Kinh tế thế giới vẫn là chuyện hội nhập
Martin Wolf | DCVOnline
Siêu toàn cầu hóa đã chết nhưng toàn cầu hóa thì không
Triển vọng nào cho nền kinh tế vẫn hội nhập cao của thế giới? Để trả lời câu hỏi này, người ta phải bắt đầu với những động lực căn bản.
Căn bản nhất là những thay đổi về cơ hội kinh tế. Chúng bao gồm giảm chi phí vận tải và thông tin liên lạc, thay đổi lợi thế tương đương và cơ hội thay đổi khai thác kinh tế nhờ quy mô và học hỏi bằng cách thực tập. Không kém phần quan trọng, đặc biệt là trong ngắn hạn và trung hạn, là những thay đổi trong ý tưởng kinh tế và thực tế địa chính trị. Cuối cùng, những cú sốc — chiến tranh, khủng hoảng và đại dịch — cũng làm thay đổi nhận thức của doanh nghiệp, người dân và chính khách về rủi ro, giá phải trả và lợi ích của việc hội nhập xuyên biên giới.
Lịch sử hội nhập xuyên biên giới, đặc biệt là thương mại, làm sáng tỏ sự tương tác giữa những động lực này.
Vấn đề lâu dài là câu chuyện về sự hội nhập ngày càng tăng. Từ năm 1840 đến năm 2022, tỷ lệ thương mại hàng hóa thế giới trên sản lượng toàn cầu đã tăng khoảng bốn lần. Tuy nhiên, độ cởi mở thương mại đã qua nhiều biến động đáng kể: tỷ lệ thương mại hàng hóa trên sản lượng thế giới tăng gấp ba lần từ năm 1840 đến năm 1913, sau đó giảm khoảng hai phần ba từ năm 1913 đến năm 1945, và lại tăng gấp ba lần từ năm 1945 đến năm 1990, vượt qua mức trước năm 1914.
Thương mại đã cho thấy sự gia tăng trong thời gian dài nhưng cũng có sự gián đoạn đáng kể
Sau sự sụp đổ của Liên Xô và đế quốc vào đầu những năm 1990, nền kinh tế thế giới trải qua hai thời đại. Lần đầu tiên, tính đến khoảng năm 2010, là một trong những thời “siêu toàn cầu hóa”, một nhãn hiệu do Arvind Subramanian và Martin Kessler dùng trong một bài báo năm 2013 của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson.
Đặc điểm nổi bật là sự tăng trưởng nhanh chóng của giao thương quốc tế so với sản lượng toàn cầu, với dòng vốn trực tiếp và vốn gián tiếp qua biên giới thậm chí còn tăng nhanh hơn thương mại hàng hóa và dịch vụ. Đến cuộc khủng hoảng tài chính 2007-09, nền kinh tế thế giới đã trở nên hội nhập hơn bao giờ hết.
Sau đó, nền kinh tế thế giới bước vào một kỷ nguyên được gắn nhã “toàn cầu hóa chậm lại”. Subramaniam và Kessler (với Emanuele Properzi) đã phân tích việc này trong một bài viết của Viện Peterson vào tháng 11 năm 2023. Trong giai đoạn này, thương mại đã tăng trưởng gần tương đương với sản lượng thế giới, trong khi tỷ lệ đầu tư xuyên biên giới trên sản lượng thế giới đã giảm hơn một nửa.
Việc gì tạo ra siêu toàn cầu hóa trước khủng hoảng? Tại sao nó lại kết thúc trong sự toàn cầu hóa chậm lại? Điều gì có thể xẩy ra tiếp theo? Câu trả lời cho câu hỏi đầu tiên là sau năm 1990, cả ba động lực này đã kết hợp với nhau. Thứ nhất, gần một thế kỷ rưỡi tăng trưởng kinh tế khác nhau đã tạo ra khoảng cách lớn về năng suất giữa những nền kinh tế tiên tiến nhất và những nền kinh tế tụt lại phía sau, đặc biệt là Trung Hoa. Điều này tạo ra những cơ hội to lớn để tận dụng lao động giá rẻ.
Thứ hai, tàu container, phản lực cơ cỡ lớn và những tiến bộ trong kỹ thuật thông tin và truyền thông đã cho phép những tổ chức kinh doanh hội nhập xuyên biên giới và tách rời chuỗi cung ứng chưa từng có thành hiện thực. Cuối cùng, sự thay đổi trên toàn thế giới hướng tới niềm tin vào tự do hóa thị trường và mở cửa xuyên biên giới đã làm thay đổi chính sách. Trong số những khoảnh khắc biến đổi có sự xuất hiện của Margaret Thatcher, Ronald Reagan và Đặng Tiểu Bình lần lượt lên nắm quyền ở Anh, Mỹ và Trung Hoa. Những điểm nổi bật trong thương mại thế giới, gồm việc hoàn thành Vòng đàm phán đa phương Uruguay năm 1993, thành lập thị trường chung EU năm 1993, thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 1995 và việc Trung Hoa gia nhập WTO năm 2001.
Tốc độ tăng trưởng thương mại hội tụ vào tốc độ tăng trưởng sản lượng
Nguyên nhân đã kết thúc thời kỳ này là gì? Tất cả những động lực chính suy yếu hoặc chuyển sang số lùi. Cơ hội để phát triển thương mại hơn nữa qua việc khai thác sự khác biệt về giá lao động giảm đi khi những chi phí đó hội tụ lại. Khi nền kinh tế Trung Hoa phát triển, sự phụ thuộc vào thương mại của nước này giảm đi một cách tự nhiên. Những cú sốc do đại dịch và chiến tranh gây ra cũng tô đậm những rủi ro liên quan đến việc phụ thuộc quá nhiều vào thương mại đối với những nguồn cung cấp thiết yếu.
Ít nhất cũng quan trọng không kém là những thay đổi về ý thức hệ, trong đó có sự trỗi dậy của chế độ bảo vệ kỹ nghệ trong nước và chủ nghĩa dân tộc, đặc biệt là ở Mỹ, do sự trỗi dậy kinh tế của Trung Hoa và “cú sốc Trung Hoa” ở thị trường lao động kỹ nghệ. Những thay đổi tương tự đã xẩy ra ở Trung Hoa dưới thời Tập Cận Bình. Ở đó, chính sách cũng đã chuyển từ sự phụ thuộc vào thị trường tự do và doanh nghiệp tư nhân sang sự kiểm soát chặt chẽ hơn của chính phủ.
Có lẽ điều quan trọng nhất là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, đại dịch và căng thẳng giữa những cường quốc ngày nay đã biến niềm tin thành nghi ngờ và chấp nhận rủi ro thành “giảm rủi ro”. Không có sự tự do hóa thương mại toàn cầu đáng kể nào diễn ra trong hơn hai mươi năm qua.
Chuyện gì có thể xẩy ra tiếp theo? Tiếp tục một hiện trạng lộn xộn có vẻ là câu trả lời hợp lý nhất. Nền kinh tế thế giới sẽ vẫn tương đối mở theo những tiêu chuẩn lịch sử với thương mại tăng trưởng ít nhiều phù hợp với sản lượng thế giới. Một số việc tách rời những liên kết trực tiếp giữa Hoa Kỳ và Trung Hoa sẽ xẩy ra. Nhưng nỗ lực chuyển hướng của Mỹ (và những nước khác) sang những nước cung cấp khác sẽ để lại sự phụ thuộc gián tiếp vào đầu vào nhập cảng hàng hoá Trung Hoa. Một mặt, một số lớn những quốc gia sẽ tiếp tục duy trì thương mại với Mỹ và những đồng minh thân cận của nước này, và mặt khác là với Trung Hoa.
Giải pháp thay thế có khả năng nhất cho điều này sẽ là một sụp đổ cực đoan hơn. Nỗ lực hạn chế những hành động của Mỹ chống lại Trung Hoa vì an ninh quốc gia – chính sách “sân nhỏ rào cao” của Jake Sullivan – có thể kết thúc bằng sân lớn và rào cao; Việc Donald Trump thắng cử tổng thống có thể là chất xúc tác. Xung đột về cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của EU có thể là một yếu tố khác gây ra chế độ bảo vệ kỹ nghệ toàn cầu.
Nền kinh tế thế giới hội nhập vẫn còn. Nhưng sự cạnh tranh mang tính dân tộc của những cường quốc có thể gây ra sự gián đoạn lớn. Liệu thời đại này có phải là một ngoại lệ? Chúng ta phải làm việc để đảm bảo điều đó xẩy ra.
© 2024 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: The world economy’s story remains one of integration | Martin Wolf | Finacial Times | Jan 19th 2024.