Dự luật 96: Một cuộc tấn công vào công lý và những quyền căn bản

Robert Leckey | DCVOnline

Với Dự luật 96, chính phủ Quebec báo hiệu rằng việc bảo vệ tiếng Pháp xung khắc với những quyền căn bản.

Policy Option

Mùa hè và cuộc tổng tuyển cử ở Quebec đang diễn ra nhanh chóng và chính phủ Legault đang vội vàng thông qua Dự luật 96, một Đạo luật tôn trọng tiếng Pháp, ngôn ngữ chính thức và thông dụng của Québec. Đổi mới này, nhằm mục đích bảo vệ và quảng bá tiếng Pháp, có nhiều thành phần và rõ ràng là những cuộc tranh luận công khai đã bỏ qua một số trong những thành phần đó. Ảnh hưởng của dự luật đối với các dịch vụ công đối với những người mới định cư và đối với các CÉGEP dạy bằng tiếng Anh đã được thảo luận. Ở đây, tôi sẽ tập trung vào những ảnh hưởng đáng lo ngại của Dự luật 96 đối với việc thực thi công lý cũng như những quyền và tự do căn bản của chúng ta.

Nền tư pháp song ngữ bị đe dọa

Thứ nhất, hoạt động song ngữ của hệ thống tòa án của tỉnh bang bị đe dọa. Mục 133 của Hiến pháp, 1867 cho phép sử dụng tiếng Anh và tiếng Pháp tại các tòa án Quebec. Hơn nữa, mục 530 của Bộ luật Hình sự bảo đảm cho mỗi người bị buộc tội quyền được xét xử do một thẩm phán nói ngôn ngữ chính thức mà bị cáo đã chọn. Trong khi ở Quebec, bảo đảm này mang lại lợi ích cho những người nói tiếng Anh, ở phần còn lại của Canada, bảo đảm này mang lại lợi ích cho những người nói tiếng Pháp.

Kết quả là hệ thống tư pháp cần có nhiều thẩm phán song ngữ, với nhu cầu ngôn ngữ khác nhau giữa các khu vực tư pháp. Hiện tại, chánh án của Tòa án Quebec đánh giá nhu cầu ngôn ngữ của từng khu vực, quyết định nơi nào các ứng cử viên thẩm phán phải nói được song ngữ để tôn trọng các yêu cầu của hiến pháp. Các chính phủ tiền nhiệm, cả Péquiste và Liberal, đều chấp nhận thỏa thuận này.

Nhưng Dự luật 96 như được sửa đổi gần đây sẽ bổ túc quy trình này. Theo các sửa đổi, kiến thức về một ngôn ngữ không phải là ngôn ngữ chính thức của Quebec, tiếng Pháp, thường không thể xem là cần thiết trong tiến trình lựa chọn các ứng cử viên tư pháp. Nó chỉ có thể xem là cần thiết nếu bộ trưởng tư pháp quyết định như vậy sau khi tham khảo ý kiến của bộ trưởng Pháp ngữ — hiện là một người — và sau khi mọi biện pháp hợp lý đã thực hiện để tránh yêu cầu ứng viên phải nói được song ngữ. Đánh giá của chánh án — người hiểu rõ những nhu cầu ở hệ thống tòa án hơn bất kỳ ai khác — bị loại ra ngoài. Thay đổi này dự đoán có thể sẽ làm giảm khả năng của tòa án trong việc tôn trọng các quyền hiến định của cá nhân.

Việc cắt giảm quyền hạn của chánh án về mặt này có vi phạm nguyên tắc hiến pháp về độc lập tư pháp không? Câu hỏi đặt ra vì nguyên tắc này gồm cả một khía cạnh độc lập về thể chế, bảo vệ cơ quan tư pháp khỏi sự can thiệp chính trị.

Đối với việc điều hành tư pháp, luật mới sẽ yêu cầu bản dịch tiếng Pháp của những lời biện hộ được soạn thảo bằng tiếng Anh. Hơn nữa, nhiều án lệnh soạn thảo bằng tiếng Anh sẽ không được nộp cho tòa cho đến khi có bản dịch tiếng Pháp. Sự gia tăng chi phí, nặng nề về hành chính và thời gian thực hiện lâu hơn là điều hiển nhiên. Và Quebec đã vất vả để cung cấp một cách thỏa đáng quyền tiếp cận công lý bằng tiếng Anh, do sự đầu tư không đủ của chính phủ vào việc dịch thuật pháp lý.

Khi sự bảo vệ tiếng Pháp tấn công các quyền căn bản

Ngoài ra, Dự luật 96 còn dẫn điều khoản bất chấp (the notwithstanding clause / la clause dérogatoire, hay la Clause nonobstant) của Hiến chương về Quyền và Tự do của Canada và Hiến chương về Quyền và Tự do của Con người, hay còn được gọi là Hiến chương Quebec. Chính phủ đã lặp lại việc áp dụng rộng rãi, trước hết các điều khoản trong Luật 21 của họ, một Đạo luật tôn trọng sự tách biệt của Nhà nước với tôn giáo, một cách sử dụng được thẩm phán Blanchard trong án lệnh Hak gọi là “bất cẩn và bừa bãi”.

Do đó, chính phủ báo hiệu rằng việc bảo vệ tiếng Pháp không phải là mục đích xã hội tương thích với các quyền căn bản.

Ngược lại, việc đề cao tiếng Pháp là đối nghịch với các quyền căn bản. Đối với việc bảo vệ những quyền căn bản do những tòa án độc lập của chúng ta thì đó là một trở ngại cho việc theo đuổi ý chí của đa số.

Ví dụ: nhờ điều khoản bất chấp, bất kỳ cuộc điều tra nào của chính phủ về việc các doanh nghiệp tôn trọng trách nhiệm ngôn ngữ  (bảo vệ tiếng Pháp) của họ có thể diễn ra bất chấp quyền của mọi người, đã xác định trong hai Hiến chương, đều có quyền không bị khám xét và thu giữ bất hợp lý.

Nhu cầu bảo vệ và quảng bá tiếng Pháp ở Quebec — vốn có giá trị như vậy — không phải là việc tạm thời. Cũng không phải là phương thuốc mà Bill 96 đang thiết lập. Sự lâu dài định trước này của những đổi mới khiến sự mâu thuẫn của nó đối với các quyền căn bản của chúng ta càng trở nên đáng lo ngại hơn.

Trong một xã hội Quebec tự do, hòa nhập, khoan dung và đa nguyên, việc quảng bá di sản vô giá của ngôn ngữ Pháp có cần phải chống đối lại những quyền và tự do căn bản hay không? Trong nhiều chục năm, Hiến chương Quebec — sự ra đời của Quốc hội và là hiện thân của những bảo đảm căn bản của luật pháp quốc tế — được trân trọng như một dấu ấn của một xã hội Quebec tự do và hào phóng. Chính phủ của chúng ta đã quên rồi sao?

Tác giả | Robert Leckey

Luật sư danh dự của Luật sư đoàn Québec, Robert Leckey là trưởng khoa Luật của Đại học McGill và và giáo sư Samuel Gale. Twitter @DeanLeckey

© 2022 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn:  Bill 96: An attack on justice and fundamental rights | Robert Leckey | Polici Option | May 20, 2022