Trung Quốc & phức cảm tư duy của Bắc Kinh

Đặng Ngữ

chineseTương lai cho thấy mọi điều không như tính toán theo kiểu truyền thống Trung Quốc. Với tất cả những mâu thuẫn nội tại, nhìn về phía trước, việc Trung Quốc tan rã là kết cục tất yếu, chỉ là nhanh hay chậm mà thôi.

Có một số yếu tố mà nếu không phân tích thì sẽ không hiểu được hành vi của Bắc Kinh đối với Hồng Kông, Duy Ngô Nhĩ (uyghur ), Tây Tạng…Đó là sự đan xen phức tạp giữa di sản của chủ nghĩa cộng sản kiểu Mao, truyền thống phong kiến trung ương tập quyền cao độ, chủ nghĩa dân tộc Hán, chủ nghĩa sô-vanh, chủ nghĩa đế quốc kiểu Trung Quốc, cùng các yếu tố dân chủ đang gia tăng…

Cuộc biểu tình đoi dân chủ ở Hong Khong (Tháng 10, 2014). Nguồn: OntheNet
Cuộc biểu tình đoi dân chủ ở Hong Khong (Tháng 10, 2014). Nguồn: OntheNet

Việc phân tích phức cảm này sẽ giải thích tại sao Bắc Kinh dường như thiếu một triết lý chính trị hiện đại cho các vấn đề mà họ phải đối mặt, không có một kịch bản khả dĩ cho các vấn đề đang xảy ra, họ không biết cách xoay sở ra sao với phong trào đòi độc lập của người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng và cả phong trào đòi dân chủ của người Hồng Kông (có thể cả Thượng Hải, Thâm Quyến và các tỉnh duyên hải sau này). Chiến lược của Bắc Kinh là chiến lược theo kiểu tình huống “dò đá qua sông” được nguỵ trang dưới vỏ bọc mỹ từ “thực tế chính trị” mềm dẻo dẫn đến việc nó thiếu hẳn cái nhìn về cấu trúc mới của thế giới tiến từ lưỡng cực (chiến tranh lạnh), đến thế giới đơn cực (sau khi Liên Xô tan rã) và đang chuyển thành thế giới vô cực (thế giới với nhiều cường quốc khu vực).

Giới lãnh đạo Bắc Kinh, cho dù đã tiến hành cải cách và hiện đại hóa nền kinh tế theo hướng phương Tây hóa gần 40 năm qua, ở mức độ không nhỏ, vẫn tiếp tục đặt nền tảng tư duy chính trị trên cơ sở chủ nghĩa cộng sản kiểu Mao, được hình thành trong những năm giữa 2 cuộc thế chiến thứ I và thứ II, hay thậm chí trước đó. Về truyền thống, Bắc Kinh, bản chất vẫn tiếp tục cai trị dựa trên truyền thống phong kiến trung ương tập quyền cao độ. Nó dường như không chấp nhận bất cứ sự chia sẻ quyền lực nào, thay vì một Tần Thủy Hoàng là một tập thể Tần Thủy Hoàng. Những thập kỷ cải cách kinh tế khiến nhiều người cảm giác Bắc Kinh ưu tiên các lợi ích kinh tế, ngoại giao hơn các vấn đề chính trị và lãnh thổ. Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ những phát biểu của giới lãnh đạo Bắc Kinh, dù vô tình hay cố ý, đều na ná quan điểm của PLA. Hệ quan điểm này đã khiến Trung Quốc, dù có là cường quốc số 2 thế giới (một mỹ từ mà phương Tây “bơm thổi” Trung Quốc và Trung Quốc cũng vồ vập nhận lấy), trên thực tế chẳng có lấy được một vị trí đáng tôn trọng trong con mắt của các quốc gia khác như đáng ra nó phải nhận được. Xét về bản chất, cuộc thanh trừng giữa phe Tập Cận Bình và phe Bạc Hy Lai chẳng phải là đấu tranh giữa phe cải cách và phe bảo thủ, mà chỉ đơn giản là giữa phe “tin lành” cộng sản kiểu Mao và phe “chính thống” cộng sản kiểu Mao. Ở đây, có thể nhận thấy, Bắc Kinh thiếu vắng những người có khả năng tư duy theo cách mới, từ chối những khuôn mẫu cũ. Tự thân, tư duy chính trị của Bắc Kinh dù được trang hoàng lộng lẫy bằng “mèo đen mèo trắng”, “thực tế chính trị mềm dẻo”, “quyền lực mềm”…thì cái lõi bên trong vẫn là chủ nghĩa cộng sản kiểu Mao được củng cố bởi truyền thống phong kiến hàng ngàn năm.

Cho dù Trung Quốc là cường quốc số 2 thế giới nhưng Bắc Kinh luôn sống trong cảm giác lo âu về các mối nguy hiểm bên ngoài, những lo âu về các mối nguy đến từ Nhật Bản, Châu Âu, Mỹ và Nga. Tâm lý chính trị này ăn sâu vào giới lãnh đạo Bắc Kinh và lan xuống xã hội như một kiểu nạn nhân bị hà hiếp trong lịch sử cận hiện đại, khiến toàn thể xã hội hình thành một thái độ thiếu tin cậy đối với phương Tây và các giá trị phương Tây, sự ngờ vực vào những thiện chí đến từ Nhật Bản, Châu Âu và Mỹ. Nó luôn bị ám ảnh bởi “thuyết âm mưu” rằng thế giới phương Tây và Nhật Bản luôn cố gắng “trù yếm” Trung Quốc. Vốn tự hào về nền văn minh của mình, Trung Quốc chưa bao giờ xác định được giá trị của mình trong thế giới hiện đại. Trong văn hóa chính trị và cả trong văn hóa đời sống, nó luôn kiêu ngạo tách mình ra khỏi dòng chảy chung của thế giới hiện đại. Cuộc tranh luận giữa “những người phương Tây” và “người Trung Quốc” vẫn tiếp tục diễn ra và Trung Quốc còn lâu mới nhận ra thực tế khác biệt với quá khứ huy hoàng của nó.

Bắc Kinh luôn tìm kiếm con đường riêng của mình dù trong thâm tâm nó nhận thức rằng chẳng hề có con đường khác nào tốt hơn. Cho nên, giới lãnh đạo Bắc Kinh cố gắng nặn ra những khái niệm không sao hiểu nổi kiểu “đặc sắc Trung Quốc”: mèo đen mèo trắng, nhất quốc lưỡng chế, kinh tế thị trường định hướng XHCN…Ban đầu mọi việc diễn ra rất tốt, rồi thì cố gắng để mọi việc được tốt, và bây giờ thì có cố gắng cũng chẳng thể tốt được nữa. Những cố gắng của Bắc Kinh đang dần lộ ra những khuyết điểm không sao sửa đổi được. Từ chối con đường hiện đại hóa cả chính trị và kinh tế, từ chối xây dựng hệ thống chính trị – xã hội, giới lãnh đạo Bắc Kinh bấu víu vào lịch sử và hệ tư tưởng lỗi thời sẽ khiến nó mâu thuẫn với các quá trình liên kết đang diễn ra mạnh mẽ giữa Mỹ – Phương Tây – Nhật Bản và cả Ấn Độ.

Trong suốt lịch sử của mình, Trung Quốc được hình thành trên cơ sở những cuộc chiến tranh xâm lược, thôn tính, sát nhập lãnh thổ và đồng hóa văn hóa. Dù có vẻ nghịch lý, nhưng nỗi ám ảnh về nguy cơ mất đi sự toàn vẹn lãnh thổ cho đến nay vẫn là một vấn đề quan trọng hàng đầu đối với Bắc Kinh.

Có lẽ, phương Tây và Mỹ cho đến ngày này vẫn không hiểu, không đánh giá hết yếu tố này trong chính sách của Trung Nam Hải. Chính nó xác định đường lối thù nghịch, lúc nào cũng sẵn sàng chiến tranh đối với các vấn đề lãnh thổ. Chính nỗi ám ảnh này đã khiến Trung Quốc biến những mâu thuẫn trong vấn đề sắc tộc – tôn giáo với người Duy Ngô Nhĩ thành vấn đề lãnh thổ, nó cũng khiến Trung Quốc biến những mâu thuẫn trong văn hóa với người Tây Tạng thành vấn đề lãnh thổ; và tương tự, Trung Quốc khiến những tranh chấp ảnh hưởng chính trị tại Đông Nam Á thành vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Bây giờ, Bắc Kinh tiếp tục biến vấn đề Hồng Kông – vấn đề kinh tế – thành vấn đề lãnh thổ.

Cuowfmg quốc thứ 2 trên thế giới? Nguồn: Kenn Brown and Chris Wren
Cường quốc thứ 2 trên thế giới? Nguồn: Kenn Brown and Chris Wren

Ngày nay, thái độ chính trị của Bắc Kinh được xây dựng trên niềm tin rằng, Trung Quốc thực sự là một siêu cường của thế giới hoặc đang trên đường trở thành siêu cường thế giới. Rõ ràng, nó không thực sự hiểu mình là ai và càng ngày càng ảo tưởng về sức mạnh của mình. Chính vì vậy, nó không thực sự thiết lập được các mối quan hệ thực sự nghiêm túc với những tay chơi lớn của chính trị thế giới. Trung Quốc hầu như không chuẩn bị cho mình một kịch bản khả dĩ cho những gì tất yếu sẽ diễn ra với chính bản thân nó. Tương lai cho thấy mọi điều không như tính toán theo kiểu truyền thống Trung Quốc. Với tất cả những mâu thuẫn nội tại, nhìn về phía trước, việc Trung Quốc tan rã là kết cục tất yếu, chỉ là nhanh hay chậm mà thôi.

Sài Gòn, 06/10/2014


Nguồn:
Trung Quốc & phức cảm tư duy của Bắc Kinh. Đặng Ngữ. Blog Freeborn Vienamese, 5/10/2014.