Khủng bố ở Saigon Nhỏ – P10
Trần Giao Thuỷ
“Báo cáo hôm nay không phải tiếng nói cuối cùng về đề tài này… Nhưng nếu không có những cuộc điều tra kỹ lưỡng, chắc chắn những người chịu trách nhiệm về những tội ác này sẽ không bao giờ được đưa ra công lý, …” – William A. Orme, Jr.
Xem P1, P2, P3, P4, P5, P6, P7, P8, P9, P10, P11, Kết
Báo chí mở lại hồ sơ án mạng hơn 30 năm trước
Trong Báo cáo 1994, William A. Orme, Jr., giám đốc điều hành của CPJ đã viết,
“Báo cáo hôm nay không phải tiếng nói cuối cùng về đề tài này. Ngược lại, có nhiều lỏng lẻo trong những câu chuyện này, nhiều mâu thuẫn chưa được giải quyết và trả lời và, trong một số trường hợp, không một số câu đáng hỏi chưa được hỏi. […]
Nhưng nếu không có những cuộc điều tra kỹ lưỡng, chắc chắn những người chịu trách nhiệm về những tội ác này sẽ không bao giờ được đưa ra công lý, và những nhà báo phục vụ những cộng đồng sắc tộc sẽ có lý do để đặt câu hỏi liệu họ được hưởng sự bảo vệ pháp lý và hỗ trợ của đồng nghiệp mà chúng ta trong giới truyền thông bằng tiếng Anh có thể thường coi là chuyện đương nhiên.”(45)
Và Juan Gonzalez, một bỉnh bút của tờ New York Times trong lời tựa của bản báo cáo CPJ, đã đặt câu hỏi với lương tâm của tất cả những người trong giới truyền thông,
“Có phải lý tưởng nghề báo của chúng ta đã trở nên quá mờ đục và mục nát đến nỗi những vụ các đồng nghiệp bị giết một cách vô cảm không còn làm chúng ta nổi giận hay có hành động?”(46)
21 năm sau khi Uỷ ban Bảo vệ Nhà báo lên tiếng đòi công lý cho những ký giả bị ám sát thì giới báo chí, dĩ nhiên chỉ là giới truyền thông Hoa Kỳ, mở lại chồng hồ sơ cũ, đông lạnh, tưởng rằng đã mãi mãi nằm trong quên lãng.
Ngày 3 tháng 11, 2015 chương trình Frontline của đài truyền hình PBS hợp tác với ProPublica cho công chiếu phóng sự điều tra “Terror in Little Saigon” cùng với bài viết đăng ở cả hai trang web của PBS và ProPublica.
2015 | Đã 40 năm sống trên đất Mỹ, cộng đồng người Mỹ gốc Việt ngày nay, dù muốn hay không, cũng đã rất khác với cộng đồng người Việt tị nạn cộng sản hai mươi, ba mươi năm trước. Mặt Trận nay thành tổ chức vận động chính trị Việt Tân mà người thành lập cũng là ông Hoàng Cơ Minh, một trong những người đã thành lập Mặt Trận. Điều này không có nghĩa tất cả đoàn viên Mặt Trận ngày trước là thành viên Việt Tân hôm nay và ngược lại. Và bên cạnh còn những tổ chức liên hệ như VietACT, VPACT, VPS, VOICE, đoàn Thanh niên Phan Bội Châu, Tuổi trẻ Việt Nam Lên đường. Những bản tin kháng chiến đã được thay bằng những bản tin vận động dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam. Báo Kháng Chiến sau lượt hoá thân nay là trang web và radio Chân Trời Mới, VNN, trang web viettan.org. Phương tiện truyền thông trong cộng đồng người Việt ngày nay cũng đã khác xưa rất nhiều, ngoài báo giấy, đài phát thanh, đài truyền hình còn có rất nhiều báo mạng tiếng Việt, cùng với những mạng xã hội Facebook, Paltalk, diễn đàn hội luận. Công nghệ truyền thông hiện đại góp phần không nhỏ thay đổi bộ mặt và sinh hoạt của cộng đồng người gốc Việt ở Hoa Kỳ và khắp nơi trên thế giới.
Vì thế, phóng sự điều tra “Terror in Little Saigon” do ký giả A.C. Thompson và đạo diễn Richard Rowley thực hiện, công chiếu, từ đầu tháng tháng 11, trên đài PBS và những bài liên quan trên hai trang Frontline và ProPublica đã được quảng bá rộng rãi trong cộng đồng người Việt hải ngoại, và với cả người Việt trong nước. Phản ứng của người Việt ở Mỹ thật rộn ràng, nhiều màu, nhiều điệu khác hẳn với khi Ủy ban bảo vệ Nhà báo, CPJ, phát hành Báo cáo về những vụ ám sát ký giả vào năm 1994.
Phản ứng về phóng sự điều tra “Khủng bố ở Saigon Nhỏ”
Tổ chức Việt Tân Phản đối
Đầu tiên, ngay cả trước khi PBS trình chiếu “Khủng bố ỏ Saigon Nhỏ” thì Trinh Nguyen, Digital Advocacy Director của Việt Tân(47) đã viết thư phản đối nội dung của phóng sự điều tra là không có cơ sở. Bà Trinh viết,
“Tôi không thuộc thế hệ là chủ đề trong cuộn phim. Thật ra, tôi sinh sau khi những sự kiện đó xảy ra.”
Nhưng bà khẳng định rằng,
“Dù chưa xem cuộn phim nhưng hiểu rõ về chủ đề của cuộn phim và tôi có thể nói một cách thật rõ rằng: không khi nào có đội hành quyết trong “Mặt Trận”. Không khi nào có một danh sách tử hình. Không khi nào có chính sách dùng bạo lực để bịt miệng người đối lập.”
Có thể kiểm chứng được là một số sự kiện và nhận định phản biện khẳng định nêu trên của bà Trinh Nguyên, liên quan đến Mặt Trận và tổ chức Việt Tân.
- Nhận định năm 1995 của Diễn đàn Dân chủ về Đảng chế của tổ chức Việt Tân(48)
“Đảng Việt Tân còn “có những kỷ luật thích đáng” nặng nề hơn hình thức phê bình, cảnh cáo, ngưng trách vụ hay sa thải cho “những trường hợp vi phạm kỷ luật trầm trọng” như “làm gián điệp, phản bội đảng” và – đáng ngạc nhiên nhất – các “hành động phá hoại đoàn kết của Đảng, phá hoại Đảng vào các mưu đồ riêng tư.” (Khoản 10-2: Kỷ Luật)
Thế nào là “đoàn kết để đảng viên không được phá hoại”? Hành động nào bị xem là “phá hoại”? […]
Song song, thế nào là “mưu đồ riêng tư”? […]
Đảng chế Việt Tân quy tội nhưng không định nghĩa rõ ràng pháp biên hay phần tử (elements) của những tội trạng mơ hồ kể trên cho nên bất cứ đảng viên nào có ý kiến sáng tạo khác với Bí thư Đảng bộ địa phương hay Trung ương Đảng Bộ đều có thể bị ghép tội và [phải] đối đầu [với] “những biện pháp kỷ luật thích đáng” và giới hạn của chúng như trong luật pháp quốc gia thông thường cho nên “những biện pháp kỷ luật thích đáng” của đảng Việt Tân [nặng nề hơn hình thức phê bình, cảnh cáo, ngưng trách vụ hay sa thải] có thể bao gồm biện pháp sử dụng bạo lực và như vậy có phải là ám sát, bỏ tù hoặc tử hình hay không?
Chính cựu TV Trưởng Tổng Vụ Hải Ngoại Pham Văn Liễu đã tiết lộ là ông đã từng được xem hình xử tử kháng chiến quân tại chiến khu của Mặt Trận trên đất Thái Lan. (DDDC, Tài liệu nghiên cứu Mặt Trận QGTNGPVN, Phần Tổ chức Chiến khu.)”
Trong vụ án dân sự, “Mặt Trận kiên Báo chí” năm 1994, trước toà ông Liễu kể lại việc ông Minh có mời ông qua Thái Lan để giải quyết khó khăn nội bộ nhưng ông không đi. Ông Liễu nói,
“Ông Minh có cho ông xem một tấm hình xử tử một kháng chiến quân tên Hùng, hai tay bị trói đàng sau lưng. Nghĩ tới chuyện này, ông e ngại; ông bảo nếu ông đi chuyến đó thì có thể hôm nay ông không còn ngồi đây để khai trước toà.”(49a)
Trong “Niên biểu Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam – Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng”(49b), tác giả Đỗ Thông Minh, người đã cùng ông Trần văn Sơn và Hoàng Cơ Minh sang Thái Lan để lập đầu cầu kháng chiến, viết,
“16/4/1983, ông Hoàng Cơ Minh và các kháng chiến quân lần đầu tiên trở về Mỹ,…
Dịp này, ông Hoàng Cơ Minh đã đưa cho ông Trần Minh Công xem hình 2 kháng chiến quân bị xử tử hình và nói đã tử hình 6 người vì tội phản bội.”
- Một đoạn ngắn trong bài phát biểu của ông Nguyễn Gia Kiểng trong đám tang ông Đặng Minh Kỷ, cố chủ tịch phân bộ Hòa Lan Bỉ của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên ngày 4/10/2014 tại Nijmegen, Hòa Lan.(50)
“Tôi cũng xin nhắc lại ở đây một kỷ niệm không thể nào quên được với anh Kỷ ngay tại thành phố Nijmegen này. Tháng 4/1990 phân bộ Hòa Lan tổ chức cho tôi thuyết trình, một toán đột kích của Mặt Trận Hoàng Cơ Minh đã xông vào hành hung, anh Kỷ, một số anh em khác trong ban tổ chức và chính tôi đã bị đả thương. Chúng tôi đã có đầy đủ hình ảnh và nhân chứng về cuộc bạo hành này nhưng đã quyết định bỏ qua vì một vụ kiện vì bạo hành chỉ có thể làm xấu hình ảnh của người Việt Nam tại Hòa Lan và còn có hậu quả tai hại cho những đồng bào ở các trại tỵ nạn đang xin định cư tại Hòa Lan, vả lại hành động thô bỉ này đã bị lên án mạnh mẽ rồi.”
Mặt khác, một số cựu đoàn Viên Mặt Trận đã trở thành viên của Tập hợp Dân chủ Đa nguyên và nay cũng đã thành cựu chí hữu của tổ chức này.
Theo thư ngỏ ngày 14/1/2015 của ông Ngô Đức Diễn, Phát ngôn nhân của Tổ chức Phục Hưng Việt Nam, viết cho ông Phạm Văn Liễu, tác giả Hồi ký Trả ta sống núi – Tập 3,
“MT hình thành do quyết định của 3 tổ chức: Người Việt Tự Do tại Nhật Bản, TC/PHVN và Lực Lượng Quân Dân Hải Ngoại (LL/QDHN) vào một ngày tháng 6 năm 1981 tại phi trường San Francisco khi ba đại diện của ba tổ chức nói trên [Đỗ Thông Minh, Trần Văn Sơn và Hoàng Cơ Minh -TGT] lên đường đi Bangkok để gặp một cựu tướng lãnh của Thái Lan.”
Tuy nhiên như ông Đỗ Thông Minh trả lời phỏng vấn với Báo và Truyền hình Calitoday ngày 13 tháng 11, 2015 thì trên chuyến đi Thái Lan đầu tiên để lập đầu cầu vào tháng 6, 1981, ba ông Đỗ Thông Minh Trần Văn Sơn, và Hoàng Cơ Minh đã đồng ý quyết định chọn ngày 30 tháng 4, 1980 là ngày thành lập Mặt Trận Quốc gia Thống nhất Giải phóng Việt Nam để dùng khi tiếp xúc với chính quyền Thái Lan. 1981 là giai đoạn chuẩn bị. Giai đoạn Mặt Trận hoạt động bắt đầu sau ngày công bố cương lĩnh, 8/3/1982, tại Thái Lan.
Dẫn đầu bằng phản đối của nhân viên của tổ chức Việt Tân, những đợt sóng phản ứng trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt sau khi đài PBS chiếu phim “Terror in Little Saigon” sôi nổi và đa diện hơn khi xảy ra những vụ ám sát ký giả trong những năm 1980, hoặc vào mùa hè 1986 khi Trung tâm Tài nguyên châu Á phát hành một tập tin Asia Insights mang tên “Vietnamese Death Squads in America?” của ký giả Steve Grossman, hay khi khi Uỷ ban Bảo vệ Nhà báo phát hành bản báo cáo năm 1994, hay khi đạo diễn Tony Nguyễn phát hành phim “Enforcing The Silence: The Unsolved Murder of Lam Duong” vào năm 2011. Ở thập niên 1980, dư luận trong cộng đồng, nếu có, đa số là sự thầm thì, bài tường trình 8 trang của ký giả Steve Grossman, hay nhận định của CPJ hồi 1994 hoặc kết luận của cuốn phim về vụ ám sát Lâm Trọng Dương 4 năm trước, tất cả đều chỉ về một hướng. Đó là Mặt Trận.
Và AC Thompson, trong cuộc trả lời phỏng vấn của Daniel C. Tsang của blog Subversities, cho hay ông, đã biết trước, cùng lúc đa số cựu lãnh đạo của Mặt Trận hiện còn hoạt động với Việt Tân, một mặt đã từ chối không tham dự phỏng vấn làm phóng sự điều tra, mặt khác, tổ chức này, đã chuẩn bị dấy lên phong trào phản đối mạnh mẽ phim “Khủng bố ở Saigon Nhỏ”.
Sau thư của Trinh Nguyên là thư của người phát ngôn cho tổ chức Việt Tân gởi cho Frontline và ProPublica yêu cầu hai tổ chức này điều tra nội bộ về phóng sự điều tra “Terror in Little Saigon”. Sau đó là những cuộc trả lời báo chí hay họp báo của những nhân vật đang hoạt động với Việt Tân hay là thành viên lãnh đạo cũ của Mặt Trận – Hoàng Cơ Định, Nguyễn Xuân Nghĩa trả lời báo Người Việt, Lý Thái Hùng trên đài Calitoday, đài VTTV, Đỗ Hoàng Điềm họp báo Rose Center, Westminster chính thức lên tiếng phản đối những cáo cuộc Mặt Trận trong phim phóng sự điều tra đã chiếu trên đài PBS.
Nhưng bận nhất có thể nói là ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Đầu tiên ông viết một bài trên tuần báo sống, và đăng lại trên mạng(51) gọi ký giả của Frontline-ProPublica là “bọn sát nhân cầm máy”; và sau bài trả lời phỏng vấn với Hà Giang/Người Việt(52), ông còn có ba lần đi “giải ảo” trên Người Việt TV trong ba ngày 13, 14 và 16 tháng 11, 2015.
Vất vả và vật vã thật!
Trước khi có nhận định về sự vất vả của ông Nguyễn Xuân Nghĩa, xin trở lại 2 điểm trong thư của Việt Tân yêu cầu hai tổ chức truyền thông điều tra về phóng sự điều tra “Teror in Little Saigon” của phóng viên Adam Clay Thompson và đạo diễn Richard Rowley.
Một, vụ “Mặt Trận kiện báo chí” năm 1994 là một vụ án dân sự; nguyên đơn gồm các ông Hoàng Cơ Định, Trần Xuân Ninh và Nguyễn Xuân Nghĩa – thành viên và cựu thành viên lãnh đạo của Mặt Trận. Bị đơn là các ông Nguyễn Thanh Hoàng (báo Văn Nghệ Tiền Phong), Cao Thế Dung, và Vũ Ngự Chiêu (nxb Văn Hoá). Kết quả bồi thẩm đoàn quyết định 11 trên 1 là bên bị đơn không có trách nhiệm dân sự nào khi tác giả viết bài đăng báo (VNTP), và in sách (“Mặt Trận, những sự thật chưa hề được kể”, nxb Văn Hoá). Nguyên đơn đã thua kiện, thua to, vì báo Văn Nghệ Tiền Phong và Nhà xuất bản Văn hoá “không nói sai sự thực”.(53) Vụ kiện này không phải là một vụ án hình sự liên quan hay để giải quyết việc ai đã can dự vào việt giết nhà báo Lê Triết và vợ là bà Đặng Trần Thị Tuyết.
Hai, về bản cáo trạng dài 32 trang của luật sư công tố William T. McGivern, Jr. của toà án Liên bang Bắc California công bố vào ngày 4 tháng 10 năm 1991 đã cáo buộc 5 cán bộ của Mặt Trận với 26 điều khoản về những tội âm mưu (conspiracy), khai gian thuế (false statement on tax return), trốn thuế (tax evasion), và không khai thuế (failure to file tax return) vì đã lấy hàng chục ngàn đô la của quỹ kháng chiến ở Thái Lan làm của riêng(54). Ngày 4 tháng Một, 1995, Thẩm phán James Ware đã quyết định dẹp bỏ vụ kiện vì bên bị đơn đã phải đợi qúa lâu. Bên nguyên đơn quyết định không lập lại hồ sơ để kiện vì giới chức bên cảnh sát nói rằng đã hết hạn để đưa ra một vụ kiện mới. Tóm lại, Mặt Trận đã bị cáo buộc lấy tiền kháng chiến làm của riêng nhưng không ai bị án tù vì lỗi kỹ thuật của công tố viên khiến vụ án bị dẹp bỏ.
K-9, K9 hay Khu bộ 9
Ông Hoàng Cơ Định trả lời báo Người Việt:(55)
“K9 chưa bao giờ là một bộ phận của Mặt Trận, đúng hơn đó chỉ là một danh xưng gọi đùa của ông Tổng Vụ Trưởng Phạm Văn Liễu dành cho mấy vị lão thành không tiện đặt dưới cơ cấu lúc đó của Mặt Trận, chia ra từ K1 tới K8.
[…]
Có một số vị lão thành phải do đích thân ông Tổng Vụ Trưởng liên lạc, liên lạc thôi chứ cũng chẳng có chỉ huy gì, tôi còn nhớ tên hai vị là ông Cao Thế Dung và ông Đào Vũ Anh Hùng. Đại Tá Liễu gọi đùa là mấy vị này thuộc K9.”
Ông Nguyễn Xuân Nghĩa nói về K9 với báo Người Việt:(56)
“Tôi đã mất cả giờ để giải thích vai trò của Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Hải Ngoại là Phạm Văn Liễu, với đơn vị K9 trong Mặt Trận, mà A.C. Thompson không hề dùng tới, không hề nhắc đến tên của ông Liễu.”
Trong bài đăng trên tuần báo Sống, ông Nghĩa viết,
“Vào thời ấy, cộng đồng người Việt tại hải ngoại có nhiều nhân vật nổi tiếng ngày xưa tại miền Nam, như tầng lớp tướng tá hay các chính khách và nhân sĩ. Họ có thể ủng hộ Mặt Trận, nhưng một cách kín đáo thôi, và khó là đoàn viên của Mặt Trận tại địa phương, dưới sự điều động của một Chi bộ trưởng hay Xứ bộ trưởng chỉ là kỹ sư hay Đại úy lưu vong. Vì vậy, ông Liễu đề nghị lập ra một Khu bộ đặc biệt dưới bí danh K-9 do ông trực tiếp điều động mà không qua hệ thống tổ chức thông thường. Đó là Khu bộ K-9.”
Trong 2 cuộc phỏng vấn với VTTV, và với TV Calitoday, ông Lý Thái Hùng Tổng Bí Thư Việt Tân công nhận ở hải ngoại Mặt Trận có một đơn vị gọi là K-9. Ông cho biết K-9 gồm các đoàn viên “đạo cao đức trọng” hay sống ở các thành phố xa xôi không sinh hoạt trong cơ sở. Thí dụ Trung tướng Phạm Quốc Thuần, Gs Cao Thế Dung, Phó Đề Đốc Đinh Mạnh Hùng Các đoàn viên K-9 trực thuộc văn phòng Tổng Vụ Trưởng Hải Ngoại Phạm Văn Liễu. Khi ông Liễu không còn trong Mặt Trận thì K9 cũng không còn.(57)
Trong lá thư ngỏ của Việt Tân gởi Phóng Viên A.C. Thompson, Chương trình Frontline, ProPublica và PBS ông Hoàng Tứ Duy nhắc đến K-9 đã nói:
“Mặt Trận quả thật có một phân bộ đánh số là K-9 nhưng sự thật lại rất thường tình. […] Các chi nhánh bên Hoa Kỳ thuộc Khu 1, bên Canada là Khu 2, bên Âu châu là Khu 3, v.v. Riêng Khu 9 (viết tắt là K-9) bao gồm những thành viên sống rãi rác ở những nơi không có cộng đồng người Việt hoặc chưa chính thức trực thuộc vào một phân bộ nào.”(58)
Nói chung tất cả thành viên và cựu thành viên lãnh đạo của Mặt Trận và của tổ chức Việt Tân đều cho là có K-9; Đó là khu bộ gồm những đoàn viên “đạo cao đức trọng” do ông Phạm Văn Liễu lập ra và chịu trách nhiệm.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Liễu thì khi BCH Tổng Vụ Hải Ngoại quyết định thành lập thêm một khu bộ, ông nói, “Vậy khu bộ tân lập sẽ được gọi là Khu bộ 9 hay khu 9, gọi tắt là K9.” Và người giơ tay xin kiêm nhiệm phụ trách K9 là Hoàng Cơ Định, Vụ trưởng Vụ Tài Chánh. Dưới quyền ông Định, phần lớn đoàn viên K9 được dùng trong các cơ sở kinh tài của Vụ Tài chánh. Ông Liễu cho rằng “trong dư luận, K-9 trở thành một tổ chức bí mật có những sứ mệnh…”
Trong phiên toà dân sự năm 1994, ông Liễu đã bị một nhân vật dự thính tại toà án đến hăm hoạ ở những phút tạm nghỉ. Đó là ông Đoàn Trọng Thê, bí danh Nguyễn Nhân. Cùng với bị đơn Vũ Ngự Chiêu, nhân chứng Phạm Văn Liễu đã xác định với mõ toà ngay sau đó Nguyễn Nhân là trùm K-9 và yêu cầu nhân viên FBI bảo đảm an ninh.(59)
Và tại sao lại có K-9? Để giải quyết những vấn đề vô kỷ luật, rượu chè, cờ bạc, những va chạm nội bộ giữa đoàn viên trong Mặt Trận ở nhiều địa phương, BCH TVHN đã quyết định thuyên chuyển tất cả các đoàn viên có tên trong danh sách báo cáo của cơ sở trưởng về khu tân lập. Tóm lại K-9, theo ông Phạm Văn Liễu là tập hợp các đoàn viên “có vấn đề” dưới quyền điều động của Phan Vụ Quang Hoàng Cơ Định, và “Định sử dụng chiến hữu trong K9 làm quản lý, nhân viên và an ninh tiệm phở.”(60)
K-9 gồm những ai, làm gì thì đoàn viên của Mặt Trận, trừ người lãnh đạo K-9, cũng không thể biết chắc vì những mâu thuẫn thông tin trên đây.
Có một điều chắc chắn, không như ông Hoàng Cơ Định nói theo trí nhớ khi trả lời báo Người Việt, ông cựu thiếu tá hoa tiêu trực thăng Đào Bá Hùng không thể là thành viên K9. Ông Đào Bá Hùng là cựu Thành bộ trưởng Houston, dưới 40 tuổi những năm đầu thập niên 80, không phải là một vị lão thành không tiện đặt dưới cơ cấu.(61)
Mặt khác ông Cao Thế Dung người đã bị luật sư Paul Kleven – đại diện cho các ông Định, Ninh và Nghĩa trong vụ án dân sự năm 1994 – truy bức về cái bằng tiến sĩ” mà ông Dung nói ông đã đốt trước mộ để dâng cho mẹ nuôi người đã nuôi ông thành tài.(62) Như thế ông Cao Thế Dung có phải là một đoàn viên “đạo cao đức trọng”, một vị lão thành, hay một đoàn viên sống ở một nơi xa xôi hẻo lánh, hoặc là một đoàn viên “có vấn đề” để “được” đưa vào K-9?
Một nhân vật thành lập Mặt Trận đã xuất hiện rất ngắn trong phóng sự điều tra “Terror in Little Saigon” là ông Đỗ Thông Minh. Ông trả lời cho ký giả Thompson về vấn đề khủng bố và K-9 và kể lại cho Truyền hình và Báo Calitoday ngày 13 tháng 11, 2015, “Tôi ở 10 tháng đầu thôi; sau đó tôi thấy những bất đồng trầm trọng giữa ông Minh và ông Liễu, nên tôi đã về Nhật. Và vì vậy thì cái thời tôi thì K có nghĩa là khu bộ. Tất cả là có K1 cho tới K8. Sau này khi hình thành K9 thì tôi không rõ.”
Theo trả lời của những người phụ trách sản xuất phóng sự “Terror in Little Saigon” với giám sát viên Michael Getler của đài truyền hình PBS thì hồ sơ của FBI cho thấy có nhiều người nói rằng K-9 là một đơn vị thuộc Mặt Trận dùng để thanh toán đối thủ; những người được phỏng vấn trong phóng sự và trong bài viết, như như Trần Văn Bé Tư và một người bạn của ký giả Đạm Phong, cũng xác nhận K-9 là đội hành quyết của Mặt Trận. Những người làm phóng sự đồng ý không tiết lộ danh tính của những thành viên lãnh đạo Mặt Trận đã hợp tác thực hiện phóng sự. Họ lo ngại cho an ninh bản thân cũng như họ sợ có thể bị truy tố. Thông tin của h\những cựu đoàn viên lãnh đạo đó cung cấp phù hợp với tài liệu đã có cũng như những nguồn tin của những người khác đã trả lời phỏng vấn.(62b)
(Xem tiếp P11)
© 2015 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
(45) “SILENCED: The Unsolved Murders ofImmigrant Journalists in the United States”, Committee to Protect Journalists (CPJ), New York, New York, December 1994, trang xi
(46) CPJ, Ibid., trang vii
(47) Trinh Nguyen, “Misguided: Frontline’s “Terror in Little Saigon””, Medium.com, 310/10/2015. Web <https://medium.com>, 1/12/2015.
(48) Diễn đàn Dân chủ, “Đảng phái Việt Nam – Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng”, Viện Nghiên cứu Chính sách – Vietnam Policy Research Institute, Tài liệu nghiên cứu. Tháng 1-1995. Trang E8-E9.
(49a) Trần Củng Sơn, “Mặt Trận kiện báo chí”, NXB Sông Ba, San Jose, CA, 1995. Trang 77-78
(49b) Đỗ Thông Minh, “Niên biểu Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam – Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng”. 2007.
(50) Nguyễn Gia Kiểng, “Anh đã sống rất xứng đáng”, Thông Luận, Tập hợp Dân chủ Đa nguyên. Web <http://www.ethongluan.org/>, 1/12/2015.
(51) Nguyễn-Xuân Nghĩa, “Ba cuộc phỏng vấn và hai năm phóng vẩn” – Về Bọn Sát Nhân Cầm Máy Của PBS/ProPublica. Tuần báo Sống, ngày 10 tháng 11, 2015. Web <http://dainamaxtribune.blogspot.ca/>, 1/12/2015.
(52) Hà Giang/Người Việt, “Nguyễn Xuân Nghĩa: Chúng ta tiếp tục là nạn nhân của truyền thông Mỹ” Người Việt, Novemeber, 6, 2015. Web <http://www.nguoi-viet.com/>, 1/12/2015.
(53) Trần Củng Sơn, Ibid., Trang 179
(54) Nguyên Vũ Vũ Ngự Chiêu, “Một ngày có 26 giờ: những bí ẩn quanh vụ Mặt Trận William Nakamura thua kiện giới báo chí”, Houston, TX : Văn Hóa, 1995. Trang 250-281.
Năm nhân vật của Mặt Trận trong bản cáo trạng số CR 912005 là Hoàng Cơ Định (Dean Nakamura, Vụ Quang, Phan Vụ Quang), Hoàng Phan Hà (Phan Thị Hà), Nguyễn Tấn Bính (Lê Văn Nam); Phan Duy Cần (James Masuda).
(55) Hà Giang/Người Việt, “Hoàng Cơ Định: A.C. Thompson thiếu công tâm”, November 6, 2015. Web <http://www.nguoi-viet.com>, 1/12/2015.
(56) Hà Giang/Người Việt, “Nguyễn Xuân Nghĩa: Chúng ta tiếp tục là nạn nhân của truyền thông Mỹ”, November 6, 2015. Web <http://www.nguoi-viet.com>, 1/12/2015.
(57) Đỗ Vẫn Trọn, “Phỏng Vấn ông Lý Thái Hùng”, TBT Việt Tân,VTTV, Nov 12, 2015, 4’15”-5’35”. Web<https://www.youtube.com/watch?v=20K67X_Ybts>, 1/12/2015.
“TV Calitoday phỏng vấn Lý Thái Hùng”, Nov 6, 2015, 10’10”-12’. Web <https://www.youtube.com/watch?v=0mymVaAN5yg>, 1/12/2015.
(58) Hoàng Tứ Duy, “Thư Ngỏ đến Frontline/ProPublica về chương trình “Khủng bố tại Little Saigon””, Dân Luận, 5/11/2015. Web <https://www.danluan.org/>, 1/12/2015.
(59) Nguyên Vũ Vũ Ngự Chiêu, Ibid., trang 195
(60) Phạm Văn Liễu, “Trả ta sông núi” | Hồi ký 3, 2004, Nxb Văn Hoá, trang 212-3, 300.
(61) Phạm Văn Liễu, Ibid., trang 181.
(62) Trần Củng Sơn, Ibid., trang 39-42.
(62b) Michael Getler, “Unsolved Murders: A Vietnam Battle Still Being Fought in This Country”, PBS, Nov 19, 2015. Web <http://www.pbs.org/>, 1/12/2015.