Tại sao tân Thủ tướng Shehbaz Sharif của Pakistan lại muốn tăng vận tốc Hành lang Kinh tế Pakistan-Trung Hoa?
Tom Hussain | DCVOnline
Một chuyên viên phân tích cho biết Sharif đóng một vai trò quan trọng trong việc thiết lập một số dự án cơ sở hạ tầng trong giai đoạn đầu của dự án Hành lang Kinh tế Pakistan-Trung Hoa (CPEC) và việc tiếp tục công việc trong chương trình này sẽ giống như một “cuộc về làng”.
Tuy nhiên, giới quan sát cho biết khi Pakistan mở rộng hiệp ước sang Afghanistan và Iran, Mỹ và Ấn Độ lo ngại rằng Bắc Kinh có thể dùng CPEC để thát chặt quan hệ quân sự hơn với Islamabad.
Trong vòng vài phút sau khi được tuyên bố là thủ tướng mới của Pakistan vào thứ Hai, Shehbaz Sharif đã nói rõ ý định của mình để thổi luồng sinh khí mới vào CPEC ước tính 60 tỷ USD.
Không phải ngẫu nhiên mà một phái đoàn tòa đại sứ Trung Hoa nằm trong số những người gọi điện đầu tiên cho Sharif khi ông bắt đầu nhậm chức hôm thứ Ba.
Chương trình cơ sở hạ tầng Sáng kiến Một Vành đai Một Con đường của Bắc Kinh đã được đích thân Chủ tịch Tập Cận Bình công bố khi ông đến thăm Islamabad vào tháng 4 năm 2015.
Vào thời điểm đó, Zhao Lijian (赵立坚, Triệu Lập Kiên), hiện nổi tiếng là phát ngôn viên diều hâu của Bộ Ngoại giao Trung Hoa, là phó trưởng phái bộ tại tòa Đại sứ Trung Hoa ở Islamabad.
Họ Triệu cũng quen biết nhiều với Sharif, với tư cách là tỉnh trưởng tỉnh Punjab, đã tham gia rất nhiều vào việc đàm phán những dự án cơ sở hạ tầng nào sẽ được xây dựng ở đó trong giai đoạn “thu hoạch sớm” của kế hoạch CPEC 15 năm.
Tính đến năm 2018, họ Triệu và Sharif đã tiếp tục tham dự hàng chục cuộc họp về CPEC trong ba năm.
Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi Triệu Lập Kiên, với tư cách là phát ngôn viên Bộ Ngoại giao hiện tại, được phóng viên của hãng tin chính thức Associated Press của Pakistan hỏi về phản ứng của Trung Hoa trước những nhận xét tích cực của Sharif về CPEC. Họ Triệu trả lời,
“Chúng tôi ghi nhận những nhận xét của Thủ tướng Shehbaz Sharif về CPEC và chúng tôi đánh giá cao những nhạn xét đó.”
Triệu Lập Kiên
Tại sao CPEC lại quan trọng đối với Thủ tướng Shehbaz Sharif?
Vào lúc nhiệm kỳ tỉnh trưởng Punjab của Shehbaz làm kết thúc vào năm 2018, CPEC đã cho phép anh của ông, cựu thủ tướng Nawaz Sharif, thực hiện lời hứa chấm dứt tình trạng thiếu điện đang làm tê liệt Pakistan.
Các dự án của CPEC đã có thêm công suất khổng lồ 10.400 megawatt trong ba năm và hơn thế nữa đang được trên đường thực hiện.
Các hệ thống chuyên chở hành khách công cộng đầu tiên của Pakistan đã được đưa vào hoạt động ở Islamabad, thành phố Lahore, quê hương của họ Sharifs và thành phố trung tâm Multan.
Mustafa Hyder Sayed, giám đốc điều hành của Trung tâm Pakistan-Trung Hoa, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Islamabad, cho biết Shehbaz “đóng một vai trò quan trọng trong việc tăng vận tốc phát triển CPEC”.
Sayed nói:
“Đạo đức làm việc của ông ấy và việc giao các dự án trước thời hạn đã nổi tiếng đến mức giới lãnh đạo Trung Hoa thường gọi đó là“ tốc độ Punjab.”
Mustafa Hyder Sayed
Nhưng Nawaz đã bị Tối cao Pháp viện của Pakistan cách chức thủ tướng vào tháng 7 năm 2017 và sau đó bị tòa án phụ trách giải trình tuyên án 10 năm tù về tội tham nhũng vào tháng 7 năm 2018.
Imran Khan được bổ nhiệm làm thủ tướng vào tháng 8 năm 2018, sau chiến thắng của đảng Pakistan Tehreek-e-Insaf (PTI) của ông trong cuộc tổng tuyển cử do quân đội lãnh đạo chủ động thao túng.
Ngay sau đó, các bộ trưởng trong nội các của Khan đã đưa ra cáo buộc tham nhũng lên án Shehbaz và cáo buộc ông ta nhận tiền hối lộ của những doanh nghiệp của nhà nước Trung Hoa làm việc trong các dự án CPEC ở tỉnh Punjab.
Các chuyên gia về quan hệ Trung Hoa-Pakistan cho biết Bắc Kinh không hài lòng với tình hình này.
Trung Hoa đã thất vọng vìởi sự thiếu nhiệt tình của chính quyền do PTI lãnh đạo, đã cai trị tỉnh Khyber Pakhtunkhwa phía tây bắc kể từ năm 2013.
Andrew Small, một thành viên cao cấp xuyên Đại Tây Dương tại Quỹ Marshall, Tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington của Đức, cho biết,
“Trung Hoa cũng thất vọng khi một chính phủ và giới lãnh đạo chính trị mà họ ưa thích bị quân đội đẩy ra ngoài để ủng hộ một nhân vật lãnh đạo mà họ thấy khó thương lượng hơn về các vấn đề kinh tế.”
Andrew Small
Hiện tình của CPEC là gì?
Bất chấp áp lực từ cả Bắc Kinh và Pakistan, Khan và chính phủ do PTI lãnh đạo của ông chưa bao giờ chấp nhận CPEC trong suốt 3 năm rưỡi cầm quyền.
Hoạt động trong khuôn khổ chương trình do Trung Hoa tài trợ chậm lại đến mức hầu hết các dự án đang xây dựng đều bị chậm tiến độ, trong khi không có dự án lớn mới nào bắt đầu.
Trọng tâm chính sách của chính quyền Khan đối với CPEC là việc thành lập ba đặc khu kinh tế để thu hút các doanh nghiệp Trung Hoa muốn dời những cơ sở sản xuất của họ.
Tuy nhiên, phản ứng từ các công ty Trung Hoa rất không đáng chú ý.
Thay vào đó, giới ngoại giao và giám đốc điều hành Trung Hoa ngày càng lên tiếng phàn nàn về việc hệ thống hành chánh cản trở nhiều dự án tư nhân cũng như của CPEC.
Họ đặc biệt khó chịu trước những bế tắc quan liêu ngăn cản việc thanh toán hàng trăm triệu đô la nợ những doanh nghiệp nhà nước điều hành các nhà máy phát điện được xây dựng dưới thời chính phủ của Nawaz.
Sự tức giận của Bắc Kinh bùng lên sau khi 9 công dân của nước này làm việc cho Tập đoàn Gezhouba của Trung Hoa thiệt mạng trong một vụ đánh bom liều chết không ai nhận trách nhiệm ở gần thị trấn Dasu xa xôi ở phía bắc vào tháng 7 năm 2021.
Chính phủ của Khan và Pakistan đã phải tìm cách xoa dịu Trung Hoa và Islamabad đã tổ chức cuộc họp đầu tiên của ủy ban điều hợp chung CPEC kể từ tháng 11 năm 2019.
Phát biểu tại phiên khai mạc công khai của ủy ban vào tháng 9 năm 2021, Phó Chủ tịch Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Hoa Ning Jizhe (宁吉喆, Ninh Cát Đề) đã nghiêm khắc nhắc nhở Pakistan rằng an ninh của dân Trung Hoa là “điều kiện tiên quyết” cho mọi hoạt động đầu tư kinh tế của họ.
Ông liệt kê những phàn nàn của Bắc Kinh về việc Islamabad tiến hành dự án CPEC. Không có dự án mới nào được công bố và bất chấp những nỗ lực hết sức của chính quyền Khan, Trung Hoa đã không cung cấp tài chính cho cuộc đại tu 6,8 tỷ đô la Mỹ đối với mạng lưới đường sắt đang đổ nát của Pakistan.
“Sự lãnh đạo của ông sẽ là phương tiện quan trọng để tăng vận tốc công việc của CPEC. Hy vọng và kỳ vọng của Trung Hoa là khá cao.”
Mustafa Hyder Sayed
Shehbaz đã trở thành thủ tướng Pakistan trong lúc giai đoạn hai của CPEC đang bắt đầu. Sayed của Viện Pakistan-Trung Hoa cho biết, “Đó giống như một sự về làng đối với ông ấy, tiếp tục làm việc ở CPEC.”
Ông nói:
“Sự lãnh đạo của ông sẽ là phương tiện quan trọng để tăng vận tốc công việc của CPEC, đồng thời khắc phục một số vấn đề mà các công ty Trung Hoa hoạt động tại Pakistan phải đối phó trong vài năm qua. Hy vọng và kỳ vọng của Trung Hoa là khá cao.”
Mustafa Hyder Sayed
Khánh thành đường xe điện ngầm nối Islamabad với sân bay quốc tế mới do Trung Hoa xây dựng hôm thứ Hai, Shehbaz đã công khai trình bày với Chủ tịch Tập Cận Bình để tài trợ cho việc hồi sinh hệ thống đường sắt vận tải công cộng ở thành phố cảng đông dân Karachi bằng cách bổ sung dự án vào CPEC.
CPEC cũng thể hiện nổi bật trong việc Shehbaz bổ nhiệm Ahsan Iqbal làm Bộ trưởng Kế hoạch và Phát triển hôm thứ Ba.
Iqbal đã phát triển mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với giới chức chính phủ Trung Hoa khi ông giữ chức vụ này từ năm 2015 đến 2018, và thay mặt chính quyền Nawaz giám sát việc thực hiện giai đoạn thu hoạch sớm của CPEC.
Ấn Độ và Mỹ nghĩ gì về CPEC?
Ấn Độ là quốc gia đầu tiên lên tiếng trực tiếp phản đối CPEC sau khi nó được công bố vào năm 2015.
New Delhi đã chuẩn bị sẵn luận cứ của mình về vị trí con đường bộ duy nhất giữa Trung Hoa và Pakistan đi qua khu vực Gilgit-Baltistan đang có tranh chấp, là một phần của tranh chấp rộng lớn hơn ở Kashmir. Khu vực này cũng là tâm điểm cho các tranh chấp biên giới của Ấn Độ với Trung Hoa.
Hoa Kỳ đã không phàn nàn gì về CPEC cho đến khi chính sách đối ngoại của họ đối với Trung Hoa có những tranh cãi dưới thời chính quyền Donald Trump.
Washington từ đó bày tỏ lo ngại hỗ trợ tài chính của Mỹ cho Pakistan, dù là song phương hay qua các thể chế đa phương, có thể được Islamabad dùng để trả nợ cho CPEC của Bắc Kinh.
Asfandyar Mir, chuyên gia cấp cao tại Viện Hòa bình Hoa Kỳ có trụ sở tại Washington cho rằng mối quan tâm chiến lược cốt lõi về CPEC của cả Ấn Độ và Mỹ — các đối tác trong Đối thoại An ninh Bốn bên — là “nhiều hơn về những gì Trung Hoa nhận được từ Pakistan, đặc biệt là trong lĩnh vực quân sự.”
Ông nói, trong lúc tranh chấp quân sự ngày càng gia tăng giữa Trung Hoa và Mỹ, cũng như Trung Hoa và Ấn Độ, có nhiều câu hỏi về vai trò quân sự mà Pakistan có thể đóng trong những năm tới.
Mir nói:
“Điều này có thể là do ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Hoa đối với Pakistan, có thể khiến Pakistan liên kết chặt chẽ hơn với các mục tiêu quân sự rộng lớn hơn của Trung Hoa. Nó cũng có thể do khả năng tương tác quân sự của Trung Hoa và Pakistan ngày càng tăng.”
Asfandyar Mir
Asfandyar Mir nói, cũng có một câu hỏi đặt ra là liệu Pakistan có cho phép Trung Hoa quân sự hóa một số cơ sở hạ tầng của CPEC — đặc biệt là cảng Gwadar do Trung Hoa điều hành — hay biến nó thành mục đích kép hay không.
Mir nói: “Mặc dù có một phần cường điệu về mối quan hệ hợp tác chiến lược đang diễn ra giữa Pakistan và Trung Hoa, nhưng những người nghiêm túc sẽ nói rằng không nhất thiết là Pakistan đã đồng ý hợp tác chiến lược lớn hơn.”
Ông nói thêm, tuy nhiên, vẫn còn lo ngại rằng Trung Hoa sẽ đạt được lợi thế hơn đối với Pakistan, “trong một khoảng thời gian, có lẽ do những thách thức về việc trả nợ, điều này sẽ cho phép họ có thể ép buộc theo những điều khoản của mình.”
Triển vọng tương lai của CPEC là gì?
Bất chấp sự phản đối của phương Tây trong việc làm ăn với chế độ Taliban đã giành quyền kiểm soát Kabul vào tháng 8 năm ngoái, Trung Hoa vẫn quan tâm đến việc mở rộng CPEC sang Afghanistan.
Trong cuộc hội đàm với chính phủ Taliban ở Kabul vào ngày 24 tháng 3, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị nhắc lại “sự sẵn sàng” của Trung Hoa hợp tác.
Pakistan đã thúc giục Trung Hoa mở rộng CPEC sang cả Afghanistan và Iran, đây là một biên giới phía tây khác kể từ khi Nawaz làm thủ tướng lần cuối.
Trung Hoa cũng đang trên đà tăng cường đầu tư vào Iran theo thỏa thuận đối tác chiến lược kéo dài 25 năm được ký kết vào tháng 6 năm 2020.
Ở mức độ lớn, điều này phụ thuộc vào sự thành công của các cuộc đàm phán giữa Iran và các cường quốc phương Tây về việc khôi phục Kế hoạch Hành động Toàn diện chung năm 2015 nhằm ngăn chặn Tehran phát triển vũ khí hạch tâm.
Việc Washington có triển vọng quay trở lại hiệp ước, vốn đã rút vào năm 2018, sẽ dẫn đến việc dỡ bỏ nhiều lệnh trừng phạt đối với Iran và các đối tác kinh tế của nước này.
Tuy nhiên, giới phân tích cho biết Pakistan phải thực hiện nhiều thay đổi trước khi có bất kỳ sự mở rộng về phía tây nào của CPEC có thể xảy ra. Barnett R. Rubin, thành viên cao cấp không thường trú tại Trung tâm Hợp tác Quốc tế tại Đại học New York, cho biết
“CPEC là một chương trình tốt, nhưng Pakistan còn nhiều việc phải làm về an ninh, tham nhũng và quản trị.”
Barnett R. Rubin
Ông cho biết: “Bất chấp sự thay đổi trong chính sách an ninh quốc gia của Pakistan vào năm ngoái, từ tổ chức với nước láng giềng phía đông Ấn Độ sang kinh tế địa lý dựa trên kết nối, “những hành động của Islamabad không phù hợp với tu từ của họ.”
Rubin nói, Pakistan sẽ vẫn “không thuyết phục khi họ vẫn đóng kín biên giới phía đông của họ và không cho phép Ấn Độ kết nối với Afghanistan và Trung Á. Tôi tin rằng Trung Hoa sẽ hoan nghênh một sự thay đổi như vậy, nhưng tôi không nghĩ Pakistan sẽ làm điều đó.”
Tác giả | Tom Hussain là một nhà báo ở Islamabad, có 35 năm trong nghề, đưa tin về Nam Á và Trung Đông.
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Why is Pakistan’s new PM Shehbaz Sharif so keen to accelerate the CPEC with Beijing? |Tom Hussain | SCMP · Apr 20, 2022