Sau lũy tre làng
Hai Hùng SG
Mình trả một giá quá đắt, đánh mất đời con gái trong trắng nơi phố thị, cũng là lúc mình đánh mất tình yêu mật ngọt với Tư Nên từ khi bóng dáng mình vừa khuất sau lũy tre làng.
Mấy lúc gần đây người dân ở ấp Tân Phú hay xầm xì việc bà Sáu Lân quay về đây sau bao năm dài bỏ xứ ra đi biền biệt. Lần trở về gần nhất là lúc bà đưa cả chục cô gái trong ấp lên sài gòn làm ăn, các cô thôn nữ ngây thơ ngày nào giờ đây có người đang sinh sống nơi xứ người, có người đang vùi mình trong vũng bùn tội lỗi ở chốn phồn hoa đô hội, họ không thể biết được số phận ngày mai của mình ra sao, mặc cho dòng đời đưa đẩy.
Một sáng nọ, phần lớn người dân quê đã ra đồng chăm lo vụ lúa mùa. Vợ chồng Năm Xuân còn nấn ná uống trà phía sau chái bếp, ngoài sân tiếng của Bà Sáu Lân ồm ồm vang lên:
– Vợ chồng thằng Năm Xuân có nhà không bây? Cho dì Sáu gặp có chút chuyện.
Vợ Năm Xuân nhanh nhẩu đáp:
– Tụi con ở đàng sau bếp, chà lâu ghê mới thấy dì sáu ghé chơi. Xuống uống nước Sáu ơi.
Sau một lúc trà nước, hết hỏi han về đời sống của bà con ở ấp Tân Phú, đến chuyện sản xuất hàng hóa nông nghiệp, bà Sáu Lân bắt đầu Tấn công vợ chồng Năm Xuân:
– Nảy giờ nghe hoàn cảnh nhà hai đứa bây tao nói thiệt nha, Tao thấy thương cho tụi bây quá, thôi giờ thì như vầy.
Bà Sáu Lân ngỏ ý muốn giúp đỡ vợ chồng Năm Xuân có được một số vốn kha khá để cải tạo lại mảnh vườn và đào mấy cái vuông nuôi tôm càng xanh thì may ra mới có cơ hội đổi đời, bà còn nói thêm:
– Chứ tụi bây đi làm cỏ mướn, gặt lúa thuê thì một đời không thể nào khá lên được.
– Tao thấy con Mén, con nhỏ lớn của bây đó, nó coi được mắt lắm để nó làm ruộng, làm vườn mệt nhọc tụi nghiệp nó.
– Ở Sài gòn bây giờ công việc làm nhiều, tao đưa nó vô làm chổ dì quen biết, chắc chắn con Mén làm ra tiền nhiều lắm, lúc đó vợ chồng bây ngồi rung đùi hưởng phước.
Nghe bà Sáu nói đến đây Năm Xuân mừng ra mặt, chợt nghĩ suốt đời lam lũ với ruộng đồng vườn tược, hai vợ chồng quanh năm chân lắm tay bùn; đất đai vườn tược quanh nhà chỉ trồng những cây ăn trái tạp nhạp, đến mùa thu hoạch chỉ bán cho bà con quanh quẩn trong ấp; thu nhập cầm chừng đắp đổi qua ngày, cộng thêm tiền công làm thuê cũng tạm xoay sở trong nhà và lo cho con Mén học hết tiểu học rồi thôi; nói cho cùng ở nông thôn phần lớn cha mẹ cho con gái đi học cho biết đọc biết viết khi đến tuổi cặp kê dựng vợ gã chồng coi như xong bổn phận với con cái; họ quan niệm con gái học nhiều thì cũng vậy thôi, vì ngoài việc đồng áng, chăn nuôi và nội trợ thì đâu cần học lên cao làm gì.
Tuy mừng vì sắp có quới nhơn giúp đỡ, nhưng trong lòng vẫn hơi lo; dẫu sao con Mén là núm ruột của mình, nó đi xa, nó làm gì? Mà giao con cho bà Sáu Lân có an tâm được không?.
Năm Xuân khẻ hỏi:
– Cho con hỏi thăm vậy chứ dì Sáu tính cho con Mén nó làm cái gì, ở đâu? Nó còn khờ lắm Sáu ơi, chỉ sợ nó hổng biết làm rồi người ta la rầy nó thì tội lắm.
– Úi xời, bây khéo lo, đi với Sáu Lân này thì bây yên chí đi, tao coi nó như con cháu của tao, còn chuyện làm thì thiếu gì, lên đó tao sắp xếp đâu ra đó.
– Thôi vợ chồng bây cứ tính, nói cho con Mén biết đi, tuần sau dì quay lại, nếu bây chịu cho nó đi làm thì dì ứng trước cho bây bảy trăm đô la làm vốn rồi mai mốt tính sau.
Nói đến đây bà Sáu Lân từ gĩa ra về; dáng của bà vừa khuất ngoài ngỏ nhà, hai vợ chồng Năm Xuân ra chiều suy nghĩ mông lung.
Mén đứng sau cánh cửa buồng nhà trên đã nghe toàn bộ câu chuyện của vị khách và cha mẹ mình trao đổi, trong lòng Mén chợt mang một nỗi buồn man mác.
Tuổi mười sáu trăng tròn, sống trong môi trường trong lành, hiền hòa của miền quê êm ả, chưa từng bước chân ra cái chợ Huyện Châu Thành; quanh năm suốt tháng bên cha mẹ, bên ruộng vườn, tính tình hiền lành chân chất, lại siêng năng nên lũ trai làng thường lân la làm quen; trong số đó chỉ có thằng Tư Nên con ông Tám Trưởng Ấp là lọt vào mắt xanh của Mén. Hai đứa thường hẹn hò bên bờ kênh trước nhà, những đêm trăng sáng, những lúc nông nhàn chúng quấn quýt bên nhau, hai bên gia đình cũng muốn vun đắp tình cảm cho bọn trẻ, nên nhân những lúc ngồi chung bàn tiệc giỗ chạp, cưới xin trong ấp, Năm Xuân và ÔngTám trưởng ấp ngầm hiểu sắp làm sui gia với nhau nên hai ông thường cụng ly với nhau vô trăm phần trăm ngọt xớt.
Giờ thì Mén đang đứng trước tình cảnh khó xử vô cùng, để giúp gia đình thoát cảnh nghèo hèn thì nó phải theo Bà Sáu lên Sài Gòn, bỏ lại sau lưng những ngày thơ ngây yêu dấu, tạm biệt mối tình đầu tha thiết thương yêu; trong lòng Mén giờ đây ngỗn ngang trăm mối tơ vò.
– Mén ơi ! Nãy giờ cha mẹ đã nói với con hết tình hết lý, bây giờ thì tùy con, thật lòng mà nói cha mẹ không ép con trong câu chuyện này.
Vợ Năm Xuân nói xong thì khóc đầm đìa nước mắt. Năm Xuân thì mặt buồn rười rượi cặp mắt cũng đỏ hoe; nghĩ đến cảnh phải xa rời đứa con thân yêu trong lòng hai vợ chồng không nỡ, nhưng cuộc sống của gia đình còn ở phiá trước nên hai vợ chồng Năm Xuân có nén lòng nói với con những điều không muốn nói.
– Dạ con theo bà Tám đi làm để phụ cha mẹ lo lại cuộc sống mà, có gì đâu mà cha mẹ phải áy náy.
Con Mén đã suy nghĩ thật nhiều về chuyến đi Sài gòn lần này, thật lòng nó chẳng bao giờ muốn ra đi, chẳng bao giờ nó muốn tạm xa mối tình bé bỏng với thằng Tư Nên; thấy cha mẹ vất vả một nắng hai sương cửa nhà tềnh toàng, bữa cơm đạm bạc hàng ngày; hơn nữa trên mái tóc của cha nhiều thêm sợi bạc, trên gương mặt của mẹ hằn thêm nhiều nếp nhăn, thương cho song thân một đời cơ cực, Mén chấp ra đi trước mắt nó một phương trời vô định, một bài toán mang nhiều ẩn số.
– Em lên sài gòn làm ăn, tạm thời xa anh Tư; ở nhà anh nhớ giử gìn sức khỏe; có dịp là em về thăm liền.
Thằng Tư Nên như chết lặng cõi lòng; nó linh cảm lần chia tay này nó để vuột mất một cánh chim bé nhỏ, một người con gái rất đỗi thân thương trong cuộc đời nó:
– Anh biết rồi, em cũng nhớ cẩn thận vì đất Sài Gòn nghe nói cạm bẫy nhiều lắm, nếu có gì bất trắc thì nhắn về cho anh biết nha.
Hai trẻ gục đầu tựa vào nhau; từ đây bắt đầu những ngày buồn tênh.
Rồi thì thời điễm của cái ngày bà Sáu hẹn quay trở lại đã đến, biết được kết quả gia đình Năm Xuân và con Mén đồng ý với đề nghị của bà (mà chẳng phải đến bấy giờ bà mới biết, trước khi tiếp xúc với gia đình Năm Xuân thì bà đã nắm chắc phần thắng, do bà thừa hiểu sức mạnh của đồng tiền trong tay kết hợp cùng sự khốn khó muôn đời của phần lớn người nông dân quê mùa như vợ chồng Năm Xuân).
Cầm những tờ đô la Mỹ mới cáu từ tay của bà Sáu trao, hai tâm trạng đối nghịch bắt đầu dằn xéo trong lòng vợ chồng Năm Xuân, từ đây đứa con gái thân yêu của mình sẽ tự chấp cánh bay đi trong bầu trời mênh mông, nó có đũ bản lĩnh để vượt qua những vùng trời bão tố hay không? Và cũng từ đây gia đình họ sẽ có thêm phương kế sinh nhai cho vơi đi nỗi nhọc nhằn phải đi cày sâu cuốc bẩm ở đồng gần, đồng xa của cái ấp Tân Phú này.
Ba ngày sau kể từ hôm bà sáu đưa tiền cho nhà Năm Xuân, Con Mén mang hành lý lẽo đẽo theo bà Sáu cùng những cô gái khác trong ấp lên đường. Người thân, bà con trong ấp đưa tiễn, kẻ cười nói huyên thuyên, người thì giọt ngắn giọt dài. Đoàn người xa dần, xa dần khất sau lũy tre làng để lại cho cái ấp Tân Phú một không gian vắng lặng sau những ngày Tuyển nhân sự của bà Sáu.
Vẫn còn đứng lấp ló bên hàng dừa cao vút với những suy nghĩ ngỗn ngang trong đầu; nó không dám ra mặt tiễn con Mén đi Sài Gòn, thằng Tư Nên chợt bừng tĩnh với hiện tại:
– Thôi “Thuý đã đi rồi” mầy còn chờ đợi gì nữa, tao mà như mầy tao sẽ tìm cách giải quyết ngăn không cho người yêu ra đi.
Tư Nên trừng mắt với thằng Tèo bạn thân nhất của nó:
– Mầy hay quá há, con Lài người tình trăm năm của mầy đó, chuyến sau bà Sáu Lân về bả hốt đi luôn chừng đó mầy ra mà ngăn với cản nha.
Mọi người quay trở về nhà, cơn mưa trái mùa chợt ập đến như muốn xóa nhòa hết những dấu vết của bà Sáu Lân, dấu vết của một người nông dân ngày xưa bỗng chốc biến thành kẻ buôn người của thế kỷ hai mươi mốt.
Thời gian thắm thoát trôi qua, mới đó mà gần hết năm kể từ ngày Mén và các bạn đặt chân lên đất Sài Gòn hoa lệ. Buổi ban đầu ở đất Sài Gòn vẫn còn nhớ như in trong tân trí con Mén.
– Tụi con ở tạm đây, ngày mai dì Sáu sẽ dẩn tụi con vô hãng để làm, ờ quên nữa đưa giấy tờ tùy thân để dì Sáu đăng ký tạm trú và trình cho chủ hãng mới cho vô làm.
– Đây là chú Hai và Cô Trang, hai người lo cho các con ăn uống ngủ nghỉ đó.
Bà Sáu chỉ vào hai gả có dấp dáng bậm trợn giang hồ thứ thiệt. Tên đàn ông xăm mình khắp trên thân, mắt ti hí, miệng lúc nào cũng phì phèo khói thuốc lá. Còn mụ đàn bà trang điểm, ăn mặc diêm dúa loè loẹt. Con Mén và đám bạn đang lơ mơ nhận thức mình đã bắt đầu sa chân vào tổ quỷ. Đêm đó trong giấc ngủ chập chờn con Mén mơ gặp toàn ác mộng.
Như một loài ngạ quỷ hiện hình, bà Sáu Lân thay đổi cách xưng hô và hành xử quay 180 độ; bà đưa các cô gái vào quán Bia ôm trá hình; hàng ngày các cô gái đáng thương phải tiếp xúc với đủ hạng người, phần lớn là những người lắm tiền nhiều của, làm ăn bất chính, đãi đằng nhau bữa nhậu thừa mứa; nếu đuợc làm phép so sánh, nói không ngoa có những tiệc rượu của gần chục người họ bỏ ra chi phí gần 6 tấn lúa mà cả đời người nông dân lam lũ làm ra. Chưa hết họ còn dày vò thân xác các em thơ. Không thể kể hết những đau đớn về thể xác lẫn tâm hồn các em gánh chịu, công bằng mà nói trong nghịch cảnh như vậy cũng có em chạy theo đồng tiền chấp nhận làm theo sai khiến của dì Sáu Lân.
Công việc làm ăn của bà Sáu đến hồi mạt vận. Do chịu không nổi sự bóc lột, sự hành hạ của bà Sáu và thuộc hạ, trong lần thoát được sự kềm kẹp của lũ ma cô, các cô gái đi trình báo cơ quan chống tệ nạn xã hội. Quán bia ôm của bà Sáu bị dẹp tan; bà sáu bị bắt cùng đám lâu la không còn tính người lần luợt xộ khám. Các cô gái được giải thoát; con Mén cũng nằm trong số này. Một số cô quay về làng quê cũ, một số quen ăn xài, đua đòi thì vẫn ngựa quen đường cũ đã vô phục vụ cho quán bia ôm khác với hình thức ngụy trang đối phó tinh vi hơn.
Con Mén lòng hân hoan trở về quê cũ, nó nôn nóng mong gặp lại người thân qua bao ngày xa cách, đến đầu làng cảnh cũ còn đây; những căn nhà trong xóm ấp cũng được sửa sang lại đôi chút; đi ngang qua căn nhà của Tư Nên, Mén liếc mắt nhìn vô nó bắt gặp Tư Nên đang ngồi ôm ấp một người con gái trong nhà; Mén đau khổ vô cùng và nó thầm nghĩ: Mình trả một giá quá đắt, đánh mất đời con gái trong trắng nơi phố thị, cũng là lúc mình đánh mất tình yêu mật ngọt với Tư Nên từ khi bóng dáng mình vừa khuất sau lũy tre làng.
Nguồn: Sau lũy tre làng. Hai Hùng SG. Chim Việt Cành Nam. Số 53 / 30 tháng 11-2013. DCVONline hiệu đính và minh họa.