Ưu tiên chính trị hay canh bạc kinh tế

The Economist | Trà Mi

Không cần phải là một chuyên gia kinh tế, có lẽ, người ta cũng có thể thấy rằng Đặc khu Kinh tế là một thí nghiệm bất lợi cho người dân ở xứ độc tài không tôn trọng nguyên tắc dân chủ pháp trị mà tham nhũng đã và vẫn đang là quốc nạn.

Những khu thương mại tự do ngày càng được ưa chuộng hơn bao giờ hết – đối với chính khách, nhưng với chuyên gia kinh tế thì không

Đặc khu Kinh tế của Nga. Nguồn EY.

RWANDA đã có một kế hoạch chiến lược cho những khu kinh tế tự do. Myanmar đã ôm chầm khái niệm này khi nó nẩy sinh. Một số quốc gia từ lâu đã hâm mộ chúng như Trung Quốc và các Tiểu quốc ở những nước trong khối Ả Rập thống nhất còn hăng hái hơn nữa. Một Bộ trưởng Ấn Độ nói những kế hoạch của Ấn Độ trong khu vực này “mang tính cách mạng” và có thể tăng 2% cho GDP. Các đặc khu kinh tế (SEZs) là cơn mê cuồng của những chính phủ hy vọng sẽ tăng được lượng thương mại và vốn đầu tư vào nước của họ. Những đặc khu như vậy đang xuất hiện ngay cả ở những nước đã là nơi để doanh nhân trốn thuế: Cayman Islands có một đặc khu kinh tế mới. Thomas Farole của Ngân hàng Thế giới cho biết,

“Bất kỳ quốc gia nào không có [SEZ] từ mười năm trước hoặc hiện nay chưa có dường như đang lên kế hoạch để thiết lập một đặc khu kinh tế.”

Nếu đọc qua lịch sử kinh tế các bộ trưởng thương mại đang háo hức có thể sẽ phải tạm dừng lại để suy nghĩ. Những đặc khu kinh tế — nơi giới xuất cảng và giới đầu tư được ưu đãi về thuế, thuế nhập cảng và luật lệ — tạo ra những méo mó trong nền kinh tế quốc gia. Chính quyền sẽ “tha” không thu những khỏan mà giới đâu tư phải chi về đầu tư cần có cho cơ sở hạ tầng và doanh thu thuế. Họ hy vọng rằng những thất thu đó sẽ đem lại nhiều công ăn việc làm và thương mại sẽ bùng phát. Trong thực tế, nhiều đặc khu kinh tế đã thất bại. Người ta khó có thể có đủ dữ liệu về hiệu suất của những đặc khu này vì khó tách rời ảnh hưởng của các khu vực kinh tế đặc biệt ra khỏi các yếu tố kinh tế khác. Nhưng bằng chứng kể lại cho thấy chúng có thể thuộc vào một ba loại: một vài thành công vượt trội, một số lớn hơn có kết quả chỉ lợi hơn một chút trong những đánh giá về giá phải chi so với lợi ích, và tuyệt đại đa số là những đặc khu kinh té thất bại hoặc chưa bao giờ cất cánh, quản lý kém hoặc giới đầu tư sẵn sàng bỏ cuộc, không tạo ra công ăn việc làm hoặc thu nhập về mặt xuất cảng một cách đáng kể.

Các đặc khu kinh tế đã có lịch sử lâu dài: khu thương mại tự do đầu tiên là ở vùng Phoenicia cổ. Đặc khu kinh tế đầu tiên thời hiện đại được thiết lập tại sân bay Shannon ở Ireland vào năm 1959, nhưng khái niệm này bắt đầu phổ biến vào những năm 1980 sau khi Trung Quốc ôm chầm lấy chúng. Hiện nay có hơn 4.000 Đặc khu Kinh tế. Một nghiên cứu thực hiện năm 2008 ước tính có 68 triệu người đã làm việc trong nững đặc khu đó. Chúng hiện hữu dưới nhiều hình thức, từ “khu chế xuất” đến “thành phố có điều lệ riêng”, là những khu đô thị tự có quyền đặt ra các quy luật riêng cho nó ở tất cả mọi lĩnh vực ảnh hưởng đến kinh doanh.

Đặc khu Kinh tế Thâm Quyến. Nguồn: Shenzhen Noted

Thành công lớn nhất của Đặc khu Kinh tế là ở Trung Quốc khi chính quyền ở đây quyết định tạo ra một Đặc khu Kinh tế ở Thâm Quyến vào năm 1980 đã biến thành phố này thành một khu vự xuất cảng hùng mạnh. Từ đó đã có hàng chục Đặc khu Kinh tế xuất hiện khắp nơi ở Trung Quốc. Vào tháng 3, ông Tập Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc, đã thúc đẩy thành lập những Đặc khu kinh tế nhanh hơn nữa. Những thành công của Đặc khu Kinh tế khác còn có United Arab Emirates, Nam Hàn và Malaysia. Shang-Jin Wei của Ngân hàng Phát triển Châu Á cho biết Philippines đã được khen ngợi vi những khu vực “PEZA” của họ, có quy trình cấp giấy phép nhanh chóng và hợp lý cho giới đầu tư nước ngoài.

Hầu hết chuyên viên kinh tế đều đồng ý rằng các Đặc khu Kinh tế là chất xúc tác cho phản ứng tự do hóa ở Trung Quốc; chúng được dùng để thí nghiệm những đổi mới được xem là quá khó để thực hiện trên toàn quốc. Tại đảo quốc Cộng hòa Dominica, Đặc khu Kinh tế đã giúp tạo ra một khu vực sản xuất khá lớn trong nền kinh tế trước đây phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp.

Tác động tổng thể của những Đặc khu kinh tế về thương mại vẫn không được hiểu rõ. Một bài báo do các chuyên viên kinh tế Đại học Paris-Dauphine công bố năm 2014 cho thấy rằng, đối với một mức bảo vệ thuế xuât nhập cảng nhất định, những đặc khu kinh tế tăng xuất cảng cho các quốc gia địa phương và cho các quốc gia khác trong chuỗi cung cấp sản phẩm hoặc phụ kiện trung gian. Điều này giúp giải thích tại sao Tổ chức Thương mại Thế giới thường “làm ngơ” cho những đặc khu kinh tế, mặc dù nhiều khu đã vi phạm luật trợ cấp của WTO. Tuy nhiên, bài báo cũng kết luận rằng những đặc khu kinh tế đôi khi là phương tiện để một số quốc gia dùng làm lý do để giữ lại những rào cản bảo hộ xung quanh phần còn lại của nền kinh tế quốc gia của họ.

Nhưng đặc khu kinh tế đã sinh ra nhiều vấn đề chán ngấy. Đôi khi là quá mức quan liêu, và công chức không đủ tài trợ — có khi cả hai vấn đề xẩy ra cùng một lúc. Quá ít ngân quỹ để xây đường sắt, đường bộ và cảng để kết nối nhưng đặc khu kinh tế với thế giới. Nhiều Đặc khu Kinh tế ở châu Phi đã phải khốn đốn vì những lý do như vậy. Một đặc khu ở Senegal sụp đổ vì sự kết hợp của bộ máy quan liêu quá mức, tiền điện cao và cách qúa xa một hải cảng tốt.

Giới đầu tư đã rút bỏ 61 trong số 139 Đặc khu Kinh tế đã được phê duyệt ở tiểu bang Maharashtra của Ấn Độ vì sự hoạch định chính sách phức tạp, một quy trình kiểm tra không rõ ràng và những lo ngại về triển vọng kinh tế. Một khảo sát cho thấy những công ty trong đặc khu kinh tế đôi khi phải đối phó với 15 cơ quan khác nhau để kinh doanh tại một khu vực ở Ấn Độ. Các cuộc biểu tình bạo lực của người dân địa phương về việc chính phủ thu hồi đất làm đặc khu kinh tế cũng đã là một yếu tố khác ngăn cản giới đầu tư.

Hơn nữa, một số chính phủ đôi khi muốn mở Đặc khu Kinh tế vì những lý do không chính đáng: để được khen ngợi là đang đổi mới [và để được phiếu bầu; điều này không cần thiết ở những nước theo chế độ “Đảng cử dân bầu”– TM] mà không phải mạo hiểm tự do hóa hoàn toàn. Tự do hóa một phần cũng có thể là một cách để bảo tồn một số lợi nhuận kiếm được ở nơi khác bằng cách che chắn cho doanh nghiệp không bị cạnh tranh.

Một số viên chức chính phủ xem Đặc khu Kinh tế là phương tiện để tham nhũng. Năm 2005, có khoảng 60% doanh nghiệp ở các đặc khu kinh tế Ấn Độ báo cáo họ đã đóng những khỏan “thuế chết” cho chính quyền địa phương. Tháng trước, thủ tướng Ukraine cho biết ông chống lại chính sách lập Đặc khu Kinh tế vì nạn tham nhũng. Những Đặc khu Kinh tế ở Nigeria đã bị sở thuế phản đối, vì họ không muốn mất đi quyền lực đã có. Một mối quan tâm khác là việc sử dụng các đặc khu kinh tế để rửa tiền, bằng cách làm tăng giá trị xuất cảng.

Khái niệm Đặc khu Kinh tế cũng có giới hạn tự nhiên. Thành công trong lãnh vực sản xuất có thể không thành công trong các lĩnh vực khác. Khu Thương mại Tự do Thượng Hải, ra mắt vào năm 2013 và tập trung vào tài chính, đã gây nhiều thất vọng. Giới kinh tế e ngại rằng không thể táy máy điều chỉnh trong khu vực này, ví dụ, vì những sự kiểm soát vốn của Trung Quốc mà không có các hiệu ứng tràn sang phần còn lại của nền kinh tế. Kết quả là, có lẽ nhà chức trách đã thận trọng: một cuộc khảo sát gần đây cho thấy ba phần tư các công ty Mỹ ở Thượng Hải cho biết khu Thương mại Tự do này không mang lại lợi ích gì cho họ.

Điều đó đã không làm Trung Quốc ngừng phê duyệt những kế hoạch cho phép nhiều Đặc khu Kinh tế về tài chính hoạt động. Chính phủ Trung Quốc cũng đang thúc đẩy các đặc khu kinh tế ở nước ngoài: TQ đang giúp sáu nước châu Phi thiết lập một số đặc khu kinh tế. Mặc dù chúng thuộc chính phủ, nhưng nhiều khả năng những Đặc khu Kinh tế sẽ là sở hữu tư nhân và do tư nhân điều khiển. Khu vực tư nhân ở Philippines đã lớn hơn mười lần khu vực công. Sự thay đổi này có thể đi xa hơn, nếu tư nhân điều hành các thành phố có điều lệ riêng và những khu gọi là “khu vực quản trị đặc biệt” khác có được sự thu hút. Lotta Moberg ở Đại học George Mason cho biết khái niệm này nhằm tạo ra những khu vực riêng biệt với quy tắc của riêng họ trong mọi vấn đề kinh doanh, từ quy định lao động tới các luật chống tham nhũng. Theo Shanker Singham, người sáng lập Enterprise Cities những mạo hiểm như vậy sẽ đem lại sự cạnh tranh hiệu quả hơn các khu vực chỉ tập trung vào những ưu đãi tài chính.

Nhưng phần lớn hiện đang ở giai đoạn đầu. Dự án thành phố điều lệ riêng tiên tiến nhất, được một nhóm theo chủ nghĩa tự do người Mỹ hỗ trợ, là ở Honduras. Nhưng nó vẫn chưa bắt đầu và đã gây tranh cãi: nhiều người Honduras lo ngại rằng nó sẽ hoạt động như một quốc gia trong một quốc gia, bị những lợi ích kinh doanh lợi dụng. Ở hầu hết các nước, liên doanh gần như một nhà nước như vậy có thể sẽ gặp phải những khó khăn về chính trị.

Dù những khu vực kinh tế tự do đó có bắt được đà hay không thì vẫn còn cần rất nhiều thí nghiệm. Đại Hàn và Thái Lan đang phát triển các khu công nghiệp sinh thái. Những nước khác đang xét đến những Đặc khu Kinh tế cho cộng đồng người tị nạn. Tốt hay xấu, số đặc khu kinh tế có thể lên đến 5.000 trong thời gian không lâu.

Không cần phải là một chuyên gia kinh tế, có lẽ, người ta cũng có thể thấy rằng Đặc khu Kinh tế là một thí nghiệm bất lợi cho người dân ở xứ độc tài không tôn trọng nguyên tắc dân chủ pháp trị mà tham nhũng đã và vẫn đang là quốc nạn. — [Trà Mi].

© 2018 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Political priority, economic gamble | Free-trade zones are more popular than ever—with politicians, if not economists. The Economist, 4 tháng 4 năm 2015.