Luật 21 của Quebec đối với thiểu số và Hiến pháp quốc gia
Quebec đang dùng Hiến pháp để lấy đi quyền của người thiểu số
Althia Raj | DCVOnline
Việc gì sẽ xảy ra nếu điều đó trở thành tiêu chuẩn?
Có lẽ đã đến lúc bắt đầu một cuộc thảo luận toàn quốc về việc dùng điều khoản bất chấp (notwithstanding clause), và làm thế nào để ngăn đa số dùng vị trí đó để hạn chế quyền của người thiểu số.
Fatemeh Anvari đã khơi mào một cuộc thảo luận trên cả nước.
Mới đây cô giáo của trường tiểu học ở Chelsea, Que., bị đổi công tác không còn được dạy học trong lớp vì dội khăn trùm đầu, đã cho thấy mặt con người mất việc vì Luật 21, luật Quebec ngăn cản những người đeo biểu tượng tôn giáo làm một số công việc trong khu vực công.
Luật này phổ biến ở Quebec, và Thủ tướng của tỉnh bang, François Legault, lại vừa lên tiếng bảo vệ nó vào thứ Hai cho là hợp lý và quan trọng để bảo tồn chủ nghĩa thế tục và vẻ trung lập.
Legault nói với các phóng viên: “Mọi người có thể đi dạy nếu họ cởi bỏ biểu tượng tôn giáo khi giảng dạy, và khi họ ra đường, ở nhà, họ có thể dùng biểu tượng tôn giáo.”
Cha mẹ học sinh Trường Tiểu học Chelsea bị sốc và muốn dùng sự phẫn nộ của họ để làm sáng tỏ sự bất công của Luật 21.
Nhưng một dân biểu liên bang thuộc Đảng Tự do ở Quebec hy vọng trường hợp của Anvari sẽ thúc đẩy mọi người suy nghĩ rộng ra hơn. Anthony Housefather muốn có một cuộc thảo luận toàn quốc về việc dùng điều khoản bất chấp, và làm thế nào để ngăn đa số dùng lợi thế đó để hạn chế quyền của thiểu số.
Anvari mất việc dạy học vì Legault đã dùng trước điều khoản bất chấp của Hiến chương Quyền và Tự do, mục 33, cho phép chính quyền Quebec chà đạp các quyền cơ bản và che chắn cho hành động đó trước tòa án. (Quebec đang làm như vậy một lần nữa với Dự luật Ngôn ngữ 96.)
Dân biểu khu vực Mount Royal nói với tôi, “Tôi không ngây thơ về vấn đề này.” Việc sửa đổi Hiến pháp để bổ túc các thông số quanh điều khoản bất chấp hoặc loại bỏ hoàn toàn điều khoản này cần có sự chấp thuận của ít nhất bảy tỉnh bang đại diện cho 50% dân số Canada. Lựa chọn trực tiếp duy nhất khác là quyền không cho phép (power of disallowance) của Ottawa, đã dùng lần cuối để vô hiệu hóa luật cấp tỉnh bang vào năm 1943.
Nhưng Housefather nghĩ rằng một hội nghị với các học giả pháp luậy hoặc một ủy ban của Hạ viện có thể khám phá:
- điều khoản bất chấp có nên được áp dụng với đa số phiếu đơn giản hay không;
- liệu điều khoản phủ quyết đó có thể phủ quyết những quyền tự do cơ bản, chẳng hạn như về lương tâm, tôn giáo, phát biểu và lập hội, ở phần 2 của Hiến chương hay không;
- liệu điều khoản bất chấp có nên được dùng phủ đầu hay không.
Dân biểu Housefather lập luận rằng việc dùng phủ đầu không phải là điều mà các nhà lập hiếng nghĩ đến, vào năm 1981, khi điều khoản bất chấp được đưa vào Hiến chương để giải tỏa bế tắc giữa một số thủ tướng và Ottawa.
Theo Thư viện Quốc hội, Allan Blakeney, thủ tướng Saskatchewan khi đó, gọi cách giải quyết này là biện pháp cho phép Quốc hội và các cơ quan lập pháp “phủ quyết án lệnh của tòa án”. Roy McMurtry, tổng chưởng lý của Ontario, đã viết rằng điều khoản bất chấp sẽ được dùng “trong trường hợp hiếm có là quyết định của tòa án rõ ràng là đi ngược lại với lợi ích công.”
Housefather hy vọng cuộc thảo luận có thể vượt ra khỏi sự tập trung vào Quebec.
“Luật 21 là một vấn đề của Quebec, nhưng điều khoản bất chấp và khả năng của bất kỳ cơ quan lập pháp nào để phủ quyết các quyền căn bản không phải là vấn đề của Quebec. Đó là một vấn đề quốc gia.”
Anthony Housefather
Thủ tướng tỉnh bang Ontario Doug Ford đã dùng điều khoản bất chấp hồi tháng 6 này để đưa trở lại dự luật chi tiêu cho cuộc bầu cử của bên thứ ba đã bị tòa án bãi bỏ. Trước đó, ông đã đe dọa sẽ dùng điều khoản này nếu tòa án ngăn cản ông can thiệp vào cuộc bầu cử thành phố bằng cách thay đổi kích cỡ của hội đồng thành phố Toronto. Thủ tướng Alberta Jason Kenney đã toan tính về việc viện dẫn mục 33, và năm ngoái, Dân biểu tỉnh bang New Brunswick đã bỏ phiếu để loại bỏ điều khoản bất chấp khỏi dự luật bắt buộc chích ngừa cho trẻ em ở trường học và nhà trẻ.
Trọng tâm của vấn đề là việc muốc được Tối cao Pháp viện xét lại một quyết định năm 1988 đã giải thích rất rộng rãi điều khoản bất chấp. Hồi đó, tòa án đang xét xử một vụ án từ đầu những năm 80. Robert Leckey, Khoa trưởng trường Luật tại Đại học McGill cho biết:
“Hiến chương còn quá mới và vì vậy ý nghĩ cho rằng tòa án đã làm đúng vào năm 1988 để nó tồn tại mãi, không có nghĩa lý đối với tôi.”
Robert Leckey
Tòa án cấp cao nhất đã thay đổi quan điểm về thương lượng tập thể và gần đây là trường hợp được chết với sự hỗ trợ y khoa. Ottawa có thể tham khảo với Tối cao Pháp viện, mặc dù Leckey tin rằng một cách giải quyết mang tính chiến lược hơn là sự can thiệp ở Tòa phúc thẩm Quebec.
Mối quan tâm lớn của ông là điều khoản bất chấp được bình thường hóa, khiến người dân Canada không còn bị sốc khi dùng nó, và do đó, cái giá phải trả về mặt chính trị để viện dẫn nó sẽ quá hời. Ông ấy nó điều đó thực sự nguy hiểm.
Vì vậy, nếu một cuộc thảo luận toàn quốc có thể giúp tranh luận về việc dùng điều khoản bất chấp một cách hợp pháp và bất hợp pháp, thì Leckey ủng hộ việc đó.
“Nhiều người có ý thức rằng bạn không nên dùng (điều khoản bất chấp) để cho phép tra tấn, nhưng không có gì trong mục 33 hoặc phán quyết của Tối cao Pháp viện có thể cho chúng ta biết điều đó.”
Robert Leckey
Justin Trudeau nói ông tạm đứng ngoài cuộc chiến về Luật 21 của Quebec
Tonda MacCharles | DCVOnline
Thủ tướng Justin Trudeau nói rằng ông sẽ không can thiệp ngay vào cuộc tranh luận của Quebec về Luật 21 vì ông không muốn chính phủ Quebec vũ khí hóa chính trị bất kỳ sự can thiệp nào của chính phủ liên bang.
OTTAWA — Thủ tướng Justin Trudeau nói rằng ông sẽ không can thiệp ngay vào cuộc tranh luận của Quebec về Luật 21 vì ông không muốn chính phủ Quebec vũ khí hóa chính trị bất kỳ sự can thiệp nào của chính phủ liên bang.
Tại một cuộc họp báo ở Ottawa, Trudeau đã đưa ra lời giải thích rõ ràng đầu tiên về lý do tại sao chính phủ Tự do của ông đã áp dụng cách giải quyếtn không động tay đến đạo luật của tỉnh bang cấm nhiều công chức như giáo viên mặc trang phục biểu tượng tôn giáo như khăn trùm đầu, kippo hoặc cây thánh giá.
Trong tình trạng náo động ở Chelsea, Quebec gần Ottawa về việc một giáo viên tiểu học Fatemeh Anvari, bị thuyên chuyển công tác ra khỏ lớp học, một số dân biểu Đảng Tự do và ngay cả Đại sứ Canada tại Liên hiệp quốc Bob Rae, đã thẳng thừng hơn thủ tướng trong việc chỉ trích cái được gọi là đạo luật chủ nghĩa thế tục.
Hôm thứ Hai, Trudeau nói rằng ông không muốn trao cho Thủ tướng Quebec François Legault một cái nêm chính trị để dùng nó chống lại những người đấu tranh để ngăn chặn Luật 21. Ông nói,“Tôi hoàn toàn không đồng ý với luật này.”
Và trong trường hợp một giáo viên bị thuyên chuyển ra khỏi lớp học ở Chelsea, Quebec, vì đeo khăn trùm đầu, Trudeau nói
“Rõ ràng là có rất nhiều người trong cả nước, và nhiều người Quebec cũng vậy, đang tự hỏi những câu hỏi khó mà họ nên tự hỏi: đạo luật này có hợp lý hay không?” Justin Trudeau
Nhưng Trudeau cho biết, khi một vụ kiện trước tòa án hiện đang tiến hành để đi qua tiến trình pháp lý, điều quan trọng là
“… không cho cơ hội viện cớ để gây ra một cuộc chiến giữa Ottawa và Quebec … và để bảo đảm rằng chính những người Quebec rất rất không đồng ý với thực tế rằng ai đó có thể mất việc vì tôn giáo của họ, và không để cho chính phủ Quebec có lý do cho rằng đây là sự can thiệp của liên bang nhưng chỉ cần nói không, người dân Quebec không đồng ý với nguyên lý cho rằng một phụ nữ trẻ có thể bị mất việc làm, một giáo viên đã làm rất tốt công việc của mình, [đã mất việc] chì vì tôn giáo của cô ấy.”
Justin Trudeau
Giới lãnh đạo những chính đảng liên bang không thích chỉ trích trực tiếp chính phủ Liên minh Avenir Québec (CAQ) đã thông qua luật với sự ủng hộ của Parti Québécois. Lãnh đạo đảng Bảo thủ Liên bang Erin O’Toole nói rằng ông sẽ không phê chuẩn một đạo luật như vậy trên toàn liên bang, cũng như không thách thức quyền lập pháp chủ nghĩa thế tục của một tỉnh bang. Lãnh đạo đang NDP Liên bang Jagmeet Singh cho biết ông hiểu cảm giác bị đối xử khác biệt vì vẻ bề ngoài là như thế nào, nhưng không lên án luật hay Quốc hội Quebec đã thông qua luật này.
Luật 21 đã được cơ quan lập pháp Quebec thông qua vào tháng 6 năm 2019 nhưng đang bị Hội đồng Quốc gia người Hồi giáo Canada và Hội Tự do Dân sự Canada phản đối trước tòa vì vi phạm hiến chương Quebec và Canada đảm bảo quyền tự do tôn giáo và tự do bày tỏ.
Họ đã thắng được một phần vào đầu năm nay khi một thẩm phán tòa thượng thẩm ở Quebec miễn trừ áp dụng Luật 21 tại các trường dạy tiếng Anh — một án lệnh mà chính phủ Quebec đang kháng cáo.
Nhưng chính phủ Legault đã viện dẫn “điều khoản bất chấp” — một lối thoát của hiến pháp — để Luật 21 không phải áp dụng Hiến chương Nhân quyền trong 5 năm.
Cho đến nay, Trudeau phần lớn để cuộc tranh đấu chống lại Luật 21 cho ngườ Quebecers, nói rằng chính phủ của ông có thể chỉ can thiệp khi, như dự định, vấn đề lên đến Tối cao Pháp viện Canada.
Nhưng khi trả lời các câu hỏi về lý do tại sao các dân biểu đảng Tự do ở Quốc hội lại lên tiếng nói nhiều hơn ông, Trudeau tỏ ra biện bạch.
“Tôi đã luôn nói rất rõ ràng rằng tôi hoàn toàn không đồng ý với Luật 21. Tôi không thấy rằng trong xã hội cởi mở tự do mà ai đó có thể mất việc vì tôn giáo của họ. Đây không còn là vấn đề lý thuyết nữa.”
Justin Trudeau
Ông dùng trường hợp của Anvari tiêu biểu cho một “người đã mất việc làm vì tôn giáo của cô ấy.”
Trudeau cho biết, “Người dân Quebec là những người bảo vệ cho quyền tự do ngôn luận, bình đẳng giới, tự do lương tâm” và “rất lo ngại về thực tế là trong một xã hội tự do và cởi mở, ai đó có thể mất việc vì tôn giáo của họ.”
Nhưng ông nói rằng chính phủ của ông không loại trừ khả năng “can thiệp với tư cách là chính phủ liên bang vào một thời điểm nào đó.”
Rae, đặc phái viên của Trudeau tại LHQ và là cựu lãnh đạo lâm thời của Đảng Tự do, đã tweet vào Chủ nhật
“Luật này có ý nghĩa phân biệt đối xử sâu sắc. Rõ ràng là nó đi ngược lại với Tuyên ngôn Thế giới về Nhân quyền.”
Bob Rae
Tại Hạ viện ở Ottawa, Khối Québécois bày tỏ sự phẫn nộ trước điều mà dân biểu Alain Therrien gọi là “sự trù dập Quebec” của không chỉ những người đảng Tự do, mà cả những người đảng Bảo thủ ngoài Quebec. Ông yêu cầu Ottawa công nhận luật đã được “thông qua một cách dân chủ” và “không phân biệt đối xử với bất cứ ai” bởi vì nó áp dụng như nhau cho tất cả người dân Quebec. Ông nói,
“Chúng tôi phát điên lên vì tất cả những chuyện đó.”
Alain Therrien
Tác giả | Tonda MacCharles là một phóng viên ở Ottawa đưa tin về chính trị liên bang cho tờ Star. Theo dõi bà ấy trên Twitter: @tondamacc
© 2021 DCVOnline Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Quebec is using the Constitution to take away the rights of minorities. What if that becomes the norm? | Althia Raj | The Star | December 13, 2021
Justin Trudeau says he is staying out of the fight over Quebec’s Bill 21 — for now | Tonda MacCharles | The Star | December 13, 2021