có lúc phải nhịn đói, mặt xanh như tầu lá.”

(Khổng Tử – Nguyễn hiến Lê; trang 60)

Sở dĩ có sự chênh lệch này là vì Mạnh tử sinh sau Khổng Tử cả trăm năm, mà đến thời ấy cái nghề rao bán đạo lý mới trở thành mốt. Khổng Tử không may mắn như học trò ông ta vì thiếu mất chữ Thời. Còn như nói ông ta vào lúc 56 tuổi còn ra đi để “làm sứ mệnh Trời trao” thì chỉ là chuyện vẽ mây cho rồng, trừ đám người sùng bái ông ta ra, không ai tin cả. Trên cõi đời này, chẳng một ai thoát nợ áo cơm. Trừ vua chúa, còn tất thảy mọi người, muốn tồn tại bắt buộc phải tìm kế mưu sinh. Sự mưu sinh là nỗi khổ đầu tiên và trước tiên đầy đoạ con người. Không phải vô cớ mà có người đã phải hạ bút viết: “Nợ áo cơm phải trả đến hình hài.”

Chúng ta nghe ông Nguyễn Hiến Lê kể tiếp:

“Khổng Khâu qua Vệ, Vệ linh công hỏi ông ở Lỗ tước lộc được bao nhiêu, Linh công sẽ tặng ông bấy nhiêu: sáu vạn đấu lúa.

Nhưng rồi triều đình có kẻ gièm pha Khổng Tử, nên vua Vệ lơ là với ông, còn sai người lại nhà ông dò xét nữa.

Ông ở Vệ lần đó được mười tháng…

(Khổng Tử – Nguyễn Hiến Lê ; trang 61)

Tội nghiệp cho ông Thánh Khổng.

Sau này, khi đọc lại Mặc tử, tôi tin đoạn miêu tả sau đây của ông là hoàn toàn chính xác:

“Khổng Tử, vốn thường nhật món ăn chín quá không ăn, cắt không ngay ngắn hoặc không đúng cách cũng không ăn, nước chấm không thích hợp không ăn, rượu bán ở cửa hàng không uống, thịt mua ở chợ không ăn…Vậy mà khi ông ta bị giam ở nước Trần, tuyệt lương, mười ngày húp toàn canh rau loãng, đến khi có miếng thịt, không kịp hỏi mua ở đâu, cũng chẳng cần xem cắt vuông hay cắt méo, cúi đầu ăn thục mạng.”

Đúng là văn chương tả thực.

Khổng tử (hí hoạ). Nguồn: theconversation.com
Khổng tử (hí hoạ). Nguồn: theconversation.com

Tôi không có ý trách gì Khổng Tử khi ông ta nghèo, hoặc khi ông ta cúi đầu ăn thục mạng. Điều đáng trách là ông ta gian dối, ông ta dùng trí thông minh và các xảo thuật diễn ngôn để tự bào chữa cho sự bất nhất giữa lời lẽ và hành vi của mình. Tác giả Nguyễn Hiến Lê viết:

“Ông có thái độ Vô khả, Vô bất khả. Ông bảo: Cách xử sự của người quân tử, không nhất định phải như vầy mới được, không nhất định như kia là không được, cứ hợp nghĩa (hợp lẽ phải, hợp tình, hợp lý) thì làm.”

Trong cuộc đời thật của Khổng Khâu, hai lần ông ta phản bội lại lời rao giảng đạo đức của mình, định hợp tác với bọn phản loạn Công sơn Phất Nhiễu và Bật Hật, cả hai lần đều bị Tử Lộ cự nự. Vì Tử Lộ là người học trò lớn tuổi nhất, chỉ kém ông vài tuổi thôi, tính tình cương trực dũng mãnh nên ông đành nghe theo. Ngay sau khi bỏ ý định giúp Bật Hật, ông lại tính qua Tấn để gặp Triệu giản Tử, kẻ thù của Bật Hật. Nhưng khi tới bờ sông Hoàng Hà hay tin Giản tử đã giết hai quan đại phu tài giỏi của Tấn là Đậu Minh Độc và Thuần Hoa để nắm hết chính quyền (hai người này đã đề bạt Giản tử ), ông dừng lại ở bờ sông than thở rồi quay về Vệ. Như thế, đủ hiểu Khổng Tử chỉ trung thành với ý muốn của chính ông ta. Giúp Bật Hật cũng được mà gặp kẻ thù của Bật Hật cũng xong, đó là theo chủ thuyết Vô khả, Vô bất khả. Cái chủ thuyết này là cẩm nang của tất thảy bọn người nương vào bóng ma của ông ta:

Nói xuôi cũng được, nói ngược cũng xong. Tính lập lờ, sự gian dối được coi như món ăn thường nhật. Tôi cho rằng, lũ môn đệ mang nợ nhiều nhất với Khổng phu tử chính là người cộng sản. Sự gian dối, thói đạo đức giả ở đám cộng sản được thực thi với tất thảy lòng tự tin, thậm chí sự ngạo mạn trên một bề rộng địa lý và một chiều sâu xã hội mà chưa bao giờ lịch sử có được. Hẳn không ai không biết câu này:

“Chớ nghe những điều cộng sản nói. Hãy nhìn những điều cộng sản làm.”

Từ ngày Khổng Khâu ra đời đến nay đã hơn hai ngàn năm trăm năm, phải chờ đến thời chủ nghĩa cộng sản toàn thắng trên mảnh đất châu Á, chủ thuyết “Vô khả, Vô bất khả” của ông ta mới có được vinh danh lẫy lừng đến thế.

Tuy nhiên, trước khi những người cộng sản cầm quyền, Khổng phu tử cũng đã trở thành ông thánh trên các miền đất này, ông ta đã đẻ ra cái lớp người gọi là sĩ phu. Cái lớp sĩ phu Việt Nam lại là tổ tiên chung của chúng ta lẫn đám cộng sản, thế nên, chúng ta cần phải biết về họ.

Trước hết, để bạn đọc có dịp thư giãn, tôi xin dẫn ra đây vài câu phong dao của người dân quê Việt Nam mô tả cái lớp quý tộc được gọi là trong xã hội Việt Nam của chúng ta năm xưa:

“Ra đường võng giá nghênh ngang,
Về nhà hỏi vợ: Cám rang đâu mày?
Cám rang tôi để cối xay,
Hễ chó ăn hết thì mày với ông.”

Và đây nữa, vài nét vịnh thầy đồ:

“….Văn dai như chão, chữ vuông như hòm
Vẻ thầy là vẻ con tôm
Vẻ tay ngoáy cám vẻ mồm húp tương….”

Dường như, qua những lời lẽ này, hình ảnh kẻ sĩ không có gì là đáng kiêu hãnh. Cũng dường như họ còn đói hơn ông thánh Khổng Khâu bởi ông ta chưa từng phải ăn cám. Lại cũng có vẻ như họ cam tâm chấp nhận cảnh huống này với một thái độ hoặc là lặng câm, an phận (như ông đồ) hoặc là sĩ diện ra oai (như ông sĩ).
Tại sao có cảnh tượng oái oăm và mai mỉa này?

Dễ hiểu thôi, vì Việt Nam nghèo hơn Trung quốc, Việt Nam là chư hầu của Trung quốc nên mọi thứ đều phải tính ở cấp bậc dưới. Dám Nho gia Việt là đệ tử trung thành của Khổng Khâu. Ông thánh ấy dạy họ câu này:

“Ngã bất như lão nông, lão phố”.

Hãy xem:

“Phan Trì hỏi học cấy lúa, Khổng Tử nói:

– Ta không như người làm ruộng già – Ngô bất như lão nông.

Hỏi học làm vườn. Nói:

– Ta không như người làm vườn già – Ngô bất như lão phố.

Và Khổng Tử cho Phan Trì học hỏi thế là hạng nhỏ nhen, tiểu trí.”

(Lịch sử triết học phương Đông – Nguyễn đăng Thục, tập I, trang182)

Trung thành với ông thánh của mình, các nhà nho xứ ta cũng không muốn làm nghề nông, họ khinh bỉ lao động chân tay, coi như đó là công việc bỉ ổi. Trái ngược lại Mặc tử, thường xuyên bàn đến hình học, lực học, quang học, tất thảy những gì gắn bó đến nền sản xuất tiểu công nghiệp thời Đông Chu. Vì các nhà nho ta cho rằng ngâm vịnh thứ chữ “vuông như hòm” ấy là cao quý nên con đường công danh duy nhất chỉ là thi cử để được làm quan. Khốn thay, một vạn ông đồ dùi mài kinh sử lụi cụi đến trường thi, may ra được vài chục ông đỗ đạt, có cơ hội vinh hoa (tú tài, cử nhân, tiến sĩ), số còn lại đều quay về nhà, ăn bám vào bố mẹ hoặc vào váy vợ. Đã ăn bám nhưng lại được luân lý đạo Khổng ban cho cái quyền làm phu quân, làm quân tử, có nghĩa là được quyền làm bề trên, được quyền oai, thế nên mới có cái cảnh hoãnh hoẹ hỏi vợ: Cám rang đâu mày?

Tuy nhiên, cuộc đời dạy chúng ta rằng một khi đã lệ thuộc vào kinh tế thì khó có một tư cách bề trên thực sự. Cỗ xe lễ giáo nào, một khi va phải bức tường cơm áo cũng sẽ long bánh, gẫy càng. Nền kinh tế Việt Nam chủ yếu là kinh tế tiểu nông, lại ở một xứ thường xuyên gió bão, lụt lội, hạn hán, nói tóm lại ở một xứ cái đói thường xuyên đến hỏi thăm dân chúng. Vậy mà cắm đầu đi theo Khổng Tử, chọn nghề làm quan, hoặc làm kẻ bán rao đạo lý quả là một sự liều lĩnh khôn cùng. Thế nên, đám sĩ thời trước là đám người mắc kẹt giữa hai bánh xe, cao không tới, thấp chẳng thông, để kiếm miếng ăn nơi triều đình thì không đặt chân vào nổi, còn làm ruộng hoặc đi buôn lại cảm thấy xấu hổ, bần tiện, tiểu nhân nên không dám làm. Vậy là họ phải ăn bám. Và họ đói. Nói cụ thể hơn, cái Phác đồ xã hội của Khổng Tử dồn đám sĩ Việt Nam vào một tương lai không ánh sáng. Nếu họ cắm đầu cắm cổ đi theo nó, chắc chắn bản thân họ phải có thứ phẩm chất nào đó thích hợp với tình trạng khốn khổ này. Hoặc là không có óc sáng tạo, hoặc ngu, hoặc lười biếng, hoặc là hèn. Cái mẩu kiêu hãnh thây lẩy trong lòng họ chỉ được thoả mãn khi tha hồ hoạnh vợ, nạt con. Bởi nếu đỗ đạt, họ phải khom lưng, quỳ gối trước các quan trên và trước vua. Nếu không đỗ đạt, họ là thứ “ông đồ trơn”, chẳng bị khinh nhưng cũng chẳng được trọng. Người nông dân riễu họ rằng:

“Nhất Sĩ nhì Nông
Hết gạo chạy rông
Nhất Nông nhì Sĩ”

Sau này, đến Tú Xương, thành thực hơn, bớt cái sĩ diện Khổng Khâu đi thì dám công khai thú nhận:

“Một phường rách rưới con như bố
Ba chữ nghêu ngao vợ chán chồng”.

Tôi cho lúc này hẳn các nhà nho cuối vụ đã nhìn thấy tương lai ảm đạm của họ, nhưng họ vẫn không muốn chui ra khỏi cỗ quan tài vô hình đó bởi nó đem cho họ sự an ủi tinh thần: Chí ít, Khổng Khâu cho họ được quyền Oai trong cái vương quốc cỏn con của họ, dưới mái nhà tranh với mẻ cám rang đặt trong chiếc cối xay!

Nếu các nhà nho Việt Nam xưa bớt u mê đi một chút, hẳn họ đã thấy được thứ Lý thuyết trị dân mà ông giáo Khổng dạy họ gồm hai tính chất:

1. Tính xa rời thực tế.

2. Tính thứ bậc triệt để, tạo khuôn phép bất di bất dịch, loại cùm trói vô hình đối với tất thảy sự phát triển xã hội, văn hoá cũng như vật chất.

Về tính xa rời thực tế, xin hãy đọc một đoạn ngắn sau đây trong thiên Phi Nhạc của Mặc tử:

“Thánh vương cũng đã thu lượm nhiều của muôn dân để làm ra thuyền và xe. Lúc đã thành rồi liền hỏi: Ta sẽ dùng nó để làm gì? Đáp: Thuyền dùng ở nước, xe dùng trên cạn, quân tử được nghỉ chân, tiểu nhân được nghỉ vai, lưng, cho nên muôn dân xuất của đem lại cho, không dám oán hận. Tại sao? Vì nó trúng vào chỗ lợi của dân. Vậy thì những thứ nhạc khí, nếu cũng trúng vào chỗ lợi của dân như thế, ta cũng không dám công kích. Nhưng dân có ba điều lo: là đói không được ăn, rét không được mặc ấm, mỏi không được nghỉ. Ba điều đó là sự lo lớn của dân. Song nếu vì dân mà gõ chuông lớn, đánh trống kêu, gẩy đàn cầm đàn sắt, thổi ống Vu ống Sinh và múa cái Can cái Thích, thì của ăn mặc của dân có được cái gì đâu?”

(Lịch sử triệt học phương Đông – Nguyễn đăng Thục, tập I , trang 249)

Đọc mấy dòng ấy, đủ thấy trong đám triết gia xưa, Mặc tử mới là người biết thương dân một cách thật sự, nghĩ đến dân một cách thấu đáo, chân tình.

Bây giờ, để các bạn đọc trẻ không quan tâm lắm đến nền văn chương cổ hiểu rõ tình trạng đói khát, khổ sở và man rợ của xã hội Trung hoa hồi trước, tôi xin phép gợi ý như sau.

Đọc Thuỷ hử chỉ cần lưu tâm đoạn Võ Tòng vào quán vợ chồng Trương Thanh-Tôn nhị Nương, ăn bánh bao nhân thịt người (Thuỷ Hử – Thi Nại Am, bản dịch của Á Nam Trần tuấn Khải, Chương 26).

Đọc Tào Tháo đại truyện hãy nhớ đoạn Tháo ra lệnh chém một tên lính vì đói quá ăn vụng . Tên lính này xin húp hết bát cháo rồi hãy chém. Tào Tháo chuẩn y. Người lính húp hết bát cháo liền bị chém ngang lưng. Tháo quay đi gạt lệ (những giọt lệ này dường như do tác giả Tào Trọng Hoài thêm thắt vào).

Lại đến đoạn Tào Tháo và Tuân Úc ngày tết đi săn thỏ, tìm đến nhà cha con Quách Gia:

“Một cái sân thật rộng. Ngày mồng một tết mà không thấy có một thứ gì ngoài một ông già đang lặng lẽ quét dọn những đống tuyết trên sân;

– Chào cụ, xin chúc cụ một năm mới khoẻ mạnh.

Tuân Úc đi lên trước chào hỏi.

Cụ già vẫn quét dọn tuyết. Có thể cụ điếc, cũng có thể cụ giả vờ như không nghe thấy.

Tào Nhân hỏi:

– Xin cụ cho nấu nhờ một ít cháo, hoặc một ít canh để chúng tôi ăn với lương khô. Xin biếu cụ vài lạng bạc.

– Cháo thì không có, canh thì nấu được.

Cụ già không cầm tiền trước. Cụ đến chỗ chái nhà lấy một ít hạt tiêu rồi đi vào phòng. Tào Mạnh Đức đi theo sau.

Cụ già mở vung một chiếc nồi ra. Mùi cỏ mục khó ngửi tràn ngập khắp căn phòng. Ai nấy cố nhìn xem, thấy trong nồi chỉ có vỏ và lá cây.

Hạ hầu Đôn bịt mũi quay đi. Duy chỉ có Tào Mạnh Đức và Tuân Úc chăm chú nhìn…”

(Tào Tháo đại truyện – Tào trọng Hoài, trang 309-310, nxb tổng hợp TP Hồ chí Minh)

(Còn tiếp)

© 2013 DCVOnline