Ông thông gia

Vũ Thư Hiên

hatredChỉ có thời gian mới có khả năng xoá đi hận thù. Mà thời gian đủ để xoá là bao lâu thì không ai biết, không ai có thể chỉ ra.

Tôi sung sướng đằm mình trong nước mát. Trên đầu tôi, chung quanh tôi, nắng chói loà. Tôi bập bềnh trôi. Có tiếng sáo diều văng vẳng. Đang say sưa ngụp lặn bỗng tôi bị một cái gì va vào làm tôi vùng vẫy, sặc sụa.

– Cậu ngủ say quá thể! – tôi nghe tiếng người, tiếng cô Lương – Dậy đi, cậu.
Cô Lương lột tấm chăn tôi trùm kín đầu. Tôi giằng lại không được. Thế là tỉnh hẳn.
– Có việc gì mà cô đến sớm thế? – tôi càu nhàu.

Tôi tiếc giấc mơ. Tiếc lắm. Không dễ gì gặp được một giấc mơ như thế. Với tôi, dòng sông quê hương mà tôi vừa được thoải mái trầm mình trong đó giờ đây xa lơ xa lắc. Nó gần như mất hẳn trong trí nhớ. Giấc mơ như một món quà bất ngờ. Món quà tan biến chỉ vì cái nhà cô Lương thổ tả kia.

Tôi nghe tiếng dép lẹp kẹp đi về phía bếp, tiếng nước đổ vào ấm, tiếng bật công tắc.
– Sớm gì mà sớm. – tiếng cô Lương nói – Trưa rồi.

Tôi vẫn còn chưa hết bực mình. Kim đồng hồ trên bàn chập nhau ở con số 12. Trưa thật rồi.

Cô Lương chậm rãi pha trà. Giữa chúng tôi, hơi trà ngào ngạt và ấm áp bốc trên miệng chén. Ở khoảng cách gần, tôi thấy cô già sọm – hai mắt lõm sâu, má hóp, da mặt đã có màu bao xi măng. Mấy chiếc răng cửa hơi đưa ra, cái duyên của cô ngày trước, giờ xuống màu, với những khe rộng hơn trước. Giọng cô không còn trong, không còn cao, nó mệt mỏi, khàn khàn. Từ nốt ruồi ở quai hàm bên phải chui ra một sợi râu bạc.

– Cửa cũng không thèm đóng. – cô chép miệng, trách – Em chỉ việc đẩy vào. Có ngày trộm vét sạch. Thật đấy. Cậu biết hôm nay ngày gì không?
– Ngày gì?
– Ngày Ông Táo lên chầu giời rồi đấy.
– Ờ…

Lại một năm trôi qua. Cô Lương là cuốn lịch sống của tôi. Không có cô nhắc, tôi sẽ không biết mình đang ở đâu trong dòng chảy vô hình ấy. Đã nhiều năm, mỗi khi phải lấy áo ấm ra mặc, thấy tuyết rơi, tôi biết là mùa đông đến; phải lôi cái quạt máy trong đống đồ xếp xó ra cho nó chạy, tôi biết đã vào hè.
– Em mang ít đồ cúng sang cho cậu.

Trên nóc tủ tôi thấy có mâm ngũ quả, xôi lạc, gà luộc. Và nén nhang mới bén.
– Cảm ơn cô.
Cô cười không tươi.
– Đàng nào em chả cúng. Cậu thì cái gì cũng phiên phiến, phiên phiến. Tết nhất phải có chút gì gọi là hương khói để nhớ đến tổ tiên, ông bà. Tết này cậu sang em, ăn Tết bên em nhá?
– Ờ…
– Hôm nay em sang đây – cô nói, giọng ngập ngừng – là có việc phiền cậu…
Tôi đặt chén trà xuống, nhìn cô, chờ đợi. Ở đây, chỉ tôi là người thường nhờ vả cô. Chứ cô chẳng bao giờ nhờ vả tôi.
– Việc gì vậy?
Cô ngần ngừ.
– Em muốn phiền cậu đi Berlin với em một chuyến.
Tôi ngạc nhiên. Từ khi dọn về đây ở gần cô, tôi chưa thấy cô đi đâu.
– Đi Berlin? Làm gì chứ?
Cô nhoẻn cười, ngượng ngập:
– Hỏi vợ cho cháu Hiếu.

* * *

Tôi và cô Lương có một tình bạn dài nửa thế kỷ.

Tình bạn của chúng tôi bắt đầu bằng một món ăn. Cô Lương không phải người bình thường. Ở đất thủ đô, cô là người nổi tiếng. Cô nổi tiếng không phải vì cái gì to tát, mà nổi tiếng nhờ món bún mọc. Tôi sẽ không tả nó ngon như thế nào. Không ai có thể tả được cái sự ngon. Chuyện ấy là của riêng cái lưỡi. Cứ phải ăn mới biết. Chỉ có thể nói gọn một câu: bún mọc là món độc quyền của cô Lương trong toàn thành phố. Về món này không ai cạnh tranh được với cô. Quanh gánh bún cô Lương, khách ngồi chật vỉa hè đợi đến lượt. Đông thế mà cô tài nhớ lắm ai đến trước, ai đến sau, lần lượt múc cho từng người suất bún nóng hổi, thơm phức, nước dùng ngọt lịm, húp bỏng miệng. Những viên mọc của cô, được chế tạo cách nào không biết, nêm nếm thế nào không biết, mềm và đàn hồi, cắn ngập chân răng, như thể chúng không phải được nặn bằng thịt lợn tầm thường của trần thế.
Đến đây tôi phải nói ngay rằng giữa hai chúng tôi không hề có chuyện ong bướm. Đơn giản vì cô Lương không phải là một cô. Cô không phải đàn bà.

Trở thành khách quen của gánh bún mọc, tôi gọi anh chàng Lương này bằng cô, như cách mọi người gọi. Có người còn gọi là cô đồng Lương. Gọi thế không đúng – Lương không phải cô đồng. Không hầu đồng, không am miếu, không hương khói, đàn địch, không con công (con nhang?) đệ tử, sao gọi thế được. Các nhà khoa học viết khá nhiều về hiện tượng ái nam ái nữ, tôi có đọc, nhưng không hài lòng. Thế giới “ái” rất đa dạng, rất phức tạp, theo tôi quan sát. Nó không dễ giải thích. Đơn giản hoá nó, sơ lược hoá nó, trong cái nhìn bất biến, đinh ninh, miêu tả qua lăng kính duy vật cho ra vẻ khoa học là không được. Lấy cô Lương làm ví dụ. Đực rựa, có vợ có con hẳn hoi. Chị vợ, tôi đã gặp, xinh gái, đàn bà trăm phần trăm, mẹ của hai đứa con giống bố như đúc. Một gia đình như mọi gia đình. Cái khác là trong gia đình này anh chồng từ tấm bé đã thích trang điểm theo cách nữ – ở nhà không biết thế nào, chứ ra đường là phải thoa một chút phấn hồng lên má, quệt một đường son nhẹ lên môi. Lại còn đeo nịt vú nữa chứ (nó hiện rõ qua lần áo phin nõn), ai cũng thấy. Nói ỏn ẻn, đi nhún nhẩy, hai tay phẩy phẩy bên hông, như thể đàn bà. Thế mới thành cô Lương. Nhưng “cô” không có một nhân tình đàn ông nào, tuyệt không. Chưa ai bắt gặp “cô” cặp kè với một người phái nam. Vì thế, nói rằng trong con người cô Lương có thứ tình dục đồng giới, bệnh hoạn, theo cách nhìn của thế hệ tôi, là nói bậy.
Tôi là người không háo lên án ai, lên án cái gì. Tôi chỉ háo ăn ngon. Qua một lần nếm thử đã đủ để tôi trở thành khách quen của gánh bún mọc cô Lương. Thấy tôi, khi nào cô cũng đon đả:

Anh giai thêm hành trần nhá? Ớt tươi chứ?
Anh giai thêm hành trần nhá? Ớt tươi chứ?

– Kìa, anh giai! – rồi khi múc bát mọc rồi, cô tươi cười hỏi, không thể nói rằng cô hỏi lấy lệ – Anh giai thêm hành trần nhá? Ớt tươi chứ? Anh giai sành một cây, em biết tính ông anh mà, ăn mọc chẳng chịu tra tương ớt đâu. Ngần này đủ chưa?
Rồi lại sợ mất lòng một ông khách nào đó nghiện tương ớt, cô bả lả:
– Nói vậy chứ bách nhân bách tính, có người thiếu tương ớt là nhạt mồm nhạt miệng, ăn mất ngon, có phải không ạ?

Hoặc:
– Anh giai nom có vẻ mệt, em nhúng hai trứng nhá? Anh giai bổ dưỡng đi cho chị em vui.

Tôi đỏ mặt vì những lời chớt nhả ấy. Khách tủm tỉm nhận xét: múc cho tôi, trong muôi của cô bao giờ cũng có nhiều mọc hơn cho người khác, một chút thôi, nhưng hơn. Họ đùa cợt bảo: là do tôi đẹp trai. Tôi soi gương chẳng thấy mình đẹp trai tẹo nào, có lẽ tại hai chúng tôi có duyên tiền kiếp.

Đùng một cái, không thấy cô Lương dọn hàng. Không ai biết cô biến đi đâu.

Khách hàng nghiện bún mọc buổi sáng nhìn cái vỉa hè quen thuộc từ lâu đông nghịt giờ đây trống trơn, chưng hửng dắt xe đi. Hỏi người chủ ngôi nhà trước gánh bún mọc của cô Lương, một ông già cao lêu đêu, ông ta lắc đầu: không biết. Cô Lương đến xin đặt nhờ gánh bún thì ông cho, ông không khoảnh. Ông cho cô ngồi nhờ ở hàng hiên nhà ông vô điều kiện. Để cảm ơn ông, sáng nào cô cũng làm một bát mọc tú hụ bưng vào cho ông. Khi khách quá đông, ngồi chật cả lối ra vào, ông chưa kịp trách thì cô Lương đã bẽn lẽn xin gửi ông ít tiền hàng tháng, coi như thuê chỗ.

– Cô ấy cứ giúi vào tay, bắt tôi phải nhận. Chứ tôi cũng không đòi. – ông nói như phân bua – Thời buổi này giúp nhau được chút gì thì giúp, là cái nghĩa đồng bào. Vỉa hè nào phải của tôi. Nhưng cô ấy là người biết điều. Thấy làm phiền người nhà đi ra đi vào, cô ấy ngại. Tôi không biết cô ấy dọn đi đâu, thật vậy.

Hoá ra trong những ngày ấy cô Lương ở tù. Với người Việt ta, ở tù không phải sự lạ. Thiên hạ gặp nhau thấy ngờ ngợ thì không hỏi quê quán, họ hàng mà hỏi: mình gặp nhau ở trại nào nhỉ?

* * *

Tôi gặp lại cô Lương ở một nơi mà cả hai đều không ngờ: trại tị nạn Hồng Kông.

– Giời ạ, cậu! – trông thấy tôi, cô Lương túm lấy, mừng quýnh. Rồi trợn mắt lên, thì thào – Cậu, sao lại ở đây?
– Thì có gì lạ?
– Cậu là cán bộ kia mà.

Cô Lương thay đổi đến khó nhận ra: son phấn không, áo quần luộm thuộm, nhếch nhác, trên mép là một hàng ria nham nhở. Bây giờ tôi không còn là khách hàng nữa, cô gọi tôi bằng “cậu”. Tiếng “cậu” của ta có nhiều nghĩa, là cách bạn bè thân mật gọi nhau, cách con gọi cha, vợ gọi chồng, cháu gọi em ruột của mẹ. Khi dùng với người ngoài nó lại là cách xưng hô tỏ sự tôn trọng đối với người có dòng dõi hoặc thuộc vai vế xã hội trên mình.

– Cán bộ thì đã sao? – tôi ôm chầm lấy cô – Đến đây lâu chưa?
– Hai năm rồi. Còn cậu?
– Mới.
– Em tưởng chỉ có dân chúng em khổ quá mới phải ra đi thôi – cô Lương cụp mắt nhìn xuống bàn chân đầy bụi di di trên mặt đất – Ai tự dưng bỏ nhà bỏ cửa, bỏ quê hương bản quán? Báu lắm đấy, cái đồng đất xứ người… Mà tại sao cậu lại phải đi?
– Chuyện dài – tôi đáp – Lúc nào rảnh, tôi kể. Còn cô, đang đắt khách sao cô lại dẹp hàng, rồi ở đây?
– Cũng là chuyện dài, cậu ơi.

Chuyện dài ấy là thế này.

Trước, hai mẹ con cô Lương là xã viên hợp tác xã thu mua đồ phế thải, nôm na là hợp tác xã đồng nát. Dân ta vốn thích oai, gọi vống lên cho sướng, chứ xã viên của cái hợp tác xã này vẫn là những bà đồng nát ngày trước. Đòn gánh trên vai, hai đầu hai thúng, họ lang thang khắp phố phường mua đủ thứ đồ vứt đi: sắt vụn, nồi thủng, mâm bẹp, giấy lộn, tóc rối…, đem bán lại cho các vựa. Để được phép làm việc ấy, tháng tháng họ phải đóng một khoản tiền cho hợp tác xã, coi như mua sự hợp pháp. Mẹ cô Lương là con gái Ước Lễ, Hà Đông, làng này nổi danh cả nước về nghề giò chả. Chồng chết sớm, bà mở hàng ăn kiếm sống, nuôi con. Có nghiệp tổ, miễn chăm làm thì không giàu được cũng đủ sống. Mở hàng mới được ít lâu thì đùng một cái, nhà nước ra lệnh cấm tiệt mọi nghề dính dáng tới lương thực, tức là tuốt tuột mọi thứ – gạo, ngô, khoai, sắn và bất cứ thứ gì có chứa tinh bột. Vốn liếng thế là tong. Cũng có vài hàng phở, hàng cháo lòng đánh liều, bán chui ở trong nhà. Bà không có cái gan ấy. Để được bán chui phải chạy vạy, phải đi đêm với đủ loại quan nha, chức sắc: cán bộ phòng thuế, cán bộ quản lý thị trường, công an khu vực… mới yên. Suy đi tính lại, chỉ có cái nghề mạt hạng, bị khinh khi, là nghề đồng nát, người ta mới không nhòm đến.

Cuộc sống vất vả làm sức khoẻ bà suy sụp, rồi mất. Cô Lương còn lại một mình. Cô bỏ gánh giấy vụn, đi làm thuê cho một quán phở chui. Cho đến khi ông nhà nước thấy cuộc sống sa sút quá, kinh tế xuống dốc quá, thành phố tiêu điều quá, mới rộng lượng ngoảnh mặt đi cho những người buôn thúng bán bưng muốn làm gì thì làm, cô Lương mới dám nghĩ tới việc vay mượn họ hàng sắm sanh gánh bún mọc cho mình. Rồi lấy vợ, đẻ con.

Ai ngờ một gánh bún mà làm nên cơ đồ.

Cô Lương trở nên giàu có. Nói giàu là nói trong khái niệm tương đối. Giàu ở đây là có nhiều tiền hơn người quanh mình thôi, chứ chẳng phải thiên ức vạn tải gì. Có đồng ra đồng vào, cô cũng chẳng sung sướng. Thời bấy giờ, giàu cũng là cái tội cái nợ. Người dư dả đồng tiền ngẩn ngơ không biết dùng nó làm gì. Sắm sửa thì hàng xóm biết, gửi tiết kiệm nhiều tiền thì nhà nước biết. Phải tìm mọi cách giấu cho kín cái giàu, không được hở cho bất cứ ai. Đã trở thành thói tục người này theo dõi người kia, nhà này nhòm ngó nhà khác, không trừ cả thân thuộc. Thành thử cô Lương phải hết sức giấu giếm cái sự giàu của cô, như các cụ nói, như mèo giấu cứt. Nhưng chẳng lẽ cứ tích tiền để đấy trong lúc nó mất giá hàng ngày?
Nhờ ông anh họ mách nước, cô trở thành người “chơi” đồ cổ. Ông này rất sành đồ cổ, nhất là trong lĩnh vực gốm sứ, tôi có nghe tiếng. Ngay Viện bảo tàng Lịch sử cũng phải mời ông cố vấn mỗi khi phải xác định niên đại một hiện vật mà nhận định của các chuyên gia không thống nhất. Người như thế lẽ ra phải ở trong biên chế, nhưng ông không được nhận vì lý lịch – cha ông có thời làm thông phán trong phủ Toàn quyền.

Ông khuyên cô:

– Chú cứ nghe tôi: để tiền vào đồ cổ là an toàn nhất hạng. Nó là thứ không thiu không thối, càng để lâu càng có giá. Chú quen nghề đồng nát, biết nhiều nhà, cứ lân la dò hỏi, biết đâu đấy, có khi vớ được của quý cũng nên. Gặp đồ cổ chú cứ gọi tôi, tôi biết cái gì quý, cái gì không quý, trả bao nhiêu là vừa. Nhà nước mua lại đồ cổ của dân bằng giá rẻ mạt, như cướp không, chẳng ai muốn bán. Dân đào được đồ cổ cũng bị thu mua, chỉ được tí tiền gọi là bồi dưỡng. Mình trả cao hơn nhà nước là người ta bán. Quen rồi, người nọ mách người kia, chú sẽ mua được khối thứ. Mua rồi cứ để đấy.

Cô hỏi ông anh:
– Mua để đấy phỏng có ích gì?
– Xì, chú không biết nhìn xa.
– Là thế nào ạ?

Ông nói chắc nịch:
– Thể nào rồi cũng có một ngày khác bây giờ. Lúc ấy chú cứ gọi là ngồi trên đống của.

Cô Lương nghe lời ông anh. Cô làm quen với giới buôn đồ cổ “chui”. Cô dò hỏi, cô lùng sục, gặp đồ quý, cô mua. Dần dà, nhờ sự dạy dỗ của ông anh, cô cũng trở thành một chuyên gia đáng nể. Cầm cái bát, cái đĩa hay lọ độc bình lên, ước lượng nặng nhẹ để biết xương, xem men, xem dáng, cô có thể nói ngay niên đại của món đồ, thuộc đời nào Tống, Đường, Minh, Thanh hay Lý, Trần. Còn hơn chuyên gia, cô sở hữu một số đồ độc nhất vô nhị. Các cụ nói: cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra, đồ cổ thì thứ nào cũng lớn hơn kim hết. Thế rồi một ngày kia có người chào cô mấy cái đĩa men ngọc đời Lý, men rạn, cực hiếm. Cô mua ngay. Cũng ngay đấy công an ập vào khám để tìm những hiện vật Viện bảo tàng vừa mất trộm. Người ta tìm ra tức khắc – chính là mấy cái đĩa ấy. Để “làm rõ” lý lịch những đồ cổ khác, người ta thu tất tần tật các thứ cô tích cóp được trong mấy năm trời. Cô Lương bị bắt vì tội “tiêu thụ của gian”. Cô ở tù gần một năm, không xét xử, gọi là giam cứu.

– Rồi họ xác minh cô vô tội?
– Làm gì có chuyện ấy! – lần đầu tiên tôi thấy cô cười gằn – Họ bảo em nhận tội đi rồi họ tha, không nhận thì cứ ở đấy.
– Rồi cô nhận?
– Chứ sao.

Đồ cổ. Nguồn: OntheNet
Đồ cổ. Nguồn: OntheNet

Ra tù, cô trắng tay. Với tấm giấy tạm tha trong túi. Cô vợ xinh gái đi theo một tay cán bộ phòng thuế. Có thể gây dựng lại cuộc đời bằng gánh bún mọc, như trước kia, nhưng cô không còn sức, nói cho đúng, sau khi ở tù ra cô chán mọi sự, không còn ý chí, không còn ham muốn. Nghe người ta mách, cô dắt hai con xuống Hải Phòng tìm đường đi xứ khác. Cũng lại do ông anh họ chuyên gia đồ cổ:

– Chú đi đi, chú đã bị bỏ tù một lần, coi như có vết, không tiền án cũng tiền sự, ở đây khó sống lắm. Bây giờ người ta đi ầm ầm. Tôi xin lỗi chú. – ông quệt nước mắt, sụt sùi – Cũng là tại cái thằng tôi chú mới sa vào vòng tù tội…
Chuyện vượt biên xưa như trái đất, khỏi kể. Sóng gió, đói khát, cạn nhiên liệu, chìm tàu… vân vân. Tất cả những cái đó xảy ra với bất kỳ ai. Người có số may mắn hiếm lắm.

* * *

Tôi bằng lòng đi Berlin với cô Lương. Cô nói không có tôi đi cùng, cô sẽ lúng túng, không biết ứng xử thế nào với nhà gái cho phải phép.

Ở nhà cô, một chàng trai cao, to, để ria mép, trân trân nhìn tôi.
– Cháu Hiếu đấy – cô Lương nói, vẻ tự hào pha ngượng nghịu.
– Chào cháu – tôi chào nó, biết rằng nó sẽ không chào tôi trước – Bác không nhận ra cháu đấy.
– Gutten tag … – nhìn tôi, nó nói – Bác khoẻ?

Cô Lương liếc tôi, cái nhìn biết lỗi.
– Khi chúng mình gặp lại nhau, cháu mới bằng ngần này. Tôi cười xuề xoà với cô Lượng, rồi giơ bàn tay úp sấp làm hiệu chỉ chiều cao của nó hồi ấy – Từng ấy năm, cháu làm sao nhớ được tôi là ai.

Nghe cô kể thì thằng Hiếu sáng dạ, học trung cấp cơ khí, bây giờ đã là trưởng ca hay trưởng kíp gì đó trong một nhà máy, công việc tốt, lương cao.
– Ba, con ra tiệm nét một lát – nó bước ra cửa – Con đi chếch meo. Ba với bác chuẩn bị sẵn sàng nhé!

Tôi nhớ lúc còn nhỏ, hai đứa con cô Lương không gọi cô bằng “ba”. “Ba” hiện đại hơn, sang hơn “bố”. Đi ngang tôi, thằng Hiếu vẫy tay:
– Chuýt!
Thì ra cái Audi đen bóng đậu ngoài phố, lối vào nhà, là của nó.
– Bọn trẻ giờ thế cả. Không biết lễ phép là gì – cô Lương thở dài – Sang đây chúng nó thành Tây cả. Nó vừa nói cái gì vậy, cậu?
Tôi giải thích. Cô Lương không biết computer là cái gì.
– Cậu đừng chấp – cô Lương bảo tôi – Thế là toi cái Tết. Mình lên đấy rồi về chắc gì kịp ăn Tết. Em mời cậu Tết này ăn Tết với em, mời thật tình, mà hoá ra mời rơi. Cậu vào đây mà xem: em đã lo sẵn hết cả: măng lưỡi lợn nhá, chân giò nhá, lá giong gói bánh nhá, thịt xay làm mọc nhá… tất tần tật. Em nghĩ lại rồi, em đi một mình cũng được, bắt tội cậu đi với em những ngày này, em ái ngại quá.
– Vẽ, đi là đi. Tôi nói rồi, với tôi ngày Tết chẳng có gì quan trọng. Cô đừng nghĩ ngợi.
– Thằng Hiếu lấy Tây hay ta đấy?
– Ta, cậu ạ. May thế!

Cô chị thằng Hiếu lấy Tây. Bố vợ với con rể chỉ gút tần tác, gút tần nác với chuýt là hết chuyện. Cô Lương rầu lắm. Cô còn rầu hơn nữa là đến bẹo má thằng cháu ngoại một cái cũng không được, sờ cái giống của nó cũng bị cấm – Tây nó không thích. Nó sợ cô làm bẩn con nó.

Cô phân trần:

– Nhà gái đòi phải có chạm ngõ, ăn hỏi, rồi mới cho cưới. Lôi thôi quá, cậu ơi. Lần trước gọi điện về, thằng Hiếu đã giục. Em bảo: để thư thư, Tết ra đi cũng được. Đùng một cái, ông bố vợ nó bị đâm xe.
– Nặng không?
– Nặng, mới khổ. Bà mẹ vợ bảo thằng Hiếu phải tức tốc về đón em lên để chính thức có nhời với người ta. Nếu chẳng may ông ấy có mệnh hệ nào họ còn cho cưới chạy tang.
– Hiểu rồi. Cô biết nhà gái chứ?
– Thằng Hiếu có nói gì trước với em đâu.

Mặt cô Lương chảy dài. Khi cô buồn, hay là có điều suy nghĩ, cô bước những bước chậm chạp, cái lưng gù xuống.

* * *

Rothenburg-ob-der-Tauber, miền nam nước Đức. Nguồn: fodors.com
Rothenburg-ob-der-Tauber, miền nam nước Đức. Nguồn: fodors.com

Làng chúng tôi ở miền Nam nước Đức. Làng nhỏ nhưng sạch sẽ, ngăn nắp, an bình. Nói chung, làng quê ở vùng này đều thế: gọn gàng, tiện lợi, bé tí, mà cái gì cũng có – bưu điện,cửa hàng dược phẩm, bệnh viện, trạm xăng, siêu thị. Thằng Hiếu vui vì tôi nhận lời đi cùng bố nó, nhà trai như thế là đủ hoành tráng. Nhưng nó chê ỏng chê eo nơi ở của chúng tôi:

– Cháu đã bảo ba cháu dọn lên Berlin, ông ấy không chịu, kêu ở thành phố lớn ồn. Ra đến nước ngoài mà còn chui rúc xó xỉnh. Ở cái chốn nhà quê thế này, bác tính, vui thú nỗi gì cơ chứ? – nó nói với tôi trên con đường làng hẹp – Sorry bác, mấy ông khốt giống nhau như đúc, sợ thay đổi như sợ cọp…

Cô Lương im lặng. Tôi ậm ừ. Tôi cảm thấy mếch lòng. Cứ như thể bố nó không chịu đi là do tôi, ông ấy thích ở đây là vì ở đây có tôi.

– Được cái ông bố vợ cháu khá. – thằng Hiếu hồn nhiên tiếp tục – Khác hẳn bố cháu. Còn nhanh nhẹn lắm, cứ như thanh niên í. Hồi mới sang, ông í đứng đường bán thuốc lá lậu, rồi cầm đầu hẳn một băng, kiếm khẳm. Tậu được nhà. Nhà hẳn hoi, chứ không phải căn hộ. Thay xe như thay áo. Mẹ vợ cháu cũng đảm, làm chủ một resto trên năm chục bàn. Ba cháu mà như người ta thì đâu đến nỗi như bây giờ. Mèng ra cũng có một cái imbiss. Tội nghiệp, không biết liệu ông bố vợ cháu có tai qua nạn khỏi không?

Không giống nhiều thanh niên khác, Hiếu vẫn nói thạo tiếng mẹ đẻ, chỉ thỉnh thoảng nó mới chêm vào vài tiếng Đức quen miệng, vài tiếng Anh thời thượng. Trên xe, nó nói với tôi nhiều hơn nói với bố.

– Này, anh Hiếu, thế ông ấy đã làm… hừm, gọi là cái gì nhỉ, à, cái di chúc chưa đấy? – giữa câu chuyện, cô Lương đang lim dim ở ghế sau, nhổm lên nói.
– Ông ấy khoẻ như vâm, – thằng Hiếu nhún vai – nghĩ gì đến di chúc.
– Vạn nhất ông ấy không qua khỏi mà không có di chúc để lại thì, hì hì…, vợ chồng anh dễ bị thiệt lắm.
Trong câu nói của cô Lương có âm sắc mai mỉa. Nhưng con trai cô không nhận thấy.
– Ông ấy có gì để lại? Khôn như rận, ba ơi, cái gì cũng tên vợ hết. Ông ấy sợ. Bọn Đức khiếp lắm, trốn thuế cả chục năm rồi chúng nó vẫn moi ra đấy.

Chúng tôi đến Berlin vào buổi tối.

Bà thông gia phốp pháp, son phấn tưng bừng ngay cả khi đang điều khiển nhà hàng. Nhác trông cũng thấy sự không môn đăng hộ đối giữa nhà trai với nhà gái.

– Chúng em không oẻ hoẹ tương tàu đâu, thưa hai bác – bà nói, giọng ngọt lịm – Nhưng mà, thưa hai bác, gì thì gì mình vẫn cứ phải giữ lề thói cha ông. Con nhà gia giáo chữ lễ phải coi trọng, là nhất, có đúng thế không ạ? Em dễ tính, cứ phiên phiến, thế nào cũng xong, chứ ông nhà em cổ lắm, nhất nhất cứ phải theo phép xưa mới chịu. Phật tử đấy ạ. Chăm đi chùa lắm. Mà chùa thì xa, có phải gần đâu. Tối nào cũng ngồi thiền, tụng kinh niệm Phật đấy ạ.

– Ông bà nghĩ thế là chí phải. – cô Lương chắp tay lễ phép – Chúng tôi nhất nhất xin theo. Ngặt vì mình ở xứ người, có nhiều cái không thể được như ở nhà, chúng tôi có điều gì thất thố xin ông bà bỏ qua cho.

Cô Lương nói trơn tru trước sự ngạc nhiên của tôi. Thường ngày cô có cái giọng ấy, có õng ẹo cũng là chất phác, mộc mạc.

– Con Thuỷ đâu rồi? – bà cao giọng gọi vào trong bếp – Ra đây.
Một cô gái trẻ, vận quần áo đúng mốt, có hở một chút rốn, nhanh nhẹn chạy ra. Mắt thằng Hiếu sáng lên. Hai đứa nhìn nhau lúng liếng. Con bé này rồi cũng đảm chẳng kém mẹ, tôi nhận xét.

– Con chào hai bác đi. Bây giờ thế đấy, hai đứa chúng nó quen nhau từ lúc nào em đâu biết, chúng nó đâu có báo cáo báo cầy gì với bố mẹ. Thôi thì không bằng lòng cũng phải bằng lòng, bác không kén dâu, chúng em cũng chẳng kén rể, mà có kén cũng chẳng được, thời bây giờ chúng nó kén nhau chẳng khiến ta, em nói thế có phải không ạ? Là cái duyên cái số cả. Nhà trai đến, có nhời với chúng em là chúng em vui rồi. – bà rơm rớm nước mắt – Vui đến, buồn cũng đến. Năm nay nhà em gặp hạn. Ông nhà em lái xe cẩn thận lắm, mà vẫn bị. Tổ cha cái thằng Đức lợn ấy, nó phóng bạt mạng, mới ra nông nỗi. Thổi bong bóng thằng ấy thấy có hơi rượu, nhưng cảnh sát bảo còn dưới mức cho phép. Chúng nó bênh nhau mà, bọn Đức thế cả, ai chả biết. May, nhà em đã mua bảo hiểm toàn phần…

Cô Lương đến lúc ấy mới dám lí nhí hỏi câu cô muốn hỏi.
– Thưa, bệnh tình ông nhà… thế nào rồi?

Bà thông gia vui vẻ:

– May, tưởng nặng, hoá không phải. Không phải mổ xẻ gì hết, chỉ mấy mũi khâu, băng bó xong nằm tĩnh dưỡng ít hôm là về. Nhà em hiếu khách lắm, ông ấy mà gặp hai bác thì chuyện dứt không ra đâu. Mấy hôm nữa, khoẻ lại rồi, nhà em sẽ đưa hai bác đi thăm các danh lam thắng cảnh ở đây. Còn bây giờ em xin mời hai bác dùng bữa rồi về nghỉ ở nhà em. Được cái nhà không đến nỗi chật, em đã chuẩn bị, hai bác mỗi người mỗi phòng ạ.

– Cảm ơn bà, bà chu đáo quá. Bác cháu đây (cô Lương chỉ tôi) trước cũng ở Berlin, bác cháu đã gọi điện đặt phòng ở một khách sạn quen rồi – cô nói dối ráo hoảnh, làm tôi một lần nữa ngạc nhiên – Chúng tôi nhận phòng xong là ăn tối luôn ở đấy cho tiện rồi mới lại yết kiến bác…

Chợ Đồng Xuân, Berlin. Nguồn: OntheNet
Chợ Đồng Xuân, Berlin. Nguồn: OntheNet

* * *

Khi chúng tôi đến phòng bệnh thì thấy một bác sĩ Đức đang ở trong đó, đang đọc bệnh án.
Nhác thấy người bệnh qua cánh cửa khép hờ, cô Lương lùi phắt lại như bị điện giật, nắm chặt lấy tay tôi.

– Ông sao vậy? – tôi ghé sát vào tai cô Lương, thì thào.
Cô Lương xua xua tay:
– Không, không sao.
Mắt vẫn không rời khe cửa, mặt cô Lương đờ ra, xám ngoét. Cô lôi tôi khỏi chỗ.
– Thằng Hiếu đâu rồi?
– Tôi không biết. Nó vừa đây mà.
Thì ra thằng Hiếu dừng lại ở ngoài cổng hút thuốc. Cô Lương lật đật chạy đến, túm lấy nó, tôi hối hả theo sau.
Đứng trước mặt con, cô dằn giọng:
– Hiếu, bố vợ mày tên là gì?
Nó trố mắt:
– Sao, có chuyện gì mà ba hỏi thế? Sao mặt ba tái đi thế?
– Tao hỏi: bố vợ mày tên gì?
Thằng Hiếu ngớ ra.
– Ông ấy tên là Khởi, ông Khởi. Có chuyện gì thế, ba?
– Đúng, đúng là nó.
Cô Lương lẩm bẩm rồi cúi gập xuống như một thân cây bị đốn. Tôi vội đỡ cô. Thằng Hiếu lại càng hốt hoảng:
– Ba, ba sao vậy? Bác có biết ba cháu bị sao không?
Tôi lắc đầu. Cô Lương phẩy phẩy tay:
– Đi về. Đi về.
– Sao đến đây rồi lại đi về, ba?
– Đi về là đi về.

Tôi đoán là có chuyện nghiêm trọng, liên quan tới người bệnh đang nằm trong kia. Tôi kéo cô vào quán nước gần nhất. Dọc đường cô như người mất hồn, mặc tôi muốn đưa cô đi đâu thì đi.
Đặt cô ngồi xuống ghế, tôi gọi mấy ly bia. Cô run run cầm cái ly lên, lẳng lặng uống cạn. Đợi cô uống xong, rồi ghé sát vào tai cô thì thào:

– Ông biết ông ta?

Cô Lương nhìn chằm chằm vào khoảng không, môi mím chặt:

– Chính là nó. Chính là nó đấy, ông ạ.

Khi có người thứ ba, chúng tôi không xưng hô với nhau như thường ngày nữa, mà “ông, tôi”. Cái đó đã trở thành quy ước, nó gắn chặt thêm tình thân giữa chúng tôi, như giữa hai kẻ đồng mưu.

– Mà nó là ai kia chứ? – tôi gặng.

Cô hít vào một hơi rồi thở ra hộc ra, như muốn trút hết không khí khỏi lồng ngực:

– Là thằng làm đời tôi tan nát ấy. Nó. Chính là nó. Có đến chết tôi cũng không quên mặt nó, cái thẳng khốn nạn ấy. Chính là cái thằng giả dạng đem bán cho tôi mấy cái đĩa cổ, rồi làm hiệu cho đồng bọn ùa vào khám nhà để tống tôi vào tù đấy.

Một giọt nước mắt xúc động lăn trên gò má, cô lấy mu bàn tay quệt đi. Rồi ngẩng lên, nhìn vào mặt con:

– Thằng Hiếu nghe đây!

Thằng Hiếu ngẩn ngơ trước thái độ không bình thường của bố. Bình thường bố gọi nó bằng anh, một điều anh Hiếu, hai điều anh Hiếu, với giọng trịnh trọng của ông bố đã có tuổi nói với đứa con đã thành nhân, không bao giờ bố gọi nó bằng thằng. Trước mặt nó giờ đây không phải là ông bố hiền lành, ông bố đụt, mà nó đã quen thấy, mà nó hằng coi thường. Trước mặt nó là một người đàn ông dữ dằn đang nổi cơn điên.

Nó bất giác khoanh hai tay lại, cử chỉ từ lâu nó không làm.

– Dạ.

– Nghe tao nói đây: mày sẽ không lấy cái con nhà ấy, hiểu không? – cô nhìn thẳng vào mắt nó, dằn từng tiếng, như bắt nó phải khắc trong trí – Con ấy có là tiên cũng không lấy nữa, không được. Thằng Khởi là kẻ thù của gia đình ta. Chính nó đã làm cho gia đình ta điêu đứng. Hôm nay có súng trong tay thì tao đã bắn chết nó…

Thằng Hiếu im lặng ngồi phịch xuống ghế. Hai tay ôm đầu, nó ảo não nhìn bố.

Vẫn giọng chắc nịch, cô Lương không nói, mà tuyên bố:

– Thà chết, chứ tao không thông gia với cái giống ấy.

Tôi ôm lấy vai cô:

– Việc gì thì cũng phải bình tĩnh, từ từ suy nghĩ, trước hết là phải bình tĩnh, không nên nóng nảy. Bây giờ ta về khách sạn. Rồi tính tiếp.

* * *

Ngày hôm đó kẻ vất vả nhất, khốn khổ nhất, là thằng Hiếu. Nó lái xe chạy cuồng giữa ba đỉnh của một hình tam giác – khách sạn, nhà thương, nhà hàng. Nghe lời tôi, nó nói dối bố mẹ vợ rằng lễ vấn danh theo kế hoạch như thế là phải hoãn – bố nó bất thình lình trúng gió, nằm liệt, không đi lại, không làm gì nổi. Ông bố không nói gì, nhưng bà mẹ và cô con gái cuống lên, nằng nặc đòi đến thăm. Nó phải ra sức cản, viện lẽ chừng nào bố nó chưa được định bệnh thì không thể và không nên đến, biết đâu đấy, chưa chừng bố nó nhiễm chứng cúm châu Á ngay trước khi lên đường đi Berlin cũng nên, bệnh ấy vừa xuất hiện, người bệnh cần được cách ly. Lời nói dối có hiệu quả – ở Đức người ta sợ cúm châu Á còn hơn sợ dịch tả.

Tôi không nói với cô Lương đó là kế hoãn binh của tôi. Tôi nói ra, cô sẽ nổi khùng. Cả ngày, cô chẳng nói chẳng rằng, chỉ nằm ngửa nhìn lên trần.

Đêm đến, thấy cô có vẻ đã nguôi ngoai, tôi mới lựa lời khuyên nhủ:

– Cô nóng quá. Sự đời rắc rối, nó đã xoay ra thế rồi, sức mình không cải được, thì đành chấp nhận, chứ biết làm sao?

Cô Lương trợn mắt:

– Cậu nói thế là ý thế nào? Là em phải quên đi, phải chịu làm thông gia với thằng khốn kiếp ấy? Cậu muốn em muối mặt đến gặp nó để xin con Thuỷ cho thằng Hiếu? – cô Lương tung chăn ngồi dậy, ôm đầu rền rĩ – Không, cậu ơi, không, em không thể nhìn mặt nó. Em không thể làm thông gia với nó. Không là không.

– Thì tôi có bảo cô phải đến gặp nó đâu. Tôi chỉ muốn nói là hai trẻ đã trót yêu nhau rồi, thì mình phải nghĩ cách sao cho vẹn cả mọi đường…
– Cách gì?
– Thì phải nghĩ đã chứ. Sao cho chúng nó không đau khổ.
– Chúng nó đau khổ thì mặc chúng nó.

Cô Lương quay đi, chấm dứt câu chuyện.

Tôi vắt óc chẳng nghĩ ra cách nào hay ho. Khuyên được nạn nhân hoà giải với kẻ thù là chuyện vá trời.

Gần sáng, tỉnh dậy, thấy cô Lương vẫn thức, tôi pha trà, rồi bảo:
– Thế này: tôi đưa cô ra ga đi tàu về trước, tôi ở lại. Mình sẽ nói rằng cô đã được chuyển về bệnh viện địa phương tiếp tục điều trị.

Cô lắc đầu:
– Việc gì phải nói dối? Như thế cầm bằng em sợ nó, em không dám giáp mặt nó. Em không sợ nó. Em căm thù nó.

Tôi thở dài:
– Từ từ đã nào. Có phải cô nhờ tôi đi để làm việc hỏi vợ cho thằng Hiếu không nào? Trông thằng Hiếu mà thương. Nó sợ cô đến nỗi không dám vào đây, mỗi lần tôi mở cửa lại thấy nó lấp ló ở đấy.

Cô Lương ngước mắt lên, hỏi:
– Cậu nghĩ sao? Nó sợ hay nó ghét mặt bố nó?

Tôi quả quyết:
– Nó sợ đấy. Lúc cô thiếp đi, tôi ra ngoài thì gặp nó. Tôi đã kể cho nó nghe hết sự tình, tức là tất cả mọi chuyện mà tôi biết. Nó khóc. Nó thương bố lắm.

Mặt cô Lương dãn ra ra khi nghe tôi nói thế.
– Nhưng mà em dù sao thì cũng không thể thông gia với cái giống chó má ấy được, cậu ơi. – cô lại ôm đầu – Không đời nào.

– Thì tôi đứng ra mà. Không phải cô. Tôi cũng không để cô muối mặt gặp thằng ấy. Coi như tôi là bố nuôi thằng Hiếu, cô không đến được thì tôi thay mặt nhà trai đến chạm ngõ. Còn sau này ra sao hạ hồi phân giải.
Nghe đến đấy cô Lương quay mặt vào tường, im lặng.

* * *

Nằm trên giường bệnh là một người khoẻ mạnh. Nụ cười hồ hởi nở trên gương mặt phương phi, ông ta đưa tay cho tôi bắt. Nước da ngăm ngăm đen làm tôi hình dung ra ông trong bộ cảnh phục và câu nói cửa miệng của dân Hà Nội chỉ đám công an: “chân chì, da thiết bì, mũ bình thiên”.

Thằng Hiếu cho biết: khi tai nạn xảy ra, ông bố vợ nó có bị thương, có chảy nhiều máu thật, nhưng hoàn toàn tỉnh táo. Mới lấy máu bôi lem nhem khắp mặt mũi, rồi giả bộ ngất. Tưởng thế là đủ để cảnh sát làm một biên bản thuận lợi cho sự bắt đền, nào ngờ thấy máu me bê bết, họ vội gọi xe cấp cứu chở phắt đi bệnh viện. Mà ở bệnh viện thì tình trạng thương tật của ông thế nào người ta biết ngay. Sở dĩ ông còn được nằm nán lại mấy ngày là vì ông vờ bị choáng, thỉnh thoảng lại ngất đi, tính kiếm thêm ít điểm cho sự bồi thường về sau.

Nó dẫn tôi đến, rồi đứng ngoài, để hai người lớn nói chuyện.

– Tôi trông ông quen quen. – ông ta vui vẻ nói.
– Tôi cũng vậy. Tôi cũng có cảm giác chúng ta đã gặp nhau, nhưng ở đâu thì không nhớ ra. – tôi nói cho có chuyện.
– Già rồi là hay quên lắm, tôi cũng không nhớ ra.

Tôi cố lấy giọng trịnh trọng:

– Chắc cháu Hiếu đã thưa với ông: tôi là cha nuôi của cháu. Bố cháu ngã bệnh thời khí, nhất thời không đến được, nên tôi mạn phép được thay mặt nhà trai, trước hết để vấn an ông, sau là có lời xin ông bà cho cháu Thuỷ làm dâu…

Ông bố vợ thằng Hiếu cười hì hì:

– Biết rồi, biết rồi. Lại bà nhà tôi đây, bà ấy chúa hay vẽ chuyện. Cũng là phú quý sinh lễ nghĩa thôi. – rồi hạ giọng, thân mật – Chứ hồi tôi với bà ấy lấy nhau ấy mà, lễ nghĩa quái gì đâu, chẳng chạm mặt, cũng chẳng ăn hỏi. A lê hấp, cưới. Mà cưới tập thể cơ đấy, ông ạ. Nhoáng nhoàng, nhoáng nhoàng, buồn cười lắm: chủ toạ buổi lễ chưa nói dứt câu thì cả đám cô dâu chú rể đã xông vào xơi kẹo bánh ào ào như tằm ăn rỗi, rồi ào ào kéo nhau đi tuốt…

Giọng nói của ông ta gợi nhớ đến một cái gì quen quen. Cả gương mặt nữa. Tôi đã thấy nó ở đâu nhỉ?

– Tôi là người hiện đại. – ông ta tiếp tục vui vẻ – Lễ nghĩa là cái gì? Che mắt thế gian thôi. Cưới là cái gì? Là để lên giường có giấy phép, hì hì, có sự thừa nhận chính thức của nhà nước, để không bị ghép vào tội hủ hoá, có đúng thế không nào? Ông trạc tuổi tôi, ông còn nhớ người ta trị cái tội ấy nghiêm khắc thế nào. Kinh lắm. Lũ trẻ bây giờ chúng nó măng phú hết, chúng nó đếch cần lễ nghĩa gì ráo…

– Quả có thế.
– Ở bên Tây này khỏi nói, dưng mà ở trong nước cũng thế, mới lạ. Gọi là sống thử, chưa cưới cũng ở chung, vui ra phết…
– Dù sao thì…
– Ông muốn nói: cứ phải theo thủ tục của ông bà để lại mới tốt chứ gì? Ờ, thì cũng tốt, cũng tốt thôi. Thừa còn hơn thiếu, ít nhất thì để cho bà nhà tôi sướng, làm như thế, tức là đủ thủ tục thì bà ấy sướng lắm đấy…
– Dạ.
– Ông thấy cần làm gì cứ làm, tôi không phản đối. Mà này…
– Ông bảo sao?

Ông ta suồng sã nháy mắt với tôi:

– Có cái hủ tục ấy anh em mình mới có dịp gặp lại nhau chứ.

Thế là thế nào? Trong một thoáng tôi sực nhớ ra: phải rồi, trước mặt tôi, người đang nằm trên giường kia chính là tên công an đã hành tôi nhiều đêm trong cuộc hỏi cung kéo dài bất tận.

Chuyện là thế này. Tôi có bà cô ruột ở Sài Gòn. Qua họ hàng vào thăm bà biết tôi từng bị bắt đi cải tạo, bà thương tôi, khi sửa soạn vượt biên bà muốn đưa tôi cùng. Trước đó tôi còn không biết mặt bà. Cô cháu tôi không gặp may. Tên chủ tàu phản thùng.

Nó thu vàng rồi báo công an. Cả tàu bị bắt. Tên Khởi này không phải là người hỏi cung chính, hắn là phụ tá.

– Tôi nhớ ra rồi. Ông là… Điều tôi không ngờ là chúng ta lại tình cờ gặp nhau ở đây. – tôi cười chua chát – Ông nhận ra tôi?
– Chứ sao! – hắn cười to – Trí nhớ công an mà. Chúng tôi không quên cái gì. Chúng tôi được huấn luyện để không quên.
– Tài thật. Bằng ấy năm rồi mà ông vẫn nhận ra ngay.
– Còn hơn thế nữa kia. Tôi biết tại sao lại là ông, chứ không phải bố thằng Hiếu, đến.
– ???
Hắn nói chậm, rõ từng tiếng:
– Ông đến là vì cô đồng Lương không muốn giáp mặt tôi.

Tôi ngạc nhiên. Phải nói là sửng sốt mới đúng. Chúng tôi chỉ thập thò ở cửa phòng bệnh của hắn chưa đến một phút.
– Quỷ quái, ông đã nhìn thấy? Ông nhận ra ông ấy?

Vẻ đắc thắng, hắn hơi nhổm người lên, cười vào mặt tôi:
– Sao không? Chỉ thoáng thấy ông ấy ở ngoài cửa là tôi nhận ra liền. Tôi biết: ông ấy còn căm tôi lắm. Ông khác, ông quên rồi.

Tôi lắc đầu, cố giữ vẻ bình thản:
– Không, tôi không quên.
– Ông quên. Bằng chứng là ông không nhận ra tôi khi bước vào đây. Ngay cả khi ngồi trước mặt tôi, ông cũng không nhận ra. Ông chỉ nhận ra khi tôi nhắc.
– Tôi vốn không có tài nhớ mặt người. – tôi lạnh lùng – Nhưng sự việc thì nhớ. Có nhiều sự việc con người không thể quên.
– Thế là tốt. Nhớ nhiều quá chẳng hay gì.

Khởi cười khẩy, cái cười khẩy rất đểu, làm tôi nhớ thêm một chi tiết trong cuộc hỏi cung. Đêm ấy hắn cũng cười như thế khi hỏi tôi: “Bà cô cậu bảo nếu tớ thả hai cô cháu cậu ra, bà ấy xin chết bốn cây. Liệu hai cô cháu cậu có định cho tớ leo cây không đấy?”

Tôi nhìn vào mặt hắn:
– Tôi có điều không hiểu: tại sao ông lại ở đây?
– Dớ dẩn. Ông đặt một câu hỏi không nên hỏi tí nào. Đơn giản là trả lời: cũng như các ông thôi.
– Chúng tôi khác, ông khác. Ông ở trong đám người có quyền đè đầu cưỡi cổ kẻ khác. Ông đi làm gì?

Khởi vẫn không mất vẻ tươi cười:
– Tội nghiệp, ông âm lịch quá. Con người ta sinh ra đã biết lựa chọn rồi, đã biết so sánh rồi, so sánh để lựa chọn cho đúng. Cái tốt hơn đặt bên cái tốt kém, thì cái tốt kém là cái xấu. Tôi chọn cái tốt. Nếu không thể chọn cái tốt nhất. Ở trong nước cũng thế, ở đây cũng thế.

Tôi khen hắn, thật lòng:
– Ông thật tinh quái.
– Chúng tôi được dạy dỗ để trở thành tinh quái mà. – hắn cười, vừa độ lượng vừa thoả mãn – Ông cứ xem các nhà lãnh đạo quốc gia của chúng ta bây giờ xem – có ông nào không giàu đâu. Tôi không làm được như họ, bởi vì tôi không có cái thế của họ. Thì tôi phải đi tìm chỗ khác. Có thế thôi. Người như tôi nhiều. Người như ông với cô Lương hiếm. Ông không nên tự hào về sự hiếm ấy. Đó là sự lạc hậu.

Tôi mím môi, thở dài qua mũi.

Hắn nắm tay tôi:

– Quên, tôi chưa hỏi ông: cô Lương, à ông Lương, sang đây không làm ăn gì à? Không mở cái quán nào?
– Không. Ông ấy đi làm nhà máy. Rồi về hưu.

Hắn cũng thở dài:
– Dại. Dại quá. Có tài nấu nướng như ông ấy, mở một cái imbiss cũng khẳm tiền. Có tiền là có điều kiện cho con ăn học đến nơi đến chốn.
– Hai cháu cũng được học hành tử tế đấy chứ, cũng nên người đấy chứ. Tôi không thấy có gì đáng phàn nàn.
Hắn đặt bàn tay béo tốt, gần như mũm mĩm, lên tay tôi, một lần nữa:
– Thế này nhé! Chuyện thằng Hiếu với con Thuỷ coi như xong. Ông Lương không đến cũng được. Kể cả ông nữa. Cứ coi ông là người đại diện nhà giai đi. Không sao. Không phải chúng ta là người quyết định. Làm gì còn có sự gả bán nữa. Thời này không phải thời chúng ta.
– Dù sao thì chúng tôi cũng phải có lời xin cháu làm dâu đàng chúng tôi. Mình cứ giữ cho đủ lễ.
Hắn nhếch mép cười buồn. Rồi bảo:
– Con người ta tham lắm, ông ạ. Nói thật với ông, không muốn có một thằng rể chỉ tốt nghiệp trung cấp. Tôi muốn một thằng rể bét ra cũng phải kỹ sư, tiến sĩ. Hoặc một ông chủ công ty lớn. Hai đứa chúng nó đặt tôi vào thế kẹt. Biết làm thế nào? Thôi thì đành chịu vậy.

Khi tôi kiếu từ, hắn còn nói theo:
– Ông yên trí, tôi sẽ nhào nặn lại thằng Hiếu. Nó chịu khó, chăm làm, cũng có chút chí tiến thủ, không như bố nó. Cái nó thiếu mà tôi không cho nó được là không nó không có cao vọng.

* * *

Câu chuyện tầm phào này đến đấy là kết thúc. Như mọi câu chuyện tầm phào khác, nếu nhìn bằng cái nhìn chăm chú thể nào ta cũng tìm thấy trong đó một cái gì đáng để ta suy ngẫm, cho dù sau đó chẳng đến được một kết luận rõ ràng.

Tôi không tường thuật cho cô Lương nghe cuộc đối thoại giữa tôi với thằng Khởi. Nó không chỉ là kẻ thù của riêng cô Lương. Nó còn là kẻ thù của tôi nữa. Điều này tôi giấu, không nói ra. Nếu tôi nói, có thể cô Lương sẽ cảm thấy lòng căm thù của cô được san sẻ. Nhưng, khốn nạn thay, không phải vì được san sẻ mà hận thù nơi cô nhẹ đi. Có khi nó còn nặng thêm, vì cô thấy nó có lý hơn.

Chỉ có thời gian mới có khả năng xoá đi hận thù. Mà thời gian đủ để xoá là bao lâu thì không ai biết, không ai có thể chỉ ra.
Ba năm liền, hai ông thông gia không giáp mặt nhau, không gửi cho nhau một lời hỏi thăm.

Quảng trường Brandenburg. Nguồn: pha.jhu.edu
Quảng trường Brandenburg. Nguồn: pha.jhu.edu

Năm thứ tư, tôi bắt gặp hai kẻ thù một thời đi cùng nhau ở quảng trường Brandenburg. Giữa hai người là đứa cháu mới chập chững biết đi.

Nó tin cậy giao hai bàn tay bé tí cho hai ông nó dắt.


Nguồn: Ông thông gia. Vũ Thư Hiên. Facebook, 07/02/2014.