Bao giờ “trên cành khô hoa nở”?

Trung Quan Do

klNhiều chục năm sau. Khi chính sách trong nước đã phần nào thay đổi những ân oán cũ tưởng đã phai nhạt với thời gian. Nhưng không hẳn thế. 

[Nhân sự kiện tin đồn Khánh Ly về hát tại Việt Nam]

Ca khúc lừng lẫy ngay khi ra đời “Diễm xưa” của Trịnh Công Sơn tiếc thay lại không phải ấn tượng dữ dội nhất với một thiếu niên 15 tuổi. Tiếng hát của Khánh Ly trong ký ức tôi khi đang lớn lại luôn gắn liền hình ảnh một thành phố Sài Gòn vắng lặng của giới nghiêm, ầm ì tiếng đại bác vọng về và ánh hỏa châu trôi lững lờ, thắp sáng chỉ trong khoảnh khắc cái khoảng sân đầy bóng tối của nhà mình những năm Mậu Thân 1968.

Đêm đêm áp tai vào hầm cát nghe tiếng hát Khánh Ly vẳng từ đâu đó bên hàng xóm, “Đại bác đêm đêm dội về thành phố người phu quét đường dừng chổi đứng nghe…” buồn, đẹp và u uất khó giải thích với một người chưa đủ trưởng thành. Nhưng cứ thích áp tai nhiều đêm như thế vào thành vách ẩm ướt của hầm cát nồng mùi chiến tranh. Có lẽ chúng tôi là thế hệ không có tuổi trẻ hay đúng hơn là một tuổi trẻ vội vàng đi qua trong nhiều thảng thốt. Cái chết, bom đạn không còn nơi ruộng đồng xa thẳm. Nó vào thẳng thành phố ngổn ngang xác chết từng ngày.
Và tiếng hát Khánh Ly…

Vài chục năm sau hòa bình, 1997, tôi và một vài bạn bè đồng nghiệp khác lại thu xếp giấy tờ, vật dụng rời khỏi tờ báo đang rất lừng lẫy của Sài Gòn: Báo Tuổi Trẻ. Cuộc ra đi chỉ vì 3 nhân vật. Hai còn ở nước ngoài, một đã về để trình diễn nghệ thuật: Ns Phạm Duy, Khánh Ly và Thủy Ea Sola, tác giả của “Hạn hán & cơn mưa” vở múa mà các nhân vật hầu như bất động hoàn toàn lại gây thành những cơn chấn động gây tranh cãi về “vấn đề tư tưởng”. Lên án vở múa đương đại ấy tạo thành cơn sóng lớn trên truyền thông & báo chí ngày ấy.

Chúng tôi ở phía ủng hộ sự hòa giải và sáng tạo trong nghệ thuật. Cầm đèn chạy trước ô tô rồi. Phải ra đi thôi.

Nhưng đấy chỉ là giọt nước tràn ly. Trước đó là những bài viết của Tuấn Khanh – người sẽ thành nhạc sĩ tên tuổi sau này. Anh và tôi cùng quan điểm ủng hộ sự trở về của ns Phạm Duy và nhắc đến giọng hát Khánh Ly trong những bài viết có liên quan đến nhạc Trịnh thời đểm ấy. Khi đó, trong bài báo hai cái tên ấy luôn phải viết tắt: PD – KL. nhưng viết tắt những nhân vật được xem nằm trong phạm trù “taboo – cấm kỵ ” những năm 1995 – 1996 cũng đã là hé lộ quan điểm riêng của mình. Sự phản ứng có ngay trong Tuổi Trẻ và cũng đến từ Hội âm nhạc Tp [Sài Gòn – DCVOnline]. Không thể chọn thái độ “nói ngược lại” những điều mình đã viết. Chúng tôi khoác vai nhau ra khỏi cổng tờ báo mình yêu quí và cũng đã góp phần cho manchette(1) vững mạnh của nó.

Chuyện cũ, nhắc lại trong tình thần không hờn giận ai. Hàng chục năm đã qua. Những nhân vật không đồng quan điểm ngày xưa với chúng tôi, nay có nhiều người đã gặp gỡ, ca ngợi tác phẩm và sự đóng góp lớn lao của Phạm Duy với nền âm nhạc Việt Nam. Đấy cũng là điều công bằng và dù muộn màng cũng vẫn là điều đáng quý trong cái tinh thần hòa giải mà không ít người phải chịu trả giá.

Cuộc chiến tranh ý thức hệ kéo dài 30 năm đã để lại cho thành phố Sài Gòn, đồng thời cũng là thủ đô của Nam Việt Nam [Việt Nam Cộng hòa – DCVOnline] những hệ lụy thuộc về lịch sử. Đấy là thành phố “được” giải phóng và trước khi “được giải phóng” ngay trong lòng của nó đã có những cuộc tương tàn. Những cuộc chống cộng bên cạnh những phong trào phản chiến chống Mỹ. Âm nhạc không ra khỏi cuộc chiến tranh ấy. Nếu có phong trào “Hát cho đồng bào tôi”(2) mà ý thức hệ chính trị nghiêng rõ về cánh tả, thì phong trào “Du ca” mà Phạm Duy như một trong những thủ lĩnh uy tín cũng như một đối trọng nặng ký(3). Sau 1975, những nhạc sĩ phong trào SVHS chính thức lộ diện là những đảng viên cộng sản thì những nhạc sĩ phía bên kia chiến tuyến nhiều người cũng vác balo vào trại cải tạo hay âm thầm “Gánh dầu ra biển”.

Từ trái: Phạm Duy, Khánh Ly, Eo Sola Thủy. Nguồn ảnh: OntheNet.
Từ trái: Phạm Duy, Khánh Ly, Eo Sola Thủy. Nguồn ảnh: OntheNet.

Nhiều chục năm sau. Khi chính sách trong nước đã phần nào thay đổi những ân oán cũ tưởng đã phai nhạt với thời gian. Nhưng không hẳn thế. Chính sách là ở nơi cao vời. Phép vua vẫn thua lệ làng, những ân oán vẫn nằm ngay trong lòng người. Kêu gọi hòa giải không dễ dàng và đơn giản và dù cả hai phía trong nước lẫn hải ngoại theo thời gian đều đã có những cuộc đi lại, ca hát tưởng rất đương nhiên và bình thường. Nhưng sóng ngầm ân oán vẫn còn cuộn chảy đâu đó ở nơi này nơi kia. Những Trần Long Ẩn, Tôn Thất Lập…, nay đang là chức sắc của Hội âm nhạc Việt Nam chắc chắn không bao giờ có mặt trong những đêm ca khúc của Phạm Duy hôm nay tại Sài Gòn. Không khó hiểu và cũng không thể trách họ. Nhưng nó lý giải phần nào câu hỏi tại sao người này thì được, người nọ thì không?

Dù đã về SG 2 lần nhưng đều trong im lặng, Khánh Ly rồi cũng sẽ có ngày sau những đêm ca hát lại thong dong đi dạo trên đường phố Sài Gòn thăm lại phố phường và cái phòng trà mang tên chị ngày xưa trên đường Tự Do nay là Đồng Khởi. Hay chị lặng lẽ thắp một nén hương trước mộ phần của người nhạc sĩ đã song hành cùng chị trên con đường nghệ thuật chưa từng đứt quãng. Đông đảo người yêu mến giọng hát chị hẳn cũng mong điều ấy sớm thành.

Nhưng để sớm thành thì trong lòng những con người nào đó đang cầm nắm tư tưởng, chính trị, nghệ thuật của thành phố Hồ Chí Minh bỗng một hôm nhận ra để kêu lên thảng thốt, “A! Trên cành khô hoa nở [Phạm Duy].” Mà điều ấy vẫn còn xa vời lắm.


Nguồn: Bao giờ “Trên cành khô hoa nở?” By Trung Quan Do [tác giả bài thơ Quê hương]. Facebooke September 27, 2012. DCVOnline biên tập, minh họa và chú thích.

(1) Đầu đề chữ lớn (ở trang nhất tờ báo).
(2) Tên gọi đúng là phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe”. “Hát cho đồng bào tôi nghe” ban đầu là một phong trào tự phát, rồi sau có tổ chức dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Phong trào gồm một số nhạc sĩ, thi sĩ tiêu biểu là Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, La Hữu Vang, Nguyễn Phú Yên, Trương Quốc Khánh, Nguyễn Xuân Tân, Nguyễn Nam, Nguyễn Văn Sanh, Trần Xuân Tiến, Miên Đức Thắng, Lê Văn Ngăn, Lê Gành, Trần Vàng Sao, Trần Phá Nhạc, Đông Trình, Đoàn Khắc Xuyên, Hoàng Nghĩa…

Đồng chí Nguyễn Trọng Xuất (Sáu Nhân), nguyên Ủy viên Ban Tuyên huấn Khu ủy Sài Gòn – Gia Định lúc đó, cho biết: Ban Tuyên huấn Khu ủy đánh giá Phong trào“Hát cho đồng bào tôi nghe” có tác dụng rất lớn trong việc truyền bá sâu rộng về ý chí, phong trào yêu nước ở các đô thị. Phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” đã kéo dài cho đến ngày Đại thắng Mùa Xuân 1975 với hàng trăm bài hát, bài thơ, múa, kịch mang đậm tinh thần yêu nước, đấu tranh vì hoà bình-tự do, thống nhất Tổ quốc; đã lay động trái tim và tinh thần dân tộc của nhiều thế hệ, nhiều lứa tuổi khác nhau ở Sài Gòn và các đô thị miền Nam từ những năm 1968 – 1975. Với “Những đêm không ngủ”, “Đêm đốt lửa căm thù”, “Những ngày tuyệt thực”,“Hát cho dân tôi nghe”… là những khúc ca rực lửa căm thù giặc, góp phần dâng cao tinh thần yêu nước, đấu tranh thống nhất Tổ quốc tại các đô thị, để từ đó cùng với quân giải phóng miền Nam vùng lên trên từng thế trận, đấu tranh vì lẽ phải và mục đích thiêng liêng: Thống nhất 2 miền Nam – Bắc, như ước nguyện của Bác Hồ trong lời chúc Tết, trước lúc Người đi xa: “Đánh cho Mỹ cút, Ngụy nhào, Bắc-Nam sum họp xuân nào vui hơn”.

[Trích Phạm Bá Nhiễu, “Hát cho đồng bào tôi nghe” – nhiệt huyết của sinh viên miền Nam một thời chống Mỹ, Trang web Tuyên Giáo.]

Theo trả lời trên đài truyền hình Việt Nam (trong cuộc nói chuyện/phỏng vấn có Trần Long Ẩn, Tôn Thất Lập và Trần Văn Tiến, 2008) thì Trần Long Ẩn được Tôn Thất Lập kết nạp vào đảng CSVN ở sau một quán Bar trên đường Nguyễn Tri Phương tại Sài Gòn vào năm 1970. [Trích Trà Mi, Trà Mi chào mừng Ngàn năm Thăng Long. DCVOnline, 09-10-2010].
(3) “Phong trào Duca Việt Nam được thành lập năm 1966 tại miền nam Việt Nam, cùng lúc với phong trào làm công tác xã-hội của sinh-viên học-sinh. Hai sáng lập viên của phong trào là Nguyễn Ðức Quang và Ðinh Gia Lập.” Trích  Lịch Sử Phong Trào Du Ca Việt Nam. Tại trang nhà của Phong trào Du ca Việt Nam, tên Phạm Duy được đặt vào hàng “các huynh trưởng hướng dẫn cũng như cố vấn”.