“Mục tiêu của tôi cho năm 2022 là thấy nền dân chủ trở lại với Myanmar”

Michael Haack và Nadi Hlaing thực hiện cuộc phỏng vấn | DCVOnline

Một cuộc phỏng vấn với Ma Moe Sandar Myint, Ma Yin Yin Htway, Ma Wut Yi và Ma San Yee

Một cuộc biểu tình ở Myanmar chống lại cuộc đảo chính quân sự vào ngày 14 tháng 2 năm 2021. (Htin Linn Aye / Wikimedia Commons)

Một năm trước vào ngày hôm nay, các tướng lĩnh quân đội Myanmar đã cướp chính quyền trong một cuộc đảo chính đẫm máu xóa sổ quyền của người lao động. Chúng tôi đã nói chuyện với một lãnh đạo nghiệp đoàn và ba công nhân may mặc, những người đã phát động các cuộc tổng đình công chống đảo chính trong nhiều tháng.

Một năm trước vào ngày hôm nay, tạp chí Jacobin đang hoàn tất cuộc phỏng vấn với Ma Moe Sandar Myint, chủ tịch Liên đoàn Công nhân Myanmar (FGWM), khi tin tức về một cuộc đảo chính quân sự bùng nổ. Gần như ngay lập tức, chúng tôi nghe nói rằng các công nhân may mặc đang lên kế hoạch dùng các khả năng tổ chức của họ để tổ chức các cuộc đình công trên toàn quốc chống lại sự tiếp quản của quân đội.

Trong những tuần tiếp theo, giới công nhân may mặc đã đóng một vai trò trung tâm trong các hoạt động lao động nhằm đóng vai trò chủ chốt của nền kinh tế đất nước. Bác sĩ và giáo viên, đa số là nhân viên chính phủ, đã đình công với công nhân may mặc. Công nhân đường sắt và những công chức khác ngay sau đó, cùng với các nhân viên ngân hàng khu vực tư nhân đình công.

Cuộc đối kháng chống đảo chính ban đầu tìm cách khôi phục chính phủ Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD), do bà Aung San Suu Kyi đứng đầu, vào năm 2010, tổ chức này đã ký một thỏa thuận chia sẻ quyền lực với các tướng lĩnh quân đội từ lâu đã cai trị Myanmar. Theo thời gian, các yêu cầu của người biểu tình trở nên cấp tiến hơn, gồm cả việc bãi bỏ hiến pháp năm 2008 đã cho phép quân đội kiểm soát các bộ chủ chốt và đảm bảo cho họ 25% số ghế trong quốc hội.

Trong một thập kỷ, NLD đã kết hợp những đổi mới kinh tế tự do với những quyền chính trị và lao động, cho phép ngành kỹ nghệ may mặc phát triển vượt bậc và phong trào nghiệp công nhân xây dựng ở bậc cơ sở. Mặc dù quốc tế phẫn nộ vì lời lời biện giải nhẫn tâm của bà về nạn diệt chủng người Rohingya, bà Aung San Suu Kyi — hiện đang bị giam giữ một lần nữa — vẫn được người trong nước yêu thích vì vai trò của bà trong phần hé mở cửa Myanmar.

Nhưng những gì bắt đầu là các cuộc biểu tình đường phố giống như lễ hội chống lại cuộc đảo chính đã nhường chỗ cho bạo lực và đổ máu khi quân đội tiến vào giết hại những người biểu tình — và những người biểu tình, đến lượt mình, dựng rào chắn và chống trả bằng súng cao su và súng hơi tự chế. Cho đến nay, khoảng 1.500 người biểu tình đã bị giết, hàng trăm nghìn người buộc phải chạy trốn và hơn 11.500 người bị bắt. Mặc dù mọi người tiếp tục phản đối bằng nững cuộc “biểu tình chớp nhoáng” và”biểu tình im lặng”, đường phố Myanmar đã hầu như không có người biểu tình kể từ giữa mùa hè.

Những giấc mơ tan vỡ vì cuộc đảo chính, vỡ mộng vì bất bạo động, nhiều thanh niên rời nhà để gia nhập Lực lượng Nhân dân Tự vệ, một cánh vũ trang của Chính phủ Thống nhất Quốc gia (NUG) của phe đối lập. Nhóm này đã trở thành một thế lực nguy hiểm mà quân đội phải tính đến. Sử dụng bom tạm thời và các chiến thuật du kích khác, nó đã đạt được những thành tựu đáng chú ý và gây ảnh hưởng lớn đến tinh thần chiến đấu của quân đội, đưa tỷ lệ đào ngũ lên cao hơn.

Trong khi đó, lĩnh vực may mặc đang dần hồi sinh ngay cả khi các nhân vật hoạt động nghiệp đoàn, gồm Ma Moe Sandra Myint, đã kêu gọi các thương hiệu quốc tế tẩy chay Myanmar.

Cuộc sống của những công nhân may mặc — đã khó khăn trước cuộc đảo chính — lại khó khăn hơn, hầu như không thể sống nổi. Năm ngoái, các khu kỹ nghệ có phần lớn nhà máy may mặc đã biến thành khu chiến sự khi công nhân đụng độ với lực lượng quân đội. Các vụ giết người và giam giữ bừa bãi ngày càng gia tăng. Hàng trăm người khác biến mất dưới tay của quân đội. Những khu kỹ nghệ hiện đang trong tình trạng thiết quân luật, và binh lính thường xuyên tống tiền công nhân tại các trạm kiểm soát và tấn công họ bằng lời nói cũng như tình dục. Để trang trải cuộc sống kể từ sau cuộc đảo chính, nhiều công nhân may mặc đã mang nợ chồng chất với triển vọng trả nợ hạn chế, và số đơn xin thị thực để làm việc ở nước ngoài đã tăng lên đáng kể.

Vào trước lễ kỷ niệm một năm cuộc đảo chính, chúng tôi đã nói chuyện một lần nữa với Ma Moe Sandar Myint, người hiện đang lẩn trốn, cũng như ba công nhân may mặc ở Yangon: Ma Yin Yin Htway, Ma Wut Yi và Ma San Yee (tất cả đều là bí danh để bảo vệ cho họ không bị trả thù).


Người biểu tình cầm biểu ngữ và hô khẩu hiệu khi diễn hành qua các binh sĩ của quân đội Myanmar đến bảo vệ Ngân hàng Trung ương qua đêm vào ngày 15 tháng 2 năm 2021 tại Yangon, Myanmar. Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Myanmar yêu cầu những người Mỹ ở Myanmar “trú ẩn tại chỗ” trong một thông báo sau các cuộc hành quân của quân đội và các báo cáo về việc có thể có gián đoạn viễn thông. Xe bọc thép trên các đường phố ở thủ đô Myanmar, nhưng những người biểu tình vẫn xuống đường bất chấp sự hiện diện của quân đội. Hkun Lat — Hình ảnh Getty

MH/NH: Phong trào kháng chiến đã tiến triển như thế nào?

MSY: Chúng tôi đã không thấy mức độ hoạt động chính trị như chúng tôi đã thấy một năm trước, nhưng điều đó không có nghĩa là mọi người đã ngừng phản đối quân đội. Chúng tôi vẫn tham gia theo cách riêng của chúng tôi hàng ngày. Ví dụ: công nhân tại nhà máy của tôi không vào xưởng làm việc vào những ngày biểu tình im lặng [những ngày các thành phố yên lặng biểu tình chống lại chính quyền quân sự]. Chỉ riêng nhà máy của tôi đã có khoảng 3.000 đến 4.000 công nhân.

“Lần này khác. Chúng tôi muốn diệt trừ tận gốc chế độ độc tài.”

Ma Moe Sandar Myint

Quản lý nhà máy của chúng tôi không gây ra bất kỳ rắc rối nào cho chúng tôi. Họ biết lý do tại sao chúng tôi phản đối, và tôi nghĩ rằng họ ngấm ngầm ủng hộ chúng tôi. Trên thực tế, năm ngoái, vào đỉnh điểm của các cuộc biểu tình trên đường phố, lực lượng công nhân trong nhà máy của chúng tôi, gồm cả những người quản lý, đã đi ra ngoài hàng nghìn người và tổ chức các cuộc biểu tình trên đường phố trong mười lăm ngày liên tục. Chúng tôi thuê xe buýt và ô tô để vận chuyển những người biểu tình và trả tiền cho họ.

Đảo chánh không phải là vấn đề mới đối với chúng tôi. Tôi vẫn còn rất trẻ khi cuộc nổi dậy năm 88 xảy ra [chống lại cuộc đảo chính năm đó]. Tôi nhớ tôi đã biểu tình trên đường phố với mẹ tôi, nhưng cuộc biểu tình chỉ kéo dài trong vài ngày. Lần này, mọi người đã không ngừng phản đối trong một năm nay.

MMSM: Lần này khác. Chúng tôi muốn diệt trừ tận gốc chế độ độc tài. Chúng tôi cần phải trải qua một thời gian khó khăn để đi đến thời điểm đó. Chúng tôi có thể mất một khoảng thời gian để đạt được điều đó, nhưng tất cả chúng tôi cần phải kiên nhẫn và vững vàng tiến về phía trước. Khi tôi nghĩ lại, tôi tự nhắc mình tại sao tôi lại chiến đấu.

MH/NH: Điều kiện làm việc đã thay đổi như thế nào kể từ cuộc đảo chính?

MMSM: Trong thời kỳ NLD, cuộc sống của công nhân rất khó khăn. Nhưng bây giờ, nó còn tồi tệ hơn. Dưới thời NLD, mặc dù không được bảo vệ đầy đủ, chúng tôi có quyền lên tiếng phản đối và chúng tôi có quyền thành lập nghiệp đoàn. Chúng tôi có không gian để nói lên điều mình muốn, mặc dù không phải lúc nào cũng đáp ứng được yêu cầu của mình.

Bây giờ chúng tôi là một nghiệp đoàn ngầm. Hiện tại không có nghiệp đoàn hợp pháp nào ở Miến Điện.

Sự áp bức từ giới chủ nhân vẫn tiếp tục. Người công nhân không được bảo vệ. Bản thân tôi đang chạy trốn.

Người lao động đang phải chịu đựng sự lạm dụng bằng lời nói. Người lao động đang phải chịu đựng những vụ phạt vô ích. Công nhân lâu năm đã bị hạ cấp làm việc của người lao động công nhật và không có sự lựa chọn nào khác. Điều kiện làm việc của người lao động đã bị giảm sút hoàn toàn.

MYYH: Ngay cả trước cuộc đảo chính, các nhà máy may mặc đã bị ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch. Chúng tôi đã trải qua một thời gian khó khăn để kiếm sống. Và ngay khi mọi thứ đang bắt đầu trở lại bình thường, thì cuộc đảo chính đã xảy ra.

Những ngày này, một số nhà máy đang cắt giảm giờ làm vì không nhận đủ đơn đặt hàng, trong khi một số nhà máy khác đang đẩy công nhân đến mức giới hạn thời gian làm việc, lương thấp và không được nghỉ ngơi. Một số nhà máy đang hoạt động trở lại. Vì vậy, có những công việc có sẵn, nhưng chúng có tốt và đáng mơ ước không? Không chúng không xứng đáng.

Các nhà máy nằm trong [khu kỹ ngệ của] Hlaing Tharyar, nơi đã bị thiết quân luật từ tháng 3 năm 2020. Khi ra vào, chúng tôi phải đi qua các trạm kiểm soát có nhân viên của lính. Họ tống tiền mới cho phép chúng tôi qua cổng. Trong những ngày đầu của cuộc đảo chính, họ thậm chí còn lục soát điện thoại của chúng tôi.

Kể từ sau cuộc đảo chính, tôi đã phải đi từ nhà máy này sang nhà máy khác. Là một người làm công ăn lương công nhật, tôi kiếm được một khoản lương ít ỏi là 4.800 kyat Myanmar (tương đương 2,70 USD) mỗi ngày. Nó không đủ để sống. Giá cả hàng hóa và giá thuê đều tăng. Trên hết, giờ đây chúng tôi phải trả thêm thuế cho những thứ mà chúng tôi chưa từng làm trước đây. Ví dụ, khi chúng tôi mua thẻ SIM mới cho điện thoại của mình, chúng tôi phải trả thuế.

Công nhân xưởng may mặc Shweyi Zabe Garment ở khu kỹ nghệ Shwe Pyi Thar ở Yangon, Myanmar. Photo EPA

MWY: Nhà máy của tôi ở Shwe Pyi Thar và thuộc về của một người nào đó trong quân đội. Người quản lý cũng là người trong quân đội. Họ bắt chúng tôi làm việc nhiều giờ nhưng không bù đắp cho chúng tôi về thời gian làm thêm. Họ nói với chúng tôi, “Nếu bạn không muốn làm việc ở đây, bạn có thể rời đi bất cứ lúc nào.” Vì thị trường việc làm không tốt, chúng tôi phải chịu đựng bất cứ điều gì họ bắt chúng tôi làm.

Người quản lý nhà máy sẽ khủng bố chúng tôi bằng cách nói, “Nếu tôi nói với những người lính những gì các bạn đang làm, các bạn có biết điều gì có thể xảy ra với các bạn không?

Ma Wut Yi

Vào đầu cuộc biểu tình năm ngoái, giám đốc nhà máy đã cảnh báo chúng tôi không được tham gia biểu tình. Ông ta khủng bố chúng tôi bằng cách nói, “Nếu tôi nói với những người lính các bạn đang làm gì [về mặt chính trị], các bạn có biết điều gì có thể xảy ra với mình không?” Họ chỉ quan tâm đến công việc kinh doanh của họ.

Ngay cả ở đỉnh điểm của bạo lực, chủ nhà máy và người quản lý vẫn mở cửa nhà máy và nói với công nhân rằng mọi thứ đều yên ổn và họ an toàn nên đến làm việc. Họ tuyên truyền trong nhà máy bằng cách nói với chúng tôi rằng đất nước đang vận hành tốt và nằm trong sự lãnh đạo tốt hơn.

MSY: Tôi tự cho mình là người may mắn, vì nhà máy của tôi vẫn mở trong suốt cuộc đảo chính và không có bất kỳ sự cắt giảm nào đối với tiền lương của chúng tôi. Tất cả chúng tôi đã cố gắng giữ công việc của mình cho đến nay. Thay đổi lớn nhất là không có thời gian làm thêm. Không tăng ca đồng nghĩa với việc giảm lương nhưng không phải là giảm khối lượng công việc. Trên thực tế, khối lượng công việc đã tăng lên vì chúng tôi phải gấp rút đáp ứng nhu cầu trong giờ làm việc bình thường.

So với các nhà máy khác, công nhân tại nhà máy của tôi có mối quan hệ tốt với các ban quản lý, những người cho chúng tôi tự do để nói lên mối quan tâm của mình.

Về mặt nào đó, không tăng ca là tốt vì không an toàn cho các nữ công nhân may ở lại nhà máy và trở về nhà trong bóng tối. Hlaing Tharyar và Shwe Pyi Thar vẫn đang trong tình trạng thiết quân luật, có nghĩa là chúng tôi có lệnh giới nghiêm nghiêm ngặt và các trạm kiểm soát do binh lính điều khiển. Những người quản lý biết rằng việc đi làm muộn của chúng tôi là không an toàn vì tình hình chính trị và tình trạng thiết quân luật, đồng thời họ biết rằng họ sẽ phải chịu trách nhiệm nếu điều gì đó tồi tệ xảy ra với chúng tôi. Vì vậy, đó là một phần lý do tại sao không có giờ làm thêm.

MH: Cuộc sống hàng ngày của bạn đã thay đổi như thế nào kể từ cuộc đảo chính?

MYYH: Tôi là một công nhân lâu năm trước cuộc đảo chính. Cuộc sống lúc đó rất tốt. Tôi không chỉ có thể nuôi sống bản thân mà còn nuôi sống mẹ và hai em gái của tôi ở quê nhà. Tôi đến Yangon cách đây 5 năm để tìm một công việc tốt và phụ giúp gia đình. Tôi cũng đang cố gắng cải thiện bản thân bằng cách đi học trở lại, và tiền lương của tôi cũng đủ trang trải học phí đại học. Tôi có 3 đúa con hiejn không đi học được. Dịch COVID-19 đế trước rồi trường học đóng cửa. Rồi đến đảo chánh, và trường học vẫn đóng cửa. Hiện nat không an toàn để con tôi đi học, vì vậy chứng tôi giữ con ở nhà. Chúng tôi có kèm con mình và cho chúng sách học khong khả năng của mình, nhưng hai vợ chồng chúng tôi cũng bận với công việc riêng của mình. Chồng tôi mất việc trong xưởng may mặc trong đại dịch COVID-19 bì xuowrg máy đó đã đóng cửa vĩnh viễn. Hiện nay anh ấy đi làm nay đây mai đó.

Trước khi cuộc đảo chính xảy ra, cả tôi và chồng đều có thể kiếm sống tốt, cho con đi học và tiết kiệm tiền để nghỉ hưu. Bây giờ, chúng tôi phải kiếm sống bằng thu nhập thấp hơn và giá hàng hóa tăng. Chúng tôi phải ăn vào tiền tiết kiệm của mình để có được. Tiền chi trả Internet đã tăng lên. Quân đội đang bắt giữ bất kỳ ai có dịch vụ VPN, vì vậy chúng tôi không thể dùng nó nữa và chúng tôi phải xóa VPN khỏi điện thoại của mình.

MH/NH: Bạn có suy nghĩ gì về những lời kêu gọi tẩy chay các công ty kinh doanh tại Myanmar và các biện pháp trừng phạt chống lại chế độ quân sự không?

MYYH: Tôi nhìn thấy nó từ cả hai phía. Một mặt, thật tốt khi một số công ty đã chọn rời đi thay vì tiếp tục kinh doanh với quân đội. Mặt khác, nó không giúp ích gì cho công nhân, nhiều người  đã thất nghiệp. Nếu các nhà máy đóng cửa và tôi không có triển vọng việc làm ở Yangon, lựa chọn duy nhất của tôi là trở về nhà và làm việc trên cánh đồng. Sẽ rất khó để tôi tiếp tục giúp gia đình tôi. Không có việc làm, tôi không thể ở lại Yangon.

MMSM: Chúng tôi hoàn toàn nhận thức được các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Myanmar có thể gây thiệt hại cho công nhân như thế nào, nhưng chúng tôi phải để máu của chính mình đổ để giết ký sinh trùng [quân đội]. Cuối cùng, khi chúng tôi đồng ý kêu gọi các biện pháp trừng phạt kinh tế toàn diện, chúng tôi đã biết về những rủi ro và lợi ích. Chúng tôi đã tổ chức hội thảo trên web với công nhân để trao đổi với họ một cách cởi mở và trung thực về những thách thức và sắc thái của các biện pháp trừng phạt kinh tế toàn diện. Hầu hết những người lao động đã tham dự các hội thảo trên web này đều hiểu và muốn đứng sau những lời kêu gọi trừng phạt của chúng tôi.

Chúng tôi chấp nhận rằng có nhiều ý kiến khác nhau về các biện pháp trừng phạt kinh tế toàn diện giữa người lao động chúng tôi. Tôi cũng nghĩ rằng những công nhân có thể không đồng ý với chúng tôi về các biện pháp trừng phạt kinh tế toàn diện có thể không nhận thức được đầy đủ lý do đằng sau hành động của chúng tôi.

MSY: Tôi có thể nói rằng các công ty rời Myanmar sẽ gây thiệt hại cho công nhân.

MH/NH: Tương lai của Myanmar như thế nào đối với bạn?

MYYH: Điều kiện lao động xấu đi, thất nghiệp tràn lan, giá cả hàng hóa tăng cao và khó khăn tài chính sẽ khiến cuộc sống của chúng ta khó khăn hơn. Một số bị buộc phải làm những công việc mà họ không muốn làm. Sẽ có sự gia tăng các hoạt động tội phạm và phạm pháp. Tôi lo lắng về sự an toàn. Là phụ nữ, tôi không dám ra đường sau khi trời tối. Tôi ở lại vì tôi biết ngoài đó không an toàn cho tôi.

Tôi muốn thấy có thêm viện trợ và ủng hộ cho công nhân. Tôi mong muốn cộng đồng quốc tế không quên chúng tôi và làm điều gì đó để giải quyết những bất công mà chúng tôi đang trải qua.

MMSM: Là công nhân, chúng tôi biết chúng tôi không thể chờ đợi sự thay đổi đến. Chúng ta phải chiến đấu cho những gì chúng ta muốn. Chúng tôi luôn đấu tranh cho quyền lợi của mình.

Ở Myanmar, người lao động nghèo và địa vị xã hội không cao. Trong lịch sử, những đóng góp của chúng tôi đã bị bỏ quên. Nhưng khi nhìn vào lịch sử của phong trào kháng chiến trong cả nước, bạn sẽ nhận thấy rằng công nhân là lực lượng mạnh nhất. Chúng tôi đã đi đầu trong mọi phong trào kháng chiến. Chúng tôi muốn nói với các quan chức của chính phủ NUG rằng:

“Một khi đất nước khôi phục lại hòa bình và dân chủ, đừng quên những hy sinh và đóng góp mà người lao động đã thực hiện. Đừng bỏ quên chúng tôi.”

Ma Moe Sandar Myint

Chúng tôi cảm thấy mệt mỏi với những tuyên bố vô hiệu quả của cộng đồng quốc tế và sự không hành động đối với tình hình ở Myanmar. Thay vào đó, chúng tôi muốn thấy hành động. Mục tiêu của tôi cho năm 2022 là nhìn thấy sự trở lại của nền dân chủ ở đất nước của tôi. Tôi sẽ làm mọi cách để đạt được mục tiêu đó.

Công dân Myanmar sống ở Thái Lan biểu tình phản đối cuộc đảo chính quân sự ở đất nước của họ trước văn phòng Liên Hiêp Quốc ở Bangkok, Thái Lan vào ngày 7 tháng 3 năm 2021 [Reuters / Soe Zeya Tun]

NGƯỜI TRẢ LỜI PHỎNG VẤN| Ma Moe Sandar Myint là người tổ chức của Liên đoàn Lao động phổ thông Myanmar.
Ma Yin Yin Htway là một công nhân xưởng may 25 tuổi.
Ma Wut Yi là một công nhân nhà máy may mặc hai mươi ba tuổi.
Ma San Yee là một công nhân nhà máy may mặc bốn mươi hai tuổi.

NGƯỜI PHỎNG VẤN | Michael Haack là Điều hợp viên Chiến dịch cho Chiến dịch Hoa Kỳ vì Miến Điện từ năm 2008 đến năm 2010, và trước đây đã nghiên cứu về lịch sử và chính trị của Myanmar cho Voice of Witness và cho Trung tâm MacMillan của Đại học Yale; Nadi Hlaing là một nhà báo tự do người Mỹ gốc Miến Điện và là người dẫn chương trình hiện tại của loạt kênh song ngữ trên kênh YouTube “Những câu chuyện về Padauk.”

© 2022 DCVOnline   

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net” 


Nguồn: “My Goal for 2022 Is to See the Return of Democracy in Myanmar” | Ma Moe Sandar Myint, Ma Yin Yin Htway, Ma Wut Yi, Ma San Yee Interview By Michael Haack and Nadi Hlaing | Jacobin Magazine | FEBRUARY 03, 2022