Ukraine: Chuyện dở dang của Putin
Eugene Rumer, Andrew S. Weiss | Trần Giao Thủy
Những lời lẽ cường điệu của Điện Kremlin, cùng với những tin gần đây cho biết về chiến dịch đưa quân đội Nga đến biên giới Ukraine, đặt ra một câu hỏi rắc rối (nhưng tất cả đều quá quen thuộc): Putin muốn gì?
LỜI MỞ ĐẦU
Liệu năm 2021 có được nhớ đến là năm Tổng thống Vladimir Putin bỏ cuộc nói chuyện với giới lãnh đạo Ukraine và quyết định đưa quốc gia này trở lại quỹ đạo của Nga bằng vũ lực hay không? Ông ta đã gây ra một cuộc khủng hoảng đe dọa chiến tranh nghiêm trọng vào tháng 3 và tháng 4 năm nay, nhưng không hiểu vì lý do gì đã quyết định không tiếp tục xâm lăng một nước láng giềng dễ bị tổn thương, nhỏ hơn nhiều. Nay, Putin lại một lần nữa chuyển quân đến gần biên giới Ukraine. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho rằng Nga có thể đang giăng một cái bẫy cho Ukraine cố tình kích động để Nga có cớ xâm lăng. Giới quan sát nhiều kinh nghiệm về quân đội Nga đang cảnh cáo rằn khả năng xảy ra chiến tranh hiện nay có thể cao hơn vào mùa xuân. Việc xem xét cẩn thận hồ sơ của người lãnh đạo Nga đối với Ukraine cho thấy rằng hầu hết tất cả các thành phần và lý do cần thiết cho sự can thiệp quân sự đều đang ở — hoặc chuyển đến — đúng vị trí. Cả các dấu hiệu ngắn và dài hạn đều cho thấy Kyiv và Washington có lý do chính đáng để lo ngại.
2021: MỘT NĂM TỐT ĐẸP CHO PUTIN
Bất chấp ảnh hưởng của đại dịch và bất ổn chính trị trong nước, năm 2021 thực sự là một năm khá tốt đối với Vladimir Putin. Tuy nhiên, nó bắt đầu từ một điểm đáng lo ngại: Chính phủ mới của Hoa Kỳ được coi không phải là bạn của Nga nói chung, hay Putin nói riêng. Tổng thống Mỹ Joe Biden là một người rất quan tâm đến châu Âu và là người hết sức ủng hộ Ukraine. Khi Biden nhậm chức, việc gia hạn New START là diễn biến tích cực duy nhất, mặc dù hoàn toàn có thể dự đoán được, trong chương trình nghị sự song phương Mỹ-Nga. Lời lẽ vận động trong chiến dịch tranh cử của Biden về việc buộc Nga phải trả giá cho những hành động phá hoại — như sự can thiệp của nước này vào các cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2016 và 2020, vụ ám sát chính khách đối lập Alexei Navalny và vụ tấn công mạng SolarWinds — đã làm dấy lên những kỳ vọng về việc quan hệ Nga-Mỹ ngày càng xấu đi ngay cả khi giới chức chính phủ ở Washington đang nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đối phó với Trung Hoa.
Khoan đã, Putin đã ra lệnh đưa quân đội rầm rộ tới biên giới với Ukraine như một tín hiệu rõ ràng và chủ ý cho hai khán giả — ở Kyiv và ở Washington. Đối với Kyiv, thông điệp rất đơn giản: Tôi có thể nghiền nát bạn. Cả Hoa Kỳ và Châu Âu đều không thể làm gì được.
Đối với Washington, tín hiệu phức tạp hơn: hãy chú ý đến Nga như là một cường quốc lớn không thể bị gạt ra ngoài rìa chương trình nghị sự của Mỹ, và điều đó vẫn có thể gây rắc rối ở những nơi nhạy cảm mà Nga có ưu thế. Putin rõ ràng đã có được những gì ông ấy muốn — một cuộc gặp trực tiếp với Biden ở Geneva, công nhận rõ ràng vị thế của Nga như một “đối thủ đáng gờm”, và việc nối lại cuộc đối thoại với Hoa Kỳ về các vấn đề như ổn định mạng và chiến lược, kết thúc một một thời gian dài bị gián đoạn sau khi Nga sáp nhập Crimea bất hợp pháp vào năm 2014.
Vào tháng 5, chính quyền Biden công bố quyết định bỏ các biện pháp trừng phạt đối với đường ống dẫn khí Nord Stream 2 từ Nga sang Đức. Đó là một tin đáng hoan nghênh đối với Điện Kremlin nhưng lại gây ra sự thất vọng cho Kyiv, Trung Âu và một số nước đồng minh với Mỹ trong khi làm trầm trọng thêm sự chia rẽ trong NATO và EU.
Trong khi đó, ở mặt trận đối nội của Nga, cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 9, với kết quả không hề bị nghi ngờ, đã chứng tỏ một thành công vang dội. Bất chấp điều kiện kinh tế xã hội ngày càng tồi tệ, dân chúng Nga vẫn bị động và tách rời khỏi chính trị. Tuy nhiên, điện Kremlin ngày càng đàn áp không ngồi yên trên chiến thắng. Nó dễ dàng nghiền nát những tàn dư của tổ chức chính trị của Navalny và cài đặt đảng ủng hộ Điện Kremlin cầm quyền với đa số hai phần ba theo hiến pháp quan trọng một cách tượng trưng trong Quốc hội. Điện Kremlin cũng giành được một chiến thắng quan trọng khác khi buộc Google và Apple phải theo các quy tắc của mình, đồng thời tăng vận tốc loại bỏ quyền tự do ngôn luận và thắt chặt quyền truy cập Internet ở Nga. Giải Nobel Hòa bình đã được trao cho một tờ báo của Nga chứ không phải cho Navalny đang bị tù, khiến Điện Kremlin không phải bối rối trên trường quốc tế.
Cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu và giá khí đốt tự nhiên tăng vọt đã nhắc nhở giới hoạch định chính sách phương Tây rằng mối quan hệ thù địch với Nga có thể thể hiện dưới những hình thức hoàn vốn bất ngờ đang đe dọa trực tiếp đến nền kinh tế toàn cầu vốn đang mong manh và vị thế chính trị trong nước của họ. Tài chính của Điện Kremlin tăng bất ngờ khi giá dầu đạt mức 80 USD/thùng lần đầu tiên kể từ năm 2018. Nhờ chính sách tài khóa thắt chặt của Putin, giá hòa vốn của ngân sách nhà nước Nga là khoảng 40 USD/thùng. Khi giá leo lên trên mức đó, dòng tiền ngược lại sẽ đổ vào kho dự trữ ngoại tệ khổng lồ của Điện Kremlin (hiện có tổng trị giá hơn 620 tỷ USD) hoặc quỹ dự phòng cho những ngày trái gió trở trời. Sự may mắn cho phép chính phủ Nga chi trả cho một loạt các chương trình hiện đại hóa quân đội và các chương trình phúc lợi xã hội và doanh nghiệp mà không phải đổ mồ hôi. Tất cả những tin tốt lành đó đều chặn đứng những diễn biến kém vui hơn đối với Điện Kremlin như sự tàn phá của đại dịch.
Sự phân hóa chính trị trong nước ở Hoa Kỳ đối với Điện Kremlin như một dấu hiệu suy yếu. Chúng củng cố nhận thức trong chính giới ở Kremlin rằng Hoa Kỳ hiện đang suy tàn là việc không thể tránh khỏi, một luận điệu được giới chức chính phủ, giới truyền thông và giới phân tích của Nga đón nhận và tuyên truyền. Chuỗi thành công này chắc chắn đã làm tăng thêm cảm giác tự tin cho cá nhân của Putin và Điện Kremlin. Nga đang ổn định, đặc biệt là khi so sánh với những gì đang diễn ra ở những nơi khác trên thế giới. Châu Âu, thay vì loại bỏ năng lượng hóa thạch khỏi bàn cân năng lượng để theo đuổi một tương lai xanh, đang cầu xin thêm dầu và khí đốt của Nga. Hoa Kỳ lo lắng về cách cuộc khủng hoảng năng lượng góp phần làm tăng lạm phát và nhận ra rằng Mỹ phải coi Nga như một đối thủ ngang hàng. Chủ tịch Trung Hoa Tập Cận Bình là một đồng minh đáng tin cậy của Putin và nội bộ của ông ấy, mặc dù không ai không biết sự bất cân xứng ngày càng tăng trong mối quan hệ đó.
MỘT HỒ SƠ NHIỀU THÀNH CÔNG
Đối với một tầng lớp tinh hoa của Điện Kremlin, chuỗi chiến thắng dài hơn hai thập kỷ của Putin mang lại ý thức về sứ mệnh lịch sử và sự cứu rỗi cá nhân. Thật vậy, khi Putin tiếp thu quyền lực từ Boris Yeltsin vào cuối năm 1999, theo quan điểm của nhiều người trong giới quan sát, nước Nga đã “phủ phục quy hàng”.
Trong hai thập kỷ cầm quyền, nhân vật lãnh đạo Nga đã tạo ra một sự đảo ngược đáng kể. Ông đã mang lại trật tự cho nền chính trị trong nước từng là một tình trạng tồi tệ. Ông đã đặt nền tài chính của chính phủ Nga ở một vị trí vững chắc trong khi không có những cải cách có thể kích thích tăng trưởng kinh tế rất cần thiết — nhưng lại tạo ra những nguồn bấn ổn không thể đoán trước. Thay vào đó, trật tự trong hệ thống của Putin là tự bảo vệ, có nghĩa là giảm thiểu ảnh hưởng tiềm tàng của bất ổn kinh tế trong tương lai và các lệnh trừng phạt cứng rắn hơn của phương Tây. Ông đã xây dựng lại quân đội Nga thành một lực lượng hùng mạnh có khả năng thống trị vùng ngoại vi của Nga ngay lập tức trong khi đầu tư vào vũ khí thế hệ tiếp theo, gây lo ngại ở Washington, có nguy cơ đối với toàn bộ châu Âu và có khả năng thực hiện các cuộc xâm lược viễn chinh hạn chế ở nước ngoài như Syria. Ông đã dứt khoát ngăn chặn sự mở rộng của NATO sang các vùng đất thuộc Liên Xô cũ. Ông đã xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược với Trung Hoa nhằm nâng cao tầm ảnh hưởng của Nga trên trường thế giới và nâng cao khả năng quân sự của quốc gia đó chống lại Hoa Kỳ, kẻ thù chung của họ. Ông đã nối lại vai trò của Nga với tư cách là một nhân tố quan trọng ở Trung Đông và Đông Địa Trung Hải trong khi đưa ra những tuyên bố địa chính trị đầy tham vọng ở nhiều khu vực xa xôi trên thế giới.
Hơn nữa, với việc sáp nhập Crimea một cách bất hợp pháp, ông đã đóng dấu di sản của mình với tư cách là “người thu thập các vùng đất Nga” — người lãnh đạo đầu tiên kể từ thời Stalin đã mở rộng lãnh thổ của Nga. Ông đã làm được tất cả những điều đó và hơn thế nữa bất chấp những tuyên bố lặp đi lặp lại của nước ngoài và một số nhà quan sát Nga cho rằng Nga là một cường quốc đang suy giảm hay đơn thuần, nói theo cách nói của cố thượng nghị sĩ John McCain, một “trạm xăng giả danh một quốc gia.”
CHUYỆN CHƯA KẾT THÚC
Quỹ đạo chính sách đối ngoại và chính trị trong nước của người đang lãnh đạo Nga cho thấy rằng khi bước vào thập kỷ thứ ba ở vị trí lãnh đạo và sắp đến sinh nhật lần thứ 70, ông ấy đang nghĩ về di sản. Với những thay đổi hiến pháp được đưa ra vào năm 2020, không có bất kỳ ràng buộc chính thức nào đối với việc ông có thể cai trị nước Nga cho đến năm 2036, nếu không muốn nói là lâu hơn.
Nhưng có một việc lớn chưa hoàn thành, vẫn còn thiếu trong sổ thành tích của Putin nếu ông muốn củng cố danh tiếng của mình như người lãnh đạo đã đưa nước Nga trở lại sự vĩ đại trước đây. Việc chưa làm xong là khôi phục quyền thống trị của Nga đối với các phần đất quan trọng của đế chế lịch sử nước Nga. Không có mục nào trong chương trình nghị sự đó quan trọng hơn — hoặc có ý nghĩa then chốt — hơn là đưa Ukraine trở lại Nga. Đối với Tổng thống Nga và nhóm của ông, việc khôi phục vùng đất trung tâm Slav của đế chế cũ — ở một mặt nào đó, không nhất thiết là Liên Xô 2.0 — không chỉ là địa chính trị. Nó cũng mang tính thế hệ, chiến lược và cá nhân.
Càng ngày, hầu hết các bằng chứng cho thấy Putin đã thành khẩn khi nói rằng sự tan rã của Liên Xô là “thảm họa địa chính trị lớn nhất trong thế kỷ [thứ 20].” Ông ấy đã trở lại chủ đề này bằng hình thức này hay hình thức khác trong nhiều dịp khác nhau trong suốt nhiều năm.
NỖI LUYẾN TIẾC QUÁ KHỨ VÀ NHỮNG THẤT VỌNG THẾ HỆ
Chế độ Xô Viết là tốt đối với thế hệ của Putin — tức là ban lãnh đạo hiện tại ở Điện Kremlin. Đây là những người ở độ tuổi sáu mươi và bảy mươi có cha mẹ thuộc “thế hệ vĩ đại nhất” của Liên Xô đã chiến đấu, suýt thua, và sau đó đã chiến thắng trong cuộc chiến chống lại Đức Quốc xã. Hoàn cảnh xuất thân của Putin là điển hình trong vấn đề này: sinh ra trong gia đình thuộc tầng lớp lao động có gia cảnh khiêm tốn ở Leningrad (nay là Saint Petersburg) thời hậu chiến, ông được nhận vào một trường đại học danh tiếng và dấn thân vào một sự nghiệp đầy hứa hẹn, đặc biệt là đối với một người không có gia đình hoặc mối quan hệ chính trị, trong KGB, một tổ chức ưu tú và là trụ cột quan trọng của chế độ Xô Viết. Ông thậm chí còn có một chuyến công tác nước ngoài — không phải chuyến công tác đến một nước tư bản, chỉ tới Đông Đức, nhưng chuyến công tác đó vẫn mang lại cho ông những lợi ích vật chất mà hầu hết công dân Liên Xô không có được.
Tất cả những chuyện đó sụp đổ vào năm 1991, khiến thế hệ công chức nhà nước đang lên của Putin rơi vào cảnh mất mát, khao khát quay trở lại những ngày tháng tốt đẹp về sự ổn định, uy tín và sự đất nước họ được công nhận như một siêu cường. Đối với thế hệ đó, cuộc đối đầu với phương Tây không bắt đầu vào năm 2014;
Nó bắt đầu từ những năm 1960. Điều quan trọng là, hoài niệm của thế hệ Putin về đế chế cũ có lý do chiến lược lâu dài đằng sau nó, điều này cho thấy rằng chính sách của Nga đối với các nước láng giềng sẽ không có thể thay đổi đáng kể ngay cả sau khi thế hệ Putin rời bỏ chính trường. Chiều sâu chiến lược — vùng đệm giữa vùng trung tâm của Nga và các đối thủ hùng mạnh của châu Âu — từ lâu đã trở thành một yêu cầu quan trọng đối với an ninh của nhà nước Nga. Việc chinh phục chiều sâu chiến lược này đã xác định chính sách của Điện Kremlin kể từ thời của Đại đế Peter, nếu không muốn nói là sớm hơn. Chiều sâu chiến lược đã cứu Nga khỏi thất bại vào năm 1812 khi quân đội của Napoléon chiếm được Moskva và năm 1941 khi quân đội của Hitler tiến gần đến cửa ngõ thủ đô Liên Xô. Lấy lại nó là một yêu cầu thiết yếu của chính sách an ninh của Nga đã có qua nhiều thế kỷ, các cuộc cách mạng và những thay đổi của chính phủ. Theo thời gian, những tiến bộ trong kỹ thuật quân sự và công cụ mạng có thể ảnh hưởng đến tầm quan trọng của giới lãnh đạo Nga đối với chiều sâu chiến lược, nhưng nhìn chung, nó có khả năng vẫn là ưu tiên hàng đầu.
VIÊN NGỌC QUÝ TRÊN VƯƠNG MIỆN
Không có phần nào của đế quốc Nga và Liên Xô đóng vai trò lớn hơn và quan trọng trong chiến lược của Nga đối với châu Âu hơn viên ngọc quý Ukraine. Quốc gia này rất quan trọng đối với nền an ninh của Nga vì nhiều lý do: diện tích và dân số; vị trí của nó giữa Nga và các cường quốc châu Âu lớn khác; vai trò của nó như là trung tâm của nền kinh tế đế quốc Nga và Liên Xô; và mối quan hệ sâu sắc về văn hóa, tôn giáo và ngôn ngữ của Ukraine với Nga, đặc biệt là lịch sử của Kyiv, cái nôi của chế độ nhà nước Nga. Tuyên bố độc lập của Ukraine sau cuộc đảo chính thất bại tháng 8 năm 1991, được tái khẳng định trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 1 tháng 12 năm 1991, đánh dấu sự kết thúc của Liên bang Xô viết. Liên bang không thể tiếp tục hiện hữu nếu không có Ukraine, đối tác thân thiết nhất, quan trọng nhất với Nga trong tiến trình xây dựng Liên Xô. Các điều khoản của cuộc chia tay đã được giới lãnh đạo của Nga, Ukraine và Belarus thông qua một tuần sau đó.
CHUYỆN CÁ NHÂN
Do đó, Ukraine là trung tâm về cả mặt thế hệ và chiến lược trong chính sách an ninh và đối ngoại của Nga. Nó cũng là chuyện cá nhân đối với Putin vì trong suốt hai thập kỷ cầm quyền, ông đã nhiều lần cố gắng và thất bại trong việc khôi phục Ukraine về vị trí đúng — như ông thấy — nằm trong quỹ đạo của Nga. Cơ hội đầu tiên đến với Putin là vào năm 2004, khi Ukraine đang chọn một tổng thống mới. Sự lựa chọn trở lại sau đó thuộc về hai ứng cử viên — Viktor Yushchenko nghiêng về phương Tây và Viktor Yanukovych nghiêng về Nga. Điện Kremlin đã mở một chiến dịch tuyên truyền toàn diện để ủng hộ Yanukovych.
Vài tuần trước cuộc bỏ phiếu, Yushchenko bị nhiễm chất độc dioxin, suýt chết và bị biến dạng nặng nề. Thủ phạm đằng sau cuộc ám sát Yushchenko chưa bao giờ được xác định một cách chính xác. Cuộc bầu cử gian lận đã bị trật đường rầy vì cuộc Cách mạng Cam và cuối cùng đã có một cuộc bỏ phiếu mới, và Yushchenko đã thắng. Đó là một bước lùi lớn đối với Putin, người đã tự mình can thiệp để nâng tầm ủng hộ Yanukovych.
Tuy nhiên, Putin suýt nữa đã trả thù được vào năm 2010, trong cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo của Ukraine, mà người ông ủng hộ, Yanukovych, đã thắng cử. Nhưng chiến thắng đã trở thành thất vọng. Yanukovych hóa ra là một đối tác khó chịu đối với Putin. Ngoài ra, ông còn tham gia vào các cuộc đàm phán với EU về một loạt các thỏa thuận quan trọng nhằm thúc đẩy mối quan hệ của Ukraine với châu Âu cũng như khi Putin tiếp tục cố gắng kéo Ukraine trở lại quỹ đạo kinh tế và chính trị của Nga.
Cú đấm cuối cùng vào tham vọng của Putin giáng xuống vào năm 2014, khi Yanukovych, đối mặt với tình trạng bất ổn hàng loạt, bỏ trốn khỏi Ukraine và một chính phủ mới thân phương Tây lên nắm quyền.
Hành động sáp nhập Crimea và phát động cuộc chiến ở miền đông Ukraine của Putin đã nâng cao di sản trong nước và duy trì đòn bẩy chiến thuật của ông. Nhưng chúng đã phản công về mặt chiến lược khi Ukraine củng cố định hướng thân phương Tây và Nga bị cô lập trên trường quốc tế.
Không còn nghi ngờ gì, Ukraine là phần quan trọng nhất trong công tác chưa hoàn thành khi người lãnh đạo Nga đang cân nhắc chương trình nghị sự của mình trong phần còn lại của thời gian tại vị và di sản của ông.
KHOẢNG KHẮC THEN CHỐT?
Sự ám ảnh của Putin về Ukraine đạt đến mức độ chưa từng có vào năm 2021. Trong suốt năm, những tuyên bố của ông đã đạt phẩm chất chưa từng thấy kể từ năm 2014. Vào tháng 7, ông đã xuất bản một chuyên luận dài về Ukraine, như điều đã được khẳng định từ lịch sử, chính trị và an ninh để xâm lăng nó — nếu và khi việc đó trở nên cần thiết. Nội dung của bài viết dài đó có thể rút gọn lại một số điểm chính:
- Ukraine không phải và chưa bao giờ là một quốc gia độc lập;
- Ukraine là một phần bất khả xâm phạm của Nga thiếu bản sắc dân tộc, văn hóa, tôn giáo và ngôn ngữ riêng biệt — chính cái tên của nó có nguồn gốc từ chữ “ngoại vi” trong tiếng Nga;
- Về mặt lãnh thổ, Ukraine hiện nay độc lập không có cơ sở trong lịch sử và gồm những vùng đất do Đế quốc Nga và Liên Xô mua lại;
- Ukraine luôn thịnh vượng khi là một phần của Nga và suy tàn khi không;
- Nền độc lập của Ukraine luôn được những kẻ thù của Nga, những nước đã sử dụng nó như một vũ khí chống lại Nga truyền cảm hứng;
Những tuyên bố của Putin kể từ khi công bố bản chuyên luận diễn giải lại không chính xác một cách tồi tệ về lịch sử của Ukraine và mối quan hệ của nước này với Nga đã phản ảnh một cảm giác cấp bách mới còn thiếu trong những tuyên bố trước đó của ông về cùng chủ đề. Trong vài tháng qua, Tổng thống Nga đã mô tả các hoạt động của NATO ở Ukraine và sự phát triển của khả năng quân sự của Ukraine là mối đe dọa đối với an ninh của Nga và là một “vạch đỏ”. Rất khó để tìm thấy một ví dụ khác khi người lãnh đạo Nga sử dụng thuật ngữ thứ hai liên quan đến Ukraine hoặc trong các bối cảnh khác.
Kể từ đó, luận điệu của Putin chống lại Ukraine như một công cụ của kẻ thù của Nga đã được giới chức chính phủ Nga tiếp thu và khuếch đại. Tuyên truyền do nhà nước tài trợ kể cả việc nguyền rủa Ukraine hàng đêm trên truyền hình Nga cho đến một bài báo gần đây của cựu tổng thống Nga Dmitri Medvedev. (Medvedev hiện là phó chủ tịch Hội đồng Bảo an.) Medvedev viết, ‘chẳng còn ý nghĩa gì nữa khi đàm phán với giới lãnh đạo Ukraine, bởi vì họ chỉ là con rối trong tay các nước tài trợ phương Tây quan tâm đến Ukraine chỉ như một công cụ cho nỗ lực của họ để be bờ và làm hại Nga.’
Những lời lẽ cường điệu của Điện Kremlin, cùng với những tin gần đây cho biết về chiến dịch đưa quân đội Nga đến biên giới Ukraine, đặt ra một câu hỏi rắc rối (nhưng tất cả đều quá quen thuộc): Putin muốn gì?
KHÔNG PHẢI MỘT XUNG ĐỘT ĐÔNG LẠNH KHÁC
Một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột ở miền đông Ukraine đã trở nên khó xẩy ra vì việc Moscow giải thích các điều khoản đã đồng ý tại Minsk 2015 về một lệnh ngừng bắn đã không thể chấp nhận được đối với Kyiv và ngược lại. Những cố gắng về ngoại giao cao cấp như tiến trình Normandy do Pháp và Đức dẫn đầu đã liên tục không đạt được mục tiêu của họ. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ-EU đã không thể thay đổi tính toán chiến lược của Nga đối với Ukraine. Tổng hợp lại, những yếu tố này khiến một số người trong giới quan sát dễ dàng kết luận rằng không có gì ở miền đông Ukraine có thể thay đổi trong tương lai gần và nó sẽ ít nhiều giống với các cuộc xung đột đóng băng thời hậu Xô Viết khác ở ngoại vi của Nga. Nhưng Ukraine không giống bất kỳ quốc gia thuộc Liên Xô cũ nào khác. Khi nhìn từ Điện Kremlin, tình hình ở miền đông Ukraine không có gì đáng tự mãn. Putin và giới lãnh đạo Nga vẫn tỏ ra thực sự lo lắng về việc Ukraine cuối cùng có thể gia nhập NATO, mặc dù giới lãnh đạo phương Tây như Biden đã nói rõ quan điểm (‘vẫn còn phải xem’) về vấn đề này. Điều quan trọng hơn đối với Điện Kremlin là khả năng quốc phòng của Ukraine có thể tăng đều đặn bất kể điều gì xảy ra trên đường trở thành thành viên của NATO. Điều đáng lo ngại không kém đối với Điện Kremlin là triển vọng nâng cấp phẩm chất bộ máy an ninh của Ukraine trong các lĩnh vực như tình báo, mạng, và hoạt động lật đổ về mặt chính trị đối với Nga, tất cả đều nhờ vào nguồn tài trợ lớn và quan hệ đối tác liên tục với Hoa Kỳ, Anh Quốc và các nước phương Tây khác. Việc sử dụng máy bay không người lái có vũ trang (UAV) do Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp gần đây cho thấy Ukraine có khả năng sử dụng vũ khí mới một cách có thể thu hút sự chú ý của Moscow. Vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ đặc biệt nhạy cảm, dù có sự tham gia của họ ở những mặt trận thất bại của lực lượng được Nga hậu thuẫn và quân đội ở Libya, Syria và Nagorno-Karabakh kể từ năm 2019.
Sau khi gần như biến mất chỉ trong một đêm trong cuộc Cách mạng Nhân phẩm vào đầu năm 2014, một nhà nước Ukraine mạnh hơn đang xuất hiện. Bất chấp những hạn chế của nó, sự kháng cự của người Ukraine đối với chiến dịch can thiệp và gây áp lực quân sự của Điện Kremlin đã ngăn cản Moskva kiểm soát hơn chỉ một phần khiêm tốn của khu vực Donbas và Bán đảo Crimea.
Nhưng Putin không thể hoặc giả vờ không hiểu rằng Ukraine không thích hợp với hình ảnh của ông như một chế độ ăn cắp hay căn bản là một phiên bản Afghanistan ở Đông Âu, nơi mà chính phủ và lực lượng an ninh do Mỹ hậu thuẫn đã phải đối diện với thực tế sụp đổ chỉ trong một đêm dưới áp lực phối hợp. Thực tế là Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã đánh bại người đương nhiệm với tỷ số gần ba trên một trong cuộc bầu cử tự do và công bằng vào năm 2019 dường như Putin vẫn chưa hiểu. Ở đất nước mà ông mô tả,
‘người Ukraine không được và sẽ không được phép thành lập một chính phủ hợp pháp phục vụ lợi ích của người dân Ukraine. Người ta thậm chí còn ngại tham gia các cuộc thăm dò dư luận. [Họ] sợ vì một nhóm nhỏ đã đeo tự vòng vòng nguyệt quế của những người chiến thắng trong cuộc đấu tranh giành độc lập. Họ giữ những quan điểm chính trị cực đoan. Họ thực sự điều hành Ukraine bất kể, trên danh nghĩa, ai là nguyên thủ quốc gia.’
Vladimir Putin
Tổng hợp lại, những diễn biến này đại diện cho một khuynh hướng có thể có vấn đề khác. Điện Kremlin ngày càng coi Ukraine như một hàng không mẫu hạm của phương Tây đậu đối diện với Rostov Oblast ở miền nam nước Nga. Ukraine hiện là một trong những nước nhận viện trợ quân sự của Mỹ lớn nhất, một thực tế chắc chắn bất kỳ ai trong cơ sở an ninh quốc gia Nga đều biết. Chẳng còn nghi ngờ gì, bộ máy tình báo của Nga đang theo dõi chặt chẽ hoạt động của các chính phủ phương Tây tại Ukraine. Nhưng Nga không thể ngăn cản họ. Những nỗ lực về an ninh, chính trị, thông tin và mạng như vậy phải có vẻ ngày càng đe dọa và gây mất ổn định đối với Điện Kremlin, mà chính nó cũng không biết rằng tất cả các hoạt động này là sản phẩm phụ của cuộc tấn công sai lầm của Putin vào một quốc gia láng giềng một thời thân thiện. Đe dọa chiến tranh đầu năm 2021 là một lời nhắc nhở đối với cả Kyiv và Washington rằng Nga vẫn duy trì sự thống trị leo thang trong bất kỳ kịch bản xung đột nào có thể hình dung được. Các hoạt động chuyển quân đang diễn ra ở các khu vực dọc biên giới Nga-Ukraine giúp tăng cường cảm giác bất an và không thể đoán trước về ý định của Điện Kremlin. Với những cảnh cáo chiến lược hạn chế — tốt nhất — và các vấn đề khác đang tranh giành sự chú ý của giới lãnh đạo phương Tây, những trở ngại đối phó với các hành động quân sự tiềm năng của Nga, đối với Putin, là có thể kiểm soát được.
NGHĨ ĐẾN VIỆC KHÔNG THỂ TƯỞNG ĐƯỢC
Sẽ là một đề nghị táo bạo nếu cho rằng Putin đã làm hòa với hiện trạng hoặc rằng ông không sẵn sàng phô trương cơ bắp một lần nữa đối với Ukraine. Nỗi lo sợ về chiến tranh vào mùa xuân năm 2021 và sự kiện eo biển Kerch 2018 đều cho thấy giới hạn sự yểm trợ của phương Tây đối với Ukraine và là những minh họa sống động cho thực tế rằng cả NATO nói chung, Mỹ hay bất kỳ thành viên nào khác của liên minh đều đã chuẩn bị sẵn sàng ddooiso đầu vơi nguy cơ chiến tranh với Nga về Ukraine.
Đồng thời, hồ sơ theo dõi của giới phân tích phương Tây trong giai đoạn 2013–2014 trong việc dự đoán các hành động của Điện Kremlin ở Ukraine nên khiêm tốn về khả năng lường trước các hành động của Nga. Quyết định sáp nhập Crimea của Putin và mở một cuộc chiến tàn khốc, không được khai báo ở Donbas đã vượt xa những gì mà hầu hết giới quan sát, kể cả chúng tôi, đã từng mong đợi.
Hơn nữa, con người lạnh lùng và hay tính toán như Putin có thể thường xuất hiện, không nên bỏ qua một khía cạnh trong tính khí của ông — khuynh hướng hành động theo cảm tính và tấn công thẳng thừng theo những cách không phải lúc nào cũng có “ý nghĩa” đối với những người quan sát bên ngoài. Ở một mức độ, Putin chắc chắn đang nghĩ về di sản của ông ta như một trong những người cầm quyền có hậu quả nhất ở Nga; ông ấy sẽ muốn tình hình Ukraine được giải quyết trước khi ông ấy rời bỏ quyền lực, bất cứ đó là khi nào. Ở một mức độ khác, Zelenskyy đã thực hiện một loạt các biện pháp kể từ năm 2020 — ví dụ như một cuộc đàn áp đối với người bạn thân của Putin là Viktor Medvedchuk và các phương tiện truyền thông của ông ta — điều này chắc chắn khiến Putin tức giận ở mặt cá nhân cũng như địa chính trị. Zelenskyy cũng chế nhạo Putin và đưa ra một câu trả lời cay đắng cho luận thuyết dài của Putin về Ukraine. Có thể Ukraine và các đối tác của họ đã vượt qua một số đường vạch đỏ của Putin, có lẽ là vô tình.
Nếu viễn cảnh Nga tái xâm lược Ukraine là có thật và mục tiêu chiến lược là buộc Kyiv phải đầu hàng về chính trị và địa chính trị, thì Putin sẽ làm thế nào để đạt được điều đó? Ông ta sẽ đặt ra những mục tiêu hoạt động nào để đạt được?
Có 4 lĩnh vực tiềm năng rộng lớn mà Điện Kremlin có thể thúc đẩy để phá vỡ hiện trạng, đảo ngược quỹ đạo tiêu cực mà các lợi ích của Nga đã xác định ở trên và cố gắng đạt được mục tiêu về một Ukraine nghe lời hơn. Chúng được liệt kê dưới đây theo thứ tự xác suất và tỷ trọng của mức giá phải trả.
1. HẠN CHẾ CÁC HOẠT ĐỘNG QUÂN SỰ NƯỚC NGOÀI TRONG VÀ QUANH UKRAINE
Putin trong những tháng gần đây đã bắt đầu miêu tả việc các cường quốc thù địch khai thác hoặc hấp thu (tiếng Nga, освоение) lãnh thổ Ukraine của như một mối đe dọa không thể chấp nhận được đối với an ninh Nga. Tuy nhiên, Hoa Kỳ và các đồng minh rất khó có thể đồng ý đàm phán những giới hạn rõ ràng về những gì họ có thể và không thể làm ở Ukraine. Họ sẽ không cho phép Nga chỉ định Ukraine là khu vực phải tránh xa hoặc áp đặt các hạn chế đối với các loại vũ khí mà họ có thể cung cấp cho quân đội của Ukraine. Tuy nhiên, Moskva có thể cố gắng sử dụng những chiến dịch quân sự đầy đe dọa và các hình thức gây áp lực khác mà không có sự can thiệp trực tiếp để làm gia tăng căng thẳng một cách giả tạo trong và xung quanh khu vực và khiến các đối tác của Ukraine do dự hơn và có ý thức về rủi ro hơn. Áp lực như vậy, được củng cố bởi loại thông điệp công và riêng mà Điện Kremlin vượt trội, sẽ khiến nó làm dấy lên lo lắng rằng “điều gì đó” có thể xảy ra nếu phương Tây không chú ý đến mối quan tâm của Nga. Đáp lại, những thành viên NATO ít hiếu chiến hơn (ví dụ như Đức) có thể tìm cách làm dịu mọi chuyện và mong có sự kiềm chế lớn hơn của phương Tây. Những sự chia rẽ như vậy ở phe phương Tây tất nhiên là hữu ích cho các mục đích của Điện Kremlin.
Đồng thời, những hành động khiêu khích của Điện Kremlin vào tháng 3 và tháng 4 năm 2021 cho thấy chiến dịch gây áp lực của họ có thể bùng phát theo những cách không định trước. Sau đó, lực lượng tấn công của Nga đã tái kích động sự ủng hộ của phương Tây đối với Ukraine và củng cố trường hợp thúc đẩy sự hợp tác quốc phòng của Mỹ/NATO với Kyiv cũng như các hoạt động quân sự và sự hiện diện rõ ràng hơn của Mỹ/NATO ở Biển Đen và các quốc gia tiền phương khác của NATO. Do đó, việc nới lỏng các lệnh trừng phạt của phương Tây là chủ đề chỉ được những tiếng nói ủng hộ Điện Kremlin cam kết nhất trong giới chính sách của EU thảo luận.
2. THỰC HIỆN HIỆP ĐỊNH MINSK BẰNG VŨ LỰC
Sự tức giận của Điện Kremlin trước việc Kyiv kéo dài 7 năm không thực hiện hiệp định Minsk mà họ đã áp đặt lên Kyiv bằng nòng súng, có thể dẫn đến việc Nga dùng vũ lực để buộc Kyiv tuân theo các điều khoản của các thỏa thuận từ lâu đã mang tính không thể xẩy ra về mặt chính trị đối với giới lãnh đạo Ukraine. Cụ thể, tầm nhìn của Nga về việc thực hiện trọn vẹn hiệp định Minsk đòi hỏi một loạt những hành động nhằm liên bang hóa Ukraine, trao quyền tự trị khắp nơi cho các tiểu bang do Nga kiểm soát ở Donbas, và bằng cách đó, đưa Ukraine chính thức vào địa vị trung lập và , có lẽ, để chấm dứt sự hiện hữu của nó như một quốc gia có chủ quyền. (Moskva đã ngụy trang một cách mong manh hy vọng rằng các khu vực khác của Ukraine sẽ tìm cách đàm phán những thỏa thuận tương đương với chính quyền trung ương.)
Tùy thuộc vào mức độ của những gì Điện Kremlin quyết định thực hiện, nó có thể cho rằng (có lẽ sai) rủi ro có thể kiểm soát được và sẽ rất khó để chính quyền Biden vận động được sự ủng hộ của châu Âu đối với nhiều biện pháp trừng phạt hơn. Ví dụ, có thể dễ dàng hình dung bạo lực gia tăng dọc theo đường dây liên lạc để đáp trả nếu Ukraine tiến hành thêm các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái có vũ trang (UAV) nhằm vào các vị trí của Nga. Ngoài ra, Moskva có thể cố gắng mở rộng một cách khiêm tốn vùng lãnh thổ mà họ kiểm soát ở miền đông Ukraine dưới chiêu bài bảo vệ thường dân trước các cuộc tấn công của Ukraine hoặc sử dụng mối đe dọa về một cuộc xâm lược lớn hơn để buộc quân đội Ukraine phải rút khỏi các khu vực cụ thể. Quân đội Ukraine có thể không thể kiềm chế ngay cả khi Nga đẩy lùi một cách hạn chế qua giới tuyến liên lạc. Việc phương Tây thiếu cam kết tham chiến vì Ukraine thậm chí có thể tạo ra phản lực chính trị cho giới lãnh đạo đã công khai tuyên bố ủng hộ Ukraine.
3. LẤP ĐẦY CHỖ TRỐNG
Trong các giai đoạn trước của cuộc xung đột, đã có suy đoán rằng Moskva có thể cố gắng mở rộng lãnh thổ mà họ kiểm soát. Cuộc thảo luận tập trung vào khả năng chiếm giữ con kinh từ thời Liên Xô cung cấp nguồn nước quan trọng cho Bán đảo Crimea, thành phố cảng Mariupol hoặc phần lãnh thổ còn lại do Ukraine kiểm soát dọc theo đường bờ biển Biển Azov đến Crimea có thể tạo ra một vùng cầu đất nối với bán đảo. (Crimea hiện được kết nối với Nga bằng một cây cầu duy nhất, xây vào năm 2018)
Bất kỳ cuộc xâm nhập nào như vậy gần như chắc chắn sẽ kéo theo thách thức lâu dài hơn trong việc quản lý và duy trì an ninh ở các vùng lãnh thổ mới bị chiếm giữ. Không giống như kịch bản trước đó, việc mở rộng hoàn toàn khu vực chiếm đóng có thể khiến Mỹ-EU trừng phạt thêm — có thể là hủy bỏ đường ống dẫn khí đốt tự nhiên đang tranh cãi Nord Stream 2, các lệnh trừng phạt theo khu vực kinh tế đối với các công ty dầu khí của Nga hoặc các hạn chế đối với các ngân hàng quốc doanh — tất cả đều có thể xảy ra hơn, nếu không muốn nói là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, các giả định tiêu chuẩn của phương Tây (ví dụ: Putin là một người hoạt động lý trí và sẽ không bao giờ làm điều đó, rằng điều đó nghe có vẻ quá rủi ro, v.v.) không làm sáng tỏ được tình hình thực tế được nhìn nhận như thế nào từ quan điểm của Điện Kremlin.
4. TẤN CÔNG TOÀN BỘ
Như đã mô tả ở trên, sự gắn bó của Putin với Ukraine thường mang âm hưởng cảm xúc, tinh thần và siêu hình. Tuyên bố của ông không phù hợp với thực tế, chứ chưa nói đến cách Ukraine được hầu hết giới quan sát phương Tây hoặc Nga nhìn nhận. Có thể hình dung được rằng những hành động trong những tháng gần đây của Zelenskyy và những nhân tố khác chỉ đơn giản là nhấn quá nhiều nút của Putin.
Nhũng đánh giá đã có cho thấy quân đội Ukraine sẽ rất khó bảo vệ trước bất kỳ hoạt động quân sự dù lớn cỡ nào của Nga. Một số hoàn toàn bi quan về khả năng của Ukraine. Việc Ukraine nắm giữ các hệ thống như hỏa tiễn chống tăng Javelin của Mỹ sẽ không đủ để khiến Điện Kremlin do dự hơn trong việc tính toán cái giá phải trả cho các hành động quân sự. Một số trong giới phân tích cho rằng Điện Kremlin có thể mở một cuộc tấn công quân sự nhanh chóng để phá vỡ hậu thuẫn của quân đội Ukraine và buộc lực lượng này phải rút lui về phía sau sông Dnieper. Điều này sẽ đưa Điện Kremlin đến vị trí kiểm soát những gì thường được gọi là “bờ trái Ukraine”, gồm cả phần lịch sử của Kyiv, mà theo ước tính của Putin, là một phần không thể xâm phạm của nhà nước Nga vĩ đại. Có lẽ, Điện Kremlin thậm chí có thể cố gắng thành lập một chính phủ bù nhìn ở Kyiv và tuyên bố rằng “nhiệm vụ đã hoàn thành.”
Nhưng có rất nhiều lý do để hoài nghi về việc liệu Điện Kremlin có háo hức thực hiện nhiệm vụ lâu dài là chiếm giữ và quản lý một vùng lãnh thổ rộng lớn như vậy hay không. Quân đội Ukraine và các nhóm nổi dậy gần như chắc chắn sẽ tìm cách thực hiện bất chiến dịch nào dọc theo những lộ trình này càng tốn kém càng tốt. Ngay cả khi bị đặt trước việc đã rồi, chính quyền Biden có thể sẽ nhận thấy sự chấp nhận lớn ở Tây Âu đối với những bước trừng phạt Điện Kremlin và trấn an các đồng minh NATO đang lo lắng về những hành động tiếp theo của Nga.
PUTIN SẼ LÀM GÌ?
Bốn phương án có thể thực hiện được này không làm cạn kiệt hàng loạt lựa chọn của Putin. Tất cả đều có một điểm chung — đối với giới quan sát bên ngoài không chìm đắm trong suy nghĩ của Putin, tất cả đều có ý nghĩa nhỏ. Một số, như tùy chọn tấn công toàn diện, chắc chắn sẽ phải chịu cái giá mới và lớn. Những phương án khác, ngay cả khi tương đối không đáng kể về việc mua thêm đất, như cây cầu đất liền với Crimea, cũng sẽ không miễn phí. Nhưng chúng chắc chắn sẽ củng cố ý thức tập thể dân Ukraine rằng Nga là kẻ thù truyền kiếp và không có cách nào để Ukraine quay trở lại quỹ đạo của Nga. Niềm tin đó chắc chắn sẽ được củng cố bởi bất kỳ và tất cả những tiến trình hành động được phác thảo trong các đoạn trên.
Tuy nhiên, nếu có bất kỳ bài học nào mà Putin và nhóm cộng sự ở Điện Kremlin của ông ấy nên học được trong bảy năm kể từ cuộc Cách mạng Nhân phẩm của Ukraine, thì đó là việc sáp nhập Crimea và cuộc chiến không công khai ở miền Đông Ukraine chỉ củng cố thêm ý chí của người dân Ukraine quyết tâm rời quỹ đạo của Nga và đi tìm mối quan hệ chặt chẽ hơn với phương Tây. Rõ ràng, Điện Kremlin không học được bài học đó, điều đó có nghĩa là họ được hướng dẫn bởi một logic khác và rằng giai đoạn quậy phá hù dọa hiện tại của Điện Kremlin cần phải được xem xét một cách nghiêm túc.
Tác giả | Eugene Rumer, cựu sĩ quan tình báo quốc gia về Nga và Âu-Á tại Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ, việ sĩ và là giám đốc của Chương trình Nga và Á-Âu của Carnegie.
Andrew S. Weiss là Giáo sư Gia đình James và phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu tại Viện Carnegie Endowment, nơi ông giám sát những nghiên cứu ở Washington và Moscow về Nga và Á-Âu. @ ANDREWSWEISS
© 2021 DCVOnline Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Ukraine: Putin’s Unfinished Business | Eugene Rumer, Andrew S. Weiss | The Carnegie Endowment for International Peace | 12 November, 2021.