Sự mơ hồ của Hoa Kỳ về Đài Loan chỉ làm nguy hiểm thêm
Richard Haass và David Sacks | Trần Giao Thủy
Biden phải công bố rõ ràng cam kết của Mỹ với Trung Hoa — và thế giới
Trong năm qua, những câu hỏi về việc liệu Trung Hoa có cưỡng bức Đài Loan hay không và cách tốt nhất để ngăn chặn sự xâm lược của Trung Hoa đã trở thành tâm điểm của các cuộc tranh luận về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Đây là một vấn đề do sự kết hợp của nhiều yếu tố. Giới chức chính phủ và giới phân tích ở Washington nhận ra rằng Trung Hoa hiện có khả năng gây chiến với Hoa Kỳ về vấn đề Đài Loan — một khái niệm từng có vẻ xa vời. Giới quan sát Mỹ ngày càng có ý kiến cho rằng Chủ tịch Trung Hoa Tập Cận Bình, đã không phải gánh chịu hậu quả nhiều sau cuộc đàn áp ở Hong Kong và những hành động gây hấn của ông ở Biển Đông và tin rằng Hoa Kỳ đang suy sụp là điều không thể tránh khỏi, cảm thấy được khuyến khích để tăng vận tốc thống nhất Đài Loan với Hoa lục.
Để đối phó với mối quan tâm ngày càng tăng này, chính quyền Mỹ của Tổng thống Joe Biden đã ưu tiên tăng cường quan hệ với Đài Loan và báo hiệu rằng Mỹ đang coi trọng mối đe dọa đối với Đài Loan. Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã gọi Trung Hoa đúng tên là “thách thức từng bước” của mình và đã mô tả một cuộc xung đột tiềm tàng đối với Đài Loan là “kịch bản từng bước” của họ, trong khi Tư lệnh Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương — Thái Bình Dương của Hoa Kỳ đã tuyên bố rằng nguy hiểm lớn nhất trong khu vực là mối đe dọa khi Trung Hoa sử dụng vũ lực chống lại Đài Loan. Nhưng ưu tiên ngân sách của chính quyền và tư thế lực lượng toàn cầu của Mỹ không phản ảnh cảm giác cấp bách. Chính quyền Mỹ cũng không giải thích được với Quốc hội và người dân Mỹ tại sao Đài Loan lại quan trọng đến mức phải đem sinh mạng người Mỹ ra tiền tuyến để bảo vệ Đài Loan.
Những gì chính quyền Biden đã làm cũng có sai sót. Mỹ đã chính thức chấp nhận chính sách dùng chiến lược mơ hồ đã có từ lâu, không chịu tuyên bố dứt khoát rằng Hoa Kỳ sẽ ra tay bảo vệ Đài Loan nếu Trung Hoa sử dụng vũ lực tấn công đảo quốc này. Nhưng cách ứng xử này không có thể ngăn cản một Trung Hoa ngày càng quyết đoán, chấp nhận rủi ro và có sức mạnh. Cẩm nang này chỉ có hiệu quả khi Đài Loan và Hoa Kỳ có lợi thế quân sự đối với Trung Hoa không còn có thể giữ chân được một Quân đội Giải phóng Nhân dân đã dành hai mươi lăm năm qua để chuẩn bị cho một cuộc xung đột với Đài Loan. Điều mà Washington cần bây giờ là một chính sách “rõ ràng về chiến lược.” Như chúng tôi đã biện luận trên tạp chí Ngoại giao một năm trước, cách tốt nhất để giảm nguy cơ chiến tranh là nói rõ với Trung Hoa rằng Hoa Kỳ sẽ trả miếng một cuộc tấn công nhằm vào Đài Loan bằng tất cả những vũ khí có sẵn, gồm cả những biện pháp trừng phạt kinh tế nghiêm khắc và quân lực. Washington cần nói rõ với Bắc Kinh rằng cái giá phải trả của hành động gây hấn của họ sẽ lớn hơn rất nhiều so với bất kỳ lợi ích nào họ nghĩ có thể đạt được.
Trong một năm kể từ khi chúng tôi đưa ra lập luận đó, dường như Biden đã hơn một lần trình bày rõ ràng về chiến lược, cho thấy rằng Hoa Kỳ sẽ giúp bảo vệ Đài Loan trong trường hợp bị Trung Hoa tấn công. Tuy nhiên, mỗi lần như vậy, giới chức chính quyền Mỹ sau đó đã kéo những tuyên bố của Biden lùi lại, trong tiến trình này, họ báo hiệu sự thiếu ý chí đối với Trung Hoa, và đồng minh cũng như đối tác đang lo ngại và đang tìm sự hướng dẫn rõ ràng của Hoa Kỳ để họ có thể điều chỉnh tư thế của mình cho phù hợp. Thêm vào sự rối rắm đó là thực tế là mặc dù giới chức chính phủ Mỹ nhấn mạnh rằng không có gì thay đổi, chính quyền Mỹ đã có những hành động rõ ràng nhằm nâng cấp quan hệ giữa Mỹ với Đài Loan: những hành động của chính phủ Mỹ thường phù hợp với những bình luận không chính thức của Biden hơn là với quan điểm chính thức của chính phủ. Kết quả thực là nguy cơ Trung Hoa tính toán sai lầm và xác suất xẩy ra xung đột ngày càng lớn.
Tuy thế, mặc dù sự rõ ràng về mặt chiến lược sẽ làm giảm nguy cơ xung đột, nhưng nó không phải là một chiếc đũa thần. Chiến lược rõ ràng sẽ cần đi kèm với các khoản đầu tư lớn để Hoa Kỳ đủ khả năng bảo vệ Đài Loan. Và Washington cần bổ túc những hoạt động nâng cấp quân sự bằng những nỗ lực ngoại giao nhằm báo hiệu cho Trung Hoa biết cái giá kinh tế và chính trị mà nước này sẽ phải trả nếu có hành động gây hấn. Hãy coi đó là việc theo đuổi sự rõ ràng về chiến lược để tăng cường khả năng răn đe.
Hoa Kỳ cũng nên đưa ra một biện pháp trấn an Trung Hoa, nhấn mạnh rằng Washington tiếp tục giữ chính sách “một Trung Hoa” và không ủng hộ sự độc lập của Đài Loan. Trên thực tế, điều này sẽ dẫn đến việc hạ thấp quan hệ Mỹ-Đài Loan trước công luận thế giới, trong khi đồng thời cải thiện an ninh kinh tế của Đài Loan, tăng khả năng phục hồi của hòn đảo trước sức ép của Trung Hoa và hợp tác với quốc gia này về an ninh chuỗi cung ứng.
Mặt tiêu cực của biện pháp trên là cơ hội để thực hiện sự thay đổi này rất hẹp và được cho là đang khép lại. Tuy nhiên, mặt tích cực là Hoa Kỳ có thể đạt được sự rõ ràng trong chính sách và nâng cao khả năng của mình một cách hoàn toàn nhất quán với cam kết duy trì mối quan hệ hợp tác với Trung Hoa. Được thiết lập và khai triển đúng cách, cách ứng xử như vậy sẽ không chỉ tránh được xung đột mà còn cho phép có sự hợp tác chọn lọc giữa Hoa Kỳ và Trung Hoa.
BIỆN LUẬN CHO SỰ RÕ RÀNG
Một yếu tố đặc biệt hậu thuẫn sự rõ ràng hơn về quan điểm của Washington đối với Đài Loan là cách mà những nghi ngờ liên quan đến độ tin cậy đối với Hoa Kỳ đã tăng lên trong những năm gần đây. Bất chấp những bảo đảm mà Hoa Kỳ hứa hẹn với Ukraine trong Bản ghi nhớ Budapest năm 1994, khi Nga xâm lược Crimea và sáp nhập lãnh thổ vào năm 2014, Washington đã hạn chế phản ứng, chỉ dùng một số lệnh trừng phạt kinh tế. Năm ngoái, khi Trung Hoa giáng những đòn chí mạng vào nền dân chủ của Hong Kong do vi phạm hiệp ước mà nước này đã ký với Anh Quốc, Hoa Kỳ và các đồng minh khác phần lớn đã đứng sang một bên. Gần đây nhất, Hoa Kỳ đã bỏ rơi các đồng minh ở Afghanistan thay vì thực hiện một một cuộc rút quân có điều kiện.
Kết hợp với sự mơ hồ có chủ đích trong chính sách của Mỹ đối với Đài Loan, làm giảm uy tín của Mỹ tạo ra tiềm năng cho một tính toán sai lầm nguy hiểm của Trung Hoa có thể dẫn đến chiến tranh. Trong lịch sử, sự không chắc chắn về ý định của bên kia thường là động lực chính gây ra bất ổn và xung đột, với cả Chiến tranh Thế giới thứ nhất và Chiến tranh Đại hàn là hai ví dụ. Sự rõ ràng làm giảm nguy cơ xung đột bắt đầu do một bên đánh giá sai ý định và khả năng của bên kia.
Mặc dù sự rõ ràng về chiến lược sẽ làm giảm nguy cơ xung đột, nhưng đó không phải là một chiếc đũa thần.
Một số người cho rằng việc từ bỏ sự mơ hồ chiến lược sẽ dẫn đến sự rạn nứt trong quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh. Nhưng không có gì trong ba bản thông cáo chung thiết lập nền tảng của mối quan hệ Hoa Kỳ-Trung Hoa hiện đại có thể ngăn cản sự thay đổi như vậy trong chính sách của Hoa Kỳ. Thật vậy, điều quan trọng cần nhớ là Hoa Kỳ đã áp dụng chính sách mơ hồ chiến lược vì các tổng thống liên tiếp xác định rằng ứng xử như vậy là cách tốt nhất để bảo vệ lợi ích của Hoa Kỳ, không phải vì đó là một điều kiện bình thường hóa hay một cam kết mà Washington đưa ra với Bắc Kinh. Nó luôn là một lựa chọn chính sách đơn phương của Hoa Kỳ, một lựa chọn chính sách cần được điều chỉnh để phù hợp với những hoàn cảnh đang thay đổi.
Những người khác lập luận rằng sự rõ ràng về chiến lược sẽ thúc đẩy Đài Loan tìm sự độc lập chính thức. Tuy nhiên, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy rằng ngay cả khi mức độ mà người dân Đài Loan xác định họ là người Đài Loan (trái ngược với là người Trung Hoa hoặc là cả Đài Loan và Trung Hoa) đã tăng đáng kể trong 15 năm qua, thì chưa đến 6% dân Đài Loan ủng hộ độc lập ngay khi đó là việc khả thi; đa số dân Đài Loan muốn duy trì hiện trạng vô thời hạn hoặc quyết định vào một ngày sau đó. Tổng thống Đài Loan Tsai Ing-wen, thuộc Đảng Tiến bộ Dân chủ ủng hộ độc lập trên danh nghĩa, đã nhiều lần tuyên bố rằng Đài Loan không cần phải tuyên bố độc lập vì nước này đã là một quốc gia độc lập. Tuy nhiên, Hoa Kỳ sẽ nói rõ rằng cam kết viện trợ cho Đài Loan không phải là vô điều kiện và không nhất thiết sẽ chi trả cho một cuộc khủng hoảng do Đài Bắc khởi xướng.
QUÁ ỠM Ờ
Về mặt chính thức, chính quyền Biden đã chọn duy trì chính sách mơ hồ chiến lược đã có từ lâu. Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Avril Haines nói rằng Trung Hoa sẽ coi việc chuyển hướng khỏi truyền thống đó là “gây bất ổn sâu sắc”. Kurt Campbell, điều hợp viên của Tòa Bạch Ốc phụ trách khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, lập luận rằng sự thay đổi sẽ đem theo “những bất lợi đáng kể”. Nicholas Burns, người mà Biden chọn để trở thành Đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Hoa, gần đây đã nhắc lại rằng chính quyền Mỹ vẫn cam kết với chính sách mơ hồ chiến lược.
Tuy nhiên, trên thực tế, sự mơ hồ chiến lược của chính quyền Biden ngày càng mơ hồ hơn. Vào tháng 8, Biden nhận xét rằng Hoa Kỳ có cùng “cam kết thiêng liêng” với Đài Loan mà họ có với các đồng minh hiệp ước của mình. Chỉ hai tháng sau, Biden được hỏi liệu Hoa Kỳ có bảo vệ Đài Loan nếu Trung Hoa tấn công hòn đảo này hay không. Ông đã trả lời, “Vâng, chúng tôi có cam kết thực hiện điều đó.”
Trong cả hai lần đó, Tòa Bạch Ốc đã vội vàng rút lại các tuyên bố của Biden, gây ra sự nhầm lẫn về bản chất thực sự của chính sách của chính quyền Mỹ hiện nay. Trong khi đó, chính quyền Hoa Kỳ đã thực hiện một số quyết định như cho thấy Mỹ tăng cường cam kết đối với Đài Loan. Ngay cả trước khi Biden nhậm chức, ông đã mời đại diện của Đài Loan đến Hoa Kỳ dự lễ nhậm chức của mình, lần đầu tiên sau bốn mươi năm, một Tổng thống đắc cử của Hoa Kỳ đã mở lời mời như vậy. Trong những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ, chính quyền Trump đã loại bỏ các hạn chế có từ lâu đối với giới chức Hoa Kỳ có liên hệ với đối tác Đài Loan. Thay vì đảo ngược quyết định đó, chính quyền Biden đã đẩy nó đi xa hơn nữa bằng cách gửi đại sứ Hoa Kỳ tại Palau đến thăm Đài Loan, lần đầu tiên một đương kim đại sứ Hoa Kỳ đã làm như vậy kể từ khi Hoa Kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Hoa. Và chính quyền Biden đã nhấn mạnh cam kết “vững chắc” đối với Đài Loan và nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan trong các tuyên bố chung với Nhật Bản, Nam Hàn, Liên minh châu Âu và G-7.
Trước sự mâu thuẫn của Washington, những nước đồng minh của Mỹ đã hướng tới phiên bản rõ ràng chiến lược của riêng họ, có thể đó là một trong những trong nỗ lực nhằm khuyến khích Washington làm điều tương tự. Vào tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản lúc bấy giờ là Nobuo Kishi tuyên bố rằng “hòa bình và ổn định của Đài Loan có liên quan trực tiếp đến Nhật Bản”, dường như ngụ ý rằng Nhật Bản sẽ đáp trả một cuộc tấn công của Trung Hoa vào Đài Loan. Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã lập luận rằng “chiến tuyến của cuộc xung đột giữa chủ nghĩa độc tài và dân chủ là châu Á, và đặc biệt là Đài Loan.” Cựu Thủ tướng Shinzo Abe, người vẫn giữ ảnh hưởng đáng kể trong chính trường Nhật Bản, là người có khuynh hướng tiến bộ nhất, đã thẳng thừng cảnh cáo:
“Tình trạng khẩn cấp ở Đài Loan là trường hợp khẩn cấp của Nhật Bản, và do đó là trường hợp khẩn cấp đối với liên minh Nhật Bản-Hoa Kỳ. Người dân ở Bắc Kinh, đặc biệt là Chủ tịch Tập Cận Bình, không bao giờ nên hiểu lầm khi nhìn nhận điều này.”
Shinzo Abe
Úc còn tiến xa hơn nữa. Vào tháng 11, Bộ trưởng Quốc phòng Peter Dutton đã công khai tuyên bố rằng việc Australia không tham gia cùng Mỹ trong việc bảo vệ Đài Loan là điều không thể tưởng tượng nổi và cảnh cáo rằng việc nhân nhượng trước sự xâm lược của Trung Hoa sẽ dẫn đến một trật tự khu vực mới. Sự yểm trợ này từ hai trong số các đồng minh khu vực quan trọng nhất của Washington cho thấy cái giá của xung dột đang tăng cao như thế nào.
ĐI TÌM SỰ RÕ RÀNG
Hoa Kỳ phải đi kèm với một tuyên bố về sự rõ ràng chiến lược với những nỗ lực chính để chứng tỏ khả năng và ý chí khắc phục sự xâm lược của Trung Hoa. Hơn cả, Washington cần phải coi việc chuẩn bị cho một cuộc xung đột về Đài Loan là ưu tiên hàng đầu của Bộ Quốc phòng và cung cấp tài nguyên cho nó. Điều này có nghĩa là đầu tư vào vũ khí tấn công tầm xa, chuyển thêm quân nhu và quân cụ đến Guam, đồng thời cải thiện tầm hoạt động và khả năng dự phòng của nhưng cơ sở tình báo, giám sát và trinh sát trong khu vực.
Lý tưởng nhất là chính quyền Biden sẽ trang trải những chi phí mới này bằng cách tăng tổng chi tiêu quốc phòng; nếu thất bại, cách duy nhất để chi trả cho phí tổn này là thâu hẹp lại những chiến trường khác, trước nhất là châu Âu và Trung Đông. Tuy nhiên, làm như vậy không phải dễ (hoặc khôn ngoan) trước những thách thức của Nga và Iran hiện nay. Tất cả những điều đó có nghĩa là để ngăn chặn một Trung Hoa có khả năng hơn có thể sẽ đòi hỏi nhiều hơn về mặt tài nguyên quân sự và ngoại giao.
Việc tăng cường phối hợp với Nhật Bản sẽ rất quan trọng, vì đây là hậu cứ của Hoa Kỳ gần Đài Loan nhất, nơi đóng quân của hơn 50.000 lính Mỹ. Hoa Kỳ nên hiện đại hóa cấu trúc chỉ huy và kiểm soát của Mỹ ở Nhật Bản, xép đặt để có sự hiện diện luân phiên của quân đội ở các hòn đảo cực tây của Nhật Bản và thảo luận về việc phân chia trách nhiệm với quốc gia này trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự đối về Đài Loan. Với việc Australia sẵn sàng có lập trường vững chắc về vấn đề này, Washington cũng nên tìm hiểu hợp tác ba bên với Canberra và Tokyo.
Phải không còn nghi ngờ gì nữa khi Trung Hoa tấn công Đài Loan thì Hoa Kỳ sẽ phản ứng mạnh.
Bảo vệ Đài Loan sẽ gây căng thẳng nghiêm trọng cho Hoa Kỳ về mặt hậu cần, nó đòi Mỹ nhanh chóng chuyển nhu yếu phẩm vào khu vực. Ngũ giác đài nên bắt đầu luyện tập cho thử thách đó bằng cách thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận tăng cường lực lượng đến khu vực và chuẩn bị trước các nguồn quân cụ bổ túc ở Guam và Nhật Bản.
Hoa Kỳ cũng cần nói rõ rằng việc Trung Hoa sử dụng vũ lực sẽ không chỉ dẫn đến phản ứng quân sự của Mỹ mà còn khiến sự tăng trưởng kinh tế liên tục của Trung Hoa gặp rủi ro, từ đó có thể đe dọa quyền lực Đảng Cộng sản Trung Hoa đang nắm chặt trong tay. Để đạt được mục tiêu đó, Washington và đồng minh ở châu Âu nên đưa ra một cơ chế trừng phạt để áp dụng trong trường hợp Trung Hoa tấn công — và nên tiết lộ mức độ nghiêm trọng của các biện pháp trừng phạt có thể sử dụng đó cho Trung Hoa biết. Hoa Kỳ cũng cần phát triển một kế hoạch để đối phó với các biện pháp trừng phạt kinh tế mà chính Trung Hoa sẽ áp dụng đối với các nước yểm trợ bảo vệ Đài Loan.
Thừa nhận rằng sự chuyển đổi sang sự rõ ràng có thể sẽ khiến Trung Hoa gia tăng sức ép đối với Đài Loan trong ngắn hạn, Hoa Kỳ cũng nên giúp để Đài Loan kiên cường hơn trước sức ép của Trung Hoa và trở thành một mục tiêu quân sự khó chiếm hơn. Nó gồm việc yểm trợ Đài Loan về an ninh bầu cử và an ninh mạng, đồng thời giúp đảo quốc này đa dạng hóa nền kinh tế bằng cách đàm phán một thỏa thuận thương mại tự do Hoa Kỳ-Đài Loan. Về mặt quân sự, Washington phải tiếp tục thúc ép Đài Bắc tăng chi tiêu quốc phòng, yểm trợ để họ cải tổ các lực lượng trừ bị và đưa ra một sáng kiến viện trợ an ninh bằng tài trợ của Hoa Kỳ cho Đài Loan nếu nước này tự bỏ tiền đầu tư vào các vũ khí phi đối xứng như hỏa tiễn, máy bay không người lái, thủy lôi và tàu tấn công nhanh.
Đồng thời, Hoa Kỳ nên hạn chế những bước đi mang tính biểu tượng mà Bắc Kinh coi là tiền thân của chính sách “một Trung Hoa, một Đài Loan” và điều đó về căn bản sẽ không chuẩn bị giúp cho Đài Loan chống trả một cuộc xâm lăng hoặc làm cho đảo quốc này có khả năng chịu áp lực của Trung Hoa hơn. Chiến hạm Mỹ nên hạn chế việc ghé thăm những hải cảng của Đài Loan và các cuộc tập trận quân sự song phương nên tiếp tục nhưng cần giữ im lặng. Giới ngoại giao Hoa Kỳ nên gặp gỡ những người đồng cấp của Đài Loan nhưng dù làm như vậy nhưng không cần thông báo mọi cuộc gặp với thế giới. Và các thành viên của Quốc hội nên kiềm chế việc khẳng định quan tâm của Hoa Kỳ về việc giữ Đài Loan tách biệt với Hoa lục, thay vào đó nhấn mạnh rằng bất kỳ giải pháp nào về sự khác biệt xuyên eo biển phải được thực hiện với sự đồng ý của người dân Đài Loan.
ĐIỀU CHỈNH ĐỂ DUY TRÌ HIỆN TRẠNG
Dù chính quyền Biden có theo đuổi chính sách rõ ràng về chiến lược hay không, thì phải không còn nghi ngờ gì nữa ngay trong chính phủ Hoa Kỳ là nếu Trung Hoa tấn công Đài Loan thì Hoa Kỳ sẽ phản ứng mạnh. Nếu không làm như vậy rất có thể dẫn đến việc làm đổ vỡ mạng lưới đồng minh Hoa Kỳ ở châu Á và làm suy yếu không thể đảo ngược được vị thế của Washington trong khu vực năng động nhất về kinh tế trên thế giới. 24 triệu người dân Đài Loan sẽ thấy nền dân chủ khó giành được của họ bị nghiền nát. Trung Hoa sẽ trở thành trung tâm sản xuất chất bán dẫn chính của thế giới và là đối tác thương mại lớn thứ chín của Hoa Kỳ. Đồng minh của Mỹ như Australia, Nhật Bản và Nam Hàn có thể sẽ thích ứng với Trung Hoa hoặc tìm cách trở nên tự chủ về mặt chiến lược. Những đối tác mới nổi của Hoa Kỳ, chẳng hạn như Ấn Độ và Việt Nam, có thể sẽ tính toán tương tự. Phổ biến vũ khí hạt nhân sẽ trở thành một mối nguy hiểm thực sự. Ảnh hưởng của Mỹ sẽ suy giảm, và ổn định khu vực sẽ bị ảnh hưởng. Trung Hoa, khi phá vỡ cái gọi là chuỗi đảo đầu tiên vốn có truyền thống là viền ngăn cản sức mạnh quân đội của họ, sẽ có thể phát triển sức mạnh trên khắp Tây Thái Bình Dương và gây ra mối đe dọa nghiêm trọng hơn đối với Guam và Hawaii. Quay lưng, đứng sang một bên khi đối diện với sự xâm lăng của Trung Hoa sẽ phá vỡ trật tự quốc tế mà Hoa Kỳ đã dày công xây dựng trong 3/4 thế kỷ qua.
Khi Nga tăng cường quân đội ở biên giới với Ukraine, cũng cần thảo luận về lý do tại sao Mỹ nên bảo vệ Đài Loan nhưng không gửi lực lượng vũ trang đến bảo vệ Ukraine. Ở cả hai khu vực, địa hình đều bất lợi cho những lựa chọn quân sự của Hoa Kỳ, và trong cả hai trường hợp, Hoa Kỳ đều không bị ràng buộc vì một cam kết an ninh chặt chẽ. Nhưng trong trường hợp của Ukraine, những nước đồng minh và đối tác của Mỹ không chuẩn bị sẵn sàng để chống lại một cuộc tấn công của Nga và cũng không mong đợi Hoa Kỳ làm như vậy. Với Đài Loan, ngược lại, đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ trong khu vực đều chuẩn bị sẵn sàng để chống lại sự xâm lăng của Trung Hoa và có mọi hy vọng và kỳ vọng rằng Hoa Kỳ sẽ có mặt ở đó với họ để làm nản lòng bất kỳ nỗ lực bá chủ khu vực nào của Trung Hoa. Kết quả là có những lựa chọn quân sự khả thi ở châu Á.
Tất nhiên, một cuộc chiến tranh với Trung Hoa về Đài Loan sẽ là thảm họa ngay cả khi phải dậy cho Trung Hoa một bài học. Đó là lý do tại sao, bất chấp sự thất vọng ngày càng tăng trong một quốc gia về việc Hoa Kỳ không duy trì quan hệ ngoại giao với Đài Loan, Washington nên tránh những lời kêu gọi coi Đài Loan như một quốc gia có chủ quyền, điều này có khả năng gây ra chiến tranh. Mặt khác, những người cho rằng Hoa Kỳ nên dứt bỏ Đài Loan, về căn bản họ thường không cân nhắc xem khu vực — và thế giới — sẽ như thế nào sau một ngày Trung Hoa cưỡng chiếm Đài Loan.
Cho đến nay, răn đe để tránh xẩy ra cuộc chiến là lựa chọn tốt nhất. Đây là một cách khác để nói là Hoa Kỳ nên tìm cách duy trì hiện trạng. Tuy nhiên, hiện trạng không phải là tĩnh và Washington cần phải sang số để duy trì nó. Sự mơ hồ chiến lược là một cách chiến thuật khôn ngoan và hiệu quả trong nhiều chục năm; Tuy nhiên, bây giờ, nó đã hoàn thành nhiệm vụ. Sự rõ ràng về cam kết của Hoa Kỳ với Đài Loan sẽ đẩy một số trong giới hoạch định chính sách Mỹ ra khỏi vùng thoải mái của họ. Nhưng đó là cách duy nhất để tăng cường khả năng răn đe [Trung Hoa], trấn an đồng minh, bảo vệ Đài Loan và bảo vệ lợi ích của Hoa Kỳ. Bây giờ là lúc cần phải trong sáng về sự rõ ràng trong chiến lược.
TÁC GIẢ
Tiến sĩ Richard Haass là một chuyên gia ngoại giao kỳ cựu, một tiếng nói nổi bật về chính sách đối ngoại của Mỹ, và là một nhân vật lãnh đạo lâu đời của các tổ chức phi lợi nhuận. Ông là chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, năm thứ 19, một tổ chức tư vấn độc lập, phi đảng phái, nhà xuất bản và tổ chức giáo dục phần chính để giúp mọi người hiểu rõ hơn về thế giới và những chính sách đối ngoại mà Hoa Kỳ và các quốc gia khác phải lựa chọn. Ông là tác giả cuốn The World: A Brief Introduction.
David Sacks là chuyên gia nghiên cứu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại; công việc của ông tập trung vào quan hệ Hoa Kỳ-Trung Hoa, quan hệ Hoa Kỳ-Đài Loan, chính sách đối ngoại của Trung Quốc, quan hệ xuyên eo biển và tư tưởng chính trị của Hans Morgenthau. Ông từng là Phụ tá Đặc biệt cho Tổng thống phụ trách Nghiên cứu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại.
© 2021 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: The Growing Danger of U.S. Ambiguity on Taiwan. Biden Must Make America’s Commitment Clear to China—and the World | Richard Haass and David Sacks | Foreign Affairs | December 13, 2021.