Một ký ức trỗi dậy
Pierre Daum | Trà Mi
Công nhân Đông Dương trong Thế chiến thứ hai
Trong gần bảy mươi năm, rất ít người biết đến đến trang lịch sử này. Vào tháng 9 năm 1939, vào thời điểm tuyên chiến, chính phủ Pháp đã tự nguyện hoặc bằng vũ lực đưa 20.000 nông dân Việt Nam sang Pháp dùng họ làm công nhân trong các nhà máy sản xuất vũ khí. Số người tình nguyện không quá vài trăm, được tuyển chọn trong giới con em thuộc tầng lớp thượng lưu “bản xứ”.
Họ làm thông dịch viên cho đồng bào của họ (1). Việc bắt đại đa số công nhân sau đó diễn ra trong tầng lớp nông dân nghèo khổ và bị trị của nước Việt Nam thời thuộc địa (2). Bị tách khỏi gia đình — một số người đã kết hôn và có con — những người đàn ông này được đưa sang Pháp trên những chiếc tàu chở hàng. Cặp bến ở Marseille sau chuyến hải hành vài tuần mệt mỏi, đêm đầu tiên họ ở trong phòng giam của nhà tù Baumettes, vừa mới xây xong. Được tổ chức thành những đại đội gồm 250 người do người Pháp chỉ huy, mang đậm định kiến của thực dân (3), những người này được phân bổ đi khắp nước Pháp đên những khu kỹ nghệ liên quan đến quốc phòng — hầu hết là các nhà máy bột, làm công việc vừa đơn giản dễ giải thích cho nông dân không có kinh nghiệm làm việc ở xí nghiệp hoặc không có khả năng nói tiếng Pháp, và công việc đặc biệt nguy hiểm (kích ứng da dữ dội, và có nguy cơ nổ nhà máy).
Khái niệm dùng công nhân xứ thuộc địa cho mục đích chiến tranh không phải là mới. Ngay trong Thế chiến thứ nhất, Pháp đã đưa khoảng 40.000 đến 50.000 nông dân Việt Nam đến làm việc cho những nhà máy sản xuất vũ khí (4). Kế hoạch tuyển mộ ứng biến sau khi chiến tranh bùng nổ, và những công nhân làm việc tay chân đầu tiên của Việt Nam không cập bến Marseille cho đến cuối năm 1915. Đa số họ đến đây vào năm 1916. Phần lớn họ được gửi đến những nhà máy sản xuất vũ khí lớn ở Ripault (gần Tours), Bourges hoặc Toulouse. Ngay sau khi chiến tranh kết thúc, Pháp đã tổ chức việc đưa công nhân hồi hương. Mireille Favre, người duy nhất nghiên cứu sâu về chủ đề này, ước tính có khoảng một trăm người trong số họ vẫn ở lại Pháp và trở thành những người hoạt động tích cực trong cuộc đấu tranh chống thực dân (5).
Bị giam trong trại tập trung
Những người Đông Dương đến để duy trì hoạt động của những nhà máy vũ khí trong Chiến tranh thế giới thứ hai phần lớn bị buộc phải ở lại Pháp sau thất bại của Pháp vào tháng 6 năm 1940. Chỉ có 5.000 người có thể được hồi hương, trước khi hạm đội Anh ngăn cản bất kỳ tầu thyền nào của Pháp vượt biển đến Viễn Đông. 15.000 người còn lại bị giam giữ trong các trại tập trung ở khu vực phía Nam: Marseille, Sorgues, Saint-Chamas, Agde, Toulouse, Bergerac, v.v.. Để quản lý những công nhân xứ thuộc địa, một cơ quan đặc biệt thành lập trong Bộ Lao động: Sở Công nhân Bản địa (MOI) (6). Trong vài năm, sở này đã cho tất cả các công ty Pháp có nhu cầu, thuê những công nhân Đông Dương này với mức lương chỉ bằng 1/2 lương của công nhân người Pháp. Sau đó, những công ty đó trả tiền cho chính phủ Pháp và chính quyền này không phân phối lại bất kỳ khoản tiền lương nào cho công nhân. Công nhân Đông Dương được gửi đến tất cả mọi khu vực của nền kinh tế Pháp: nông nghiệp, lâm nghiệp, xây dựng đường bộ, thoát nước đầm lầy, kỹ nghệ hóa chất hoặc dệt may, v.v.. Trong số tất cả việc những người này đã làm, công việc nổi bật nhất là sự hồi sinh của nghề trồng lúa ở Camargue (7).
Năm 1945, chính phủ của tướng de Gaulle trưng dụng toàn bộ tàu thuyền đi Viễn Đông để đưa quân Pháp dập tắt khát vọng độc lập của nhân dân Việt Nam mà không tính đến việc hồi hương những công nhân này. Phải ba năm sau, người đầu tiên mới có thể thấy lại quê hương của họ. Những cuộc hồi hương được tổ chức từ năm 1948 đến năm 1952. 2.000 đến 3.000 công nhân Đông Dương quyết định ở lại Pháp, gặp và lập gia đình với phụ nữ, thường là người Pháp. Những người này tạo thành làn sóng di cư đáng kể đầu tiên của người Việt trên đất Pháp (8). Sau đó chuyện của họ nhanh chóng chìm vào quên lãng (9).
Sự im lặng của những người cha
Tại sao phải gần bảy mươi năm chúng ta mới biết đến câu chuyện của những người này? Có một vài nguyên nhân có thể giải thích cho sự kiện này. Đầu tiên là sự im lặng của những người cha. Những người ở lại Pháp không bao giờ kể cho con cái nghe bất cứ điều gì về việc họ rời Việt Nam và những năm đầu tiên sống trong trại tù ở ngay trên nước Pháp. Một số cựu công nhân Đông Dương hôm nay giải thích, “Ngay từ khi chọn sinh con Pháp, tôi đã không muốn chúng lớn lên với hình ảnh xấu về đất nước của chúng.”
Còn những người trở về Việt Nam giữa cuộc kháng chiến của toàn nhân dân chống Pháp (10), ngay lập tức họ bị nghi ngờ đã làm việc cho kẻ thù trong những năm sống ở Pháp. Một sự hiểu lầm lịch sử đã buộc họ phải giữ im lặng về quá khứ của mình trong nhiều chục năm. Thêm vào sự im lặng này là khó khăn mà mọi người gặp phải khi nhìn lại và nhận ra những trang đen tối trong quá khứ của họ. Ở Pháp, có những giai đoạn đặc biệt tàn khốc của lịch sử thuộc địa (11) (nổ súng ở Algeria năm 1845, đàn áp cuộc nổi dậy Yên Báy ở Đông Dương năm 1930, những vụ thảm sát ở Sétif và Guelma khoảng ngày 8 tháng 5 năm 1945, sau đó vào năm 1947 tại Madagascar, trại giam Poulo Condor (Côn Sơn) phía nam Sài Gòn, việc dùng tra tấn làm vũ khí trong những cuộc chiến tranh Đông Dương và Algeria, v.v.), mặc dù ngày càng được giới sử học biết đến nhiều hơn nhưng vẫn còn chậm được chính phủ chính thức công nhận. Việc che giấu như vậy không thúc phát huy được kiến thức của người dân.
Những công trình nghiên cứu vẫn chìm trong bóng tối
Lý do cuối cùng cho sự im lặng kéo dài này: khó khăn trong việc phổ biến nghiên cứu của giới chuyên gia. Vì đã có nghiên cứu về vấn đề công nhân Đông Dương. Năm 1946, Pierre Angeli, một công chức trẻ người Pháp được giao nhiệm vụ quản lý một công ty của công nhân Đông Dương, đã chọn dùng kinh nghiệm gần đây của ông để bảo vệ luận án tiến sĩ tại phân khoa luật Đại học Paris (12). Năm 1983, Benjamin Stora, trước khi chuyên về Algeria, đã duyệt qua lịch sử của họ trong một bài viết đăng trên Les Cahiers du CERMTRI (Trung tâm Nghiên cứu và nghiên cứu về các Phong trào Cách mạng Trotskyist và Quốc tế)(13). Năm 1988, Liêm Khê Trần Nữ, sinh viên Đại học Nanterre, đã đề tặng công nhân Đông Dương luận văn cáo học của bà.(14). Năm 1996, bộ phim tài liệu Les Hommes des trois Ky của Dzu Lê Liễu được phát hình vào một buổi tối lúc nửa đêm trên đài Planète. Sau đó, một cựu thông dịch viên của Bộ Lao động bản địa (MOI) vẫn ở Pháp, Lê Hữu Thọ, xuất bản Hồi ký của mình vào năm 1997 với L’Harmattan: Hành trình của một viên quan nhỏ. Cuối cùng, vào năm 2003, con trai của một cựu công nhân Đông Dương đã lậpmột trang Internet dành để tưởng nhớ cha mình và 20.000 đồng đội cũ của ông (15). Tuy nhiên, rất nhiều sáng kiến đa dạng chứa đầy thông tin vẫn còn nằm trong bóng tối.
Đánh thức ký ức
Phải đến năm 2009, năm xuất bản cuốn Những người bị cưỡng bức di cư do Actes Sud xuất bản, đông đảo độc giả mới bắt đầu biết đến trang lịch sử thuộc địa này. Tại sao tấm màn cuối cùng cũng được vén lên? Có phải vì cuốn sách này được một nhà xuất bản lớn phát hành? Hay vì nó do một nhà báo viết và có lẽ sẽ được ủng hộ với cái nhìn thông cảm của đồng nghiệp? Hay vì nó kết hợp công việc lịch sử về các kho lưu trữ và lời chứng của con người, tạo ra một phong cách viết có thể đến với tất cả mọi người? Hay vì tác phẩm này do một nhà nghiên cứu không có quan hệ gia đình với Việt Nam sáng tác nên một tiên nghiệm mang lại nhiều đảm bảo hơn về tính khách quan? Bởi vì, năm mươi năm sau khi giấc mơ thuộc địa của mình hoàn toàn biến mất (độc lập của Algeria năm 1962), liệu xã hội Pháp ngày nay có thể – thậm chí sẵn sàng – nhìn một cách tỉnh táo vào những trang lịch sử đen tối của mình hay không? Tất cả những giả thuyết này ít nhiều đều thiên về tiếng vang do người bị cưỡng bức di cư gây ra. Việc tổ chức triển lãm du lịch năm 2011 (16), rồi chuyển thể cuốn sách thành phim ảnh của Lam Lê, ở Công Bình, la longue nuit indochinoise, trình chiếu lần đầu vào tháng 1 năm 2013, đã kết thúc việc làm nên trang sử này.Việc xuất bản cuốn Những Người bị cưỡng bức Di cư đã khiến những ký ức thực sự tỉnh dậy. Thị trưởng của những thành phố đặc biệt bị ám ảnh vì sự kiện này, đã tổ chức những ngày tưởng nhớ công nhân Đông Dương: Arles lấy ngày 10 tháng 12 năm 2009; Miramas/Saint-Chamas chọn ngày 16 tháng 10 năm 2011; Toulouse làm lễ vào ngày 30 tháng 11 năm 2012; Bergerac vào ngày 14 tháng 12 năm 2012; Sorgues vào ngày 6 tháng 9 năm 2012 17. Ở những thị trấn này, cũng như ở những thị trấn mà cuộc triển lãm đi qua, những người lớn tuổi chợt nhớ đến những “người An Nam” kỳ lạ này và bắt đầu bàn tán với nhau về họ. Báo giới địa phương đã dành nhiều bài viết hoặc phóng sự truyền hình về trang lịch sử đã bị chôn vùi từ lâu này. Ngày nay, dự án xây dựng di tích quốc gia ở Camargue được Chính phủ trung ương và tất cả chính quyền địa phương trong khu vực đều hỗ trợ. Đài tưởng niệm này có thể được khánh thành vào mùa thu năm 2014, trước sự chứng kiến của các cơ quan có thẩm quyền cao nhất của Cộng hòa Pháp.
Im lặng trước câu chuyện của người cha
Hơn hết, khi cha của họ hầu hết đã qua đời được vài năm, hàng trăm đứa con của những công nhân Đông Dương chợt phát giác ra một câu chuyện mà họ chưa hề biết. Chúng tôi rất thường xuyên nghe được từ người này hay người khác những câu “Đối với tôi, điều đó rất đơn giản, trước khi có cuốn sách, tôi không biết gì về việc cha tôi đến Pháp!”
Nhân dịp những ngày tri ân và tưởng nhớ này, những người đàn ông và phụ nữ đó này, nay đã khoảng sáu mươi tuổi, đã gặp gỡ và trao đổi kinh nghiệm. Được mở rộng hơn trên Internet (qua e-mail, Facebook, v.v.), những cuộc gặp gỡ này đã khuyến khích họ xích lại gần nhau, tất cả đều chia sẻ mong muốn biết thêm về con đường mà cha của họ đã đi qua và mong làm cho câu chuyện này được càng nhiều người biết đến càng tốt. Và được nước Pháp công nhận. Một thiểu số thậm chí còn băn khoăn liệu có nên yêu cầu bồi thường tài chính hay không. Vào đầu những năm 1980, một nhóm cựu công nhân Đông Dương đã cố gắng tính số năm làm việc trong Bộ Kỹ nghệ được vào lương hưu của họ. Chính phủ cuối cùng đã chấp nhận những người ở lại Pháp, nhưng từ chối đối với những người khác. Về việc giải quyết các khoản tiền lương chưa được trả hoặc bồi thường thiệt hại phải gánh chịu, chưa bao giờ có bất kỳ thắc mắc nào (18).
Vào năm 2012, dự án xây dựng đài tưởng niệm ở Camargue đã dẫn đến việc thành lập một hội do một số ít con cháu của những công nhân Đông Dương (19). Cấu trúc này kể từ đó đã mở rộng, gây ra những câu hỏi mới. Chúng ta nên yêu cầu những hình thức công nhận nào: lễ tưởng niệm, ngày tỏ lòng tôn kính, ghi vào sách học, tấm bia kỷ niệm, v.v.? Chúng ta có nên đi xa đến mức yêu cầu bồi thường tài chính không? Tính hợp pháp của một cuộc vận động như vậy so với những cuộc đấu tranh để tưởng nhớ những nạn nhân khác trong lịch sử Pháp (người Do Thái, người Harkis, người Algeria, đảng Cộng hòa Tây Ban Nha, v.v.)? Biết bao câu hỏi đặt ra trong hội con cháu của những công nhân Đông Dương này và cho thấy việc viết lịch sử công nhân Đông Dương vẫn còn lâu mới hoàn thành.
Khánh thành đài tưởng niệm quốc gia đầu tiên về công nhân Đông Dương ở Camargue
Trong Thế chiến thứ hai, 20.000 người Việt Nam bị buộc phải làm việc trong hàng chục trại tập trung khắp miền Nam nước Pháp. Hơn nữa, cũng nhờ họ mà lúa Camargue mới tồn tại được ngày nay. Cuối cùng Sự tưởng nhớ và tri ân đã trở thành hiện thưc.
Đài tưởng niệm quốc gia đầu tiên dành cho công nhân Đông Dương đã được khánh thành vào sáng Chủ nhật, tại Salins de Giraud, ở Greater Camargue.
Một người vùng Montpellier, Pierre Daum, đã viết một cuốn sách về nó và đã chuyển thể thành phim.
Ngày nay, đối với những người còn sống và gia đình họ, đã đến lúc phải ghi nhận đóng góp của những công nhân Đông Dương ngày trước.
M.Civallero et L.Moreau đưa tin. Camargue, 06/10/2014
© 2023 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Une mémoire qui resurgit | Les travailleurs indochinois de la Seconde Guerre mondiale | Pierre Daum | p. 156-159P. 156-159 | https://doi.org/10.4000/hommemigrations.2757
Chú thích:
1 Xem câu chuyện hay do một công nhân Đông Dương viết, Nguyen Van Thanh, Saïgon-Marseille aller simple, un fils de mandarin dans les camps de travailleurs en France, préface de Pierre Daum, Elytis, 2012.
2 Năm 1939, dân số Đông Dương xấp xỉ 25 triệu người, 95% là dân ở nông thôn. Số người Pháp (quản trị viên, binh lính, công chức, doanh nhân, v.v.) không quá 25.000 người.
3 Ở thuộc địa, người Việt phải tuân theo các luật cụ thể được tổng hợp trong Bộ luật Bản địa. Như Gilles Manceron đã viếttrong lời nói đầu cho cuốn Những người bị cưỡng bách di cư, tình tiết này về công nhân Đông Dương ở Pháp đưa ra “một kiểu chuyển đổi sang đất đô thị của tình trạng thuộc địa”.
4 Mireille Favre đưa ra con số này, “Một môi trường cổ xuý hiện đại hóa. Công nhân và lính Việt Nam ở Pháp trong Thế chiến thứ nhất”, luận án của Ecole des Chartes de Paris, 1986, trang 200. Luận án có đề cập đến nguồn Caom, Gougal 24/217. Trong bài viết “Lịch sử xuyên suốt: Di cư chính trị Đông Dương ở Pháp (1911-1945)”, trên Hommes & Migrations, số 1253, tháng 1-tháng 2 năm 2005, Pierre Brocheux nói về 49.180 công nhân.
5 Luận án của Mireille Favre (nay là Mireille Lê Văn Hồ) mà NXB Vendémiaire địh xuất bản vào tháng 9 năm 2014 tại Paris với tựa đề: 14-18, 50.000 người Việt Nam trong kỹ nghệ chiến tranh Pháp (14-18, 50 000 Vietnamiens dans l’industrie de guerre française).
6 Sở này rõ ràng không liên quan gì đến phong trào phản kháng lao động di cư..
7 Xem Pierre Daum, “Quand les Indochinois cultivaient la Camargue”, trong Géo Histoire n°8, tháng 4-tháng 5 năm 2013, trang 118 đến 126.
8 Những người Việt Nam đầu tiên đến Pháp trước năm 1914. Công chức, thủy thủ, thợ đánh máy, sinh viên tuy số lượng ít nhưng trong số đó có một số nhân vật chủ chốt của cuộc cách mạng Việt Nam đang diễn ra, như Nguyễn Sinh Cung, Hồ Chí Minh tương lai. Về những đợt di chuyển đầu tiên của người Việt tới đô thị, xem Pierre Brocheux, nghệ thuật. cit. Và Richard Derderian, “La conquête de l’Indochine et le déplacement des Vietnamiens dans les anciennes colonies françaises”, bài giảng ngày 18 tháng 6 năm 2004 tại Viện Đông Á, Đại học Lyon.
9 Cũng như sự hiện diện đông đảo của công nhân Đông Dương trong Thế chiến thứ nhất đã bị lãng quên, hơn nữa, họ không có con cháu ở Pháp để ghi nhớ. Chúng ta có thể hy vọng rằng việc xuất bản cuốn sách của Mireille Lê Văn Hồ cũng như những hoạt động kỷ niệm 100 năm cuộc Đại chiến sẽ dần dần vén bức màn lên.
10 Chiến tranh Đông Dương bắt đầu vào tháng 11 năm 1946 với việc không quân Pháp ném bom Hải Phòng (hàng ngàn dân thường thiệt mạng) và kết thúc bằng Hiệp định Geneva ngày 21 tháng 7 năm 1954.
11 Một câu chuyện kéo dài hơn ba thế kỷ, từ khi chiếm đóng Antilles vào thế kỷ 17 cho đến khi kết thúc Chiến tranh Algeria năm 1962.
12 Pierre Angeli, “Les travailleurs indochinois en France pendant la Seconde Guerre mondiale (1939-1945)”, luận án tiến sĩ, Khoa Luật Đại học Paris, bảo vệ năm 1946.
13 Benjamin Stora, “Les travailleurs indochinois en France pendant la Seconde Guerre mondiale”, trong Les Cahiers du CERMTRI, n° 28, avril 1983, 37 pages.
14 Liêm Khê Tran Nu, “Les travailleurs indochinois en France de 1939 à 1948”, luận án cao họcdưới sự hướng dẫn của Philippe Vigier, Đại học Paris-X, 1987/1988. Liêm Khê Trần Nữ (nay là Luguern) đã nộp luận án cùng chủ đề vào năm 2004, dưới sự hướng dẫn của Gérard Noiriel, nhưng đến nay bà vẫn chưa bảo vệ luận án đó.
15 www.travailleurs-indochinois.org.
16 Để biết thông tin về triển lãm này, xem www.immigresdeforce.com/l-exposition.
17 Để biết thông tin về những cống phẩm này, xem www.immigresdeforce.com/le-livre/reconnaissance.
18 Dưới sự lãnh đạo của Frédéric Vigouroux, thị trưởng Miramas (BdR), một loạt câu hỏi bằng văn bản đã được dân biểu và thượng nghị sĩ từ bốn đảng, PCF, PS, Greens và UMP đưa ra tại Quốc hội kể từ tháng 12 năm 2011. Dùng cùng một công thức mỗi lần, giới dân cử lại yêu cầu chính phủ “de bien vouloir envisager la reconnaissance officielle de ce drame de l’histoire coloniale et la juste indemnisation des familles de ces travailleurs” (Văn bản câu hỏi số 21284 của ông Roland Povinelli, thượng nghị sĩ của Bouches-du-Rhône, đăng trên OJ Thượng viện ngày 12/08/2011 – trang 3115).
19 Hội Tưởng niệm Công nhân Đông Dương (MOI), có trụ sở tại Salin-de-Giraud, và chủ tịch là Richard Trinh.